Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Người thầy thuốc suy ngẫm về đức vô úy

Người thầy thuốc suy ngẫm về đức vô úy

103
0

Do đó từ xưa đã có những quan niệm xem người thầy thuốc là người có quyền uy rất lớn, vì họ có thể ngăn chặn được Nam Tào xoá tên trong sổ sanh và có thể chận đứng được lưỡi hái của tử thần. Thật vậy, đối với những thầy thuốc có tài “cải lão hoàn đồng” hay cứu thoát con bệnh khỏi phải tử vong một cách dễ dàng thì cũng là một điều không ngoa. Vì thế, một thầy thuốc chân chính phải là người có cuộc sống đầy đức hạnh…

Trước tiên, chúng ta phải nói đến đức Vô uý (abbaya) đó là lòng chẳng sợ, đức dạn dĩ, còn gọi là vô sở úy. Trong đạo lý của người thầy thuốc, thì có lẽ đức vô uý là tốt đẹp nhất. Thật vậy, ngưòi thầy thuốc không sợ gian nguy, không ngại khó khăn gian khổ mới mong cứu thoát những con bệnh nguy hiểm, ngặt nghèo. Trong lịch sử Y học Đông Tây kim cổ cũng đã chứng minh những bậc danh y như Thần Nông đã can đảm nếm hàng ngàn cây cỏ để tìm ra vị thuốc. Hải Thượng Lãn Ông không ngại đêm khuya, lặn lội núi rừng nguy hiểm để đi thăm bệnh. Yersin lặn lội trong rừng sâu để tìm ra bệnh dịch hạch v.v…

Bên cạnh đức Vô uý đó , thầy thuốc cũng còn phải là người có hạnh vô uý thí (Vô uý thí giả), nghĩa là người thầy thuốc không những không được hù doạ bệnh nhân để trục lợi mà còn phải giúp cho bệnh nhân sự tự tin, can đảm, không sợ sệt; buồn khổ, lo lắng trước cơn bệnh; giúp cho họ được an ổn, dạn dĩ, chóng thoát khỏi bệnh tật, đó chính là hạnh vô uý thí (là một hạnh bố thí cao nhất trong tam thí Tài thí, Pháp thí &Vô uý thí). Y đức của người thầy thuốc sẽ vô cùng cao cả nếu nó đồng hành với hạnh vô uý. Đối với những người thầy thuốc mà không còn bị chi phối bởi tham, sân, si; và khiếp sợ trước quy luật: sanh, lão, bệnh, tử; hay những ác nhân: kẻ bất tín, những kẻ phỉ báng, thì họ đã đạt được hạnh Bồ-tát Vô uý địa (Abbaya-bhāmi ).

Người xưa thường nói “Dụng dược như dụng binh” nghĩa là dùng thuốc phải như đánh giặc. Điều nầy nhắc nhở người thầy thuốc phải rất thận trọng, rất sáng suốt, nghĩa là người thầy thuốc không được vô minh. Theo Phật học thì vô minh (Avidyā ) là không hiểu biết rõ những pháp về sự và lý, cũng còn gọi là si. Vô minh là tất cả phiền não, nên Đại thừa nghĩa chương dạy: “vô minh nghĩa là tâm si ám, không có cái huệ minh”. Trong Thập nhị nhân duyên, vô minh là cái nhân duyên đầu; vì vô minh (cùng với nghĩa không hiểu lý nhân quả) làm cho con người mê muội mà phạm nhiều tội ác, rồi chịu các sự khổ não. Như chúng ta đã biết, sự mê tối, ngu si cũng như bệnh, nó làm cho người ta đau đớn khổ sở đó chính là vô minh bệnh. Bên cạnh đó vô minh cũng là nguồn gốc của mọi khổ đau, trong y học vô minh là nguyên nhân đưa đến nhiều tai nạn và bệnh tật cụ thể như không biết ăn uống điều độ sẽ dẫn đến các bệnh lý đường tiêu hoá, sử dụng và lạm dụng thuốc không đúng chắc chắn sẽ gây ra nhiều tai biến có thể dẫn đến tử vong v.v… lao động không đúng kỹ thuật, không chấp hành kỷ luật lao động sẽ dẫn đến biết bao nhiêu tai nạn thảm khốc thương tâm cho mình và cho người khác v.v…

Trong thời đại ngày nay, người thầy thuốc nói riêng, và giới Y học nói chung phải đối mặt với một loại bệnh đang có chiều hướng gia tăng đó là Bệnh tưởng (bệnh do tưởng tượngmà cảm thấy có các triệu chứng bệnh ), có lẽ do các yếu tố vật chất, tinh thần và tâm lý xã hội tác động qua lại rất phức tạp mà gây nên. Thật vậy theo các nghiên cứu thống kê mới đây thì trong số các bệnh thông thường thì đã có đến 80% bệnh là bệnh tưởng, vì thế cho nên muốn thoát khỏi loại bệnh nầy người thầy thuốc ngoài công việc điều trị thông thường ra, còn phải giúp cho bệnh nhân nắm được vô lậu pháp (Anasvara) là pháp lý không phiền não, thanh tịnh, dứt bỏ được các mối ô trọc bằng trí huệ của mình. Như chúng ta ai cũng biết, con người ta vì phiền não, tham,sân, si, cho nên ngày đêm để cho sáu cơ quan: nhãn (mắt), nhĩ (tai), tỷ (mũi), thiệt (lưỡi), thân, ý cứ hoạt động mãi không ngừng. Lại nữa, những mối phiền não: tham, sân si khiến cho người ta dễ rơi vào vòng bệnh tật, nói theo nhà Phật là vào ba nẻo ác luỵ (tam ác) và sáu đường luân hồi vậy.

Mong sao đức vô uý được thấm nhuần trong tất cả chúng ta, nhất là người thầy thuốc thì lại càng không được vô minh, chấp ngã, phải luôn đối diện với sự khổ đau, phải tự thân nhập cuộc vô thường, nhưng không trầm mình trong cuộc sống tăm tối đó mà phải luôn luôn diệt trừ chấp ngã, tự thắng mình, phải thăng hoa ý thức mình để vượt lên thế tục, đồng thời nhìn rõ cuộc sống vô thường, hầu mong giúp mình sáng suốt, dễ dàng cởi bỏ những tác nhân gây khổ đau cho chính mình và cho mọi người.

M.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here