Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Huế ơi! Càng nhớ càng thương

Huế ơi! Càng nhớ càng thương

108
0

Nhưng mà Huế của tôi cũng dịu dàng thơ mộng như một bài thơ tình diễm lệ. Tình của Huế lặng lẽ mà thâm trầm, đơn sơ mà diễm tuyệt.

Người Huế của tôi dáng dấp bề ngoài tưởng như thờ ơ lạnh lùng, nhưng thực ra bên trong chan chứa đam mê chất ngất. Trai Huế cũng lãng mạn. Gái Huế chiều ước mơ. Chỉ chừng nớ thôi cũng đủ tạo cho Huế một sắc thái lạ lùng riêng biệt, khiến cho những đứa con của Huế đi xa đã luôn khắc khoải nhớ về.

Bây giờ có những lần nhớ Huế không cầm được, tôi ra xe phóng chạy như bay trên xa lộ đến Ngũ Đại Hồ, đứng lặng hàng giờ nhìn sóng nước mênh mông mà mơ tưởng như mình đang còn ở Huế, đứng dưới chân cầu Trường Tiền bên dòng Hương Giang thơ mộng.

Gió biển hồ từng cơn lồng lộng như muốn thổi trốc gốc hàng cây lệ liễu tha thiết bên bờ. Dựa lưng vào một gốc cây, tôi lạnh run lập cập, hai tay ôm ngực che gió, miệng thầm thì hát mãi một câu hát buồn của Huế giữa trời khuya:

Một mình em đứng giữa sông Hương,
Tiếng ca du nữ đoạn trường ai nghe ?

Cảnh sát đi tuần tiễu, lượm được tôi nằm bên bờ hồ, liền chở vào nhà thương cấp cứu. Bác sĩ khám nghiệm nhận ra tôi bị khủng hoảng tinh thần trầm trọng, nên gửi tôi đến bác sĩ chuyên khoa tâm lý chữa trị. Trời ơi! Thì ra tôi bị bệnh nhớ nhà. Sang tới đây, sống âm thầm cô độc ở một tiểu bang xa xôi giá tuyết, con người nẩy sinh ra thứ ký ức phi thường, ký ức của một đời chập chờn ray rứt khôn nguôi. Thôi thì có bao nhiêu câu chuyện vui buồn, hạn tủi của những tháng ngày cũ, cứ thế mà tuôn trào, cứ thế mà hiển hiện nối tiếp miên man…

Người Huế của tôi dáng dấp bề ngoài tưởng như thờ ơ lạnh lùng

 Đối với người Hoa Kỳ, bệnh Home Sick (nhớ nhà) là một bệnh nan y, chưa có một thứ thuốc nào chữa khỏi. Tạm thời họ dùng phương pháp thôi miên ru ngủ, dùng lời nói dẫn dắt tâm linh người bệnh ra khỏi mù mờ ảo mộng để trở về với thực tế thăng bằng.

Sáng nay có nhiều bệnh nhân xuất viện. Riêng chỉ có tôi thuộc loại bất trị, vì bác sĩ nói bác sĩ nghe. Anh văn của tôi dựng không đầy một ngọn lá mít thì làm sao hiểu được lời ru ngọt ngào để đi vào giấc ngủ thôi miên huyền bí ấy ?

Chờ cho cô y tá cuối cùng đến trao viên thuốc an thần đi ra là tôi tung mền ngồi dậy, rón rén vén màn leo qua cửa sổ, tụt xuống chân tường, ngồi im trong bóng tối. Thừa lúc các y tá bận rộn tiếp nhận bệnh nhân, tôi phóng chạy ra khỏi bệnh viện, đi lang thang một mình ngoài công viên với niềm lo âu sợ sệt. Cứ nghĩ đến một ngày nào đó người ta sẽ đưa tôi lên bàn giải phẩu, cắt bào, nạo bỏ tất cả kỷ niệm quê hương trong tôi ra. Trời ơi! Đau lòng lắm, tàn nhẫn lắm! Ngày ấy chắc tôi chỉ còn một cách là… tự tử!

Mãi về sau này tôi mới tìm ra một giải pháp để tự giải thoát cho linh hồn tôi, đó là thiền.

Tôi chưa bao giờ trông thấy ai hành Thiền và cũng chưa bao giờ đọc qua một cuốn sách nào nói về Thiền. Tôi chỉ nghe người ta nói chuyện qua chuyện lại về Thiền, tôi mường tượng nghĩ rằng: Thiền là ngồi im lặng cho tâm tư yên tĩnh, cho linh hồn thanh tịnh. Thiền giúp người ta rũ sạch bụi trần ai. Nhưng thiền của tôi thì lại khác. Khi thiền, hồn tôi tách rời khỏi thể xác, tự do bay khắp bốn phương trời xa; khi thì dừng chân chiêm ngưỡng tượng thần Athene bên Hy Lạp; khi thì vất vưởng ngồi trên Kim Tự Tháp ở Ai Cập; có khi lang thang bên Mông Cổ hay dạo mát ở Vạn Lý Trường Thành. Những lần như thế, hồn tôi vun vút bay cao, vượt sóng gió trùng dương hướng về một chân trời xa tít, nơi có quê hương Việt Nam yêu dấu ngàn đời nhớ thương… Người ta cho rằng tôi bị tẩu hỏa nhập ma, nhưng thiền giúp tôi yêu đời, vui sống, đem trả lại cho tôi những kỹ niệm, những bóng dáng và nụ cười của những ngày tháng cũ.

Hôm nay tôi về với Huế:

“Ai đã về Huế ?
  Ai đã tới kinh đô ?
  Ai chắc rõ nơi mô
  Là chốn đầy hương sắc
  Ai thấy lòng thắc mắc
  Trên bến nước mơ màng
  Ai đã từng sang ngang
  Những chuyến đò ngắn ngủi
  Ai đã từng những buổi
  Tình đẹp bên thành xưa
  Khi trăng mãi lững lờ
  Sau khúc hò mái đẩy”.
  ………………………………

Huế là một bài thơ diễm lệ, nhưng Huế ngày nay chưa đáp ứng lòng mong ước của nhiều người gần xa. Một mình tôi lững thững giữa hoàng cung hoang vắng. Nơi đây vang bóng một thời vàng son của triều Nguyễn. Thuở xa xưa, cha tôi đã từng bệ kiến dưới sân rồng lầu vua. Ngày ấy tôi hãy còn bé tí, cũng được theo cha vào cung hưởng lộc. Kỷ niệm đó xa vời quá, bây giờ đây tôi chỉ còn tìm thấy một vài dấu tích kỷ niệm cũ. Đó là hai cây bông sứ khẳng khiu còn sót lại bên bức thành cổ…

Hồn lướt nhanh qua cầu Trường Tiền, ghé thăm Nguyệt Biều, Long Thọ, trở về Phủ cam, Bến Ngự, Gia Hội, Bao Vinh, có trở lại Huế lúc này mới thấy rõ nỗi buồn thương…

Lướt theo giòng Hương mênh mang kỳ ảo, hồn về Vỹ Dạ làng xưa, thăm lại ngôi nhà, ao bèo, vườn chuối. Hồn len lõi trong đám tre sậy, lau lách, tìm lại mùi hương quen thuộc của quê nhà. Mùi hoa bưởi, hoa cau, hoa ngêu, hoa khế, mỗi gốc cây, mỗi khóm lá gợi lên trong tôi một thời thơ ấu thần tiên tuyệt đẹp. Nay là bếp nước của những gót chân hồng thiếu nữ măng tơ sáng chiều bơi lội. Kia là những khu vườn xanh ăn thông từ nhà này sang nhà khác, tha hồ cho bầy con gái leo trèo hái trái nhâm nhi.

Cảnh Thiền giúp tôi yêu đời, vui sống, đem trả lại cho tôi những kỷ niệm

Tất cả cảnh cũ vẫn còn đây ! Nhưng người xưa đâu chẳng thấy, chỉ thấy toàn người xa lạ. Bổng có tiếng chó sủa vang, rồi một con chó vện nhảy bổ tới hôn tôi, tru lên từng hồi dài thảm thiết làm cho nhiều người trong vườn, trong xóm, ngưng cuốc đất, ngước nhìn ra cổng, nghe ngóng đợi chờ. Rồi tôi nghe có tiếng gậy khua lạch cạch và một người đàn bà già nua, ốm yếu, quờ quạng bước ra sân.

– Nì Vện! Có ai đến mà mi mừng dữ rứa? Lạy Trời, lạy Phật cho bầy cháu đi xa bình an trở về.

Tôi bàng hoàng, xúc động tột cùng khi nhận ra người đàn bà ấy đó là cô Tịnh Hảo của tôi, người cô khả kính dịu hiền mà tôi trọn đời yêu thương. Cha tôi mất sớm, mẹ tôi phải tảo tần buôn bán ngược xuôi, những ngày vắng mẹ, cô thường ấp ủ thương yêu, lo cho tôi từng miếng cơm giấc ngủ.

Hồn tôi xót xa quay quắt, nhưng không thể làm gì hơn là rúc vào lòng người cô già mà khóc lóc vật vã, khóc nức nở, khóc ngon lành ! Khóc như thuở xa xưa khi còn bé tí, khóc cho thỏa thê chê chán, khóc cho cạn lòng thương nhớ bấy lâu nay.

Chao ôi! Thương nhớ ngập đầy! Bây giờ phải làm sao đây? Làm sao cho cô tôi, cho mọi người thân thương hay biết là tôi đang có mặt nơi đây, ở ngay trong ngôi nhà này. Có chăng chỉ là tiếng con Vện sủa mừng tấm linh hồn mong manh yếu đuối, vượt ngàn trùng sông núi về thăm lại cố hương.

Bỏ Huế mà đi, tôi là đứa con lạt lỏng chạy theo phù hoa ảo ảnh, để lại sau lưng Huế với bao nhiều chuyện nhớ thương. Hôm nay tôi xin về với Huế, về mà tạ tội, mà ăn năn, và sám hối muộn màng .

T.N.T.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here