Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Từ đại hồng chung trong chùa đến đại hồng chung tại các...

Từ đại hồng chung trong chùa đến đại hồng chung tại các nghĩa trang…

101
0

ĐẠI HỒNG CHUNG TRONG CHÙA

Không biết có từ bao giờ và ai quy định nhưng đã là chùa thì phải có chuông, chuông to, chuông nhỏ tùy theo khả năng của Tăng chúng bổn đạo của mỗi chùa nhưng phải có vì quả chuông, hay con gọi là đại hồng chung đã trở thành một pháp khí linh thiêng của chùa có ý nghĩa và sức lan tỏa rất lớn đến đời sống tâm linh của mọi người. Bởi theo như ý nghĩa của tiếng chuông chùa có thể thấu đến cõi địa ngục u ám, chúng sanh nào bị đọa nơi địa ngục nhờ nghe tiếng chuông này liền được giải thoát.

Vì vậy, nên mỗi khi chú tạo chuông nhà chùa thường có nghi lễ chú nguyện rất trang nghiêm và rất thành tâm, đồng thời trên thân của bất kỳ quả chuông nào cũng đều có trang trí các đường nét hoa văn tượng trưng cho rất nhiều ý nghĩa sâu sắc, đồng thời phải khắc hai bài kệ đánh chuông bằng chữ Hán (hoặc chữ Việt tùy theo), để mỗi khi đánh chuông, người đánh phải thỉnh lên để cùng tiếng chuông vang vọng thấu cõi âm ty và thức tĩnh chúng sanh trong cõi Ta-bà.

Bài kệ thứ nhất là cầu nguyện tiếng chuông vang đến các cõi vô hình:

Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới,
Thiết vi u ám tất giai văn.
Văn trần thanh tịnh chứng viên thông,
Nhứt thiết chúng sanh thành chánh giác

Nghĩa là:

Nguyện tiếng chuông này khắp pháp giới, thiết vi u ám cùng nghe được, căn cảnh thanh tịnh chứng viên thông, hết thảy chúng sanh thành chánh giác.

Và bài kệ thứ hai, là nguyện cho nhân loại và tất cả chúng sanh hiện còn sống trong cõi Ta-bà nầy khi nghe được tiếng chuông có thể tiêu tan phiền não, tăng trưởng trí tuệ và phát tâm Bồ-đề:

Văn chung thanh phiền não khinh
Trí Huệ trưởng bồ đề sinh
Ly địa ngục xuất hỏa khinh
Nguỵên thành Phật độ chúng sinh

Nghĩa là:

Nghe tiếng chuông phiền não nhẹ, trí tuệ phát và sinh tâm Bồ-đề, xa lìa tâm địa hẹp hòi để nguỵên độ hết thảy chúng sanh.

Vì thế để đánh chuông đúng và chuyển tải hết ý nghĩa của tiếng chuông, người đánh chuông còn được gọi một cách kính trọng nữa là người thỉnh chuông, người thỉnh chuông luôn phải định tâm, đưa tâm nguyện của mình vào trong từng tiếng chuông. Và để làm được như vậy nhà chùa đã soạn ra nghi thức thỉnh chuông.

Đại hồng chung chùa Thiên Mụ

Nghi thức thỉnh chuông thường là 108 tiếng cho thời gian thỉnh một giờ đồng hồ hoặc có chùa thì phương tiện còn 54 tiếng cho 30 phút…và khi khai chung (bắt đầu vào thỉnh chuông) thường là đánh liên tục 7 tiếng sau đó đọc kệ và thỉnh từng tiếng chuông cách nhịp giữa mỗi tiếng chuông khoảng 30 giây khi đánh đủ 108 hoặc 54 tiếng thì nhập chuông cũng đánh liên tục 7 tiếng, sau đó đánh tiếp 3 tiếng chậm nữa là xong (nói gọn là vao 7 ra 3).

Ở các ngôi chùa Việt thường thỉnh chuông vào hai buổi sáng, tối trong ngày. Buổi sáng thường là từ 3giờ 30 đến 4 giờ (trước thời công phu sáng), buổi tối thường là từ 7 giờ đến 7 giờ 30 (trước giờ kinh Tịnh Độ)

Với ý nghĩa và tính linh của  quả Đại Hồng chung như thế, nên có nơi còn gọi một cách tôn kính nữa là "ông chuông" và ông chuông luôn được tôn trí bên phải tiền đường chùa (từ ngoài nhìn vào), hoặc có chùa còn làm lầu chuông, gác chuông rất đẹp, rất tôn nghiêm để tôn trí "ông chuông.  

ĐẾN ĐẠI HỒNG CHUNG TẠI CÁC NGHĨA TRANG…

Đại hồng chung tại nghĩa trang liệt sĩ Đường Số Chín – Quảng Trị

Thời gian gần đây, tại nhiều nghĩa trang liệt sĩ và các khu di tích lịch sử cách mạng như tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nghĩa trang liệt sĩ Đường Số Chín, di tích Thành cổ (tỉnh Quảng Trị); nghĩa trang liệt sĩ thành phố Huế, nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo; Nghĩa trang Liệt sĩ Việt – Lào (Nghệ An), tháp chuông Hòa Bình trên núi Ngũ Phong, TP.Huế và mới đây nhất người ta đã cho chú tạo Đại Hồng chung tại khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh…do các tổ chức và cá nhân phát nguyện chú tạo và hiến cúng. Có nhiều quả chuông rất to và rất đẹp được tôn trí trong nhiều lầu chuông rất quy mô để mọi người khi đến viếng đều có thể thỉnh lên những tiếng chuông và gởi gắm tâm nguyện của mình cùng với tiếng chuông để cầu nguyện cho hương hồn các chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn…được siêu thoát và cầu nguyện đất nước hòa bình, nhân dân an lạc.

HT. Thích Chánh Liêm khai chuông tại nghĩa trang Trường Sơn – Quảng Trị

Đó là một việc làm rất có ý nghĩa, và rất "khế cơ, và khế lý" triết lý chuông. Tuy vậy, để tiếng chuông vang vọng đúng như ý nghĩa sâu xa vốn có của nó thì người bảo quản cũng như người đánh chuông tại những nghĩa trang, những khu di tích lịch sử cách mạng cũng phải biết sơ qua cách thức đánh chuông để chú tâm hơn mỗi khi cầm vồ đánh chuông. Bởi  giá trị sâu xa nhất của tiếng chuông là thẩm ấm, cảm âm. Mỗi tiếng chuông như đã nói phải là âm thanh của tâm thức, của tính linh chứ không phải đơn thuần chỉ là tiếng đồng vang vọng. Do vậy dẫu chỉ đánh 1 tiếng, 2 tiếng hay 108 tiếng…người đánh cũng luôn chuẩn bị cho mình một tâm thức nhẹ nhàng thanh tịnh và nhất là phải thành tâm vì như thế mới thực sự gởi gắm tâm nguyện của mình vào trong từng tiếng chuông…Để làm được như vậy người đánh chuông phải biết cách đánh chuông và khoảng cách giữa các tiếng chuông với nhau như chúng tôi đã nói ở trên.

Chư Tôn đức khai chuông Thành cổ Quảng Trị

Tốt nhất, khi đánh chuông nên chú tâm vào các bài minh khắc trên chuông, qua bài minh đó để gởi tâm thành cầu nguyện của mình đi cùng tiếng chuông thì không gì tốt đẹp bằng. Và để tiếng chuông vang vọng lên những thanh âm giải thoát, của sự thức tỉnh và của sự vô phân biệt, người đánh chuông phải lắng lòng thanh tịnh tự tay mình thỉnh lên những tiếng chuông nguyện cầu các chiến sĩ trận vong siêu thoát nhẹ nhàng như tiếng chuông nầy. Như lời đề từ của GS AHLĐ Vũ Khiêu khắc trên thân chuông tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn:

Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ
Dạt dào Đông Hải khí anh linh
Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí
Muôn dặm non song nặng nghĩa tình

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thỉnh đại hồng chung tại nghĩa trang Trường Sơn

Hoặc để lòng mình nhẹ nhàng thanh thản khi thỉnh lên những tiếng chuông giải thoát và thầm chú tâm đến những lời cầu nguyện và lời đề từ đầy xúc động  cũng của GS AHLĐ Vũ Khiêu khắc trên quả chuông tại nghĩa trang Đường Số Chín:

Hồi chuông vị quốc rung Nam Bắc
Ngọn lửa anh linh rực đất trời
Muôn dặm từng vang đường Số Chín
Ngàn thu còn mãi tuổi hai mươi.

 
 Lễ rót đồng đúc đại hồng chung Đồng Lộc – Hà Tĩnh

Nếu mọi người ai ai khi đánh lên những tiếng chuông với tâm niệm như thế thì chúng tôi tin chắc rằng, chúng ta cùng với những nghĩa cử đầy nhãn quan giải thoát của những người tiến cúng chuông sẽ cùng thanh âm du dương thiền vị của tiếng chuông giải thoát phối vào khi anh linh hồn thiêng sông núi giữa bạt ngàn tiếng gió vi vu  thì không những hương hồn của các chiến sĩ trận vong sẽ được siêu pháp giới, mà những người con sống hôm nay, những chúng sanh trong cõi Ta-bà nầy cũng được nhẹ nhàng hơn, sống có ích hơn và quốc gia dân tộc cũng được hưng thịnh hơn…

K.L

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here