Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Hạnh phúc & khổ đau

Hạnh phúc & khổ đau

101
0

Trong mỗi con người chúng ta, ai cũng có lúc vui vẻ, hạnh phúc hoặc đau khổ, đó là điều tất nhiên, nhưng nỗi buồn thường để lại trong ta dấu ấn sâu đậm hơn.

Có người buồn ít, có người buồn nhiều, có người suốt đời không sao quên được nỗi đau của mình, vậy thì cái gì đã tạo ra nỗi buồn? tại sao người buồn ít người buồn nhiều? nguyên nhân xuất phát từ đâu? Ta vui vì mọi việc đúng với ý ta, còn ta buồn vì nó trái với ý ta nên ta buồn, đó là nguyên tắc chung cho mọi người.

Trong mỗi con người chúng ta đều có hai phần rỏ rệt, Tâm và Thân, có những niềm vui, nỗi buồn xuất phát từ thân chúng ta qua sự tiếp xúc, cọ xát tạo nên thích thú hay đau khổ, riêng về Tâm thì phức tạp hơn nhiều, vì tâm được hình thành từ nhân cách, ý thức, giáo dục, tập quán, bản ngã của mỗi người.

Là người Phật tử nếu ta không quán chiếu, tu tập, thì ta rất khó nhận ra được nỗi khổ niềm đau đó xuất phát từ đâu, để khắc phục mang lại niềm an lạc cho mình. Hiện tượng vẫn là hiện tượng, còn vui hay buồn là tùy thuộc vào cảm thọ của mỗi người.

Khi ta đến chùa, ta được quí thầy, quí cô chỉ dạy cho ta rất nhiều, hoặc qua kinh sách, thiện tri thức truyền lại, nhưng ta không để tâm suy nghĩ, chỉ làm một cách máy móc, không tư duy, quán chiếu thì khó mà tiến bộ được.

Tu hành là để được an vui giải thoát, nhưng nếu ta cứ chạy theo bên ngoài, không biết quay vào bên trong thì cả đời cũng không bao giờ dứt được phiền não, bởi vì gốc rể tất cả những phiền não khổ đau là do tâm ta khởi, chứ không phải từ bên ngoài, cảnh bên ngoài là giả tạm, vô thường nên không bao giờ đáp ứng được những mong muốn của ta được, nếu ta cứ phóng tâm ra bên ngoài để tìm cầu thì chỉ chuốt lấy khổ đau, và không thấy được chân lý, giải thoát.

Đạo phật là môn “khoa học nội tâm” và đối tượng của nền khoa học ấy là Tâm Thức. Tu tập là để khắc phục, biến cải, phát huy tâm thức, vì tâm thức chính là nguồn gốc của khổ đau và hạnh phúc, hàng ngày chúng ta niệm Phật, ngồi thiền để tâm thức lắng xuống không bị lao xao, sau đó ta quán chiếu để thấy hạnh phúc hay khổ đau cũng chỉ do tâm ta sinh ra mà thôi.

Như ngài lục tổ Huệ Năng nói: “phiền não tức bồ đề” phiền não hay bồ đề cũng từ tâm ấy mà ra. Có người thắc mắc hỏi: ta chỉ có một tâm sao lại nói kiểm soát tâm ấy, ta lấy cái gì để kiểm soát tâm ấy? khi ta nói kiểm soát tức là có hai cái mới kiểm soát được chứ, một cái bị kiểm soát và một cái kiểm soát.

Phật dạy rằng: tánh nghe, tánh biết của ta luôn hằng hữu, bất sinh bất diệt, khi ta nghe một tiếng chuông ta biết có tiếng chuông, khi không có tiếng chuông ta vẫn nhận biết không có tiếng chuông, vậy tánh nghe của ta luôn nhận biết dù có tiếng chuông hay không. Nó cũng giống như ta nghe một bản nhạc vậy, khi hết một bản nhạc nó có một đoạn trống, sau đó hát tiếp, vậy khi nó không hát ta vẫn biết là nó không hát, nếu ta không nhận biết thì sao ta biết nó không hát, không có âm thanh, điều đó chứng tỏ rằng tánh nghe ta luôn hằng hữu, vì ta cứ chạy theo bên ngoài nên ta không nhận biết đó thôi. Ta dùng tánh nhận biết hằng hữu bất sinh bất diệt đó để kiểm soát tâm vọng tưởng của ta, không cho nó lao xao nữa.

Nếu ta nhận ra được tánh hằng hữu bất sinh bất diệt của mình, thì tất cả phiền não, khổ đau dứt liền, vì nó là cái bên ngoài, nó không phải là ta, sở dĩ ta khổ vì ta cứ đồng hóa ta với bên ngoài, lấy cái vô thường, giả tạm bên ngoài cho là ta nên ta bị khổ, thực ra tâm chân thật của ta rất thanh tịnh, tròn đầy, sáng suốt. đây cũng chính là mục đích mà Phật muốn Phật tử chúng ta hướng đến, để được an lạc, giải thoát.  Rất mong quí vị cố gắng tu tập, quán chiếu, nhận ra được tâm chân thật của mình và an vui giải thoát.

T.P

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here