Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Phật Giáo Việt Nam đang lụi tàn hay khởi sắc (?!)

Phật Giáo Việt Nam đang lụi tàn hay khởi sắc (?!)

97
0

Có chăng đạo Phật đang thoái trào và sẽ có một ngày tàn của Phật giáo. Ngày đó còn bao xa và sẽ như thế nào? Đem chuyện ký ức của hàng trăm thế kỷ để nói chuyện cường điệu biển trời qua vài trang giấy thì cũng chỉ là một cuộc chơi đuổi bắt phù dung.  Hay có khá hơn chăng thì cũng chỉ là “phù thế giáo một vài câu thanh nghị” theo tinh thần kẻ sĩ Nguyễn Công Trứ giữa đời.  Ước mong, qua hình thức đối thoại hay độc thoại nho nhỏ nầy sẽ mang lại chút tinh thần hào sảng và thống khoái nhẹ nhàng như gặp bạn hiền chia sẻ một “chung trà tâm sự” đầu năm.

* *

Bài viết của cả hai tác giả, Allen Carr và Nguyễn Hữu Liêm đều có chủ đích nói lên thực trạng đáng quan ngại về Phật giáo trước sự vận động truyền đạo và cải đạo quy mô và năng động của các tôn giáo viễn chinh thế giới. Dẫu đồng ý hay không, ý kiến của họ cần được lắng nghe, nhưng đồng thời cũng cần được góp ý.

Lên Kế hoạch cho Ngày Tàn của Phật giáo (Planning the Demise of Buddhism) là nhan đề một bài điểm sách  của Allen Carr.  Đây là bài viết nhận định về cuốn sách “Những Nhóm Dân Tộc  trong Thế Giới Phật giáo: Cẩm Nang của Tín Đồ Tin Lành” (Peoples in the Buddhist World: A Christian Prayer Guide) của Paul Hattaway.[3]  

Theo Allen Carr,  cuốn sách “Những nhóm dân tộc trong thế giới Phật giáo: Cẩm nang của tín đồ Tin Lành” của Hattaway, tuy là một cuốn sách viết về đạo Phật nhưng chẳng nói gì về lý thuyết nhà Phật cả.  Suốt 453 trang của cuốn sách, tác giả Hattaway chủ yếu nói về nỗ lực và các phương thức vận động, lôi kéo và chinh phục mới – quyết liệt và năng động nhất – để truyền đạo và tìm cách cải qua đạo Tin Lành đối với thế giới đạo Phật tại châu Á.  Đối tượng được liệt kê và điều nghiên cụ thể là 316 nhóm dân tộc trải dài và vòng quanh từ Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Hoa, Mông Cổ, Đại Hàn, Nhật Bản, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Cam Bốt, Miến Điện, Tích Lan và các  vùng xa, vùng sâu nằm giữa biên giới núi rừng của các nước châu Á.  Hattaway nhấn mạnh và đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể trong tác phẩm rằng, với cấu trúc lỏng lẻo của một hệ thống tôn giáo quá tự do, các tu sĩ và tín đồ Phật giáo là những đối tượng rất dễ chinh phục cho những nổ lực vận động cải đạo.  Nếu cộng thêm vào đó, tăng già không hòa hợp gây trở ngại cho tứ chúng đồng tu thì kiến trúc của tổ chức Phật giáo rất dễ chao đảo và nghiêng đổ trước những cơn gió quét của thời đại. Allen Carr tỏ ra quan ngại về khả năng lụi tàn của Phật giáo.  Theo ông, nếu không có một sự chấn hưng bắt kịp thời đại thì trước sự tấn công cải đạo, Phật giáo sẽ rất khó vững vàng truyền thừa hành đạo trong một tương lai trước mắt.

Nguyễn Hữu Liêm (NHL) là một luật sư, một giáo sư triết học đang hành nghề tại Hoa Kỳ.  Ông cũng là một cây bút về nhiều đề tài rất tế nhị và nhạy cảm thuộc thể loại chính luận.  Do có nhiều dịp tiếp cận với thực tế sinh hoạt chính trị, xã hội, giáo dục và tôn giáo Việt Nam trong và ngoài nước, nên bài viết của ông vừa có dạng nghiên cứu, vừa mang tính quan sát, bình luận và hiện thực phê phán.

Với Nguyễn Hữu Liêm, quan điểm triết học đóng vai trò chủ đạo trong bài viết về đạo Phật.  Mở đầu bài viết, NHL xác định hiện tượng “thoái trào” – mạt pháp (?!) – của đạo Phật đang xẩy ra như sau:

“1. Trí thức Phật tử Việt ở hải ngoại bỏ chùa để theo tu học các giáo phái khác.
2. Quần chúng ở trong nước, ở các vùng thôn quê vốn có ảnh hưởng Phật giáo, nay đi theo đạo Tin lành ngày càng đông.”

Tiếp theo, NHL nêu lên động lực làm cho đạo Phật Việt Nam thoái trào là vì giáo lý nhà Phật xa vời, khó hiểu như một hiện tượng biểu dương chữ nghĩa, không đáp ứng được khát vọng tri thức và nhu cầu tâm linh của những con người trong thời đại mới.  Ông viết: “Có nhiều lý do cho sự thoái trào này. Trong bài này tôi chỉ nêu lên hai vế của một vấn đề khái niệm và ngôn ngữ: cái gọi là “Tính Không” và “Thượng Đế”. Khi giáo lý nhà Phật – vốn được hiểu bởi quần chúng – phủ nhận “Thượng Đế” và “linh hồn”, thì đối với tâm thức khát khao niềm tin của con người thời đại, Phật giáo không còn hấp dẫn đối với họ. Trên phương diện học thuật, khi “Tính Không” trở thành một đối thể tri thức cho trí thức Phật giáo, khi trò chơi ngôn ngữ nay đã trở thành một “bình ruồi” (nói theo Wittgenstein) mà kẻ tham dự không thoát ra được, Phật giáo chỉ còn là một hoài niệm hay là một tự ái bản sắc cá nhân.”

Mở đầu xây dựng luận điểm, NHL đã dùng quan điểm triết học ứng dụng (applied philosophy) của trường phái chữ nghĩa thực dụng Wittgenstein, Heidegger, Dewey và Marx [4]vào thời kỳ những năm 1930 để làm phương tiện nhận định và phân tích về khái niệm thuộc phạm trù tri thức luận như Tánh Không của đạo Phật.  Qua lăng kính “ứng dụng”, NHL đã thấy lý Tánh Không của đạo Phật cũng tương tự như cái bình ruồi của Wittgenstein(!).  Với Wittgenstein, biểu tượng bình ruồi là hình ảnh những con ruồi nằm trong bình thủy tinh, thấy cảnh vật xung quanh nhưng không bao giờ đụng tới được.  Đây là một cách hình tượng hóa về tính chất phù phiếm; về trò chơi chữ nghĩa xa vời, viễn mơ mà chẳng thực hiện được điều gì cụ thể trong thực tế của hệ thống triết học cổ điển. Ludwig Wittgenstein cho đó là một hình thái ngôn ngữ bị lâm nguy giữa hai cực đoan ù lì và thánh hóa (idle and idol).  Wittgenstein và những triết gia cùng khuynh hướng đã ra sức cổ xúy cho một nền triết học ứng dụng, đem tư tưởng và chữ nghĩa vào đời sống hiện thực để góp phần xây dựng và cải tạo xã hội.  Chính bản thân triết gia Wittgenstein cũng đã có lúc xông xáo “áp dụng” tư tưởng triết học thực dụng của ông bằng cách ra khỏi tháp ngà sách vở, bắt tay vào cuộc sống hiện thực, dạy học cho trẻ con ở những vùng quê xa xôi, phụ làm vườn… và những công việc tay chân.

Về mặt kinh điển và nguyên lý, Tánh Không là tư tưởng chủ đạo, là trái tim của toàn bộ hệ thống triết lý Phật giáo.  Cả ba pháp thế gian (phàm nhân), pháp quán niệm thế gian (hành giả) và pháp xuất thế gian (bậc chứng ngộ) đều lấy Tánh Không làm cửa ngõ đi vào Tánh Phật.  Giới Phật tử xuất gia cũng như tại gia đang tụng niệm, suy niệm và quán niệm trong quá trình tu học và hành đạo hàng ngày trực chỉ Tánh Không. Đó không phải là “cái gọi là” làm bánh vẽ trang trí tri thức mà là “nguồn khai phóng” xác tín và độc sáng của đạo Phật để làm căn bản xây dựng cách nhìn về về vũ trụ và con người. Trí tuệ bát nhã không phải là một trò chơi chữ cao cấp theo kiểu triết học thuần lý phương Tây mà là một quá trình nhìn sâu, nhận rõ, nắm bắt, dùi mài, tu chứng và ứng dụng tuệ giác vào công cuộc xả ly tham vọng và cứu khổ cho mình và cho đời.  Người hiểu Đạo (Phật) không phải là những con ruồi bị nhốt trong bình thủy tinh “thấy vậy mà không rớ vào được” kiểu Wittgenstein.  Ngược lại, người theo đạo Phật nhờ hiểu đạo nên đủ sức mạnh để đập vỡ cái bình của vô minh và dục vọng để tìm cầu giải thoát và an lạc.  Tánh Không thực sự là một triết lý sống (living philosophy) chứ không phải là một sản phẩm hoang tưởng để đi tìm đất ứng dụng cho bầy ruồi của Wittgenstein như theo lối suy diễn của tác giả NHL.

Để góp ý một cách cởi mở và thoải mái với Nguyễn Hữu Liêm, Allen Carr và luôn cả với Paul Hattaway (nội dung tương tự bài này cũng được viết lại bằng tiếng Anh và sẽ gởi đến hai tác giả liên hệ), xin được chia bài viết nầy thành 4 phần nhỏ để tiện theo dõi:

1.  Đi tìm Thượng Đế
2.  Thượng Đế, Tánh Không.
3.  Ngày tàn của đạo Phật (?!)
4.  Tánh Phật giữa đời thường.

T.K.Đ

—————————–

[1] http://www.phattuvietnam.net/5/276
[2] http://www.buddhismtoday.com/viet/diemsach/kehoachchongaytancuaPG.htm
[3] http://www.bookfinder.com/dir/i/Peoples_Of_The_Buddhist_World-A_Christian_Prayer_Guide/1903689902/
[4] http://www.philosophypages.com/ph/witt.htm

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here