Trong kinh Thuỷ Dụ số 25 và Kinh Uế Phẩm (Trung A-hàm), đức Phật có dạy:
1. Bạn phiền ai đó về cử chỉ, hành động không ra hồn, không đàng hoàng (không đúng oai nghi). Nhưng lời nói của người đó luôn từ hoà và không cau có, thì bạn hãy cảm nhận lời nói mà phát sinh tình thương. Có lẽ nhờ điều này mà bạn sẽ giải toả cơn phiền muộn chăng?
Một ly nước chanh thơm ngon, bị vấy vết lọ nồi, bạn đang khát nên chùi vết lọ đi, ly nước mát kia sẽ là niềm vui làm dịu đi cơn khát.
2. Lại nữa, bạn phiền ai đó về cách xưng hô không lịch sự, không nhã nhặn, hoặc giả giọng khó nghe. Nhưng tư thế đi đứng của người đó không vội vàng, thiền toạ uy nghiêm, bạn hãy đặt niềm tin vào hành động của người đó mà phát sinh tình thương. Có lẽ nhờ điều này mà bạn sẽ giải toả cơn phiền giận chăng?
Một cái mâm đồng sạch giữa cái mâm đồng nhơ, người cần nó mua về rửa sạch và dùng nó vào các việc. Người đó đâu bận tâm về vị trí của cái mâm này là từ những cái mâm nhơ kia!
3. Lại nữa, người kia nói và hành động đều không có điểm nào vừa lòng bạn. Nhưng tâm tư, nguyện vọng của người kia luôn hướng về Tam bảo, luôn suy tư về khổ đau của mọi người. Bạn đừng nhìn nơi hành động và lời nói, hãy nhìn hạnh Bồ-đề của người đó mà phát sinh tình thương. Có lẽ nhờ điều này mà bạn sẽ giải toả cơn phiền giận chăng?
Chúng ta hoặc được nghe kể hay đọc truyện Lưu Bình – Dương Lễ, một chén cơm thiu và một quả cà chua thối, một lời nói hất hủi của Dương Lễ, mà đó là kết quả đỗ trạng nguyên của Lưu Bình!
4. Lại nữa, bạn ấy với ba nghiệp thân, miệng, ý đều tạo nghiệp xấu ác. Bạn hãy nghĩ và thương bạn ấy: Thật đáng thương cho bạn ấy, đang lần đi vào con đường khổ. Nghĩ như thế nên bạn phát sinh tình thương. Có lẽ nhờ điều này mà bạn giải toả cơn phiền giận chăng?
Người viết tự hổ thẹn khi chính bản thân thường làm sư phụ phiền hà. Thế nhưng, với lòng từ bi người luôn nhắc nhở: “Sư phụ cứu con như Ngài Địa Tạng cứu chúng sinh buổi sáng, buổi chiều đã tọt vô lại rồi”. Khởi tình thương của Bồ-tát “bất từ bì quyện”, bạn sẽ dễ dàng tha thứ cho mọi người, lòng từ bi sẽ hoá giải được cơn phiền muộn của bạn.
5. Lại nữa, một người hoàn hảo về cả ba nghiệp, là người dễ dàng để bạn tự rước phiền muộn vào lòng, bởi bạn dễ dàng ganh tị với những gì mà người ấy có. Cho nên, bạn hãy thật sự khởi tâm vui mừng khi gần gũi bạn ấy. Bạn thật sự hoan hỉ với việc làm của bạn ấy. Chính điều đó làm phát sinh tình thương trong bạn và giúp bạn giải toả cơn phiền giận chăng?
Ly nước chanh vừa thơm ngon, vừa sạch sẽ, một lời mời chân thành của người sư đệ, đừng nói gì cả, chưa uống mà cơn mệt đã biến mất rồi. Một lời khuyên của vị Thầy cảnh tỉnh mình tu nên người, cho dù bạn là người đã từng tạo lỗi hay chưa tạo lỗi thì có khác nào như đói được ăn, như khát được uống! Vậy, đối với những người đáng kính, đáng tôn trọng, đáng gần gũi, sao bạn lại quay đầu bỏ đi?
Thật sự mà nói, cho dù cách này hay cách khác, giải toả phiền muộn trong lòng vẫn chính là niềm vui, là sự an lạc cho chính mình và cho mọi người.
C.N