Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Thương nhớ hoàng lan

Thương nhớ hoàng lan

115
0

Đọc Trần Thuỳ Mai, người ta thường thấy chất giọng Huế, màu xanh Huế, tính cách Huế trong tác phẩm và xem đó như là dấu ấn phong cách của chị. Còn với tôi, Thương nhớ hoàng lan là một tác phẩm rất Huế hoàn toàn.

Tác phẩm mở màn hay một ngày mới bắt đầu, sao lại bàng bạc lung linh cái không – thời gian sương khói huyền ảo của chốn thần kinh này?

Tôi sinh ra dưới một mái chùa. Nghe kể rằng sư phụ tôi khi ấy còn trẻ, một hôm đi ngang bỗng động tâm hỏi: “Mô Phật, sao sau chùa lại phơi tả lót?” Nghe chuyện đời cha tôi, thầy bảo: “Hãy nhớ ngày này. Nếu có cơ duyên, mười năm sau ta sẽ trở lại.” Trở về thầy bỏ tăng viện, lên một ngọn núi hẻo lánh trong rú xa, dựng mấy nếp nhà cỏ. Từ ấy, thầy ẩn tu, hiếm khi xuống núi.”

Hãy nhớ ngày này. Nếu có cơ duyên, mười năm sau ta sẽ trở lại.” Câu nói huyền bí ấy dẫn dắt tôi trở về sống lại trong tâm tưởng vẻ đẹp uy linh của các bậc cổ đức lên núi chống trượng, mở ra thiền phong cho xứ sở này. Huế là chốn đế đô nhưng cũng là đất thiền kinh. Không ở đâu như ở đây, ranh giới giữa đạo và đời rất ngắn: “đã không bỏ đời theo đạo được thì ông đem đạo về giữa đời” . Có lẽ đó cũng là một nét tính cách Huế. Lòng người Huế như chỉ có hai bờ, một bờ nhớ và một bờ quên, nghiệt ngã. Làm người Huế, trái tim hơn một lần vật vã, bỏ không đành mà giữ cũng mong manh. Nhân vật trung tâm, đồng thời là người kể chuyện – chú Đăng Minh – có xuất thân khá đặc biệt. Thân sinh của Chú vốn là người xuất gia, thuở ở Điệu nổi tiếng thông minh, mười lăm tuổi chép rành kinh chữ Hán. Rồi vì học giỏi và đạo hạnh, được cử làm giáo sư ở trường trung học Bồ Đề. Lúc người sắp được phong Đại Đức thì gặp cô bé nữ sinh tinh nghịch, có đôi mắt hút hồn, đôi môi đầy đam mê và cái tính thích cái gì thì làm cho bằng được. Cô bé ấy về sau chính là mẹ của Đăng Minh. Nhưng bà chỉ sống với Chú trong một đoạn đời rất ngắn. Vô minh đã dẫn bà đi tìm một thứ hạnh phúc mà mình muốn. Hình như vị Thầy với linh giác đã nhìn thấy được những tố chất đau buồn, long đong của kiếp người tiềm ẩn ở Đăng Minh ngay từ khi Chú mới lọt lòng. Có thể nói, xứ Huế tác thành cho Chú một trái tim đa tình, người cha truyền thừa cho Chú tư chất mộ Phật, trái tim Bồ tát và người mẹ để lại trong sâu thẳm tâm hồn Chú một tính cách tinh nghịch, một khoảng trống tình cảm và lòng yêu hoàng lan, loài hoa quý và đẹp mà bà thường cài bối vào tóc cho thơm. Chú Đăng Minh thời thơ ấu đã có đủ các hạt giống tâm hồn ấy. Chúng sẽ đi theo trọn đời và chi phối đến nhân cách sau này của Chú.

Khi nhân duyên hội ngộ, điều gì đến ắt phải đến. Vị Thầy mười năm xưa, bây giờ hạ sơn. Sao lại mười năm?  Vâng, mười năm là thời gian viên thành cho một công trình tu tập, mười năm cũng là thời gian đủ để đứa bé trở thành một con người có ý thức, để “một dòng sông đã qua đời”. Thầy xuống núi để giảng kinh. Chính xác hơn, là để thực hiện lời hứa độ sinh mười năm cũ. Sau buổi giảng kinh, không ai khác mà chính Đăng Minh, người xin được cất bước theo chân Thầy. Thân phụ của Chú ôn tồn bảo rằng: “Kinh sách ở đây, chuông mõ ở đây, con còn đi đâu?” Hơn ai hết ông hiểu rõ rằng, ở đâu cũng tu được, nếu lòng của mình thật sự khế hợp với lòng của Phật! Hơn nữa, dân gian không phải từng bảo rằng: “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là chân tu.” Ở con người ông, chất Thiền đậm hơn chất Nho, nhìn cuộc đời bằng con mắt tuỳ duyên tự tại. Trong thâm tâm một người bố, ông vẫn sợ đứa con sẽ dẫm vào lối mòn mà mình đã bước. Cho dẫu Đăng Minh là chỗ dựa còn lại duy nhất của đời mình, nhưng ông vẫn chỉ nói thê, mà không hề ngăn cản. Chuyện xuất gia, âu cũng là túc duyên, luận bàn sao thấu được! Nếu được gọi tên, tôi sẽ gọi động cơ vào đạo của Đăng Minh là Tình thương, thương người cha khắc khoải niệm tụng đêm đêm, thương người mẹ đang lang thang đang đi tìm hạnh phúc ở chân trời viễn xứ và, thương cho chính sự xuất thân éo le, ngang trái của bản thân mình. Cho nên Chú chỉ trả lời cho câu hỏi ấy bằng sự lắc đầu. Đó là tư chất giác ngộ đầu tiên mà Đăng Minh đã có trong sự chọn lựa chí hướng của mình.

Nhân vật Đăng Minh, đúng như tư chất và logic nội tâm của Chú, lớn lên, được cắp sách đến trường, tiếp xúc với bạn bè nữ giới, đã va chạm bức tường thành ngạo nghễ ấy. Cô bé nữ sinh có tên loài hoa đẹp của mẹ – Lan – tinh nghịch với đôi mắt trong trẻo và cái cười hồn nhiên như trẻ thơ, sau nhiều lần lên chùa chơi đã “hớp hồn” Chú. Không chỉ một mà cả hai trái tim, có lúc là những mảnh buồm đang chao trước gió. Chưa vội bàn nhiều đến tình yêu nghĩa rộng! Ở đây, chúng ta hãy nói đến loại tình yêu theo nghĩa hẹp này, vốn rất bình thường và rất nhân tính. Có người với tấm lòng rộng mở đã nói, một người đi tu trái tim vẫn luôn hướng về con đường mình đã chọn, chỉ cần dành riêng một góc nhỏ cho tình yêu thì nếu thật có đức Phật, Ngài cũng sẽ thông cảm thôi mà! Tình yêu, tình cảm vốn không có lỗi. Động cơ đi xuất gia của Đăng Minh lại vốn đáng được trân quý: “Cháu đi tu không phải là mong lọng vàng che đầu. Chỉ vì nguyện giữ thân trong sạch để tụng cho mẹ cháu một nghìn lần kinh Thuỷ sám”. Chúng ta sẽ quá khắt khe chăng, khi đàm tiếu nếu Đăng Minh không đi tiếp con đường đã chọn để đến Đại Đức, Thượng Toạ, Hoà Thượng?

Tình yêu nẩy nở giữa hai tâm hồn – Minh và Lan – chẳng qua là kết quả tất yếu của sự chuyển vị hai ngôi mẹ và cha trong cấu trúc tam giác Oedipe: cha – con – mẹ. Minh tìm thấy trong Lan hình bóng tinh nghịch và đáng nhớ của mẹ và Lan tìm thấy trong Minh trái tim yêu thương, chăm sóc hoa trái của bố. Dù tác giả không nói ra điều này nhưng cách xây dựng các nhân vật trong tác phẩm tự thể hiện ý đồ nghệ thuật ấy. Trần Thuỳ Mai đã có cách nói khác, khéo léo hơn nhiều. Tính chất tư biện hợp lý và khó người phản bác của kiểu tình yêu này được chị xử lý và chuyển tải rất riêng và hiện đại.

Anh xem tu hành là chuyện tử sanh của anh. Vậy nếu em lại xem em là chuyện tử sanh của em thì sao? Anh và em, ai đi trọn đường, ai bỏ cuộc?”

Vẫn biết tình là khổ, nhưng khó lòng bứt ra được, bởi ở đây, tình yêu còn được kết dính bằng chất keo thách đố, tình là lụy. Trong tình yêu, bản ngã lên ngôi và tình yêu cũng là nơi thử lửa của bản ngã đó. Càng yêu, càng đau khổ, và khi khổ đau lên tột cùng mà bản ngã vẫn chưa chịu quy hàng thì người ta lại chơi trò bán rẻ tính mạng. Cô bé Lan trong tác phẩm đã uống hai mươi viên Ceducen để tự tử!

Tình thế đứng giữa hai dòng nước khó xử ấy đã đặt Đăng Minh vào một mê lộ giữa đạo và đời, ma và Phật. Tác giả đã đặt nhân vật vào một thử thách lớn. Cái khó trong tu tập cũng như trong tình yêu, đó là sự đòi hỏi bản lĩnh phải vượt qua chính mình. Có lẽ ai đó đã một lần chọn cho mình con đường xuất thế ngay từ tuổi trái đào, hẳn sẽ phải đối diện một lần trước sự lựa chọn khó khăn giữa hai loại tình thương: tình thương của bậc bồ tát và tình thương chấp thủ của con người! Đúng như điều người bố dự cảm, Đăng Minh đã đến trước lối mòn mà ông đã đi qua. Ngày xưa người thanh niên đạo hạnh ấy, Vì lòng đại bi: “Thầy dạy con tu hành để cứu chúng sinh. Nay con có thể cứu một sinh linh, sao lại khước từ” mà làm bồ tát tại gia giữa cõi trần. Bây giờ mẹ Lan lại bảo: “Con cứu nó cho bác đi con”  Đăng Minh sẽ chọn lối nào? Cương quyết để là người thắng cuộc, hay dẫm vào lối mòn của bố? Lối nào cũng khó cả, bởi cả hai đều đòi hỏi một sự hy sinh lớn. Cũng chính tình thương là yếu tố thứ nhất giúp Chú vượt qua bước đầu của cửa ải này. Thường khi yêu và chọn ai làm người bạn đời, người ta thường nghĩ đến những khả năng hạnh phúc mà mình có thể mang lại cho người ấy. Tuy chưa bao giờ thử khả năng ấy nhưng hình ảnh của người mẹ tội nghiệp thị hiện về khiến Chú không thể nào bước vào con đường mòn ấy được. "Nhớ tới mẹ, tôi bất giác đau đớn trong lòng, đứng dậy đi…” Tất cả đều là sự lựa chọn của các kiểu tình thương, nhưng tư chất giác ngộ không cho phép Chú chọn kiểu tình thương có nhiều đau khổ. 

Tình thế không đơn giản như thế là xong, chính Đăng Minh là người đa tình, những mối tơ mành trong tâm không dễ một hai là gỡ ra được. Phải một lần nữa thoát xác. Đăng Minh trụ vững được cũng chỉ trong chân tơ kẻ tóc và lần này chiến thắng của Chú lại nhờ vào cơ duyên tốt.

Một lần yêu thương, một đời bão nổi”. Sau vết thương lòng đó, trái tim nào chịu ngủ yên. Đăng Minh tự hành hạ mình như kẻ sắp chết khát phải đào giếng. Mà Chú đã nguyện lưu đày, tự tay đào giếng thật! Chỉ cần đào xong thôi là người sẽ dứt áo về đời để theo tiếng gọi của tình thương khổ lụy trần thế. Đạo và đời ở đây, một lần nữa được nối liền bằng một sợi tơ quá mảnh. Sự đấu tranh trong lòng diễn ra quá gay gắt, có đêm Chú mê sảng, kinh hoàng trong giấc mơ về hình ảnh chiếc lá sắp lìa cành, thẳng rơi vào khoảng không vô tận. Chú tự bạch với Thầy: “Thầy ơi, nếu vào Niết bàn mà phải đạp lên một chiếc lá, Phật có làm không?" Chiến thắng, dù là chiến thắng gì khi phải đổi bằng tính mạng của đối phương thì cũng không hợp với tinh thần từ bi của Phật. Có thể xuất phát từ quan niệm đã được nghệ thuật hoá này, Trần Thuỳ Mai đã giải quyết mâu thuẫn đó bằng một kết thúc khá đặc biệt. Đăng Minh là người thắng cuộc và đi trọn đường. Thắng lợi trong gang tấc ấy có được là nhờ Lan rút lui. Có lẽ Lan tự thấy không thể lay chuyển được tận gốc trái tim của người chân tu, nhưng trên hết đó chính là sự tự nguyện hy sinh của cô. Đã đi mà chẳng tới, lẽ ra thì phải chết. Nhưng em chết thì anh cũng không thể yên lòng đi trọn con đường tu. Vì vậy em đã quyết lấy chồng xa xứ … Nhưng đi Tây đi Mỹ không là phải chí nguyện của em. Lấy một người mình không thương, đến một nơi xa lạ thì với em còn khổ hơn là chết. Xin anh hãy tụng cho em một lần kinh cầu siêu thoát, một lần thôi. Trước khi ra đi, Lan đã viết lại những lời chân thật và cao thượng của lòng mình như thế. Vâng, một lần thôi, chứ không phải một nghìn lần “quá lao nhọc” như Đăng Minh nguyện sám hối và cầu siêu cho mẹ, một lần thôi, đọc đến đây tôi cảm thấy ứa nước mắt. Mà chính nhân vật cũng bất giác oà khóc trước chiến thắng của mình. Nước mắt ấy là hoá thân của hạnh phúc tràn bờ hay khổ đau nuối tiếc? Chỉ biết rằng đó là những dòng tục lụy cuối cùng để đưa chiếc thuyền lòng vào neo nơi bờ thanh thản.

Có hai hình tượng đẹp, đáng trân quý và đáng nhớ mà Trần Thuỳ Mai đã xây dựng thành công trong tác phẩm, đó là vị Thầy và cây hoàng lan.

Là người có linh giác về tương lai con người, rất nghiêm mà giàu lòng từ mẫn, không la rày trách cứ như người sư huynh, không hẹp hòi phân biệt như người cô, lại có tâm bình đẳng, dung thông, nhìn đời vốn không trong không đục, sinh ra đời được trưởng ngộ bậc minh sư giác ngộ như thế này, quả là một diễm phúc lớn mà Đăng Minh có được. Đăng Minh, cái tên có ý nghĩa thật hay – ngọn đèn đang chiếu sáng – là chính Thầy đã đặt. Phải chăng, Thầy đã ký thác một niềm tin kiên cố vào người đệ tử chân tu tương lai: giàu lòng từ bi, trí tuệ, có bản lĩnh và khả năng độ cha, độ mẹ và hết thảy chúng sinh đang mê mờ trong vô minh sang bờ giác? Điều đáng quý là Thầy thấu hiểu được hoàn cảnh, căn cơ và tư chất giác ngộ của đệ tử mình. Khi thấy lòng đệ tử mình đang chao, lòng từ bi đã bị vướng ái kiến, Thầy không rầy la, mà chỉ nhìn thẳng vào mắt đệ tử một cách thuỳ từ và trả lời: "Chỉ có con tự trả lời được thôi. Ngày mai con hãy về, cứ nhìn thẳng vào nghiệp duyên mà tự quyết lòng mình”. Đức Phật cũng chỉ là người chỉ đường, còn việc chọn lựa và đi hay không là mỗi người phải tự quyết và tự độ!. Khi thấy đệ tử đang oà khóc, luống cuống che mặt, Thầy từ bi và thông cảm, vỗ về: "Cứ khóc đi con”. “Thầy chưa nghe nói gỗ đá thành Phật bao giờ”  Khi đệ tử xin phép, được hay không, trồng cây Hoàng lan tội nghiệp ấy, Thầy bảo: "Cỏ cây vô tội, Sao mình không thể bao dung”. Đặc biệt vị Thầy tuyệt vời ấy đã để lại trong lòng người đọc một ấn tượng quá đẹp, khiến người ta bật khóc khi một tay dắt người đệ tử đáng thương, một tay cầm túi cây đến bên góc vườn, thầy tự mình trồng xuống. Sau Giác Duyên, chính Thầy là hiện thân vẻ đẹp tình thương quảng đại và trí giác của vị Tăng trong đạo Phật đã thong dong bước vào thế giới nghệ thuật ngôn từ.   

Hoàng lan được tưới tẩm, lớn lên từ nước giếng chùa mà chính Đăng Minh đã tự đào khi cố gắng kéo dài thời gian, vượt qua cửa ải cuối cùng. Tất cả trong một. Gởi tình yêu vào đất, được hoa trái đầy cành. khi hoàng lan nở hoa, thì lòng của Đăng Minh cũng khế hợp với lòng Phật. Tính hiện đại va chất triết lý sâu sắc của tác phẩm được gởi trọn vào hình tượng cây hoàng lan này: Tình yêu cứu rỗi cái đẹp. Cái đẹp lại mong manh trước ngọn gió vô thường, vì chấp thường cho nên chúng sanh đau khổ. Nhưng rồi chính đau khổ là chất liệu làm nên hạnh phúc. Con người có khát vọng thành Phật – khát vọng vươn tới chân, thiện, mỹ – nhưng hãy nhớ sự thành Phật của con người sẽ là hư vô, ảo tưởng nếu nó không khởi nguồn từ tình thương – thương chúng sinh. Trong cuộc đời, có lẽ mỗi người nên gieo trồng trong mảnh đất lòng mình một cây hoàng lan như thế. Hoàng lan sẽ nở hoa vàng mong manh. Mong manh như tất cả những gì đẹp trên thế gian này.

H.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here