Trang chủ Phật học Xuất thế và nhập thế

Xuất thế và nhập thế

119
0

Chân lý Phật pháp vốn không thể nói. Xuất thế hay nhập thế đều là giả danh, chỉ phương tiện phân biệt, tất cả đều quy về nhất tâm. Vậy tâm nào là xuất thế? Tâm nào là nhập thế? Nên biết, chân tâm là xuất thế, vọng tâm là nhập thế. Xuất thế là pháp Phật, nhập thế là pháp thế gian. Xuất thế vốn “Không”, nhập thế lại “Có”. Xuất thế là Pháp thân, nhập thế là Báo thân. Xuất thế là chân, nhập thế là vọng. Tuy nhiên, chân vọng vốn không hai, xuất thế nhưng không bao giờ rời khỏi cuộc đời. Vậy nên Lục Tổ Huệ Năng nói: “Rời khỏi cuộc đời thì không tìm được đạo giác ngộ”. Đạo lý này cần phải dụng tâm tham cứu mới phần nào thấu hiểu được bản hoài của Đức Phật: vì “đại sự nhân duyên” mà nhủ lòng lân mẫn ứng hiện giữa đời.

Lâu nay, người mới học Phật hoặc chỉ bàn về xuất thế mà không quan tâm đến nhập thế, hoặc vì mù mờ về Phật pháp nên chỉ hô hào nhập thế mà không biết gì về đạo xuất thế. Đó đều là những quan niệm phiến diện. Vì sao vậy? Vì thế pháp tức là Phật pháp, lìa vọng không có chân, lìa chân không có vọng. Hơn nữa, Phật pháp là đạo lý chân thật: nhập thế chính là xuất thế, xuất thế chính là nhập thế. Nên kinh nói: “Như Lai không từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu”. Hoặc nói: “Như Lai là như như bất động”. Phải biết, xuất thế và nhập thế chính là thể và dụng của lý “bất nhị”. Xuất thế là thể, nhập thế là dụng; rời thể không có dụng, lìa dụng không có thể. Chân lý Phật pháp vốn là như vậy. Chỉ vì phàm phu vọng sinh phân biệt nên mới chấp vào nhập thế rồi khởi hoặc tạo nghiệp; hoặc chấp vào xuất thế liền chán bỏ sinh tử, mà không biết rằng các pháp vốn như huyễn chứ không riêng gì sinh tử.

Để phá bỏ những kiến chấp này, Đức Như Lai đã luôn tuỳ thuận chúng sinh, hiển bày các pháp phương tiện để dẫn dắt chúng sinh vào đạo. Nhưng kỳ thực, Như Lai có nghĩa là “ứng vô sở ứng”, “vô trụ, vô sở trụ”, vì đó là diệu dụng “như như” của chân tâm, của pháp thân vốn có trong khắp mười phương pháp giới, là biểu trưng của pháp xuất thế. Báo thân Phật vốn được lưu xuất từ chân tâm này, là huyễn thân ứng hiện giữa đời để tuỳ căn cơ giáo hoá chúng sinh, và đây chính là biểu trưng của pháp nhập thế. Người học Phật nếu như hiểu rõ được lý này, trụ chỗ vô trụ, sinh chỗ không sinh, không trụ không sinh tức là chân tâm, vào ra tự tại thì có pháp gì để gọi là xuất hay nhập. Nếu không nắm được cái lý vi diệu này, kẻ sơ học thật khó lòng lĩnh ngộ, do vậy cần phải dụng công nhiều hơn nữa mới đạt được “vô trụ sinh tâm”. Kinh dạy: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”. “Vô trụ” tức là xuất thế, “sinh tâm” tức là nhập thế. Không trụ không sinh tức là diệu tâm bất nhị đối với pháp xuất thế và nhập thế vâỵ.

Phật giáo Đại thừa không rời nhập thế cũng không bỏ xuất thế mà trước hết cốt ở tu tâm. Nếu người tu trì không tương ưng, không phải do Phật pháp không tương ưng mà do họ không chịu dụng công đào luyện tâm. Từ đó không rõ tâm địa, không biết tâm nào là chân, tâm nào là vọng; không biết chân tâm, vọng tâm vốn là nhất tâm; và đối với sự vi diệu của nhất tâm lại càng không thể biết. Đó gọi là tu trì bất tương ưng. Tu trì bất tương ưng thì công không thành mà dụng không sáng. Đối với chân lý Phật pháp họ không thể lĩnh ngộ, con đường vào đạo của họ lại càng mịt mờ, vì vậy mà thế đạo cũng bị ảnh hưởng. Nên biết, đạo ở đời dần suy kém không phải do thế pháp không tốt mà do tâm người bất chính. Vì sao? Vì tâm người bất chính tức không có đạo tâm, từ đó mà bỏ chân theo vọng, bỏ gốc tìm ngọn, trôi theo dòng đời mà quên trở lại, chân lý càng mịt mù, thế đạo càng suy yếu. Vậy mới biết, muôn sự do người làm nên, đạo ở tại người thực hành; phật pháp và thế pháp vốn không hai lối. Nho gia nói: “Tu thân giữ lấy đạo, tu đạo giữ lấy nhân”. Theo đó, nếu như mọi người thuận theo bản tâm nhân từ để làm việc nhân, thì nhập tức là “nhân từ”, “nhân hiếu”, xuất tức “nhân ái”, “nhân thứ” vậy. Khi người ta biết dùng lòng nhân để cảm hoá điều nhân, dùng lòng nhân để thu phục kẻ bất nhân, vậy thì thế đạo có gì phải âu lo nữa!

Có một bài kệ nêu rõ ý quan trọng này:

Phật pháp dữ thế pháp
Bản lai bất nhị pháp
Tâm thiện thị Bồ-đề
Tâm ác thị Dạ-xoa

(Phật pháp và  thế pháp
Xưa nay không hai pháp
Tâm thiện là  Bồ-đề
Tâm ác là  Dạ-xoa).

Như Lai nói: “Tất cả pháp đều là Phật pháp”. Lại nói: “Nếu ai tu tất cả các pháp thiện, đều chứng được quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác”. Có thể thấy, Phật pháp không lìa thế pháp, chỉ khác nhau ở chỗ thiện và bất thiện. Nhưng các pháp vốn không có tự tính, pháp thiện hay bất thiện cũng đều chỉ tại nhất tâm. Tâm chính tức pháp thiện, tâm tà tức pháp bất thiện. Nếu dùng tâm xuất thế vô ngã để thực hành việc nhập thế lợi ích cho mọi người, thì tất cả các pháp đều là pháp thiện. Pháp thiện tức là Bồ-đề. Nếu không như vậy thì tất cả các pháp đều là pháp bất thiện. Bất thiện tức là Dạ-xoa.

Khoa học Âu Mỹ vốn thiên về vật chất. Cái thiện hay bất thiện của nó cũng được nhìn nhận như vậy. Nếu cho rằng, việc phát minh ra những công nghệ và kỹ thuật tiên tiến là vì lợi ích nhân loại, thì đó chính là tâm Bồ-đề. Nhưng nếu từ những phát minh này, người ta lại sử dụng để cải tiến vũ khí chiến tranh, gieo chết chóc cho nhân loại, thì đó không khác gì hành động của Dạ-xoa. Những loại vũ khí chiến tranh, khi mới phát minh, người ta chỉ nghĩ đến lợi ích của quốc gia xã hội mình mà không lường trước được thảm hoạ đối với nhân loại trên toàn thế giới. Nhưng ngày nay, việc chạy đua vũ trang diẽn ra càng ngày càng mạnh, trái ngược với ý tưởng ban đầu của người phát minh ra nó. Nên biết rằng, hôm nay ta tạo nhân giết người, ngày mai tất sẽ bị người hại. Thảm hoạ của đời vị lai tự suy ngẫm là có thể biết.

Suy cho cùng, nguyên nhân của mọi hành động này là do người đời thiên chấp cái “dụng” của nhập thế hữu vi mà quên mất cái “thể” của xuất thế vô vi. Có “dụng” mà không có “thể”, chỉ thiên chấp về một phía, vì vậy mà mất cân bằng. Sở dĩ người đời thiên chấp nhập thế mà quên mất xuất thế là vì họ cho rằng, vô vi đồng nghĩa với “không”, với hư vô, không như hữu vi là pháp có công năng sản sinh ra vạn vật. Nhưng kỳ thực, “không” và “hữu” vốn không hai. Thí như mọi loài sinh vật, nếu rời “không” (không gian) thì không thể sinh, rời đất thì không thể lớn, chính vậy cần phải đề cao cái dụng của “không hữu bất nhị”. Cho nên, nếu chỉ thiên chấp về hữu, tuy công hiệu phấn phát được một thời, nhưng đời sống vật chất một khi phát triển đến mức nào đó thì lại nảy sinh những mặt trái bất ổn của nó, và tuyệt nhiên đó không phải là giải pháp tối ưu cho kế sách trị nước vững bền.

Văn hóa Trung Quốc xưa nay vốn rất coi trọng lý tiêu trưởng, tức chỉ chú trọng về nhân tâm. Do đó kẻ duy tâm ghét hại người duy vật, họ chỉ thiên trọng về tinh thần. Tuyệt nhiên họ không biết rằng, thiên trọng về vật chất đương nhiên là chấp “hữu”, nhưng thiên trọng về tinh thần lại chính là chấp “không”, mà chấp hữu hay chấp không cũng đều không phải là con đường trung chính. Nên biết, tinh thần là thể, vật chất là dụng. Nếu có thể mà không có dụng, thì những gì ta nói ra chỉ là cái học của kẻ vô dụng. Nếu có dụng mà không có thể, thì những gì ta thi hành chỉ là việc làm của kẻ vô thể, không có đạo lý. Cái học của kẻ vô dụng và việc làm của kẻ vô thể cũng đều tệ hại như nhau. Vậy nên, trong tình hình hiện nay, ngoài sự tích cực làm xương minh các giá trị văn hoá đạo đức truyền thống, một mặt chúng ta cần đem tinh thần vận dụng vào việc phát triển vật chất, mặt khác cần phát triển những nghành khoa học có ích, đem vật chất làm hưng phấn tinh thần, như thế mới hợp nghĩa “trung chính” vậy.

Người đời cho rằng, kẻ học Phật không nên bàn đến thế sự, bàn thế sự tức là đi ngược hướng. Nên biết, đi ngược hướng như vậy mới chính là đi đúng hướng. Vì sao? Vì pháp pháp viên dung, bao gồm thu nhiếp lẫn nhau, nhập thế cố nhiên bao gồm xuất thế, xuất thế cũng không rời nhập thế. Xuất thế hay nhập thế chỉ là giả danh. Ngược chiều hay thuận chiều lại càng là hí luận. Nên kinh nói: “Không có pháp quyết định để nói”. Nói chung, chân lý phật pháp vốn không rời khỏi thế pháp, xuất thế hay nhập thế hoàn toàn ở nơi tự tâm. Nếu tâm đoan chính thì nhập thế cũng là xuất thế, nếu tâm bất chính thì cho dù xuất thế hay nhập thế cũng vẫn trôi lăn theo thế tục. Lục Tổ dạy: “Chính kiến gọi là xuất thế, tà kiến gọi là thế gian”.

                                                                       Thích Trí Thiện dịch theo Kangzheng.com

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here