Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Ấn tượng khó quên về mùa Phật đản PL. 2553 tại Huế

Ấn tượng khó quên về mùa Phật đản PL. 2553 tại Huế

121
0

Thành phố Huế mỗi ngày mỗi thay da đổi thịt và đang có xu thế phát triển đi lên như sự mong ước của những người yêu Huế gần xa, ở trong nước và ngoài nước nặng tình với Huế. Địa bàn dân cư mở rộng đến 25 phường xã, và dân số tăng vọt đến hơn 320.000 dân sau cuộc điều tra dân số vừa qua.

Đi quanh phố phường nội thành đã choáng mắt mỏi chân huống hồ là chạy cho khắp vùng ven đô vào mùa sen nở để thấy được nét thần kỳ của cố đô vừa là cố kinh Phật giáo. 

Có nhiều tọa độ để nhìn ngắm, chẳng hạn như đứng trên cầu CHỢ DINH để nhìn lên phía Bắc, nhìn về phía Nam vào lúc sáng sớm và lúc hoàng hôn. Cồn Huế là một đảo nhỏ, Gia Hội là một đảo lớn hơn. Đứng tên cửa tam quan chùa Kim Sơn – nguyên xưa là Quốc tự vừa là đại tùng lâm một thời chư tôn thiền đức trong hàng giáo phẩm thời chấn hưng Phật giáo đặt bao kỳ vọng tốt lành cho việc đào tạo Tăng tài mới thấy được tầm nhìn xa của các bậc Tôn túc trí tuệ và đạo hạnh ngày xưa vào những năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ 20.

Tiền án của chùa Kim Sơn là núi Ngự Bình. Từ nơi đây có thể dùng thuyền xuôi dòng theo sông Bạch Yến đi các chợ Thông, An Hòa, Bao Vinh, Chợ Dinh… Những phụ lưu của sông Hương vừa tiện bề định hướng vừa làm đẹp thêm cho giòng sông cái chảy qua và ôm ấp kinh thành Huế…

Huế trầm mặc, yên ắng và nên thơ. Mật độ chùa Huế từ Niệm Phật đường, Ni viện, Tịnh thất, sắc tứ quốc tự, quốc tự….nhiều, nhiều hẳn hơn các đô thị lớn khác ở các tỉnh thành miền Trung, Nam, Bắc. Cốt lõi Huế là nơi xuất phát, sản sinh ra nhiều bậc danh tăng, cao tăng thạc đức. 

Huế vào mùa Phật đản.

Vì vậy mà mùa Phật Đản trong những năm trở lại đây đã làm rạng rỡ, lóe sáng lên những tính cách trầm mặc, hiền hòa, sáng tạo, cổ kính, lễ nghi, thanh thoát của thiền kinh Phật giáo ngày xưa.

Không khí, sắc màu, nhịp thở của mùa Phật đản PL. 2553 đã giữ lửa được dư âm của  Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc năm 2008. Người sông Hương giữ hồn thanh lịch Tràng An có cặp mắt tinh anh dễ dàng nhận ra điều ấy.

Xứ chùa chiền Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế vẫn nhộn nhịp, náo nức đón mừng mùa Phật đản với tinh thần như năm trước. Lửa tam muội vẫn giữ được hơi âm và tình thương chân thành, bao la theo giòng chảy êm đềm, của sông Hương đổ qua các cầu Tuần cho đến cầu Chợ Dinh, Cầu Thuận An, trước khi đổ ra bể cả Thái Bình Dương.

Niệm Phật trước giờ khởi hành thuyền hoa trên sông Hương.

Hơn nữa tháng qua do ảnh hưởng của những luồng không khí lạnh của áp thấp nhiệt đới, của đời sống còn khó khăn nhưng tấm lòng của tứ chúng Phật tử luôn luôn hoan hỷ, dồn sức lực, tiền của cho việc cúng dường đón mừng ngày giáng trần của Đức Điều ngự Thích Ca Mâu Ni. Người sông Hương trầm mặc, tùy duyên theo lệ “tiền tam hậu nhị” trước và sau lễ Phật đản mới trưng bày cờ đèn, lễ đài tư gia, mua sắm nhiều hoa tươi, quả ngọt để cúng dường. Từ sau lễ Khai kinh ngày mồng 8 tháng tư và lễ Khai mạc phòng triển lãm về di sản văn hóa Phú Xuân của hai nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn và Nguyễn Hữu Thông thì sắc màu, không khí Phật đản mới nở lên, tỏa sáng cảnh tượng đón mừng lễ Phật đản ở cố đô. 

Những công trình nơi công cộng mà điển hình nhất là hai biểu tượng ở hai đầu cửa ngõ Bắc-Nam (công viên An Cựu và công viên An Hòa). Hai biểu tượng khiến cho các giới Phật tử như mở cờ trong bụng về một mùa Phật đản thành công và liên tưởng đến truyền thống tổ chức Phật đản Huế năm xưa. Con đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu sáng rực cờ hoa, lồng đèn suốt hơn 7 ngày đêm. Kể từ ngày 13 cho đến đêm rằm tháng Tư, lần lượt có các lễ rước Phật từ chùa Diệu Đế lên chùa Từ Đàm, trên 40 thuyền hoa của các đoàn thể Phật tử diễu hành trên sông Hương và nhất là Đại lễ Phật đản  được cử hành long trọng tại chùa Từ Đàm vào sáng ngày rằm tháng tư là đỉnh điểm của lễ hội Phật đản đón mừng.

Thuyền Phật đản trên sông Hương.

Sau những lễ nghi chính yếu long trọng và cốt yếu của tuần lễ Phật đản là phần trẩy hội chúng Phật tử; đồng bào Phật tử và quần chúng, kể cả những tín đồ của các tôn giáo bạn. Các trục lộ chính của đường phố hai bên bờ sông Hương đông đúc, tấp nập những luồng người, luồng xe máy, ô tô lên chùa, đi xem thuyền hoa diễu hành trên sông Hương, xem triển lãm với đề tài “DI SẢN VĂN HÓA PHÚ XUÂN” tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán. 6 ngày qua, Trung tâm vinh dự đón tiếp nhiều vị khách quý, các nhà nghiên cứu trong nước và các du khách với nhiều quốc tịch đến du lịch Huế. Giới báo chí tập trung ghi bình, phỏng vấn hai tác giả Trần Đình Sơn và Nguyễn Hữu Thông để quảng bá và lưu trữ tư liệu, di sản văn hóa vô giá về đồ sứ ký kiểu, đồ đồng, sách cổ bằng chữ Hán và chức Nôm, mộc bản in kinh sách, bia đá và các bản dập in lại lồng văn bia đá với nghệ thuật tạo hình, tạo mẫu thời các chúa Nguyễn và vua Nguyễn… Đặc biệt giới trẻ như sinh viên, học sinh, nhà văn, nhà báo thường xuyên đến triển lãm và ghi hình, thâu băng. Ban tiếp tân, thuyết minh phụ làm việc liên tục và tặng quả sách báo cho các người nhiệt tình đến tham quan, học hỏi.

Ăn chay vào những dịp lễ Phật giáo là nếp văn hóa của người Huế, của người trẻ học tập ở Huế.

Đêm 14 rạng ngày rằm số lượng ra vào tham quan Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán và xe triển lãm nườm nượt ở lầu thượng, tầng trệt và kể cả xem tranh phóng lớn về sự tích Đức Phật Thích Ca. Rất đông quý vị khách đã chiêm bái tượng Đức Quán Thế Âm ở phía trước tiền sảnh quay mặt ra đường Lê Lợi và ghi hình lưu niệm. Không chỉ riêng người Huế mà người các tỉnh khác cùng Việt kiều ở nước ngoài chọn mùa Phật đản để về thăm cố đô và cố hương. Thật cảm động làm sao khi thấy các cháu nhỏ, các em oanh vũ vừa xem triễn lãm vừa mở sổ tay ra ghi chép và tìm các hướng dẫn viên phụ trách tiếp tân để hỏi han một cách chân tình, cầu học vì đối với các em cái gì cũng đều lạ, đều mới cả mặc dù đó thuần túy là đồ cổ, là di sản văn hóa thiêng liêng.

Hàng ngàn người tham dự lễ Phật đản tại chùa Từ Đàm.

Đêm về khuya, sau 12 giờ, không gian Huế trở nên yên ắng trở lại như ngày thường, đường phố đã ít người đi lại, nhưng cảnh quang trang trí cờ đèn, pa nô…lung linh lóe sáng dưới ánh đèn chiếu đô thị.

Nhiều ấn tượng đẹp, lạ, mới mà cũ của Mùa Phật đản PL. 2553 đã để lại trong tâm tư mọi người. Riêng giới Phật tử thuần thành đã tự khẳng định từ đầu khi bắt tay vào việc tổ chức lễ: “Dù ai nói ngã nói nghiêng/Thì ta cứ vững như kiền ba chân”.

Lê Quang Thái

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here