Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Huế đi qua mùa Phật đản

Huế đi qua mùa Phật đản

119
0

Thành phố rợp sắc mừng Phật đản

Huế vốn nổi tiếng là thiền kinh, nên hằng năm, cứ vào ngày trăng tròn tháng tư âm lịch, đến đâu du khách cũng thấy rợp cờ đèn mừng Phật đản, từ thành phố cho đến vùng thôn quê, miền núi. Nhiều nơi, người dân đã chuẩn bị cho công việc này ngay từ những ngày đầu tháng 4 âm lịch. Nhà nhà thiết trí lễ đài, Xóm xóm trang hoàng cờ đèn, cổng chào để đón mừng Phật đản. Mỗi nơi một vẻ nhưng tất cả hướng đến ngày đản sinh của Đức Phật. Vào ngày rằm, dạo quanh thành phố Huế, đến đâu chúng tôi cũng thấy tràn ngập sắc màu cờ và đèn hoa. Nổi bật nhất là các đường Trần Hưng Đạo, Phan Đăng Lưu, Huỳnh Thúc Kháng, Mai Thúc Loan, Hùng Vương… nhất là hai đường Điện Biên Phủ và Phan Bội Châu, nơi có mật độ chùa nhiều nhất luôn rực rỡ cờ hoa. Thật ấn tượng khi vào những ngày đầu tháng Tư, nhiều người dân đã gánh những chiếc lồng đèn bán dạo trên đường phố. Và ấn tượng hơn khi có nhiều tư gia xây dựng nhà chưa hoàn thành vẫn làm lễ đài và treo cờ đèn mừng Phật đản. Năm nay, ban tổ chức được phép trang trí mừng Phật đản ở một số điểm mới như cầu bến Ngự, An Cựu, cầu Ga, đường Nguyễn Sinh Cung, đường đi bộ Nguyễn Sinh cung và hai bên bờ sông Hương, dựng biểu tượng Phật đản ở công viên hai đầu thành phố, nên Huế trong những ngày qua, đến đâu cũng thấy tràn ngập sắc màu Phật đản.


Nhiều chương trình lễ hội

Hằng năm vào mỗi mùa sen nở là Huế rộ lên nhiều chương trình mừng Phật đản trong suốt cả tuần lễ. Nhiều hoạt động đã trở thành truyền thống như: dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và những người đã hi sinh cho đạo pháp và dân tộc; tổ chức các đoàn từ thiện cứu giúp đồng bào nghèo ở bệnh viện, trại mù, viện dưỡng lão và trại trẻ mồ côi, triển lãm, rước Phật, trình diễn văn nghệ, cắm trại, diễn hành xe hoa, thuyền hoa… Đặc biệt, năm nay có hai chương trình nổi bật là phục vụ ăn chay miễn phí tại lễ đài chính của Ban Trị sự (chùa Từ Đàm) và huyện miền núi A Lưới, tổ chức triển lãm tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán, chủ đề: “Di sản văn hóa Phật giáo Phú Xuân”, với sự hỗ trợ của nhà nghiên cứu, nhà sưu tập cổ vật danh tiếng Trần Đình Sơn và nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông cùng nhóm cộng sự. Cuộc triển lãm đã trưng bày nhiều hình ảnh, cổ vật quý hiếm, hiện vật, bản dập đặc biệt về văn hóa Phú Xuân và giới thiệu những cổ vật Phật giáo có niên đại từ 1945 trở về trước do nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn sưu tầm, thực hiện. Cuộc triển lãm đã thu hút hàng trăm lượt khách đến thưởng lãm mỗi ngày trong suốt tuần lễ Phật đản.


Đi chùa lễ Phật, ăn chay

Đi chùa lễ Phật, ăn chay là những sinh hoạt tâm linh không thể thiếu của người Huế trong mùa Phật đản. Vào tối ngày 14 và ngày rằm tháng 4 âm lịch, người Huế thường đến chùa lễ Phật, ăn chay và tham dự lễ hội. Đường phố trong những ngày này nhộn nhịp hẳn lên, khác với vẻ trầm mặc thường ngày của Huế. Đường Điện Biên Phủ và Phan Bội Châu luôn tấp nập người đi trẩy hội. Từ các cụ già cho đến các em bé trong những chiếc áo lam, cả gia đình cùng đi chùa lễ Phật. Đến bất cứ ngôi chùa nào ở Huế, du khách cũng không thấy cảnh chen lấn ồn ào, không đốt vàng mã và thắp khói hương nghi ngút, không đi dép vào trong chùa, phần lớn phụ nữ mặc áo dài khi đến chùa lễ Phật. Phật đản cũng là dịp mà nhiều người dân đi thăm mộ và thắp hương cho người quá cố. Đây là phong cách đặc trưng mà cửa thiền đã tạo nên cho nếp sống của người dân Huế.

Ăn chay cũng là một phong cách đặc trưng của người Huế mà ít nơi nào có. Với đa phần dân số Huế theo đạo Phật nên có rất đông các Phật tử ăn chay. Nghệ thuật ẩm thực chay cũng là nét nổi bật của người Huế, chính vì vậy du khách sẽ không lạ mỗi khi đến Huế vào dịp Phật đản, chứng kiến đông đảo người dân ăn chay vào các ngày đại lễ. Ngày rằm, các chùa, các quán chay luôn tấp nập thực khách. Quán chay “di động” cũng được mở ra dọc hai bên đường để phục vụ thực khách lỡ đường, nổi bật là các phố Bạch Đằng, Phan Bội Châu và Điện Biên Phủ. Đặc biệt năm nay, Ban trị sự tỉnh hội PG Thừa Thiên Huế đã tổ chức phục vụ du khách quy mô hơn tại chùa Từ Đàm, thu hút hàng ngàn lượt khách đến ăn chay mỗi ngày. Nhiều lò mổ gia súc gia cầm ở Huế đã đóng cửa trong ngày Phật đản để đi chùa lễ Phật, ăn chay với tâm niệm mong gột rửa bớt tội lỗi trong một năm qua.
 

Cầu nguyện quốc thái dân an

Vào mỗi Phật đản, Quý Thầy, quý Sư cô và Phật tử thường tổ chức tụng kinh Pháp Hoa trong suốt tuần lễ Phật đản. Lễ Tắm Phật, Rước Phật cầu nguyện được tổ chức vào tối ngày 14 âm lịch để cầu quốc thái dân an, thế giới hòa bình, một nghi lễ truyền thống của dân tộc có từ lâu đời, được tổ chức vào dịp Đại lễ Phật đản hằng năm. Nghi lễ này cũng là hoạt động văn hóa tâm linh quan trọng của người Huế. Sau một thời gian gián đoạn, những năm gần đây, Ban trị sự Tỉnh hội đã phục dựng và tổ chức vào mỗi chiều tối 14 tháng 4 âm lịch, tại lễ đài chùa Diệu Đế, sau đó thỉnh Phật đến chùa Từ Đàm để cử hành Lễ Phật đản chính thức vào sáng hôm sau. Nghi lễ được tổ chức long trọng, để lại nhiều dấu ấn tâm linh khó phai cho người tham dự và chứng kiến.

Ngoài ra còn có lễ phóng sinh đăng kết hợp với nghi thức diễn hành thuyền hoa vào tối ngày rằm, cũng đã thu hút hàng vạn du khách đến xem. Thuyền hoa được thiết kế với nhiều kiểu dáng khác nhau nhằm tôn vinh đức Phật đản sinh. Vào tối ngày này, dòng người đổ về hai bên bờ sông Hương, cầu Trường Tiền và Phú Xuân để xem thuyền hoa diễn hành, tạo thành không khí lễ hội tưng bừng nhộn nhịp. Đến giờ diễu hành, sông Hương lúc này trở thành sông hoa, dòng sông của sự sống hài hòa giữa muôn loài.

Huế đi qua mùa Phật đản, bừng lên niềm vui trong không khí lễ hội để rồi trở về không gian tĩnh lặng của thường ngày, đón chờ các mùa lễ hội tiếp theo.

Trường Minh
.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here