Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Khơi lại nguồn tuệ giác & và khí thiêng ngút trời của...

Khơi lại nguồn tuệ giác & và khí thiêng ngút trời của vua Phật Trần Nhân Tông (kỳ cuối):Trần Nhân Tông – Chính trị ngoại giao

102
0

a. Với Chàm – mặt trận phía Nam:

Chắc chắn vì tránh nạn can qua cho dân tộc, giữ vững bờ cõi cho quốc gia xã tắc; do đó vua Nhân Tông đã không ngừng đẩy mạnh công việc ngoại giao. Để giữ tình hòa hiếu đôi bên giữa Đại Việt và Chăm ở mặt trận phía Nam, vua đành lòng cắt đứt tình phụ tử, bằng cách gã Công chúa Huyền Trân rất mực yêu thương của mình cho vua Chế Mân. Hẳn nhiên việc gã Công chúa cho vua Chàm là một việc làm bất đắc dĩ, là sự hy sinh lớn đối với tình phụ tử thiêng liêng của hoàng gia nói riêng và cũng là sự gởi gắm và phó thác vận mệnh của đất nước, cả quốc hồn quốc túy của dân tộc Việt Nam nói chung. Có lẽ như chưa yên lòng khi gã con về đất khách, Ngài ân cần dạy bảo: “Vua Chế Mân là một thanh niên anh tuấn, có vũ dũng mà cũng có văn học. Tuy Harijit không biết chữ Nho, nhưng chàng rất thông thạo Phạn ngữ. Ở Chiêm Thành, Phạn ngữ cũng quan trọng như chữ Nho ở Đại Việt. Trong thời gian gần tám tháng lưu lại kinh đô Phật Thệ, Ngài thấy cái nhìn của Ngài về nước Chàm thay đổi hẳn. Ngài rất yêu mến harijit, và muốn coi chàng như vua Anh Tông con Ngài… Năm nay Chế Mân mới vào khoảng bốn mươi, lớn hơn vua Anh Tông chừng mười tuổi. Dân Chàm rất thương yêu Harijit. Thượng hoàng bảo Công chúa: ‘Ta tin rằng sau khi về Chàm, con cũng được dân chúng thương mến như họ đã từng thương mến Harijit. Ta có thể nói chắc với con điều đó. Nếu con để hết tâm lực của con vào thì con có thể xây dựng thật nhiều cho vương quốc này và tạo được mối cảm tình bền chặt giữa hai nòi Chiêm và Việt”. “… Con có ở đâu thì ta ở đó, con làm gì thì ta làm cái đó và dân tộc con làm cái đó. Con hãy ghi nhớ điều này cho cẩn thận. Con về Chàm cũng như ta về Chàm, và ta trông cậy hoàn toàn nơi con để tránh cho hai dân tộc những cuộc đao binh sau này (1).  Tài chính trị ngoại giao của vua Nhân Tông rất tinh thông và nhuần nhuyễn, sắc nhạy nhưng cương nghị, không phải trên ngôn thuyết, mà nó được thể hiện bằng tình phụ tử thiêng liêng, bằng trái tim của cả Đại Việt, tất cả đều được gởi gắm cho Huyền Trân Công chúa. Chúng ta cũng không thể phủ nhận sự ảnh hưởng lớn của tư tưởng phong kiến, tập tục ‘môn đăng hộ đối’ và quan điểm bảo thủ ‘cha đặt đâu, con ngồi đó’; tuy rất xót xa nhưng vẫn cam lòng, vua Nhân Tông vẫn cố gắng để thi thố tài chính trị ngoại giao đối với một nước lân bang như Chàm là việc làm đáng khâm phục. Kết quả là vua Chế Mân đã dâng tặng hai châu: Châu Ô và Châu Lý (tức Thuận Hóa ngày nay) để đáp lại thịnh tình của vua Nhân Tông.

b. Với Tàu – mặt trận phía Bắc:

Sau ba lần thất bại nhục nhã, uy thế và thanh danh của quân Nguyên đã tan biến, mưu đồ xâm lăng và bành trướng đế quốc đã bị chặn đứng, quân Nguyên đã thật sự mệt mỏi, ngao ngán và thán phục khí thế chiến đấu quật khởi và tinh thần ‘quyết tử cho đất nước quyết sinh’ của toàn dân Đại Việt. Kể từ đó, nhà Nguyên đã không dám tiến hành âm mưu cướp nước; vì thất bại mà phải tôn trọng chủ quyền độc lập trên toàn lãnh thổ Đại Việt. Mọi yêu sách triều cống của Tàu đều bị vua Nhân Tông phản đối. Tuy nhiên để mở ra một bước ngoặt mới của lịch sử, nâng cao chính trị ngoại giao, đưa vận nước ngang tầm với Tàu – như trước đây vua Đinh Bộ Lĩnh, vua Lê Đại Hành đã cậy vào những vị Tăng sĩ Phật giáo lỗi lạc, học vấn uyên bác, văn chương xuất chúng, am tường Nho giáo, uyên thâm Phật học, tinh thông thế trí và hùng biện siêu phàm để cố vấn chính trị, như: Thiền sư Pháp Thuận (914-990), Thái sư Khuông Việt (933-1011), Thiền sư Vạn Hạnh (?-1018) – vua sai Đỗ Thiên Thư, em của Đỗ Khắc Chung (người sứ giả có công lớn trước đây), sang Nguyên cống lễ. Sách Thiên nam hành kỷ của Từ Minh Thiện nhà Nguyên nói: “Đại quân mới về nước, thiên sứ chưa sang, nhà Trần đã sai bọn trung đại phu Trần Khắc Dụng và tòng nghĩa lang Nguyễn Mạnh Thông dâng lễ vật trần tạ” (2).  Đây là sách lược chính trị rất khôn ngoan nhằm xoa dịu cái nhục bại trận của giặc Nguyên, đồng thời cũng một nghệ thuật “dĩ hòa vi quí” của vua Nhân Tông đối với nước Tàu. Điều này cho thấy rằng nhà vua chủ động tiến hành chính sách hòa giải dân tộc, chứ không chịu tuân theo mọi đề nghị và yêu sách của nhà Nguyên. Yêu sách của nhà Nguyên đòi hỏi vua Nhân Tông “sang chầu Thiên tử”, vua khước từ yêu sách đó rất khôn khéo, bằng cách viện cớ đang có tang (Thượng hoàng Trần Thánh Tông mất năm 1278) rồi cử Đại Phạp và Hà Duy Nham đi sứ. Lần khác, vua lại lệnh cho Trần Khắc Dụng và Phạm Thảo đi sứ khi Tân vương nhà Nguyên lên nối ngôi. Vua đã thể hiện ý định bất phục tùng và khước từ mọi yêu sách của nhà Nguyên đã đòi hỏi…

c. Với Lào – mặt trận Tây Nam & Tây Bắc:

Không khí đại thắng giặc Nguyên chưa nguôi, Nhân Tông đã nhanh chóng bình định giặc Lào để giữ vững phía Tây Nam và Tây Bắc. Bấy giờ bầy tôi can: “Giặc Nguyên mới rút lui, vết thương chưa hàn gắn được, không nên gây việc binh đao”. Nhà vua nói: “Chỉ có thể nhân lúc này mà khởi binh thôi; vì sau khi giặc rút lui, các nước bên cạnh tất bảo là quân mã nước ta mỏi mệt, có ý coi thường, cho nên cần phải khởi đại binh để ra oai với nước khác”. Bầy tôi đều nói: “Thánh nhân lo xa như thế, bọn chúng tôi không thể nào nghĩ thấu được” (3).  Theo lời bàn của Ngô Sĩ Liên thì cho rằng những lời can ngăn của bầy tôi về việc vua Nhân Tông thân chinh đánh Lào, nhưng sau khi vừa nghe ý định của vua thì họ liền sinh lòng “bợ đỡ”, bởi ngay lúc ấy họ tán dương rằng “Thánh nhân lo xa”. Đối với vua thì có lẽ muốn thực hiện cái ‘kế sách lâu dài’.

– Dương cao thanh thế và sức mạnh hùng hậu của quân đội nhà Trần.

– Tận dụng thời cơ tinh thần chiến đấu đang hăng của ba quân tướng sĩ sau khi đại thắng quân Nguyên mà đi chinh phạt Lào, giữ vững và ổn định mạn sườn mặt Tây Nam và Tây Bắc.

– Hoàn tất sự nghiệp đế vương để trao quyền trị vì và nhường ngôi cho Anh Tông nhằm thực hiện chí nguyện xuất gia, không còn bận tâm đến vấn đề triều chính cũng như không còn lo toan đến sự quấy nhiễu của các nước lân cận.

– Xiển dương giáo lý của đức Phật, giảng dạy Thiền học sau khi toàn dân đã được an cư lạc nghiệp thì việc làm này chắc chắn được đại đa số quần chúng hưởng ứng và qui ngưỡng.

Sau khi chinh phục Lào, vua về nước và tiến hành lễ xuất gia ở hành cung Vũ Lâm, sau đó hồi quy kinh sư.

Cuộc đời của vua Trần Nhân Tông là một bài thơ bất tuyệt, là bậc minh quân chói sáng của quân dân đất Việt, là đại chính trị gia lỗi lạc, là hoa đạo bất diệt của đạo pháp và cũng là một Thiền sư chân chính mang chất liệu của con người Việt Nam, chất Phật Việt Nam và cũng là vị Tổ đầu tiên đã khai mở và khơi lên ánh sáng đèn thiền tuệ giác của dòng Thiền Việt Nam, Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Cuộc đời Ngài có thể tóm lược qua những dấu ấn lịch sử như sau:

– Năm 21 tuổi lên ngôi hoàng đế.

– Năm 1285 đại thắng Mông Nguyên lần thứ hai.

– Năm 1288 đại thắng Mông Nguyên lần thứ ba.

– Năm 1293 truyền ngôi cho Anh Tông và lên làm Thái Thượng Hoàng.

– Năm 1295 bắt đầu hướng đến việc ‘thực tập xuất gia’ tu đạo.

– 1299 dựng thảo am Tử Tiêu ở non Yên Tử, lấy pháp danh là Hương Vân Đại Đầu Đà và pháp hiệu là Hương Vân Hải Ấn Thiền Sư. Sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, dựng chùa Long Động xiển dương Chánh pháp và giáo huấn môn Tăng.

– Năm 1304 lấy hiệu là Trúc Lâm Đầu Đà Điều Ngự Giác Hoàng, vân du hóa độ, khuyên dân bỏ mê tín, hủy dâm từ, hành pháp Thập thiện, sống theo chánh đạo, nhằm xây dựng một ‘xã hội đạo đức’ để thành tựu ‘Tịnh độ trong nhân gian’.

– Năm 1304 truyền Bồ-tát giới cho vua Anh Tông.

– Năm 1306 ẩn thân nơi Am Ngọa Vân, lấy pháp hiệu là Trúc Lâm Đại Sĩ.

– Năm 1308 cử Pháp Loa đảm nhiệm chức Trú trì Báo Ân tự ở Siêu Loại (Bắc Ninh).

– Tháng 4 năm 1308 đến Vĩnh Nghiêm tự ở Long Giang (Bắc Ninh) chủ trì và thuyết giảng Truyền Đăng Lục và mời Quốc sư Đạo Nhất giảng kinh Pháp Hoa cho chư Tăng an cư kiết hạ. Việc hoàn tất, ngài Giác Hoàng hồi qui Yên Tử sơn.

– Ngày 5 tháng 10 năm 1308 thăm Công chúa Thiên Thụy và hộ niệm tiếp dẫn. 

– Ngày 17 tháng 10 năm 1308 an nghỉ ở Sùng Nghiêm tự, nơi Linh Thứu sơn và được Hoàng Thái Hậu Tuyên Từ thỉnh Ngài đến am Bình Dương để hiến cúng Ngọ trai.

– Ngày 18 tháng 10 năm 1308 đến Tú Lâm tự ở non An Sinh, cảm thấy nhức đầu và nhờ thị giả đưa lên Ngọa Vân Am.

– Ngày 19 bảo thị giả Pháp Không đến Am Tử Tiêu, Yên Tử sơn, rồi đòi gặp Bảo Sát để giải nghi trước khi thuận thế vô thường xả thân ngũ ấm.

– Ngày 20 Bảo Sát trên đường đến Am Ngọa Vân để yết kiến ngài Giác Hoàng.

– Ngày 21 Bảo Sát đến Am Ngọa Vân rồi vào yết kiến ngài Giác Hoàng. Cuộc đàm vấn xảy ra giữa Ngài và Bảo Sát, lúc đó Ngài đọc kệ:

“Nhất thiết pháp bất sanh,
Nhất thiết pháp bất diệt,
Nhược năng như thị giải,
Chư Phật thường hiện tiền,
Hà khứ lai chi hữu dã”.

Xong đâu vào đó, vào giờ Ngọ cùng ngày ấy, Ngài xả bỏ huyễn thân, rồi qui Phật cảnh. Sau khi đất nước được thái bình, vua Trần Nhân Tông đã đi khắp nơi, khuyến hóa dân chúng, dẹp bỏ những dâm từ, dạy pháp Thập Thiện cho dân hành đạo. Và sau khi đi bái yết sơn lăng thăm lại lăng tẩm của liệt Tổ liệt Tôn, Thượng hoàng đăng Yên Tử sơn, rồi thuận thế vô thường, xả ngũ ấm thân nơi Am Ngọa Vân, hồi qui Phật cảnh.

T.K.Đ

Chú thích

1. Nhất Hạnh, Am Mây Ngủ, 2001, tr. 24 & 26.
2. Viện Sử Học, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục_Tập 1, Nxb Giáo Dục, 1998, tr. 538.
3. Sđd., tr. 542.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here