Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Đôi nét về văn hoá "phi vật chất" của Phật giáo Huế

Đôi nét về văn hoá "phi vật chất" của Phật giáo Huế

103
0

Văn hoá phi vật chất là phần quan trọng nhất trong văn hoá Phật giáo Huế. Bởi vì đây là nguồn suối đã góp phần tạo nên con người Huế, tạo nên nếp sống tình cảm, đạo đức; từ phong cách đi đứng uyển chuyển, mặc áo thanh lịch, nói năng nhẹ nhàng, lễ độ cho đến cách xử thế cao nhã mà qua hơn 600 năm Phật giáo Thuận Hoá xưa và Phật giáo Huế nay, đã đóng góp với văn hoá vốn có của Phú Xuân, và văn hoá cung đình vua chúa để tạo nên mẫu người Huế rất đặc trưng trong cộng đồng dân tộc.

Du khách đến Huế, tìm đến các cảnh chùa Huế để tham quan, họ đều thấy được và để ý đến vẻ đẹp uyển nhã; duyên dáng; vẻ kiều diễm và hài hoà trong cử chỉ, điệu bộ của người phụ nữ Huế với chiếc áo dài màu lam, mà họ gặp ở các chùa trong ngày lễ; họ đều biết đến vẻ trầm tĩnh cao nhã của người đàn ông Huế khi sinh hoạt Phật sự tại các chùa; vẻ trong sáng đạo hạnh và nụ cười từ bi nồng ấm của Chư Tăng tại các chùa Huế…

Tất cả tạo nên một cách sống đặc trưng rất khác người dân các tỉnh. Phong cách về thể dáng dễ mến ấy, kết hợp với khả năng và tâm hồn đối với nghệ thuật, âm nhạc, thơ ca và giọng nói dịu dàng nhỏ nhẹ, trong một không khí Thiền, đã biểu thị rõ nét về văn hoá nhân văn của Phật giáo Huế là cuộc sống mang tính cách thưởng ngoạn, vui vẻ, có tính “nghệ thuật sống” hơn là tính chỉ “sống để mà sống”; một lối sống “rất Huế”, khó bình giảng. Bởi đó mà người phụ nữ Việt Kiều đến chùa Huế với bộ đồ tây đầm kiểu Mỹ, xem ra vô cùng lạc điệu.

Một phần không kém quan trọng trong lãnh vực văn hoá phi vật chất của Phật giáo Huế là việc hình thành được tập quán thờ tự, cúng lễ theo “chánh tín”. Thông thường nghi lễ là phần chính yếu biểu thị của một tôn giáo; nghi lễ cũng là một hình thái bức thiết của con người để tỏ lòng biết ơn, cầu đảo, van xin. Nhưng Phật giáo chỉ lấy “giải thoát khỏi đau khổ” làm mục đích của cuộc sống, cho nên phần nghi lễ không hề bày ra một cái gì để trói buộc con người hoặc có tính cách huyền bí đối với con người. Nhất là không bao giờ nguyện cầu tha lực để được giải thoát, mà phải tự lực vươn tới chỗ tự mình giải thoát cho mình, giải thoát ngay trong cuộc sống hằng ngày sao cho tâm trạng không lo âu, sợ sệt hão huyền; tâm trạng luôn luôn an trụ trong thư thái vui vẻ, thoát mọi phiền não gây nên tức giận, tham lam điên đảo. Lễ nghi của Phật giáo Huế đã tạo được cho nếp sống tâm linh người dân Huế, gồm có hai phần:

1. Phần bày biện lễ vật chủ yếu là giản khiết, tinh sạch, vệ sinh; tượng Phật thờ đúng cách, ngoài tượng thì có Kinh, chuông mõ, tràng hạt bồ đề; trên bàn thờ Phật thì chỉ có đèn sáng, hương trầm thơm, hoa quả tươi tắn, màu sắc vui, có sự cân xứng để tạo tâm tưởng chỉnh nghi. Nếu có cỗ cúng Tổ Tiên thì chỉ cần làm cỗ chay vừa hợp vệ sinh, vừa đỡ chi li, hao tốn thì giờ, tránh ruồi nhặng bâu  hút truyền mầm bệnh vào đồ ăn. Tuyệt đối không có đồ giấy vàng mã.

2. Phần tự trang nghiêm chính mình: thân, khẩu, ý để hướng thiện; biết chắp tay tĩnh túc mật niệm theo tiếng xướng, tán, đọc kinh, trì chú của vị Tăng chủ sám. Hiện nay, hầu hết các gia đình dân Huế có theo đạo Phật gần như đã thực hiện đồng bộ, tạo nên nếp sống thuần nhã, có ý nghĩa và cũng đã thành mỹ tục trong dân Huế: ngày Rằm và mồng một ăn chay. Số gia súc, gia cầm bị giết  trong hai ngày này giảm hẳn, nhất là ở các chợ nhỏ, chợ lẻ khắp nơi trên các đường phố và ở các làng; ngày Phật Đản và ngày Rằm Vu Lan đã thành ngày tháng hội, và mùa Báo Hiếu rất đáng trân trọng.

Văn hoá phi vật chất này còn được thể hiện ra trong bầu không khí tĩnh lặng và đặc biệt là rất sạch sẽ mà các chùa Huế đều có. Những nỗi dằn vặt trong lòng người, những lúc nóng bức khó chịu của thời tiết, khí hậu mà bước chân đến bất kỳ một cảnh chùa nào ở Huế thì người ta đều cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái ngay.

H.X.L

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here