Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Về tác phẩm "Siddhartha" hay "Câu chuyện dòng sông" của Hermann Hesse

Về tác phẩm "Siddhartha" hay "Câu chuyện dòng sông" của Hermann Hesse

102
0

Tác phẩm "Tất Ðạt Ða" hay như Hermann Hesse đã có lần gọi "Thi ca xứ Ấn" đã xuất hiện lần đầu tiên năm 1922 do nhà xuất bản S. Fischer tại Bá Linh ấn hành. Trước khi tác phẩm này ra đời, như Hesse đã ghi chú trong một lá thư ngày 5. 2. 1923, "đã có không những chỉ 3 năm bộn bề công việc và kinh nghiệm nhọc nhằn mà còn có hơn hai mươi năm trăn trở thao thức đa dạng với hiền triết Ðông phương". Hesse đã bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết mà ông thường gọi là câu chuyện Tất Ðạt Ða vào mùa đông năm 1919, sau khi viết xong phần đầu thì bị khủng hoảng sáng tác mất gần một năm rưỡi trời. Năm 1920 Hesse đã ghi trong tập "Từ một cuốn nhật ký": "Trong tác phẩm "Thi ca xứ Ấn" của tôi việc sáng tác đã rất tuyệt vời bao lâu tôi còn thi hóa được những gì mà tôi sống thật: tâm trạng của chàng Bà la môn trẻ tuổi thao thức đi tìm chân lý, rồi tự dằn vặt và tự ép xác khổ hạnh, rồi dần dần học được sự tôn thờ  kính nể những gì cao cả và sau đó nhận chân rằng chính sự kính nể này lại là một trở ngại để tiến đến điều tuyệt đối. Khi tôi đã chấm dứt giai đoạn đi với chàng Tất Ðạt Ða nhẫn nhục và khổ hạnh và định bắt đầu sống với chàng Tất Ðạt Ða chiến đấu quằn quại đau khổ, rồi với chàng Tất Ðạt Ða kẻ chiến thắng, kẻ thừa nhận và chế ngự cuộc đời, thì bị tắt nghẽn không sáng tác được nữa."

Với lời tuyên bố thành thật này, Hesse không những đã cho ta biết cơ cấu hình thức của câu chuyện, mà còn cho ta biết rằng ông chỉ muốn diễn đạt những biến chuyển và trạng thái nội tâm của chính mình trong câu chuyện thần thoại Ấn độ đang sáng tác, những cảm xúc mà ông đã nhận thức và đã thực sự trải qua. Năm 1919 cũng là năm mà Hesse chia tay với gia đình và đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn về mặt xã hội cũng như tâm lý. Chính hoàn cảnh ấy đã ảnh hưởng phần nào sự khủng hoảng sáng tác của ông. Bởi thế Siddhartha đã mang những nét tiểu sử của chính tác giả và phần thứ hai của tác phẩm có thể xem như giai đoạn giải phóng và tự qui của chính bản thân tác giả. Trong lúc sinh thời, Hesse thường chống lại lối giải thích cho rằng "Tất Ðạt Ða" (hay "Câu chuyện dòng sông") là một quyển sách giáo huấn, có nghĩa là một loại sách làm kim chỉ nam hướng dẫn đi đến chân lý hiền triết hay đạt đến cách sống đứng đắn. Ông không bao giờ có ý hướng đóng vai trò một nhà mô phạm hay một người lãnh đạo phong trào – như ông đã thổ lộ năm 1953 trong một bức thư nhìn lại quá khứ của mình, "mà đúng hơn là một kẻ tự thú, một người hướng thượng và là một kẻ đi tìm, một kẻ không có gì khác để trao tặng con người ngoài sự thú nhận chân thành khả thể nhất về những điều kẻ ấy đã trải qua và đã trở thành trọng yếu cho cuộc sống của chính mìnn".

Có một ghi chú của Hesse trong lời nói đầu cuốn Siddhartha phát hành tiếng Ba-tư rất bổ ích cho việc hiểu rõ Siddhartha. Ở đó Hesse đã tả tác phẩm Tất Ðạt Ða (Câu chuyện dòng sông) như là "sự thú nhận của một người vốn có nguồn gốc giáo dục theo Ki tô giáo, đã rời bỏ nhà thờ rất sớm và đã cố gắng tìm hiểu các tôn giáo khác, nhất là của Ấn độ và của Trung Hoa. Tôi tìm cách để biện minh và lập luận cho những gì làm nền tảng chung cho tất cả các tôn giáo và những hình thức hiếu thuận của con người, những gì vượt lên trên tất cả những khác biệt quốc gia, những gì đều được mỗi chủng tộc và mỗi cá nhân riêng lẻ tin tưởng và kính trọng."

Trong tương quan với những điều nói trên cũng nên nêu rõ ở đây rằng Hesse không những chỉ thông suốt lịch sử văn hóa Tây phương mà còn quán triệt kiến

Bìa tiểu thuyết Câu chuyện dòng sông, Phùng Khánh dịch

thức sâu sắc của gia tài văn hóa Á đông như Ấn độ và Trung hoa trên các bình diện văn chương, tôn giáo và triết lý qua các tác phẩm của Leopld Schroeder (Bhagavadgita) và Karl Eugen Neumann (Lời dạy của Ðức Phật), cũng như của Martin Buber (chuyện tình và chuyện ma của Trung quốc) và của Richard Wilhelm (Lão tử, Trang tử, Lý tử). Ngay cả yếu tố nguồn gốc gia đình cũng đã hỗ trợ ông trong việc hiểu biết văn hóa Á châu. Ông ngoại của ông, ngài Hermann Gundert, đã được xem là người hiểu biết sâu xa thế giới văn hóa Ấn độ. Thân phụ ông đã nhiều năm phục vụ công tác truyền giáo tại Ấn và cuối cùng, người anh họ mà ông rất thân, ông Wilhelm Gundert đã được đánh giá là một trong những người chuyển đạt văn hóa miền viễn đông quan trọng nhất với tác phẩm dịch sang Ðức ngữ "BÍCH GIAN LƯU" (BI-Yän Lu: Bản văn về Thạch bích động). Năm 1911 Hesse đã làm một chuyến viễn du sang Ấn độ – như ông nói – do "nhiều thôi thúc túng quẫn nội tâm", đến năm 1913 chuyến viễn du này thoạt tiên đã được ghi thành tài liệu trong cuốn ký sự "Từ xứ Ấn. Ghi chép về một chuyến viễn du Ấn độ.", nhất là trong truyện ngắn "Người Âu châu" và cuối cùng đã được Hesse mài dũa văn chương theo nội dung nên thơ và triết lý của nó trong cuốn Siddhartha.

Cuộc viễn du của Hesse đã chấm dứt với sự thất vọng: "Lòng đầy khao khát, chúng tôi đã đi về miền Nam và miền Ðông, bị thôi thúc bởi niềm linh cảm mịt mờ và tri ân, và nơi đây chúng tôi tìm thấy được Thiên đường, sự phong phú và lộng lẫy giàu có của tất cả những ưu sủng thiên nhiên, chúng tôi tìm thấy những con người đơn giản mộc mạc và trẻ thơ. Nhưng chính chúng tôi lại thật là khác biệt, ở đây chúng tôi là những kẻ xa lạ và không có một chút quyền công dân nào, từ lâu lắm chúng tôi đã đánh mất Thiên đường, và cái thiên đường mới mà chúng tôi muốn có và muốn xây dựng lại không tìm thấy được ở nơi miền xích đạo của trái đất, lại cũng không ở những vùng biển nồng ấm của miền đông mà nằm ngay chính trong chúng tôi và trong tương lai riêng tư của miền bắc."

Hình ảnh lý tưởng Ấn độ mà Hesse đã nuôi dưỡng từ thời thơ ấu đã đưa ông đến những kinh nghiệm viễn du đầy thất vọng này và rốt cùng dẫn đến sự nhận thức rút tỉa những hứng khởi từ triết lý Ðông phương và nhất là từ thế giới quan Phật giáo, nhận thức về tính nhất thể của nhân loại và về sức mạnh của tư duy nhất thể trong mỗi một người. Trong tập ghi chú nhật ký ngày 17. 2. 1921 Hesse đã diễn tả nội dung triết lý của kinh nghiệm chuyến đi Ấn độ như là "sự trở về cái Toàn thể không phân chia của mỗi cá thể, là bước đi giải thoát (giải phóng) sau cái nguyên lý nhất thể không chia cắt, và như thế, nói theo ngôn ngữ tôn giáo, là sự trở về của mỗi linh hồn cá thể (tiểu ngã) với linh hồn toàn thể (đại ngã), sự trở về với đấng tuyệt đối".

Trong viễn tượng nói trên, Siddhartha của Hesse là một bản tường thuật về kinh nghiệm sống, diễn tả sự nhất quán của những mâu thuẫn khai trừ lẫn nhau trong chính CÁI TÔI, CÁI NGÃ riêng tư trong bối cảnh của một Ấn đọ vô không gian và đầy huyền bí.

Trong ý nghĩa  này có thể nói trong Siddhartha những yếu tố tây phương cũng như đông phương đã được liên hợp với nhau. Trên phương diện hình thức – và từ quan điểm Tây phương – có thể đọc Siddhartha như một tập truyện dù đã được "ngoại hóa" bằng những chất liệu Á đông nhưng vẫn còn nằm trong truyền thống của loại tiểu thuyết giáo dục triển khai của Ðức, từ lý do Hesse đã dựa vào lịch sử cuộc đời của Ðức Phật Cồ Ðàm lịch sử có tên là Siddhartha (Siddhartha có nghĩa là kẻ đã đạt được mục đích của mình). Ngay cả cơ cấu bên ngoài của cốt chuyện, gồm có hai phần chính với 4 chương cũng như 8 chương liên hệ, theo Leroy R. Shaw, người bình giải tác phẩm của Hesse và là người đầu tiên đưa ra nhận xét này, cũng có thể hiểu Hesse đã dựa vào lời dạy của Ðức Phật về Tứ Diệu Ðế và Bát Chánh Ðạo để cấu tạo bộ sườn của cốt chuyện. Từ quan điểm nội dung, khi diễn tả lịch sử trưởng thành của người con trai thuộc dòng bà la môn Siddhartha, Hesse đã dựa vào lời dạy của Ðức Phật về sự trở thành nhất thể, nhất quán giữa Ngã thể và ý niệm Ðại ngã tuyệt đối. Nhưng tất cả những điểm giải thích về hình thức cũng như về nội dung ấy không nên được đánh giá một cách quá đáng, bởi lẽ ngay trong trung tâm của tác phẩm vấn đề tôn giáo nói đến không phải là một vấn đề đặc thù mà là một vấn đề phổ quát và cái "mô típ" tôn giáo đông phương trong Siddhartha có lẽ cũng có thể xem như những dấu mật mã cho biết tương quan sâu xa của Hesse đối với truyền thống tôn giáo của ông, ví dụ Ðức Phật có thể được hiểu trong tâm khảm của Hesse là hình ảnh lý tưởng mà Hesse muốn thấy trong biểu tượng Jesus quen thuộc hay tiếng "OM" có thể hiểu như là vương quốc của đấng tối cao tuyệt đối.

T.K.L

Phỏng dịch tài liệu của U. Winko, Kommentar zu Hermann Hesses "Siddhartha", ấn bản 2002 trong "Tuyển tập văn học Ðức Việt", bản song ngữ Ðức Việt, nhà xuất bản Ðà nẳng)
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here