Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Phật giáo trong thơ văn Đặng Huy Trứ

Phật giáo trong thơ văn Đặng Huy Trứ

121
0

Trong khoảng hai thập niên trở lại đây, qua công trình sưu khảo dịch thuật thơ văn Đặng Huy Trứ của một số nhà nghiên cứu lịch sử, văn học và qua những tác phẩm của ông đã được xuất bản(1), ở đây chúng ta dễ dàng nhận ra chân dung một sĩ phu yêu nước, một nhà văn hóa canh tân, một nhà thơ lớn của dân tộc. Thơ văn ông chan chứa tình người, đậm đà tính dân tộc, gói ghém một nỗi niềm “ưu quốc ái dân”. Không phải cho đến nay người ta mới có một cái nhìn về ông như vậy, các danh sĩ cùng thời với ông như Tùng Thiện Vương, Nguyễn Văn Siêu… nhà chí sĩ Phan Bội Châu, sách Đại Nam Nhất Thống Chí… đều đánh giá cao tài năng và chí khí của ông.    

Đặng Huy Trứ đã vâng mệnh triều đình hai lần đi sứ Trung Quốc vào những năm 1865 và 1867-1868. Ở  đây ông đã kết giao, xướng họa thơ văn, với các văn nhân, danh sĩ Trung Quốc đều được họ bày tỏ tấm lòng mến mộ tài năng và phẩm hạnh. Tô Vĩ Đường, một sĩ phu Trung Quốc trong lời đề Tựa cho tập “Đặng Hoàng Trung thi” của ông đã viết: “…Trữ trung mẫn tắc đẳng ư Đỗ Công Bộ Tả tính linh tắc tỷ ư Bạc Hương Sơn…” (…Giải tỏ lòng trung mẫn hẳn ngang với Đỗ Phủ, miêu tả bách tính sinh linh hẳn sánh được với Bạch Cư Dị…)

La Nghiêu Cú, một văn nhân khác của Trung Quốc khi đọc tập thơ trên cũng đã đề thơ tặng:

 “Hảo ngữ mâu –ni nhất xuyến châu.
Nam giao tinh tiết hạ thư trù
Hà niên cánh thụ Giang Lang bút (2)
Tượng tải dao hoa lịch cửu khu…(3)

(Lời đẹp Thích – ca chuổi hạt châu!
Nam bang cờ sứ cắm thư lâu
Năm nao mượn bút Giang Lang chép
Voi chở thơ vàng rắc chín khu…)

Thơ văn Đặng Huy Trứ để lại khá nhiều, ở đây chúng tôi chỉ tìm hiểu những gì Phật giáo đã tác động và hình thành nên nhân cách và hành động của ông.

Đặng Huy Trứ sinh năm 1825, quê ở làng Thanh Lương không xa kinh thành Huế, trong một gia đình thi lễ, sùng kính đạo Phật. Bác ông là Đặng Văn Hòa một vị đại thần(3) của  triều đình, người đã có nhiều đóng góp công lao trong việc hộ trì đạo pháp. Khi còn thơ ấu, ông được quy y với một vị cao Tăng thời đó là Thiền sư Nhất Định: “ khi sinh hai anh em tôi, cha tôi sữa lễ chay thân đến chùa ở núi An Dưỡng (chùa Từ Hiếu ngày nay) xin làm lễ quy y, Sư cụ Tánh Thiên lễ Phật, tụng kinh, ban cho tờ điệp quy y, ban pháp danh cho tôi là Hải Đức, em gái tôi là Hải Trạch. Hằng năm ngày mùng một tết, rằm tháng tư, tháng bảy, rằm tháng mười cha mẹ tôi đều lên chùa lễ Phật, mong chờ phúc ấm của Tam Bảo, khiến cho tà ma không xâm phạm đến được… Tổ tông cha con tôi đều theo nhau làm đệ tử nhà Phật lâu đời vậy…”

Trên đây là lời ông viết trong cuốn “Đặng Dịch Trai Ngôn Hành Lục”, ghi lại hành trạng của thân phụ ông là Đặng Văn Trọng, một nhà Nho uyên thâm, được vua Tự Đức ban chiếu chỉ gọi ra làm quan nhưng nhiều lần từ chối để ở nhà phụng dưỡng mẹ già, dạy dỗ học trò, con cháu và đã gầy dựng cho nhiều thế hệ học trò thành đạt. Hẳn ông muốn cho con sau này trở nên một con người toàn diện nên ngoài chữ nghĩa văn chương, ông rất chú trọng đến những giá trị tinh thần, đạo lý, tín ngưỡng…

Cũng trong cuốn sách trên, Đặng Huy Trứ đã ghi lại những lời giáo huấn của thân phụ: “khi tôi đọc sách còn chưa thông, một hôm tôi thưa với cha tôi rằng: Tiên Nho đều bài bác đạo Phật, sao nhà ta lại chuộng đến thế? Cha tôi bảo: Con còn nhỏ chưa biết, ngồi đây, cha nói cho nghe: Ba đạo Nho, Phật, Lão cùng tồn tại với trời đất, đạo Phật, đạo Lão khác với đạo Nho là do nhận thức về hai chữ Tâm và Tính. Đạo Nho nói: “Tồn tâm dưỡng tính” (5), còn đạo Phật thì nói: “minh tâm kiến tánh”(6), “minh, kiến, tu, luyện” mà tâm tính là những cái gì sinh ngoài thân thể, hiểu sai một chút là chệch đi ngàn dặm. Đạo Phật niệm “từ bi” đạo Lão mộ “cảm ứng” (7) là cùng một lễ với đạo Nho để chí ở “trung thứ” vậy (8).

“Đạo Phật cho “tham, sân, si” là ba cái họa; còn đạo Khổng nói “giới đắc, giới đấu, giới sắc”(9). Đạo Phật đề ra ngũ giới (10). Người hiểu biết thì không uống rượu, cho nên Mạnh Tử cũng nói Vua ghét rượu ngon; giữ lễ thì không dâm. Sách Trung Dung cũng nói, phải tránh xa nữ sắc; có lòng nhân thì không sát sanh. Sách Lễ Ký nói: kẻ sĩ không có việc thì một con gà cũng không giết. Còn nói về nhân quả, Kinh Thi cho rằng, nhân ái đưa đến sự tốt lành, bạo nghịch sẽ đưa đến oan nghiệt, như bóng theo hình, như tiếng vọng theo âm thanh; Kinh Dịch cho rằng, nhà làm nhiều điều lành ắt để lại ân đức cho con cháu, nhà làm điều ác, ắt để lại tai ương cho đời sau. Khuyên người làm điều thiện đại để là như thế, không đến nỗi lừa người dối dân thái quá như Dương Chu, Mặc Địch (11) Những kẻ bài bác Phật đến điều như thế chẳng kể làm gì.

“Quan Công một đời chính khí, hiển Thánh ở am Ngọc Tuyền rồi quy y Phật đến ngày nay. Nước ta từ khi ổn định đóng đô ở Phú Xuân, nhờ Phật phù hộ nên mới xây được chùa Thiên Mụ…

“Thử đem một vài mẫu chuyện của đạo phật ra bàn. Một nhà danh họa đời Đường là Ngô Đạo Nguyên đến thăm chùa ở hai kinh đô(12) và vẽ lên tường khoảng ba trăm gian nhà đều là cảnh khác nhau của địa ngục. Những người mổ lợn bán ở kinh đô xem xong đều sợ tội mà đổi nghề, cùng bảo nhau làm điều thiện. Tranh vẽ còn cảm hóa con người như thế huống hồ là kinh sách nói về nhân quả? Sách Già Lam Ký có chép, một người tên gọi là Lưu Hồ, bốn anh em đều làm nghề mổ lợn, khoảng năm Vinh An, một hôm Lưu Hồ chọc tiết lợn, lợn bổng nói tiếng người xin tha chết, anh ta bỏ ngay nghề đồ tể, xin quy y và cả nhà nhập đạo. Một nhà đồ tể mà còn biết bỏ đao để được quả phúc của nhà Phật, huống hồ người bình thường".

“Nay đang lúc vãng chiều xế bóng, phong tục suy đồi, phẩm chất biến đổi, quan tàn bạo, lại tham ô, con cháu ngỗ ngược, nhà giàu keo kiệt, nhà buôn gian giảo, côn đồ, hung ác, kiện tụng, điêu toa, bọn đầu sỏ trộm cướp giết chóc bừa bãi, chất chứa bao tội ác, gây oan nghiệt đầy rẫy khắp nơi trong trời đất. Ai mà biết sợ nhân quả, luân hồi, hồi tâm lễ Phật, ra khỏi bến mê, lên bờ giác ngộ, thế thì đạo Phật giúp cho đạo Nho ích lợi không phải nhỏ".

“Xưa chỉ vì sợ hiểu sai đạo Phật, còn bây giờ chỉ sợ không chuộng Phật mà thôi. Cho nên ở đời, chuộng đạo Phật nếu không vì người thân thì cũng cầu cho cha mẹ được siêu độ, sám hối là giải tội tiêu tai. Siêu độ là ra khỏi địa ngục và lên được Cực lạc. Phàm đã có lỗi mà sửa được thì không điều thiện nào lớn bằng".

“Ngày nay, lúc sống thì thương luân bại lý, làm nhiều điều bất nghĩa, đến chết cũng không chịu đổi; sau khi chết rồi laị cậy vào mấy quyển kinh sách, niệm nghìn lần Phật hiệu, thắp nén hương, viết lá sớ, lập đàn chay! Phật cũng theo mệnh trời mà làm việc, hà vì những lễ vật ấy mà giải tội cho bọn ấy sao?"

“Đức Phu Tử nói thật đúng: “Mắt tội với trời thì không cách nào cầu đảo được”. Bên nhà chùa, có một vị Tăng tên Tông Cảo, trong thư trả lời thị Lang họ Tăng cũng nói: “Ngày nay kẻ sĩ học đạo lại cho rằng: tĩnh tọa để tự thân suy ngẫm là uổng phí thời gian, chi bằng xem kinh vài quyển, niệm Phật vài câu, vái thêm mấy vái trước bàn thờ Phật, nói mấy câu sám hối về những lỗi lầm đã gây ra trong đời thì ắt là tránh được cây gậy sắt trong tay Diêm Vương. Đó là việc làm của kẻ ngu vậy”. Hai lời nói trên đủ phá tan về sự mê hoặc về sự cầu cúng…

“Ông cha ta kính cẩn phụng thờ Phật là nghĩ đến tấm lòng Bồ-đề, chân thành ngay thẳng, mến mộ lòng từ bi, mến mộ lời khuyên làm điều thiện của Phật, đâu phải xu nịnh Phật để cầu phúc? Nếu có sửa soạn cỗ chay, lập đàn cúng thì chẳng qua là muốn hương hồn các vị cũng cùng ngồi ở hai bên Phật mà lắng nghe kinh pháp; dâng thức ăn và đồ mã cũng là để phân phát  cho mười loại Âm hồn mà thôi, đâu có cầu đảo siêu độ như thói tục thường làm…?

“Bọn các con mới đọc được mấy trang sách “lượm nước dãi” của Hàn Xương Lê(13) đã cho những bài bàn luận dám bài bác Phật là hùng hồn, là cao siêu. Những ý tưởng đó ta không khi nào chấp thuận”.

Phù điêu bằng bạc chân dung danh nhân Đặng Huy Trứ tại nhà thờ họ Đặng

Thừa hưởng sự giáo dục chu đáo của gia đình, với bẩm tính thông minh, tâm hồn nhạy cảm, ở lứa tuổi mười lăm, khi còn ở quê đi học Đặng Huy Trứ đã biết làm thơ. Thơ văn ông ở lứa tuổi này chan chứa tình người, tình quê hương như qua các bài thơ: “Quý du tử hữu tiên mạ, nô tỳ giả” (Con nhà giàu đánh mẵng kẻ ăn người ở), “Kiến lão ông đài than” (Thấy ông lão vác than), “Tế tảo hoang phần” (Tảo mộ hoang)… ở đây đã bộc lộ một tâm hồn biết đau cùng nỗi đau của đồng loại.

Cảnh làng quê hiền hòa với những bác nông phu cần mẫn, cây đa đầu làng, mái chùa xưa với tiếng chuông sớm khuya ngân nga vang vọng… là những hình ảnh không thể thiếu trong cảnh làng quê Việt Nam đã thể hiện trong thơ ông, như trong bài thơ Phật tự chung thanh:

 Kê xướng, ô đề nguyệt ngũ canh
 Thử gian sạ thính tự chung minh.
 Bán thiên tượng giáo huyền quang tĩnh
 Bách bát kình âm tục chướng thanh (14)
 Hưởng triệt thư song nghi hoán độc,
 Thanh truyền điền xá nhạ thôi canh.
 Tru tri bá phụ Bồ-đề ấm (15)
 Lưu đắc khanh tranh vạn cổ danh(16)

Dịch thơ:

 Tiếng chuông chùa
 Qụa kêu, gà gáy canh năm
 Chợt nghe xa tiếng chuông ngân đổ hồi
 Thanh hư từ cửa phật đài
 Mộng đời khuya tĩnh mấy thôi chày kình
 Lọt song như gọi thư sinh
 Xuống thôn rộn rã lay mình nông phu
 Bác xưa công đức góp chùa
 Tiếng vàng vọng mãi ngân đưa muôn đời.

Tiếng chuông ngân, thức giấc bác nông dân ra đồng làm việc, thúc dục thư sinh lo dậy ôn lại sách bài để khỏi phụ công nuôi dưỡng của cha mẹ; tiếng chuông là thông điệp gởi đi từ cõi huyền vi tĩnh lặng nhắc nhở chúng sinh bớt đi dục vọng mê mờ để xua đi những nghiệp dĩ khổ đau… Bài thơ mang đầy đạo vị, được gói ghém trong tình người, dung dị biết bao! Tác giả lại là một thư sinh ở tuổi mười sáu.
 
Sau này trong bước đường đời xuôi ngược, hình ảnh chốn thiền môn cũng là chủ đề nhiều bài thơ của ông như một biểu tượng của sự thiêng liêng, của trí tuệ huy hoàng xán lạn… Bài thơ Chiêm sơn tự tẩm:

 Hóa công phi thị xảo kinh doanh,
 Tự, tẩm thiên nhiên nhược túc thành.
 Lục tọa trang nghiêm trình sắc tướng,
 Nhị lăng trắc giáng trứ linh thành.
 Tùng thu vượng khí thông kim sát,
 Đàn việt chân hương thấu bảo thành.
 Phật nhật huy hoàng kim tự cổ
 Chiêm sơn nhất vọng vũ sơ tình.

Dịch thơ: Chùa chiền lăng tẩm Chiêm Sơn

 Thợ trời xếp đặt khéo sao!
 Này chùa, này tẩm khác nào thiên nhiên
 Sáu tòa vẻ sắc trang nghiêm,
 Hai lăng thăm thẳm tiếng thiêng muôn đời
 Thông reo khí tốt bời bời
 Hương thơm thành kính đến nơi mình vàng
 Xưa nay cửa Phật huy hoàng
 Chiêm sơn trông tựa mưa nhường tạnh đây.

Năm 1865, Đặng Huy Trứ nhận mệnh triều đinh đi sứ Trung Quốc với nhiệm vụ “Thám phỏng dương tình”. Trong chuyến đi này ông phải ăn mặc, căt tóc, y người nhà Thanh. Ông đã ghi lại: “Chuyến đi này tôi phải dóc tóc, tết đuôi sam theo tục nhà Thanh. Đáng lẽ, đợi sau khi ra biển, sẽ nhờ người nhà Thanh quen tay làm cho, nhưng tôi không chịu như vậy”. Ông đã đến chùa xin cạo tóc và làm bài thơ Nghệ Phúc Lâm tự bái Phật thế phát:

Cưỡng thoát quan trâm khiếu đại tì (từ)
 Vương thần tâm sự lão Tăng tri.
 Dục bằng pháp khí quy Tam Bảo,
 Bất hứa trần đao quải nhất ti.
 Nam, Bắc, Đông, Tây quân mệnh giã,
 Phát phu thân thể phụ sinh chi.
 Thử hành đa tạ Bồ-đề ấm,
 Hưu luận, bàng nhân thuyết Hạ, Di
(17)

Dịch thơ: Đến chùa Phúc Lâm bái Phật xin cạo đầu

Gượng bỏ mũ, trâm vào lễ Phật
 Vương thần tâm sự lão Tăng hay,
 Muốn nhờ pháp khí nơi Tam Bảo,
 Chẳng để trần đao đụng mảy may.
 Giúp chúa, Đông Đoài Nam Bắc đó,
 Ơn cha, thân thể tóc da này.
 Bồ-đề tỏa bóng che từng bước, 
 Rằng Hạ, rằng Di xá quản vay.

Cả bài thơ là tâm huyết, là nhân cách cao đẹp của một con người: trung trinh với đất nước; hiếu với mẹ cha; tâm tín mộ đối với Tam Bảo.

Sùng kính Phật pháp, mến mộ đạo từ bi, khiến ông không khỏi đau lòng trước cảnh những kẻ đội lốt tu hành, núp bóng Bồ-đề làm điều sai quấy, làm cho đạo pháp suy vi. Ông đả kích, lên án hạng người:

 “Mại Phật dĩ tự phì
 Xuất gia ẩn Sa-môn
 …
 Hoặc thế thực nhân tự,
 Vu nhân ý nhân y
 Bỉ bất cố liêm sỉ
 Thích giáo tòng nhi suy…”
 (Bán Phật hòng béo bổ
 Xuất gia núp cửa chùa
 …
 Lừa người lấy cơm ăn
 Dối dân lấy áo mặc
 Liêm sỉ chúng làm ngơ
 Làm suy đồi đạo Phật…)

Đặng Huy Trứ đã đưa ra một kiến giải của bản thân về đạo Phật:

 “…Nguyên lai Tây phương Phật,
 Duy hữu cá từ bi
 Kỳ viên Cấp-cô-độc
 Cam lộ sái dương chi
 Bảo phiệt quảng tế độ (18)
 Pháp luân thường chuyển di.
 Phật tâm bản vô dục
 Hà tằng quải nhất ti
 Đản nguyện ức vạn chúng
 Tịnh độ đồng hy hy
 Sùng phụng phi sở lạc,
 Trai tiếu vi sở kỳ…”
 
 …( Phật đến từ Tây phương
 Chỉ từ bi là quý
 Cô quả hưởng Kỳ viên
 Cành dương rưới cam lộ
 Lăn xe pháp cứu người
 Chở bè từ cứu độ.
 Dục vọng, Phật không mang
 Chẳng vương sợi tơ nhỏ
 Chỉ mong muốn chúng sanh
 Vui vầy nơi tịnh độ
 Thờ cúng, Phật không ưa
 Đàn chay Phật không mộ)…

Và ông đã đưa ra lời cảnh tỉnh cho mọi người:

 “Thế nhân hiếu tích thiện
 Thính ngã ngâm thử thi
 “Nhân tâm tức thị Phật”
 Thế nhân mạc ngã nghi.
 Dục chứng Bồ-đề quả
 Nhân tâm nghi thiện suy
 Vô vi thử bối hoặc
 Miễn di thức giả ki (cơ)”

(Người đời ham tích đức
 Nghe tôi ngâm thơ này:
 “ Lòng người ấy là Phật
 Chớ nên ngờ lờ tôi.
 Bồ-đề muốn chứng thực
 Làm thiện vì lòng nhân
 Đừng để chúng mê hoặc
Thức giả khỏi chê cười…)

Đối với dân tộc Việt Nam, Phật giáo đã có mặt trên đất nước này với hơn hai ngàn năm lịch sử và đã có những ảnh hưởng sâu đậm trong tư tưởng và nếp sống của mọi tầng lớp nhân dân. Với giáo lý Từ bi, Bình đẳng, Vô ngã, Vị tha, Phật giáo đã giúp hình thành nên bản sắc của một dân tộc yêu hòa bình, chuông lễ nghĩa, chuộng đức hiếu sinh, sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa. Gặp hoàn cảnh nhiễu nhương tao loạn thì người dân Việt càng đặt niềm tin mãnh liệt vào giáo lý từ bi cứu khổ, cứu nạn của Phật giáo. Đối với tầng lớp trí thức, sĩ phu, quan lại, giáo lý của đức Phật giúp cho họ có cuộc sống cao cả hơn, thanh khiết hơn; quên mình vì lý tưởng phụng sự chúng sanh và sau bao nhiêu năm tháng lăn lộn trên trường đời với những nổi thăng trầm, vinh nhục hoặc gặp cảnh oan khiên ngang trái thì Phật giáo cũng là chỗ dựa tinh thần để họ tìm lại sự bình an cho tâm hồn để chiêm nghiệm cái lẻ vô thường ảo hóa của kiếp nhân sinh hay gửi gấm tâm sự của mình sau khi suy ngẫm sự hưng vong của các triều đại.

Đặng Huy Trứ có họa lại một bài thơ của người anh họ là Lương Hiên Đặng Huy Tá (đã từng làm Án Sát Hà Nội từ năm 1863 và đã cùng Tổng đốc Tôn Thất Hân bỏ tiền ra tu sửa chùa Một Cột và soạn bài văn bia “Trùng tu chùa Một Cột” (Trùng tu Nhất trụ bi ký). Năm 1869 thăng làm Bố Chánh Nam Định, bị hàm oan điều đi quân thứ, bị ốm và buồn chán, quay về ngụ bên chùa Kim Cổ – Hà Nội). Trong bài họa này Đặng Huy Trứ đã viết Thứ Lương Hiên huynh Kỷ ty nguyên đán ngụ cận Kim Cổ tự Hữu Hoài nguyên vận:

Đệ phiếm tinh sà hải ngoại quy
Tham Thiền huynh dĩ giải chinh y.
Trà phanh đức thủy hương toàn thắng
Tử phá sầu thành vị thượng hy (19)
Khách địa vãng lai liên ngạc tập, Xuân tiêu ngộ mị nhập huyên vi.
Hà đương phất tụ đồng quy khứ?
Dẫn lĩnh Tây thiên Phật nhật huy?
                                        (Kỷ Tỵ)

Dịch thơ: Họa bài “Cảm hoài ngày Nguyên đán Kỷ tỵ ngụ ở gần chùa Kim Cổ” của anh Lương Hiên

Em thả “bè sao” hải ngoại về,
Vào chùa, anh đã cởi chinh y.
Trà pha đức thủy, hương toàn thắng,
Rượu phá sầu thành, vị vẫn y 
Đất khách, tình trao “hoa ngạc” tập
Đêm xuân, hồn gởi mộng huyên vi.
Làm sao rũ áo cùng về được?
Núp bóng Bồ-đề, cõi Phật huy?
                                              (1869)

Hoàn cảnh đất nước Việt Nam vào thời điểm này vô cùng đen tối. Quân Pháp sau khi chiếm toàn bộ Nam kỳ chuẩn bị đánh ra Bắc kỳ, đê điều bị vỡ, ruộng vườn bỏ hoang, dân chết đói đầy đường, trộm cướp hoành hành khắp nơi, nhân dân phải hứng chịu cảnh đau thương tang tóc chưa từng có trong lịch sử, Đặng Huy Trứ cũng đã đau buồn ghi lại:

“Khởi thị sơn hà tiều tụy thâm
Cánh đa quai dị độc phong thần”
(ngước mắt non sông tiều tụy quá,
buồn sao xã tắc bấy trầm luân)…

“…khả lân thử ngoại đề cơ giả,
Thương xích giai ngô cảm khái trung”
(Ngoài kia kêu khóc bao người đói,
Cảm cảnh dân đen những chạnh lòng)…

Trước hiện tình đất nước như vậy, một kẻ sĩ dấn thân hành động như ông không cho phép ông đi tìm sự an lạc giải thoát cho riêng bản thân mình. Vì khi dấn thân vào đời, Đặng Huy Trứ đã lấy lý tưởng phục vụ quốc gia dân tộc, hạnh phúc no ấm cho người dân là điều quan trọng, cho nên ông đã tự khẳng định trách nhiệm của mình:

“Tạo vật ngô sinh bất thị nhàn
Ngô dân lợi bịnh tảo tương quan”…
(Tạo hóa sinh ta há để nhàn,
Vì dân lợi hại sớm lo toan…)

Khi làm quan đứng đầu một tỉnh, ông đã sống trong cảnh:

“Tẩm dĩ thâm canh tiên lại khởi,
Thực vô kiêm vị cộng dân gian”
(Thức đến tàn canh, dậy trước lại
Ăn rành một món, khổ cùng dân)

Không những chỉ lo cho người còn sống, người chết rồi ông cũng hết sức quan tâm. Trong “Sớ tâu xin lập nghĩa trang” Ông đã viết: “Ngày mùng một tháng tám năm ngoái (1864) tôi tâu lên: Một nền chính trị tốt lành phải làm mọi người trong thiên hạ sống có chỗ ở, chết có chỗ chôn. Đó là tấm lòng biết thương cảm mà suy ra vậy”.
“Theo điển lệ quốc triều ta thì trong kinh, ngoài tỉnh có lễ cung cô hồn. Mộ hoang có chỗ quy táng thì chữ “ nhẫn” mới thực đạt đến chữ “ nghĩa”. Lễ cô hồn chỉ thỏa được linh hồn  nắm xương khô vẫn chưa có chổ mà về…

“Gần đây thấy những nơi gò hoang có bao nhiêu năm mà không có người tế tảm, thăm viếng. Lại có thi thể những người chết đường nhà chức trách sở tại có kiểm nghiệm, ghi chép, cho chôn cất, cắm tiêu đề, nhưng lâu rồi không có người nhận thành quỷ đói. Hoặc chết trôi trên đường biển, hoặc bỏ mình trên chiến trận, hoặc lưu đồ mà chết nơi lam chướng, hoặc đói rét mà chết nơi ngòi lạch, hồn như phiêu bạt, không người hương khói, lâu ngày nước trôi, gió thổi, gai góc, chân thú, xương cốt phơi giãi, hồn phách phiêu linh như các mộ ở phủ Thừa Thiên, ngay bên đường thiên lý, khiến người đi đường ai cũng phải động lòng. Rồi dịch bệnh, tai lệ há chẳng phải do những u hồn trệ phách đó thành ma hại người đó hay sao?

“Nay xin ban sắc chỉ xuống các địa phương xem xét, nếu có loại ấy thì chọn một chổ đất cao rộng gần tỉnh, khuyên những người có thiện tâm bỏ tiền ra dựng một Nghĩa trang, sắm đủ áo quan, tiểu sành, hoặc thu nhặt hài cốt lại rồi mai táng.

Từ nay có người nào chết đường, ở quanh tỉnh thì do tuần đinh kiểm nghiệm và bẩm lên; ở phủ huyện thì do sở tạ khuyên tiền, tuất táng, cắm tiêu đề, đợi một năm nếu không ai nhận thì đem vào Nghĩa trang quy táng. Hằng năm cứ đến rằm tháng Bảy, về đêm thì đem đủ xôi, lợn, hương nến, áo giấy, cháo cơm, muối gạo mà cúng. Còn như xã nào có mộ hoang lâu năm, thì sở tại, cứ đến tháng chạp cho dân đi tả mộ, bồi đắp, không cần quy táng để người chết được yên nghỉ. Như thế thì ơn đến nắm xương khô, mà u hồn không đến nỗi thành ma vô tự.

Nay xin: Trong kinh cũng như các địa phương chiếu theo tùy số mộ hoang nhiều hay ít, chọn một chỗ đất quang đãng hoặc là công thổ, tư thổ (đất công thì miễn thuế, đất tư thì bồi thường và miễn thuế), tìm chỗ cao ráo, bốn bề đắp(20) tường dựng bia đá, rồi khắc chữ “Nghĩa trang” và sức cho đem những mộ vô thừa nhận đến đây mai táng. Hằng năm cứ đến mai táng thì cho dân làng ra cúng lễ, từ nay các nơi có người chết đường thì cũng đem về đây, nếu khong có ai nhận.

“Như vậy cũng thỏa mãn cho u hồn và đạo này!

Kính xin ra chỉ dụ gởi đi trong kinh, ngoài tỉnh, các địa phương tuân theo mà là.
Tưởng đó cũng là một phép chính trị tốt lành…” ( Việc trên đã được triều chuẩn y cho thi hành. Sách Đại nam Thực Lục tập XXX trang ghi như sau : “ Chuẩn cho trong kinh, ngoài tỉnh cùng xã dân xây dựng ghĩa trang” để mồ mã. Đó cũng là theo lời xin Bố chánh Quảng Nam Đặng Huy Trứ…)

Suốt đời ông nguyện thân “Khuyển mã” để phục vụ nhân dân nhưng ông vẫn ân hận là chưa tròn trách nhiệm với người dân:

“Khuyển mã” báo trung chưa trọn vẹn
“Rau dưa” đền hiếu xét còn vơi.
Ví bằng hai chữ không mang hận
Có chết đời ta cũng đủ rồi”.

Lo cho nước, yêu dân là cốt lõi toàn bộ thơ văn của ông. Đọc thơ văn Đặng Huy Trứ, xét tư tưởng và hành tràng của ông, chúng ta thấy ở ông một kẻ sĩ trung chính, một phật tử thuần thành, chính bản thân ông đã vận dụng đạo Phật vào cuộc đời. Ông đã biết báo đáp hồng ân bằng cách đem thân phục vụ quần sanh. Khi đất nước lâm nguy, ông đã từ trần trong đồn lũy chóng giặc lúc tuổi đời chưa đến năm mươi. Đó cũng là cống hiến cuối cùng để đền đáp Tứ ân như lời ông tâm niêm trước khi lìa trần:

“Quốc tồn dư tồ, kiều một vị thế thần chi vị,
Thần tại như tại, thử tắc hinh chí đức duy hinh”.
Dich:
(Tổ quốc còn thì mình mới còn, cổ thụ nghĩa với thế thần âu đúng nghĩa,
Thần ở  đó như thần ở đó, lúa gạo thơm mới chí đức mới là thơm).

T.L

Chú thích:

(1) “Đặng Huy Trứ, con người và tác phẩm”. Nhóm Trà Lĩnh biên dịch, Nhà Xuất  bản Thành Phố Hồ Chí Minh-1989, 526 trang
     “Đặng Dịch Trai Ngôn Hành Lục” Hội Sử học Việt Nam xuất bản năm 1993.
    “ Từ Phụ yếu” Hội Khoa Học lịch sử Việt Nam, và Nhà Xuất Bản Pháp Lý 1993.
    “ Nhị Hoàng Di Ái Lục”Hội Sử học Việt Nam xuất bản 1995.
  Thơ văn dẫn trong bài này đều trích từ các tác phẩm trên
(2) Giang Lang: Giang Yêm, một người nổ tiếng văn chương thời Nam triếu Trung Quốc
(3) Dao hoa”văn chương hay,  đẹp như ngọc
(4,5) Câu của Mạnh Tử: Giữ gìn cái tâm và nuôi dưỡng tính tình
(6) Nhìn rõ bản nguyên chân tính,
(7) Lấy lòng thành kính để cảm đông đến trời
(8) Trung: Trung thành hết lòng hết sức. Thứ: Cái gì mình không muốn thì đừng bắt người khác phải chịu (định nghĩa Luận Ngữ)
(9) Câu của Mạnh Tử: Ngăn ngừa lòng ham muốn, chiếm đoạt; ngăn ngừa tranh cải, đánh nhau, ngăn ngừa lòng đam mê nữ sắc
(10) Không sát sanh,trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, rượu chè
(11) Hai nhà triết học thời Xuân Thu, chủ trương thuyết “ vị ngã”, “ Kiêm ái”
(12)  Nam Kinh và Bắc Kinh
(13) Tức Hàn Dũ ( 758-824) nhà  văn lớn đời Đường chủ trương bài Phật giáo.
(14) Kinh âm: Tiếng chuông chùa
(15) Quả chuông do bác của Đặng Huy Trứ và Đặng Văn Hòa tiến cúng
(16) Khanh tranh: Tiếng ngọc, tiếng kim loại quý
(17) Hạ: Dân tộc Hán, ý nói văn minh; Di: Ý nói mọi rợ
(18) Bảo phiệt: Cái bè của Phật (bè từ cứu vớt chúng sanh đang hụp trong bể khổ)
(19)  Thơ cổ:
“ Thế lộ nan hành kim tác mã
Sầu thành dị khá tửu thanh binh”.
( Đường đời khó đi lấy tiền thay ngựa,
Thành sầu dễ phgasd lấy rượu là binh).
(20) Xem, “ Việt Nam, sự kiện lịch sử” Dương Kinh Quốc nhà xuất bản KHXH, tập 1 trang 70

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here