Trang chủ Chư tôn Thiền đức Phật giáo Thuận Hoá CHƯ TÔN THIỀN ĐỨC THUẬN HOÁ – (phần 1)

CHƯ TÔN THIỀN ĐỨC THUẬN HOÁ – (phần 1)

1008
0

Chư tôn Thiền đức
và Cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hoá

“Trong cuốn sách này, chúng tôi lấy năm mất để trước. Ngoài ra, còn in thêm một số vị Cư sĩ hữu công mà chúng tôi hiện đang có tư liệu. Còn các vị Cư sĩ hữu công khác chúng tôi chưa có tư liệu nên chưa công bố trong cuốn sách này. Về Chư tôn Thiền đức, chúng tôi cũng phân ra ba cách xưng hô như sau: 1. Chư tôn đức từ Trung Hoa sang Việt Nam thì gọi là Thiền sư. 2. Các vị Tôn đức Việt Nam là đệ tử của Chư Tôn đức nói trên gọi là Đại sư. 3. Các vị Tôn đức là đệ tử của các Đại sư gọi là Hoà thượng, Thượng tọa, Đại đức. Có ba vị chúng tôi gọi là Tổ sư là Tổ sư Nguyên Thiều, Tổ sư Tử Dung, và Tổ sư Liễu Quán. Điều cuối cùng chúng tôi xin giải thích: có ba cách xếp loại Chư tôn đức đưa vào cuốn trước đây cũng như cuốn này là: 1. Các vị nguyên là gốc Thuận Hoá và đã có công đi hoằng hoá ở các nơi xa. 2. Chư vị Tôn đức nổi tiếng các nơi về Phật sự tại Thuận Hoá. 3. Chư vị Tôn đức các nơi đã về tu học tại Thuận Hoá và đã về nguyên quán hoằng đạo. Vậy chúng tôi xin thưa trước để Quý Ngài và quý vị nhận biết”.

Chư tôn Thiền đức
và Cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hoá

(Chúng tôi tuần tự bổ sung theo thứ tự dưới đây)

序文

順 化 佛 教 與 僧 伽 之 書、乃 近 現 代 最 新 之 一 史 篇 也。我 国 自 佛 教 傳 来、千 有 余 年、就 中 不 免 盛 衰 盈 虚 底 事。然 而 十 九 世 紀 以 降、春 京 之 佛 教 與 僧 伽、有 一 特 殊 之 面 目。

毎 於 夜 静 燈 明、手 中 披 閲、一 頁 又 一 頁、其 人 其 事、無 不 柄 乎 於 記 憶 之 中、使 讀 者 誰 不 尋 得 似 我 之 師、且 與 先 輩 法 侶、有 時 同 住 同 學 同 修 同 行 佛 事 之 音 容。

巻 在 手 中、眼 前 事 顕、恰 似 夢 幻 泡 影、而 非 不 流 出 自 真 如。豈 不 是 順 化 佛 教 與 僧 伽 之 廣 眺 望 者 乎。

忠 厚、海 印、両 大 師、不 辭 佛 事 多 忙、敢 忘 舊 跡、多 年 捜 集 見 聞、奔 走 四 方 拾 得。今 此 一 書、史 之 寶 庫。

然 而 僧 伽 以 外、在 家 佛 子 之 功、不 可 不 念 及。是 以 此 書 之 後、誰 知 幾 何 編 能 再 続。天 高 地 広 可 為 紙、萬 像 森 羅 可 為 字 句 豈 不 能 作 成 萬 古 之 書 乎。

過 去 之 明 鏡 使 我 鍳 形 而 自 荘 厳。二 師 功 徳 是永 世 後 學 蒙 恩 之 至 矣。

佛暦二千五百五十三年春
京 都 大 学 教 育 学 博 士
元 萬 行 大 学 教 育 学 部 学 部 長
李 金 花 法 名 源 洪 謹 序

Lời giới thiệu

Đêm vắng bốn bề tĩnh mịch, dưới ánh đèn lần giở từng trang, quá khứ như một dòng thác đã  về trong ký ức. Trừ các thế hệ xa xưa của liệt vị Tổ sư thế kỷ XIX trở về trước, những khuôn mặt của thời hiện đại trong sử liệu này, có lẽ ít ai trong Tăng Ni Phật tử chúng ta không gặp hình ảnh một Bản sư, một Thế độ sư, một Giáo thụ sư, một Truyền giới sư, một Y chỉ sư, cho đến các bậc tiền bối, pháp lữ, đồng sư, đồng trụ, đồng học, đồng tu, đồng hành Phật sự, và cả đến các Phật tử tại gia cùng đàn em hậu bối đã sớm nhẹ nhàng giải thoát thân mộng huyễn.

Mỗi vị trong đây là một mẩu lịch sử ghép lại thành bức tranh toàn cảnh lịch sử của Phật giáo đất Thuận Hoá nói riêng, một phần của toàn đất nước nói chung, trong một giai đoạn lịch sử còn rất mới, nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩạ

Thật vậy, nếu Nara là kinh đô của Phật giáo Nhật Bản thì Huế, kể từ sau khi Nhà Nguyễn thống nhất đất nước, có thể nói là kinh đô Phật giáo Việt Nam, như một người Pháp, nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam đã gọi” Hue, la Capitale du Bouddhisme”.

Tác phẩm Chư tôn Thiền đức và Cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hoá là một công trình biên khảo sử dụng nhiều tư liệu gốc bằng chữ Hán, lưu trữ trong các tổ đình, văn bia các chùa tháp, Châu bản triều Nguyễn v.v…, bằng tiếng Pháp như B.Ạ.H, B.Ẹ.Ẹ, cùng các tạp chí có độ tin cậy cao về mặt lịch sử, là một tập hợp các hành trạng hoá duyên của liệt tổ ở đất Thuận Hoá rồi từ đ toả đi các miền đất nước, đặc biệt là ở xứ Đàng trong.

Điều đng ghi nhận công đức của hai tác giả là tìm đến khảo sát thực địa, tiếp xúc các nhân vật am hiểu tình hình Phật giáo cũng như tình hình đất nước trong các giai đoạn từ 1945 đến naỵ Có thể nói tác giả đã kết tập được những tư liệu sống, chưa hề in ấn xuất bản. Những tư liệu kết tập trong tác phẩm này, tuy nói là tư liệu Phật giáo, là tiểu sử và hành trạng chư Tăng Ni, Phật tử, nhưng nó góp phần nói lên ý nghĩa lịch sử của Phật giáo và dân tộc.

Chắc không ít độc giả không khỏi xúc động khi đọc qua tác phẩm này bắt gặp bóng dáng của chính mình, đâu đó bên cạnh những mẩu đời của chư vị trong quá vãng.

Ta phải tán thán công đức kết tập được, bởi nếu không có người sưu tầm ghi nhận, thời gian sẽ mai một, như bao nhiêu sử liệu quý đã bị mai một.

Quá khứ là tấm gương để ta soi mình trong hiện tại và trang nghiêm mình cho tương lai.

Tác phẩm này là một bổ sung cho sử liệu Phật giáo xứ Huế, một sử liệu quý cho Tăng Ni Phật tử, các nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo Huế, lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Tiếp theo quyển này sẽ còn tiếp tục bổ sung, và phần Phật tử tại gia cũng được đề cập.

Mong mỗi tự viện, chư Tăng Ni, Phật tử chúng ta nên có tác phẩm này để giữ gìn những gì đng trân trọng.

Cám ơn hai tác giả đã cho tôi viết mấy dòng này, vậy xin giới thiệu cùng chư phương độc giả.

Tp.Hồ Chí Minh, Xuân 2011
Nguyên Hồng
 

Mục lục   

CHƯƠNG I:

Bối cảnh lịch sử từ đầu thế kỷ XVII
đến hết thế kỷ XVIII

Tiết 1 :
Phần khái quát

Tiết 2 :
Chư tôn Thiền đức
Phật giáo ban đầu trong giai đoạn này

1. Thiền sư Lục Hồ Viên Cảnh ( ? – ? ) &  Đại Thâm Viên Khoan (  ?  –  ?  )          

2. Thiền sư Thạch Liêm (1633 – 1704) Chùa Thiền Lâm – Huế

3. Thiền sư Khắc Huyền (? – 1706) Chùa Thiền Lâm – Huế

4.  Thiền sư Thành Đẳng Minh Lượng Nguyệt Ân  (1626 – 1709) Chùa Quang Hoà Bình Định

5. Thiền sư Giác Phong (? – 1714) Chùa Báo Quốc – Huế    

6. Thiền sư Từ Lâm ( ? – ? ) Chùa Từ Lâm – Huế

7. Tổ sư Nguyên Thiều (1648 – 1728) Chùa Quốc Ân – Huế

8. Thiền sư Chí Khả (1710 – 1744) Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang – Quảng Trị

9. Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo ( ? – ? ) Chùa Chúc ThánhQuảng Nam

10. Thiền sư Minh Hằng Định Nhiên (? – 1793) Chùa Quốc Ân – Huế

11. Thiền sư Huyền Khê ( ? – ? ) Chùa Thiên Phúc – Huế      

12. Thiền sư Minh Vật Nhất Tri ( ? – 1786 ) Chùa Quốc Ân – Huế

13. Thiền sư Minh Giác Kỳ Phương ( ? – ? ) Chùa Quốc Ân – Huế

14. Tổ sư Minh Hoằng Tử Dung ( ? – ? ) Chùa Ấn Tôn – Từ Đàm – Huế

15. Thiền sư Thiệt Vinh Bửu Hạnh ( ?  –  ? ) Chùa Từ Đàm – Huế 

16. Thiền sư Linh Phù Tế Cảm ( ?  –  ?) Chùa Vạn Thiện – Huế          

CHƯƠNG II:

Bối cảnh lịch sử từ đầu thế kỷ XIX
đến giữa thế kỷ XX

Tiết 1 :
Phần khái quát

Tiết 2 :
Chư tôn Thiền đức
Phật giáo Thuận Hóa trong giai đoạn này

17. Đại sư Minh Châu Hương Hải (1628 – 1715) Thiền Tĩnh Viện – Thừa Thiên

18. Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán (1667 – 1742) Chùa Thuyền Tôn – Huế

19. Đại sư Tế Nhơn Hữu Bùi (? – 1753) Chùa Báo Quốc – Huế          

20. Đại sư Giác Thù (1664 – 1754) Chùa Khánh Vân – Huế        

21. Hòa thượng Tế Mẫn Tổ Huấn (? – 1778) Chùa Thuyền Tôn – Huế

22. Đại sư Tế Hiệp Hải Điện (? – 1775) Chùa Thuyền Tôn – Huế

23. Đại sư Tế Hiển Trạm Quang (? – ?) Chùa Thuyền TônHuế

24. Đại sư Tế Ân Lưu Quang (? – ?) Chùa Báo Quốc Huế          

25. Đại sư Tế Vĩ Trường Chiếu (? – ?) Chùa Đông Thiền Huế        

26. Đại sư Tế Phổ Viên Trì (? – ?) Chùa Viên ThôngHuế        

27. Hoà thượng Tăng Thiện ( ? – ? ) Chùa Từ HiếuHuế

28. Hoà thượng Đại Tuệ Chiếu Nhiên ( ? – 1802) Chùa Thuyền Tôn – Huế

29. Hòa thượng Thiệt Tánh Trí Hải (? – 1805) Chùa Quốc Ân – Huế

30. Hòa thượng Đạo Minh Phổ Tịnh ( ? – 1816) Chùa Báo QuốcHuế

31. Hoà thượng Đạo Trung Chánh Định (? – ?) Chùa Kỳ Viên Huế

32. Hoà thượng Đạo Chánh Thanh Chứng (? – ?) Chùa Từ LâmHuế

33. Hoà thượng Đạo Trung Trọng Nghĩa (? – ?) Chùa Ấn TônTừ ĐàmHuế

34. Hoà thượng Đạo Thiện Quang Tuấn (? – ?) Chùa Viên ThôngHuế

35. Hoà thượng Đạo Nhẫn Tịch Lạc (? – ?) Chùa Viên Giác  – Huế

36. Hòa thượng Tế Lịch Chánh Văn (? – 1817) Chùa Quốc ÂnHuế

37. Hòa thượng Linh Nhạc Phật Ý (1725-1821) Chùa Từ Ân – Sài gòn

38. Hòa thượng Liễu Đạt Thiệt Thành (? – 1823) Chùa Thiên MụHuế

39. Hòa thượng Tổ Ấn Mật Hoằng (1735 -1835) Chùa Quốc ÂnHuế

40. Hòa thượng Hải Trân Thụy Uyển (1829 – ? ) Chùa Thánh Duyên – Huế     

41. Hoà thượng Đạo Tâm Trung Hậu (? – 1834) Chùa Thuyền Tôn – Huế        

42. Hoà thượng Giác Ngộ (1784 – 1842) Chùa Long Sơn Bát Nhã – Nha Trang          

43. Hòa thượng Liễu Thông Huệ Giám (? – 1844) Chùa Quốc Ân – Huế

44. Hoà thượng Tánh Thiên Nhất Định (1784 – 1847) Chùa Từ Hiếu – Huế

45. Hòa thượng Tế Bổn Viên Thường (1769 – 1848) Chùa Long Quang – Huế      

46. Hoà thượng Tế Chánh Bổn Giác ( ? – 1851 ) Chùa Quốc ÂnHuế

47. Hoà thượng Tánh Huệ Nhất Chơn (? – 1851) Chùa Từ Quang – Huế          

48. Hoà thượng Quang Huy Nhất Niệm ( ? – 1857) Chùa Báo Quốc – Huế

49. Hoà thượng Tánh Thiện An Cư (? – 1862) Chùa Thuyền Tôn – Huế        

50. Hòa thượng Liễu Kiến Từ Hòa (? – 1863) Chùa Quốc Ân – Huế

51. a thượng Liễu Đạo Chí Tân ( ? – 1865) Chùa Thiên Hưng – Huế       

52. Hoà thượng Thiên Phước (Nguyễn Văn Quý) (? – 1866) Chùa Pháp Vân (Chùa Khoai) – Huế

53. Hoà thượng Tánh Hoạt Huệ Cảnh (1798 -1869) Chùa Tường VânHuế

54. Hòa thượng Tánh Thông Nhất Trí ( ? – 1873) Chùa Kim Tiên – Huế

55. Hòa thượng Tiên Giác Hải Tịnh (1788 – 1875) Chùa Từ Ân – Gia Định         

56. Hòa thượng Liễu Triệt Từ Minh (?  –  1882) Chùa Quốc Ân – Huế

57. Hòa thượng Hải Nhu Tín Nhậm  (1812 – 1883) Chùa Quảng Tế – Huế           

58. Hòa thượng Liễu Chơn Từ Hiếu (1813 – 1890) Chùa Quốc Ân,  Chùa Thiên Mụ – Huế        

59. Hòa thượng Thanh Nguyên Tiên Giảng (1852 – ? ) Chùa Từ Ân – Huế     

60. Hoà thượng Hải Nhuận Phước Thiêm (? – 1892) Chùa Thuyền Tôn – Huế        

61. Hoà thượng Tâm Quảng (? –  ?  ) Chùa Báo Quốc – Huế          

62. Hoà thượng Thanh Liêm Tâm Thiền (1867 – ?) Chùa Thuyền Tôn – Huế        

63. Hoà thượng Tâm Thể ( ? –  ? ) Chùa Bảo Lâm – Huế

64. Hòa thượng Như Thuật Tâm Minh (1847 – ? ) Chùa Ngọc Sơn – Huế           

65. Hòa thượng Như Như Đạo Nhân (1851 – ?) Chùa Báo Quốc – Huế          

66. Hoà thượng Hải Thuận Lương Duyên (1806 -1895) Chùa Báo Quốc – Huế

67. Hoà thượng Hải Toàn Linh Cơ (1823 – 1896) Chùa Tường VânHuế

68. Hòa thượng Chơn Tâm Đạo Tánh (1869 – 1896) Chùa Phước Huệ – Huế        

69. Hòa thượng Pháp Lâm (1861-1898) Chùa Viên Thông – Huế

70. Hoà thượng Hải Thiệu Cương Kỷ (1810 – 1899) Chùa Từ Hiếu – Huế

71. Hoà thượng Viên Giác (1834 – 1900) Chùa Ba-la-mật – Huế

72. Hòa thượng Minh Đức Bửu Tích (? – 1908) Chùa Quốc Ân – Huế

73. Hoà thượng Tâm Truyền (1832 – 1911) Chùa Báo Quốc – Huế

74. Hòa thượng Như Hán Nguyên Cát (? – 1914) Chùa Quốc Ân – Huế

75. Hòa thượng Thanh Vân Tâm Thành (1857 – 1915) Chùa Từ Quang – Huế          

76. Hòa thượng Chơn Kiết (? – 1918) Chùa Phước Huệ – Huế        

77. Hòa thượng Ấn Bổn Vĩnh Gia (1840 – 1918) Chùa Phước Lâm – Đà Nẵng

78. Hòa thượng Như Thừa (1880 – 1926) Chùa Viên Thông – Huế        

79. Hòa thượng Phước Chỉ (1858 – 1926) Chùa Tường VânHuế

80. Hoà thượng Tuệ Pháp (1871 – 1927) Chùa Thiên HưngHuế

81. Hoà thượng Tâm Tịnh (1868 – 1928) Chùa Tây ThiênHuế

82. Hoà thượng Viên Thành (1879 – 1928) Chùa Tra Am – Huế

83. Hòa thượng Chơn Pháp (1867 – 1932) Chùa Linh Ứng – Quảng Nam          

84. Hoà thượng Tịnh Hạnh (1889 – 1933) Chùa Tường Vân – Huế        

85. Hòa thượng Đắc Ân (1873 – 1935) Chùa Quốc ÂnHuế

86. Hoà thượng Mật Khế (1904 – 1935) Chùa Trúc Lâm – Huế

87. Hòa thượng Giác Tiên (1880 – 1936) Chùa Trúc Lâm Huế

88. Hòa thượng Tâm Khoan (1874 – 1937) Chùa Báo Quốc – Huế

89. Hòa thượng Thanh Trí Hải Luận (1858 – 1939) Chùa Quảng Tế – Huế           

90. Hoà thượng Huệ Minh (1861 – 1939) Chùa Từ Hiếu – Huế

91. Giảng sư Chỉnh Túc (1914 – 1939) Chùa Vạn Phước – Huế        

92. Hòa thượng Giác Hải (? –1940) Chùa Giác LâmHuế

93. Hòa thượng Tâm Phổ Trí Uyên (1887 – 1940) Chùa Diệu Minh, tức Pháp Hải – Huế          

94. Hòa thượng Tâm Đăng Trí Hiển (? – 1940) Chùa Ba-la-mật – Huế           

95. Hòa thượng Mật Tín (1901 – 1941) Chùa Trúc Lâm – Huế           

96. Hòa thượng Giác Viên (? –1942) Chùa Hồng KhêHuế

97. Hòa thượng Trí Giải (? – 1942) Chùa Ba-la-mật – Huế           

98. Hòa thượng Viên Chiếu (1892 – 1943) Chùa Thiên Chơn – Khánh Hòa        

99. Hoà thượng Phước Huệ (1869 – 1945) Chùa Thập ThápBình Định

CHƯƠNG III

Bối cảnh lịch sử từ giữa thế kỷ XX đến nay

Tiết 1 :

Phần khái quát

Tiết 2:

Chư tôn Thiền đức
Phật giáo Thuận hóa giai đoạn này

100. Hòa thượng Đắc Quang (1876 – 1947) Chùa Quốc Ân – Huế       

101. Hòa thượng Hưng Nghĩa (1883 – 1946)  Chùa Từ Nhơn Phổ TếHuế       

102. Hòa thượng Trí Thuyên (1923 – 1947) Tùng Lâm Kim SơnHuế

103. Hòa thượng Quảng Huệ (1903 – 1950) Chùa Thiên Minh – Huế

104. Hòa thượng Phước Hậu (1866 – 1949) Chùa Báo Quốc – Huế

105. Hòa thượng Bích Không (Giác Phong)(1894 – 1954) Chùa Giác Phong – Quảng Trị

106. Hoà thượng Mật Thể (1912 – 1961) Chùa Phổ Quang – Huế

107. Hoà thượng Tịnh Phổ (1880 – 1962) Chùa Bảo Vân – Huế

108. Hoà thượng Quảng Đức (1897 – 1963) Chùa Quan Thế Âm – Sàigòn

109. Hòa thượng Phước Huệ (1875 – 1963) Chùa Hải ĐứcHuế

110. Hoà thượng Tiêu Diêu (1892 – 1963) Vị Pháp thiêu thân Tịnh thất Tiêu Diêu – Huế

111. Đại đức Nguyên Hương (1940 – 1963) Tu viện Quảng Hương Già Lam – Sài gòn

112. Đại đức Thanh Tuệ (1945 – 1963) Chùa Phước Duyên – Huế

113. Đại Đức Thiện Mỹ (1940 – 1963 ) Tổ đình Thập Tháp và Long Khánh – Bình Định

114. Hòa thượng Đạo Dung (1938 – 1963) Chùa Từ Đàm – Huế

115. Hoà thượng Hưng Mãn ( 1901 – 1964) Chùa Kim Tiên – Huế

116. Hoà thượng Hưng Thạnh (1894 – 1964) Chùa Phước Điền – Huế

117. Hòa thượng Giác Ngạn (? – 1964) Chùa Tây Thiên – Huế

118. Hòa thượng Viên Thiện (1916 – 1967) Chùa Từ Nhơn Phổ Tế – Huế

119. Hòa thượng Bích Phong (1901 – 1968) Chùa Quy ThiệnHuế

120. Hòa thượng Chơn Thiệt (1884 – 1968) Chùa Từ Hiếu – Huế

121. Hoà thượng Đảnh Lễ (1918 – 1968) Chùa Phước Duyên – Huế

122. Hòa thượng Thiện Hỷ (1919 – 1968) Chùa Tây ThiênHuế

123. Hòa thượng Hồng Tuyên (1887 – 1968) Chùa Phổ Minh – Quảng Bình

124. Hòa thượng Quang Diệp (1915–1968) Chùa Từ Phong Lan Nhã – Huế

125. Hòa thượng Thiên Hỷ (1922 – 1970) Chùa Thiên Hỷ – Huế

126. Hòa thượng Châu Đức (1932 – 1970) Chùa Thiên Minh – Huế

127. Đại đức Chơn Thể (1944 – 1971) Chùa Tường Vân – Huế

128. Hòa thượng Mật Nguyện (1911 – 1972) Chùa Linh Quang – Huế

129. Hòa thượng Chánh Kiến (1909 – 1972) Chùa Phò QuangHuế

130. Hòa thượng Viên Dung (1903 – 1972) Chùa Khánh Vân Huế

131. Hòa thượng Viên Nhơn (1921 – 1972) Chùa Viên Ngộ – Khánh Hòa

132. Thượng tọa Hải Tịnh (1941 – 1973) Chùa Từ Đàm – Huế

133. Hoà thượng Thiện Hoa (1918 – 1973) Chùa Ấn Quang – Sài gòn

134. Hòa thượng Tịnh Khiết (1891- 1973) Chùa Tường VânHuế

135. Hòa thượng Chơn Thức (1938 – 1973) Chùa Tường VânHuế

136. Hoà thượng Hưng Phước (1884 – 1974) Chùa Từ Hoá – Huế

137. Hòa thượng Châu Toàn (1933 – 1974) Chùa Trúc Lâm – Sài gòn

138. Hòa thượng Quang Phú (1921 – 1975) Chùa Châu Lâm – Huế

139. Hòa thượng Trí Hữu (1913 – 1975) Chùa Linh Ứng – Đà Nẵng

140. Thượng tọa Hạnh Minh (1940 – 1975) Chùa Từ Đàm – Huế

141. Hòa thượng Phước Tịnh (1945 – 1975) Chùa Vạn PhướcHuế

*

Tiết 3

Chư Tôn đức Ni

1. Ni trưởng Khiết Bạch (1839 – ?) Chùa Tường Vân – Huế

2. Ni trưởng Hải Đăng (? – ?) Chùa Tường Vân – Huế

3. Ni trưởng Viên Thông (1813 – 1889) Chùa Đông Thiền – Huế

4. Ni trưởng Diên Trường (1863 – 1925) Chùa Trúc Lâm Huế

5. Ni trưởng Thanh Lương (1867 – 1928) Chùa Thiên Hưng – Huế            

6. Ni trưởng Diệu Tấn (1910 – 1947) Chùa Từ Hóa – Gia Định        

7. Ni sư Diệu Quang (1936 – 1963) Ni viện Vạn Thạnh – Nha Trang

8. Ni trưởng Diệu Huệ (1895 – 1965)  Chùa Hồng Ân – Huế            

9. Ni trưởng Thanh Quang (1920 – 1966) Ni viện Diệu Đức – Huế  

10.Ni sư Diệu Tri (1939 – 1966) Ni viện Diệu Quang – Khánh Hòa   

11. Ni trưởng Đàm Soạn (? – 1968)  Chùa Đức Viên – Hà Nội

12. Ni trưởng Giác Huệ (1889 – 1968)  Chùa Hoa Nghiêm – Huế       

13. Ni sư Liên Tập (1946 – 1970) Tịnh xá Ngọc Ninh – Tây Ninh        

14. Ni trưởng Diệu Hương (1884 – 1971) Chùa Diệu Đức – Huế

15. Ni trưởng Hướng Đạo (1905 – 1974) Chùa Diệu Viên – Huế

16. Ni trưởng Thể Quán (1911 – 1982) Chùa Hoàng Mai – Huế

17. Ni trưởng Chơn Tịnh (1935 – 1984) Chùa Hoa Nghiêm – Huế    

18. Ni trưởng Giải Huệ (1917 – 1987) Chùa Tịnh Nghiêm – Quảng Ngãi       

19. Ni trưởng Thể Thanh (1923 – 1988) Chùa Diệu Đức – Huế

20. Ni trưởng Thể Yến (1908 – 1989) Ni viện Diệu Đức – Huế

21. Ni trưởng Như Hoa (1909 – 1989) Chùa Phước Huệ – Sa Đéc      

22. Ni sư Tịnh Giải (1921 – 1990) Chùa Hồng Ân – Huế         

23. Ni trưởng Chơn Thông (1934 – 1990) Chùa Diệu Viên – Huế      

24. Ni trưởng Diệu Trí (1927 – 1992) Chùa Diệu Quang – Quảng Nam         

25. Ni Trưởng Đàm Minh (1912 – 1992) Chùa Bảo Quang – Đà Nẵng         

26. Ni sư Diệu Châu (1943 – 1992) Chùa Hoa Nghiêm – Huế 

*

CHƯƠNG IV

Chư vị Cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận hóa

1. Cư sĩ Đào Duy Từ (1572 – 1634) Hiệu : Lộc Khê 

2. Cư sĩ Hiệp Đức Hầu (1653 – 1675) Pháp danh : Minh Thiện      

3. Cư sĩ Thiều Dương Hầu (? – ?)        Pháp danh : Minh Hảo        

4. Nữ cư sĩ Tống Thị Lĩnh (1653 – 1696) Pháp danh : Hưng Tín   

5. Cư sĩ Trần Đình Ân (1624 – 1706) Pháp danh : Tịnh Tín           

6. Cư sĩ Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725) Pháp danh : Hưng Long           

7. Công chúa Long Thành (Ngọc Tú) (? – 1823) 

8. Nguyễn Phúc Tuyền (Vua Thiệu Trị) (1807 – 1847)        

9. Cư sĩ Đặng Văn Hòa (1791 – 1856)

10. Cư sĩ Đặng Huy Trứ (1825 – 1874)  Pháp danh : Hải Đức           

11. Nguyễn Phúc Hồng Bàng (1851 – ?) Pháp danh : Trừng Khế

12. Cư sĩ Điềm Tịnh (1836 – 1899) Pháp danh : Thanh Phước

13. Cư sĩ Nguyễn Phúc Bửu Bác (1898 – 1942) Pháp danh : Trừng Bạc       

14. Cư sĩ Võ Đình Thụy (1896 – 1952) Pháp danh : Tâm Huệ

15. Cư sĩ Đinh Văn Chấp (1882 – 1953)  Pháp danh : Trừng Tuệ      

16. Cư sĩ Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877 – 1961) Pháp danh : Nguyên An     

17. Cư sĩ Trương Xướng (1886 – 1962) Pháp danh : Tâm Hòa          

18. Nữ Cư sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan (1951 – 1963)  –Pháp danh : Tâm Chánh – Thánh tử đạo                  

19. Nữ Cư sĩ Huyền Tôn nữ Tuyết Hoa (1951 – 1963)
Pháp danh : Tâm Hồng – Thánh tử đạo

20. Cư sĩ Dương Văn Đạt (1950 – 1963)
Pháp danh : Tâm Thành – Thánh tử đạo

21. Nữ Cư sĩ Nguyễn Thị Yến (1943 – 1963)
Pháp danh : Tâm Thanh – Thánh tử đạo

22. Cư sĩ Đặng Văn Công (1950 – 1963)
Pháp danh : Tâm Đồng – Thánh tử đạo

23. Nữ Cư sĩ Trần Thị Phước Trị (1946 – 1963)
Pháp danh : Tâm Thuận – Thánh tử đạo

24. Nữ Cư sĩ Lê Thị Kim Anh (1948 – 1963)
Pháp danh : Tâm Hiển – Thánh tử đạo

25. Nữ Cư sĩ Nguyễn Thị Phúc (1943 – 1963)
Pháp danh : Tâm Thọ – Thánh tử đạo

26. Cư sĩ Nguyễn Tăng Chắc (1908 – 1963)
Pháp danh : Tâm An – Thánh tử đạo

27. Cư sĩ Hoàng Thuyết (1901 – 1963)
Pháp danh Hồng Lý – Thánh Tử Đạo           

Lời nói đầu

       Sau nhiều năm sưu tập tài liệu, vào năm 2010, chúng tôi trình độc giả quyển “Chư tôn Thiền đức Phật giáo Thuận Hoá” mà chúng tôi xem là phần đầu của một công trình đòi hỏi nhiều thời gian và công sức: Ghi lại tiểu sử và công đức của chư vị có công với Phật giáo Thuận Hoá, bao gồm cả Chư tôn Thiền đức lẫn các cư sĩ.

       Lần này, chúng tôi tiếp tục cho xuất bản quyển sách nói trên, có bổ sung tiểu sử của các cư sĩ hữu công đối với Phật giáo Thuận Hoá, đồng thời, chúng tôi cũng cho ra mắt quyển tiếp theo, cả hai quyển được ghi lần lượt là Tập I và Tập II. Tập I thể hiện hành trạng của 141 vị Chư tôn Thiền đức Tăng, 26 vị Chư tôn đức Ni, có bổ sung thêm một số bài tưởng niệm, cảm niệm, tán thán và tiểu sử của 27 vị Cư sĩ mà chúng tôi vừa sưu tầm được. Tập II gồm tiểu sử của 87 vị Thiền đức, 16 vị Chư tôn đức Ni và 35 vị cư sĩ cùng 53 bài tưởng niệm, điếu văn. Để tiện tra cứu, chúng tôi lập một danh sách liệt kê tên của những vị có hành trạng nêu trong cả hai tập sách theo thứ tự chữ cái, đối chiếu với thứ tự ghi trong mục lục của từng tập; nhờ vậy, độc giả có thể nhanh chóng tìm đến bài viết liên quan đến hành trạng của người mà mình quan tâm.

      Với thành ý tri ân những người đã có công lao gây dựng và phát triển Phật giáo trên vùng đất Thuận Hoá, chúng tôi chỉ đưa vào trong các tập sách này chư tôn Thiền đức đã viên tịch cũng như những vị cư sĩ đã qua đời. Chúng tôi mong công việc sưu tầm này được tiếp tục mãi mãi để có thể ghi nhận đầy đủ và thể hiện lòng biết ơn của người Phật tử đối với tất cả những vị hiện vẫn đóng góp công sức cho sự phát triển của Phật giáo ở vùng đất này.

      Đã nhiều năm qua, chúng tôi được Giáo hội Phật giáo Việt Nam uỷ nhiệm phụ trách Ban Văn hoá Trung ương. Qua các Phật sự liên hệ đến Văn hoá Phật giáo, chúng tôi nhận thấy vùng đất Thừa Thiên-Huế xứng đáng là một trong những cái nôi của Phật giáo Việt Nam với các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể rất quan trọng, phong phú và đa dạng; trong đó, sự đóng góp của Chư tôn Thiền đức và các cư sĩ hữu công mang tính cách quyết định, cần được ghi nhận để người đời sau hiểu được hoàn cảnh khó khăn, ý chí sắt đá, và công hạnh lớn lao của tiền nhân. Từ đó, chúng tôi phát tâm nghiên cứu, sưu tập về Phật giáo Thuận Hoá và đó là lý do hình thành các tập sách này. Công trình tuy khiêm tốn, còn cần bổ sung, cần sự chỉ giáo của chư thiện tri thức để được hoàn thiện hơn; nhưng chúng tôi nghĩ, những gì chúng tôi đã nỗ lực thực hiện cũng phần nào thoả tấm lòng chân thành của chúng tôi đối với Phật giáo Thuận Hoá, đối với những người có công trong việc gây dựng và phát triển Chánh pháp tại nơi đây.

       Sau cùng, chúng tôi ghi nhận công đức của Chư tôn Thiền đức, chư thiện tri thức và chư vị Cư sĩ Phật tử đã góp ý, khích lệ và ủng hộ chi phí để hoàn thành hai tập sách này.

Thuận Hoá, Mùa Phật đản,
Phật lịch 2555 (DL: 2011)
Tỷ-kheo Thích Trung Hậu
Tỷ-kheo Thích Hải Ấn

 

Chương I [1]

Bối cảnh lịch sử từ đầu thế kỷ XVII
đến hết thế kỷ XVIII
[2]

Tiết 1:

Phần khái quát

Kể từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá (1558), đời sống của dân xứ này đã khởi sự thay đổi nên ông được dân Thuận Hoá cảm mến.

Khi vào trấn thủ Thuận Hoá, lúc đầu Nguyễn Hoàng đã thiên trọng Đạo giáo, nhưng về sau ông lại yểm trợ Phật giáo để được lòng dân. Khi vào trị nhậm (1558) đến 40 năm sau (1601), ông mới cho làm lại chùa Thiên Mụ, chùa Sùng Hoá và tung ra một huyền thoại gợi cảm: “Bà già mang áo đỏ quần xanh” ngồi trên núi bảo ông làm lại chùa để đem vượng khí lại cho Thuận Hoá.

Nguyễn Hoàng mất, con là Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) lên nối nghiệp đã biến chùa Thiên Mụ thành nơi thờ cha mẹ và tổ tiên mình. Trong thời Nguyễn Phúc Nguyên có Đào Duy Từ (1572-1634) là một Phật tử thuần thành, khi ở Thuận Hoá ông đã sáng tác ra những điệu múa khúc ca Phật giáo, tạo nền tảng cho nền lễ nhạc Phật giáo Thuận Hoá mà chúng ta biết ngày hôm nay.

Vào khoảng năm 1600 trở đi, khi Đào Duy Từ vào Nam Hà để phục vụ các chúa Nguyễn, trong Tư Dung Vãn, Đào Duy Từ đã nói đến một số ngôi chùa như chùa Bà Viên, chùa Thái La ở cửa Tư Dung, ông mô tả:

“Rừng cây công đức diễm dà,

Trỏ chồi y bát, kết hoa Bồ-đề.

Vẳng nghe tiếng mõ đồ lê,

Ngòi phiền bến não rửa thì sạch không.”

Vùng đất Thuận Hoá lúc này ở đây không những chỉ có cảnh chùa trang nghiêm, các vị Thiền sư đức độ mà người dân vùng Thuận Hoá vốn rất thuần thành với những Lễ hội Phật giáo tưng bừng rộn rã, và tư tưởng Phật giáo thời này của xứ Thuận Hoá chắc chắn phản ánh tư tưởng “cư trần lạc đạo” (ở đời vui đạo) của người khai sáng phái thiền Trúc Lâm Yên Tử là vua Trần Nhân Tông.

Chính tư tưởng “ở đời vui đạo” và “ở trần mà chẳng nhiễm trần” của Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông và Phật tử Đào Duy Từ đã chi phối sự phát triển Phật giáo Thuận Hoá và của Phật giáo Việt Nam về sau này.

Nguyễn Phúc Nguyên mất, con là Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) lên nối nghiệp đã đưa đời sống Thuận Hoá khá lên rất nhiều. Bắt đầu từ vị chúa này, Phật giáo Thuận Hoá có cơ phát triển hơn, chúa có thiên hướng tín ngưỡng Phật giáo thật sự. Ông đã vận dụng tín ngưỡng này trong việc trị an, nên đã đánh thắng giặc phương Bắc người Hoà Lan ở ngoài cửa Eo[3].

Nguyễn Phúc Lan mất, Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) lên kế nghiệp. Chính trong thời chúa này mà các Thiền sư Trung Quốc như Viên Khoan, Viên Cảnh… đã đến truyền giáo ở Thuận Hoá. Phật giáo Thuận Hoá cũng từ đây có thêm nhiều vị Đại sư người Việt mà nổi bật hơn cả là ngài Minh Châu Hương Hải.

Dưới thời chúa này Phật giáo Thuận Hoá phát triển mạnh mẽ với những đợt hoằng hoá tiếp sức của các Đại sư người Việt cũng như các Thiền sư Trung Quốc.

Nhắc đến các vị Thiền sư từ Trung Quốc sang Thuận Hoá, thiết nghĩ, chúng ta cũng nên tìm hiểu Phật giáo Trung Quốc vào đầu thời nhà Thanh từ thế kỷ thứ XVII đến XVIII.

Nhà Thanh khởi sự từ năm 1616, nhưng cho đến năm 1662 thì họ mới thực sự diệt được nhà Minh và thống nhất lãnh thổ Trung Quốc.

Vì chính sự thay đổi ấy mà vào năm Kỷ Mùi (1679) “bề tôi vâng mệnh của nước Đại Minh là Long môn tướng quân Dương Ngạn Địch, đem hơn 50 chiến thuyền và hơn 3.000 quân sang đóng ngoài cửa Tư Dung (Tư Hiền) để hàng chúa Nguyễn Phúc Tần.”[4]

Cũng trong xu thế vượt biển tránh thế sự nhiểu nhương do xã hội lúc bấy giờ gây nên ấy mà trong thời Nguyễn Phúc Tần đã có nhiều Thiền sư trong phái Thiền Lâm Tế, Tào Động đi theo tàu buôn Quảng Đông để sang Nam Hà hoằng hoá Phật giáo.

Vào các thế kỷ XVII-XVIII, ở Thuận Hoá chỉ có một cửa biển vừa sâu vừa kín gió là cửa Tư Dung. Lúc này phủ chúa còn đóng ở vùng Kim Long. Cả một vùng đất rất lớn thuộc mạn Nam sông Hương, trước mặt Kinh thành lên cho tới núi Thiên Thai, toàn là núi non, gò nỗng, gọi là vùng Lâm Lộc. Cây cao, rậm rạp; động vật hoang dã như cọp, beo, rắn, rít, chuột, sóc, khỉ, vượn… còn ở hàng đàn. Tất cả các dãy đồi núi nằm trong vùng Lâm Lộc này như Hàm Long sơn, Hoàng Long sơn, Phú Xuân sơn, Dương Xuân sơn đều chưa có bóng dáng dân dã hay một ngôi thảo am nào. Thế nhưng, vào cuối đời Nguyễn Phúc Tần thì cõi Phú Xuân khởi sự tiếp nhận các vị Thiền sư từ Trung Quốc sang, có lẽ do đường biển đổ bộ vào cửa Tư Dung đi lên.

Đặc biệt là “vào mùa hạ tháng tư, chúa đi thị sát Hoà Vinh, cửa Tư Dung (tên cũ là Tư Khách, tức nay là Tư Hiền xã Vinh Hiền, Phú Lộc) thấy núi Quy Sơn (nay là núi Linh Thái) phong cảnh đáng yêu, trên đỉnh núi có một cây tháp cổ nổi tiếng linh thiêng, bèn sai Thủ bạ Trần Đình Ân đốc suất quân dân dời cây tháp ấy đi nơi khác để lấy đất dựng chùa Phật. Công việc xong, gọi tên chùa là Hoà Vinh. Sau đó, mở hội chùa lớn bảy ngày đêm.[5]” Công việc này xảy ra trong năm Bính Ngọ (1666). Các chùa làng cũng được làm thêm trong các đời chúa này rất nhiều: chùa An Lưu, chùa La Chử, chùa Thủ Lễ, chùa Thanh Phước, chẳng hạn. Kể cả ngôi chùa Hà Trung có thể cũng đã được trùng kiến trong thời này. Chùa Kim Long cũng vậy.

Trong đời Nguyễn Phúc Tần, Phật giáo Thuận Hoá đã khởi sự thịnh đạt. Trên các dãy núi phía Nam sông Hương đã có chư Tổ từ Trung Quốc sang cắm tích trượng lập thảo am để Hoằng Pháp. Như vào đời chúa Nguyễn Phúc Tần thì chùa Vĩnh Ân, tức là chùa Quốc Ân về sau, đã được Tổ Nguyên Thiều khai sơn ở Phú Xuân sơn, và chúa đã cấp đất cho Tổ dựng chùa.

Vào thời chúa Nguyễn Phúc Thái (1687-1691), tuy chỉ có 4 năm ở ngôi chúa và tuổi thọ cũng rất ít, nhưng ông đã làm được nhiều việc có thể xem là những việc quan trọng trong viễn tượng xây dựng văn hoá và tín ngưỡng Phú Xuân.

Chúa là người có nhiệt tâm với đạo Phật. Vừa phát triển về văn hoá Phú Xuân, vừa phát triển Phật giáo. Tháng 5, mùa hạ, ông cho dựng chùa Thuận An, chùa này hiện nay không còn. Chỉ còn tên trên sách vở. Ông cũng đã phái Ngài Hoán Bích – tức là Tổ Nguyên Thiều trở về Trung Quốc cầu Cao Tăng. Đại Nam liệt truyện tiền biên (q.6) ở truyện Tạ Nguyên Thiều viết: “… qua Quảng Đông rước Thạch Liêm Thiền sư và thỉnh tượng Phật, chuông khánh…”[6] Cũng bộ sử này, khi chép về Thạch Liêm, nhà làm sử thời đó đã chép: “Anh Tông Hoàng đế thường khiến Tạ Nguyên Thiều qua Trung Quốc cầu Cao Tăng, nghe Liêm giỏi Thiền học, bèn qua thỉnh cầu. Liêm mừng, cùng Nguyên Thiều vượt biển qua Nam, đã đến nơi, cư trú tại chùa Thiên Mụ.”[7]

Nguyễn Phúc Thái mất, con là Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) lên nối nghiệp. Ngoài những võ công oanh liệt mà chính sử đã ghi, ông còn là một Phật tử thuần thành. Trong đời ông, có hai Phật sự lớn lao mà ông đã thực hiện là: Mời được Thiền sư Thạch Liêm sang Thuận Hoá để mở Giới đàn tại chùa Thiền Lâm, truyền giới cho hơn 4.000 giới tử; cả Hoàng gia Nội phủ đều quy y Phật giáo (1695) và việc làm lại chùa Thiên Mụ (1714), đúc Đại hồng chung, dựng bia đá lớn cho đến ngày nay vẫn còn, ngoài bia văn trùng tu chùa Bửu Sơn dựng trước đó nửa thế kỷ.

Rõ ràng Phật giáo Thuận Hoá cho đến thế kỷ XVII vẫn mang đậm sắc thái của học thuật Phật giáo Việt Nam do những triều đại trước để lại.

Tín ngưỡng Phật giáo Thuận Hoá thời này đã phát triển rất mạnh, “chùa chiền khắp xứ, sãi vãi đầy đoàn[8]. Chư Thiền tổ từ Trung Quốc sang cũng đã đông đảo. Cả miền núi ở mạn Nam sông Hương đều có thảo am. Đặc biệt là chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu đã tôn Đại sư Quả Hoằng ở núi Tam Thai làm Quốc sư. Sau khi được Thiền sư Thạch Liêm cho thọ Bồ-tát giới và ban tự hiệu là Thiên Túng Đạo Nhân.

Con ông là Nguyễn Phúc Thụ (1725-1738) đã theo truyền thống đó mà đặt tự hiệu cho mình là Vân Tuyền Đạo Nhân; đến cháu ông là Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) cũng đặt tự hiệu là Từ Tế Đạo Nhân. Cả ba vị chúa này đều là những Phật tử nhiệt thành. Nhất là họ còn để lại nhiều chứng tích Phật sự họ đã làm, như tổ chức giới đàn, ban biển hiệu chùa và độ điệp cho chư Tăng.

Dưới thời các chúa cũng đã xuất hiện hai tác phẩm văn học lớn đó là Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) và Hứa Sử truyện vãn do Pháp Chuyên Đại sư (1726-1798) sơ thảo và sau này được môn đệ của mình là Đại sư Toàn Nhật (1750-1832) san định. Trong hai tác phẩm này vai trò của những người liên hệ đến Phật giáo được tiểu thuyết hoá.

Và không chỉ Nguyễn Cư Trinh viết “Sãi Vãi” như thế mà ngay cả Pháp Chuyên khi viết “Tam Bảo biện hoặc luận” và Toàn Nhật khi san định “Hứa Sử truyện vãn” cũng vậy.

Thuận Hoá vào cuối thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII, có “chùa Thuận An, chùa công Kim Long, chùa công Hà Trung, chùa công Quang Xuân, chùa công Thiên Mụ đều là những đại danh lam, chùa nào cũng có Tăng lục, sai phu”[9]. Các thảo am như Báo Quốc, Ấn Tông, Thiền Lâm, Từ Lâm, Vĩnh Ân v.v… cũng đã được mọc lên rất nhiều. Chùa làng nổi tiếng như chùa Quang Đức ở làng An Vân Hạ, còn bức biển chùa do Từ Tế Đạo Nhân ngự đề, chùa Bảo Sơn ở làng An Ninh, chùa Khánh Vân ở Lựu Bảo; chùa Diên Thọ, chùa Phú Ốc v.v… đều như thế cả.

Về truyền thừa thì đã có hai dòng Tào Động và Lâm Tế. Chư Tổ thì đã có hai Ngài là Nguyên Thiều và Liễu Quán. Cho nên, đây chính là thời đại hưng thịnh và phát triển của Phật giáo Thuận Hoá để làm cho đạo mạch Phật giáo Việt Nam tiếp nối các dòng Thiền Bắc Hà và hoằng truyền vào Nam Hà đến tận ngày nay.

[1] Bắt đầu từ đây chúng tôi đính chính và bổ sung cũng như sửa chữa lại những thiếu sót của hai lần in trước (Hải Ấn)

[2] Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Thích Hải Ấn & Hà Xuân Liêm, Xb.2006

[3] Cũng gọi cửa Nhuyễn Hải, cửa Bạc Thác, cửa Thai Dương và sau cùng là cửa Thuận An – Dân gian thì gọi cửa Eo, cửa Noãn.

[4] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, bản Việt tr.62, Hà Nội, 1977.

[5] Đại Nam thực lục tiền biên q. V (hạ). Bản Việt tr.111, Nxb. Sử học, Viện Sử học Hà Nội, 1962.

[6] Quốc Sử Quán, Đại Nam liệt truyện tiền biên, trích dẫn bởi Trần Kính Hoà, bản dịch ở Hải ngoại kỷ sự, tr. 257, Viện Đại học Huế, 1963.

[7] Như trên.

[8] Đại Sán Hán Ông, Hải Ngoại Kỷ Sự, tr. 46-50. Uỷ ban phiên dịch sử liệu Việt Nam; Viện Đại Học Huế xuất bản, 1963.

[9] Lê Quý Đôn, Sđd., tr.113.

 

Tiết 2:
Chư tôn Thiền đức Phật giáo
Thuận Hoá trong giai đoạn này:

  1. Thiền sư Lục Hồ Viên Cảnh & Đại Thâm Viên Khoan (? ?)

Hai Ngài này là hai vị Tổ thuộc dòng thiền Lâm Tế Trung Hoa, có lẽ đến đầu tiên ở Thuận Hoá vào những năm 1648-1650, mở đầu cho những đợt du nhập Thiền Lâm Tế và Tào Động về sau của các ngài Giác Phong, Nguyên Thiều, Thạch Liêm… Tiểu sử hai Ngài này hiện không có nhiều tư liệu. Tuy nhiên, Đại sư Minh Châu Hương Hải (1628-1715) trước khi xuất gia vào năm 1652 đã đến tham vấn với hai Ngài, thậm chí chúng ta có thể nói Đại sư Minh Châu Hương Hải là đệ tử của một trong hai vị Thiền sư này, bởi vì căn cứ vào bài kệ truyền thừa của phái Lâm Tế dòng Trí Bảng Đột Không là:

            智 慧 清 淨        道 德 圓 明

            真 如 性 海         寂 照 普 通

Phiên âm:       

              Trí tuệ thanh tịnh,   Đạo đức viên minh,

             Chân như tánh hải,  Tịch chiếu phổ thông.         

Tạm dịch:       

             Trí tuệ trong lặng,     Đạo đức tròn đầy;

              Biển tánh chân như, Chiếu soi cùng khắp.

Pháp danh của Đại sư Minh Châu Hương Hải là đứng sau chữ Viên của Thiền sư Viên Cảnh hoặc Thiền sư Viên Khoan Đại Thâm. Dù rằng thiền phái do hai vị thiết lập ở vùng Thuận Hoá này, sau đã phát triển chủ yếu ở miền Bắc nước ta khi Đại sư Minh Châu Hương Hải vượt biển về Bắc vào năm 1682 và thực hiện việc hoằng hoá tại vùng ấy. Tuy vậy, cứ vào bia tháp của chư Tổ trong vùng đất chùa Sắc tứ Tịnh Quang, chúng ta cũng còn tìm được tháp của Thiền sư Tánh Tu Chí Khả, hai vị kế tiếp là Thiền sư Tuyết Phong và Thiền sư Tịch Hiện Bảo Châu, như vậy ta cũng có thể biết các Ngài là thiền phái Lâm Tế thuộc dòng kệ của thiền sư Trí Bảng ở trên vậy.

*

  1. Thiền sư Thạch Liêm (1633 – 1704)
    Chùa Thiền Lâm – Huế

Đọc “Đại Nam liệt truyện tiền biên” (Q.6) một trong những bộ chính sử do Quốc Sử Quán triều Nguyễn soạn; và bộ Hải ngoại kỷ sự của Đại Sán Hán Ông; có ba điều làm cho người ta thấy rất là khó hiểu; nhưng ba điều khó hiểu này lại là nguyên nhân cho sự phát triển của Phật giáo Thuận Hoá về sau.

– Điều thứ nhất là Anh Tông Hoàng Đế (tức là Ngãi Vương Nguyễn Phúc Thái (1687-1691) thường phái Tạ Nguyên Thiều qua Trung Quốc cầu cao Tăng; nghe Thạch Liêm giỏi Thiền học, chúa Ngãi đã có lần bảo Nguyên Thiều đến Trường Thọ Am thỉnh cho được Thiền sư Thạch Liêm. Lúc về, không có Ngài Thạch Liêm đi theo, Ngài Nguyên Thiều bị chúa Thái tỏ vẻ thất sủng.

Phải chăng, chúa Nguyễn Phúc Thái đã có ý muốn lập giới đàn truyền giới cho Tăng đồ ở Thuận Hoá?

– Điều thứ hai là vị Quốc sư có huý là Hưng Liên, hiệu là Quả Hoằng. Vị sư này là đệ tử của Thiền sư Thạch Liêm; vì sau khi về Trung Quốc, Ngài Thạch Liêm còn để lại một đệ tử có huý là Hưng Triệt; và chính chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) sau khi quy y với Thiền sư Thạch Liêm, cũng được đặt Pháp danh là Hưng Long. Nhưng, Ngài Hưng Liên đã qua Nam trước thầy mình rất lâu, đã lập thảo am ở vùng Ngũ Hành Sơn – Quảng Nam. Khi thuyền Ngài Thạch Liêm trở về Trung Quốc, đi ngang qua đấy Giám quan chỉ tay bảo rằng: “Đấy là núi Tam Thai, ngôi chùa trong ấy tức là đạo tràng của Quả Hoằng Quốc sư. Núi ấy có nhiều nham động như cửa ngõ, như cửa sổ, làm đường hang, làm nhà, làm phòng, như hình vung nồi, như hình chuồng câu v.v…thảy đều lung linh khoáng đãng; nằm ngồi được, ngồi gảy đàn, ngâm thơ được. Mỗi lúc nói lên có tiếng vang đáp lại….”

Ngài Quả Hoằng được Minh Vương phong làm Quốc sư ? Và phong từ năm nào? Sau đó vì sao lại rước Thạch Liêm về Thiền Lâm? Bao nhiêu câu hỏi này, dường như không thể trả lời được, vì ta thiếu hết cứ liệu, không có sách vở nào chép lại. Chỉ biết Thiền sư Thạch Liêm về sau có ghé lại thăm đạo tràng này và dành đến ba trang sách để tả cảnh đẹp ở chùa Tam Thai; Quốc sư có sự sai lầm nhỏ là tiến cử người làm việc lên chúa Nguyễn Phúc Chu bất xứng nên chúa đã có ý trách Đại Sán Hán Ông. Do đó, có thư dàn xếp của Thạch Liêm gửi chúa Nguyễn để chúa và Quốc sư đừng mất lòng nhau.

– Điều thứ ba là chùa Thiền Lâm vốn là của Khắc Huyền Lão Tổ khai sơn, Lão Tổ viên tịch vào năm 1706. Thế mà Ngài Thạch Liêm sang, Quả Hoằng Quốc sư đưa về chùa Thiền Lâm; sau đó đại giới đàn cũng mở tại đây. Trong thời gian này, Khắc Huyền Lão Tổ đi đâu? Không có sách nào nói. Lúc này (1695), Khắc Huyền Lão Tổ đang còn, chính Hải ngoại kỷ sự của Đại Sán Hán Ông không hề có một chữ nhắc đến Lão Tổ là chùa sở tại mà Ngài đang ở? Với lại ở Thuận Hoá lúc đó đang có mặt nhiều Thiền Tổ nổi tiếng như các Ngài Giác Phong, Nguyên Thiều, Từ Lâm; có thể có cả các Ngài Minh Hoằng Tử Dung, Minh Hải Pháp Bảo… tại sao chúa Nguyễn không mời lập giới đàn, mà phải thỉnh cho được Ngài Thạch Liêm?

Hướng phát triển thứ nhất của Phật giáo Thuận Hoá dưới thời các chúa Nguyễn chính là Thiền sư Thạch Liêm với phái Thiền Tào Động. Trước hết chúng tôi xin nói ít hàng về Trường Thọ Am, nơi Thiền sư Thạch Liêm trú trì; sau đó nói tiếp tiểu sử và hành trạng của Ngài.

Theo sự sưu khảo của nhiều người đi trước, thì nguyên ở Quảng Châu có chùa Trường Thọ và ở Thanh Viễn có chùa Phi Lai. Hai chùa này đều do Thực Hành Hoà thượng trú trì. Khi Hoà thượng Thực Hành viên tịch, nhờ có người giới thiệu, Thạch Liêm giảng sư được vào làm toạ chủ Trường Thọ Am.

Trường Thọ Am toạ lạc cách phía Tây Nam thành Quảng Đông 5 dặm, từ khi Thạch Liêm giảng sư kế thế Hoà thượng Thực Hành để làm toạ chủ nơi đây thì càng ngày am càng trở thành hưng thịnh. Chùa có cảnh đẹp. Mé Tây có ao chảy thông với Châu Giang, nước khi đầy khi vơi ăn nhịp với nước lên nước ròng ở ngoài sông; phía Bắc có Bán Phàm Đình, phía Đông có Hội Không Hiên, trước hiên trăm hoa tươi tốt, cảnh trí đáng yêu; thẳng theo các bờ đều có trồng loại cây lệ-chi (cây vải) và long nhãn (cây nhãn); phía Nam có Hoài Cổ Lâu, phía dưới có Lục Ly Đường, cây nước trong xanh, phòng hiên u tịch. Chùa có tượng Thích Ca niêm hoa, thếp vàng ngọc mã não xa cừ, nghiêm trang rực rỡ, lại có tượng đồng, nghe nói đúc từ đời Đường(1).

Xem thế thì ta thấy am Trường Thọ có cảnh đẹp thanh u biết dường nào. Người tu hành trong đó là Thiền sư Thạch Liêm hiệu là Đại Sán Hán Ông, người ta còn gọi là “Thạch Đầu Đà”. Sách Đại Nam liệt truyện chép: “Ngài người bác nhã khôi ngô, phàm các môn tinh tượng, luật lịch, diễn xạ, lý số, triện lệ (cách viết chữ), đơn thanh (vẽ) môn nào cũng thông hiểu, càng sở trường về thơ.” (TKH,Sđd. tr.243). Giáo sư Trần Kính Hòa dẫn sách Hoa di biến thái (q.32) chép lời báo cáo của người chủ thuyền Quảng Đông, chuyến 36, năm Ất Hợi (1695): “Nói tóm tắt, Thạch Liêm tuy sinh quán ở Nam Kinh, nhưng cư trú ở Quảng Đông hơn 20 năm, trong khoảng ấy đức hạnh của ông rất thịnh sáng, bởi thế quan dân xa gần quy y rất đông. Trong bọn thương khách thuyền chúng tôi cũng có người đã từng đến Trường Thọ Am lạy Phật.”

Vẫn ông Trần Kính Hòa đã viện dẫn thêm một “báo cáo” của Tàu buôn Quảng Đông, chuyến 67, nhổ neo từ Quảng Đông ngày 16-6 Khang Hy thứ 35 (Bính Tý 1696) chạy đến Trường Kỳ – Nhật Bản vào ngày 13-7 năm ấy nói thêm rằng:

“Nói về Thạch Liêm Thiền sư, cư trú Trường Thọ Am Quảng Đông, vì nổi tiếng đạo đức, nên mùa xuân năm ngoái Quảng Nam Quốc Vương rước đến Quảng Nam. Nghe đồn sau khi Thạch Liêm đến nước ấy rất được Quốc Vương tôn kính, hơn nữa, quan dân trong nước đều nhất trí quy y; tại Quảng Đông cũng thường được nghe tin tức. Nhưng Thạch Liêm từ mùa xuân năm ngoái ở luôn tại Quảng Nam, cho nên tín đồ Phật giáo tỉnh Quảng Đông, những người đã quy y với Thiền sư ấy, từ mùa xuân năm nay hằng phái thuyền đến Quảng Nam tiếp đón; chắc chẳng bao lâu nữa cũng sắp sửa trở về.”

Theo chính sử, cho biết Thiền sư Thạch Liêm hiệu Đại Sán – Hán Ông, người tỉnh Chiết Giang nhà Thanh. Ngoài hiệu Đại Sán tục thường gọi : “Thạch Đầu đà”. Về quê quán thì theo bài tựa của Tăng Sán trong cuốn Ly Lục Đường tập là tập sách riêng của ngài Đại Sán có chép: “Thiền sư người Cửu Giang đồng làng với tôi”, cũng trong tập ấy bài tựa của Đào Huyên chép: “tôi nghe nói Thiền sư nguyên quán ở Giang Hữu và đến Quảng Châu thuyết pháp …” Ngoài ra có chỗ hoặc bảo ông người Ngô, hoặc Giang Nam, Tri Châu, Tô Châu, Nam Kinh … Theo Tăng Sán thì quyết định ngài thuộc tỉnh Chiết Tây. Và ngài Đại Sán vào những năm về già bị bắt giải về nguyên quán.

Theo Đại Nam Liệt truyện Tiền biên chép rằng: ngài là người “bác nhã khôi ngô, phàm các môn tinh tượng, luật dịch, diễm xạ, lý số, triện lệ, đơn thanh (vẽ), môn nào cũng thông hiểu, càng sở trường về thơ. Ý này là do lấy trong bài tựa của Mao Tế Khả đề cho “Ly Lục Đường tập”.

Cuối đời nhà Minh, người Thanh làm chủ Trung Quốc, Thạch Liêm giữ nghĩa chẳng chịu làm tôi, bèn từ giả mẹ già, xuất gia đầu Phật, chống gậy vân du, phàm những danh thắng sơn xuyên, dấu chân hầu khắp.

Theo Mao Đoan Sĩ đề tựa cho “Hải Ngoại Kỷ Sự” cũng có chép: Thiền sư Hán Ông sinh ra đã kỳ dị, từ trẻ theo đạo Phật, rộng xem các kinh luận ngũ minh và âm dương toán số thấu rõ cát hung, thường châu du thiên hạ, tiếng tăm dậy khắp trong ngoài.

Như vậy, theo Hoa Di Biến Thái (quyển 32): Thạch Liêm tuy sinh quán tại Nam Kinh, nhưng cư trú Quảng Đông hơn 20 năm, trong khoảng thời gian đức hạnh của ông rất thịnh sáng; bởi thế quan dân xa gần quy y rất đông. Trong bọn thương khách thuyền chúng tôi cũng có người đã từng đến Trường Thọ Am lạy Phật.

Theo sách Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên (quyển 6, tờ 24) viết rằng: “Thạch Liêm Hán Ông, người nhà Thanh, quê Chiết Giang. Thông minh đỉnh ngộ, tinh thông các môn chiêm tinh, luật tịch, lý số, thư pháp, hoạ vẻ, nhất là về môn thơ phú. Thời Minh mạt, nhà Thanh xâm chiếm Trung Quốc, Liêm giữ nghĩa không chịu làm tôi, bèn từ giã mẹ già, xuất gia đầu Phật, vân du khắp các nơi danh thắng…”

Theo sự ghi chép của A. W. Hummel trong“Thanh Đại Danh Nhân liệt truyện” ở mục Ngô Ỹ có nói đến sự tích Đại Sán (1633-1702); theo bài của Mậu Thị, năm Thuận Trị Mậu Tý (1648) lúc Giác Lãng thiền sư tạ thế, Thạch Liêm mới 16t, thì năm sinh của Đại Sán là 1633 là chính xác; nhưng năm mất 1702 thì chưa có căn cứ rõ ràng.

Xét theo Phân Cam Dư Thoại thì Hứa Tự Hưng nhậm làm quan án sát tại Quảng Đông năm Khang Hy 41 (1702), tại nhiệm 2 năm, đến năm Khang Hy 43 (1704) thăng Hà Nam Bố chánh sứ. Còn Lý Cơ Hoà do Hồ Bắc Bố chánh sứ thăng Giang Tây Tuần vũ năm Khang Hy 43 (1704).

Đại Sán bị Hứa Tự Hưng vì ganh ghét do sự gièm pha nên đã bắt tra xét, đuổi lên Cống Châu chừng một năm; nhân đó “phục hưng trở lại, tín đồ quy y rất đông”; nhưng đến năm Khang Hy 43 (1704) lại bị Giang Tây Tuần vũ Lý Cơ Hoà cũng do vì ganh gét vu oan nên đã bắt ngài áp giải về nguyên quán, nửa đường chết ở Thường Sơn. Và vì vậy năm sinh 1633, năm mất 1704 là có căn cứ hơn.

Tác phẩm của Ngài Thạch Liêm hiện có: Hải Ngoại Kỷ Sự, Ly Lục Đường Tập, và Kim Cương Trực Sớ.

Đệ tử của ngài, mà chúng ta còn biết được là: Thiền sư Hưng Liên – Quả Hoằng, Quốc sư thời Nguyễn Phúc Chu. Cư sĩ Hưng Long – Nguyễn Phúc Chu tức chúa Minh Vương. Thiều Dương Hầu và Thiền sư Hưng Triệt, Giám sinh Hoàng Thiên.

Kết lại ta được biết Thiền sư Đại Hán Thạch Liêm người Chiết Giang, đã từng trú trì và tu sửa chùa Trường Thọ, sinh năm 1633 tịch năm 1704. Được chúa Nguyễn Phúc Chu rất quý trọng và tôn làm Bổn sư truyền giới Bồ-tát tại gia và đặt cho tự hiệu Thiên Túng Đạo nhân và về sau thường dùng để đề tặng biển hiệu và đối liễn các ngôi chùa công và Tổ đình tại xứ Thuận Quảng mà chúa trị vì; riêng tại quốc tự Thiên Mụ Chúa đã tôn là Trú trì chùa Thiên Mụ và sau có long vị hiện còn thờ ghi rõ: “Tự Động Thượng, chánh tông nhị thập cửu thế, khai sơn Linh Mụ tự, thượng Thạch hạ Liêm huý Đại Sán lão tổ hoà thượng giác linh” (嗣洞上正宗二十九世開山靈姥寺上石下濂諱大汕老祖和尚覺靈).

  1. Thiền sư Khắc Huyền (? – 1706)
    Chùa Thiền Lâm – Huế

Thiền sư Khắc Huyền cũng như Thiền sư Giác Phong, đều là những Thiền sư trong phái Tào Động. May mắn, Ngài Khắc Huyền có bia tháp cổ, khắc năm Chính Hoà thứ 27 (1706) với dòng chữ: 敕賜洞上正宗開山禪林院克玄老祖之塔Sắc tứ Động Thượng chính tông khai sơn Thiền Lâm viện, Khắc Huyền Lão Tổ chi tháp“. Trong chùa Thiền Lâm hiện nay, còn có một bài vị khắc: 曹洞正宗開山禪林寺諱如資上克下玄大老和尚之覺靈Tào Động chánh tông khai sơn Thiền Lâm Tự huý Như Tư thượng Khắc hạ Huyền Đại lão Hoà thượng chi giác linh“. Đất Thiền Lâm ngày xưa, vào đời các chúa, từ Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) kéo dài cho đến đời Tây Sơn (1777-1801), còn rất rộng; theo địa hình hiện tại là từ trước chùa Từ Đàm, kéo theo đường Nam Giao cựu lộ và qua cả mấy vùng từ chùa Vạn Phước kéo lên cho tận đàn Nam Giao. Trong “Hải Ngoại Kỷ Sự” viết năm 1695, Hoà thượng Thạch Liêm tả cảnh chùa Thiền Lâm như sau: “Đi quanh hai ba lớp núi, nghe trong rừng tre có tiếng trống chuông; Quốc sư rước vào ngồi trong một ngôi đền…“; “nhà ở tối tăm chật hẹp; chẳng đủ chỗ chứa mười người, ban trưa còn thắp đuốc. Ra cửa toàn người lạ. Đầu xuân đã nóng nực…“. “Mỗi lúc vấn đáp, thông ngôn phiên dịch thường hay sai lầm [….] Hỏi: Nhà ở được yên chăng? – Trả lời: Chật hẹp, tối tăm, không được khoan khoái”(1).. Qua lời thơ của năm bài thơ tức sự cảnh chùa Thiền Lâm, chúng ta còn biết thêm “chùa dựng đầu cầu cao chất ngất” thì rõ ràng là phải qua cầu Bến Ngự đi lên, mà đi “xuyên ngang gò núi một đường thông“, xung quanh nhìn ra toàn núi xanh kéo dài một dải; nhìn gần thì mồ mả khắp nơi; trong cảnh man mác ấy thì “lối tiều quanh núi khi mờ tỏ, lều cỏ ven đồi khoảng hở liền” đã vẽ được cảnh quan chùa Thiền Lâm ở thế kỷ thứ XVIII. Đường vào chùa nhiều cây mít, cây dừa. Quanh chùa có tre trồng rào cả bốn phía, vườn chùa khoảng nửa mẫu có trồng rau. “Phương trượng ba gian lớp bạch mao”. Trong điện Phật đã có tượng, chuông trống. Và chắc chắn là lễ đón Thiền sư Thạch Liêm đã có cử chuông trống Bát-nhã mà cho đến nay các chùa Huế vẫn còn giữ truyền thống ấy.

Chùa Thiền Lâm do Ngài Khắc Huyền khai sơn để hoằng truyền phái Tào Động, lúc này đã có Quả Hoằng Quốc sư kiêm nhiệm. Bia tháp Tổ Khắc Huyền đề “Khai sơn Thiền Lâm viện” vì vào năm 1695, chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) và Hoà thượng Thạch Liêm khai đại giới đàn Thuận Hoá ở đây; và từ năm đó về sau chùa Thiền Lâm trở thành một thiền viện lớn, có lẽ cho đến thời Cảnh Thịnh, Bùi Đắc Tuyên chiếm đã phá đi. Tổ Khắc Huyền viên tịch năm 1706 là lúc đang thịnh thời của Thiền Lâm Thiền viện.

  1. Thiền sư Thành Đẳng Minh  Lượng Nguyệt Ân (1626 – 1709)
    Chùa Quang Hoà Bình Định

Ngài Nguyệt Ân huý Minh Lượng, nối dòng thiền Lâm Tế đời thứ 34. Sinh năm Bính dần [1626] tại huyện Triều Châu tỉnh Quảng Đông Trung Quốc. Ngài xuất gia học đạo với Tổ Nguyên Thiều tại chùa Báo Tư, được ban pháp danh Minh Lượng tự Nguyệt Ân theo dòng pháp kệ của ngài Vạn Phong Thời Uỷ chùa Thiên Đồng. Cũng theo truyền thống của Tổ Nguyên Thiều, ngài còn ban Pháp danh theo dòng kệ Tổ Đạo Mân: “Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên, …” với dòng kệ này ngài được Tổ ban pháp danh Thành Đẳng.

Năm 1677, ngài cùng với Bổn sư theo thuyền buôn sang xứ Đàng Trong lập chùa Thập Tháp Di Đà ở phủ Quy Ninh thuộc xứ Quảng Nam (nay là huyện An Nhơn Bình Định). Đến khi trưởng thành ngài xin Bổn sư đến ấp Luật Bình thôn Hoàng Oanh đông thuộc huyện Tuy Viễn, phủ Quy Ninh trấn Bình Định (nay là huyện Tuy Viễn tỉnh Bình Định) cách chùa Tổ khoảng 8 dặm về hướng Đông Nam, lập thảo am tu tập, sau trở thành Minh Quang thiền tự sau đổi thành chùa Quang Hòa.

Nhiều năm sau, khi các đệ tử đã trưởng thành ngài giao trú trì chùa Quang Hòa cho ngài Phật Tường Đức Liên còn ngài theo thuyền buôn ra Hội An, Quảng Nam và tại đây có một Phật tử cúng một khu đất tại thôn Đồng Nà, xã Thanh Hà, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay là xã Cẩm Hà, thành phố Hội An) để lập một thảo am nhỏ tu hành, và dần dần xây dựng thành một ngôi chùa có quy mô lớn lấy tên là Lang Thọ tự, Chùa Cây Cau sau đổi tên thành chùa Vạn Đức.

Sau khi các đệ tử đã trưởng thành có thể đảm đương sự nghiệp hoằng hoá, ngài đã giao lại cho đệ tử, riêng ngài tiếp tục vào Nam tiếp tục sự nghiệp hoằng hoá tại đây ngài đã khai sơn chùa Đại Giác ở dinh trấn Biên Hoà để làm nơi tu tập. Tại đây ngài cũng đã có đệ tử đắc pháp là ngài Phật Ý khai sơn chùa Từ Ân và Khải Tường tại đất Gia Định.

Sau một thời gian dài giáo hoá, ngài Thành Đẳng Minh Lượng đã viên tịch vào giờ Tỵ ngày 15 tháng 7 năm Kỷ sửu (1709)

GHI CHÚ:

Trên đây chúng tôi tổng hợp các tư liệu từ các bài viết: 1. Bản Lược sử chùa Quang Hoa, do Thích Huyền Ấn soạn năm 1986. 2. Hành trạng chư Thiền đức xứ Quảng của Thích Như Tịnh. 3. Lịch sử Phật giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức. chúng tôi có một số ý kiến như sau:

– Về năm sinh và năm tịch theo long vị thờ tại Tổ đình Thập Tháp ghi sinh năm Bính dần và tịch năm Kỷ sửu; qua tài liệu của Thích Như Tịnh trong “Hành trạng chư Thiền đức xứ Quảng” và Thích Huyền Ấn trong bài “Lược sử chùa Quang Hoa” (Bảng có ghi tiểu sử chùa Quang Hoa treo tại chùa) chúng tôi thấy sinh năm 1626 là hợp lý hơn. Nhưng so với năm sinh của ngài Phật Ý Linh Nhạc (1725) thì không thể là đệ tử của ngài Minh Lượng được. Vì vậy chúng tôi nghĩ trường hợp nầy sai lịch từ năm sinh của ngài Phật Ý hoặc ngài Phật Ý không phải là đệ tử ngài Thành Đẳng Minh Lượng, mà là đệ tử một ngài khác đồng sư với ngài Minh Lượng.

–  Ngoài ra theo tư liệu của “Lịch sử Phật giáo Đàng Trong” Ngài Thành Đẳng Minh Lượng còn khai sơn trú trì một chùa khác nữa là chùa Bảo Phong trên núi tháp ở Phong Ấp thuộc xã Ninh Bình huyện Ninh Hoà Khánh Hoà.

*

 

  1. Thiền sư Giác Phong (? – 1714)
    Chùa Báo Quốc – Huế

Về Thiền sư Giác Phong thì hiện nay chúng ta thiếu cả tiểu sử và niên đại khai sơn thảo am Báo Quốc của Ngài. Những dãy núi đồi hoang rậm rạp đã được các chúa Nguyễn đặt tên. Có một dãy núi, người xưa cho là thân một con rồng, gọi là Hoàng Long sơn. Đuôi rồng có 5 chi mà về sau trên mỗi chi có một ngôi chùa toạ lạc. Đầu rồng hướng về Đô thành, được gọi là Hàm Long sơn. Nhưng sách Đại Nam nhất thống chí bản đời Duy Tân lại cho rằng, sở dĩ núi có tên Hàm Long sơn là có cái giếng cổ, gọi là giếng Hàm Long ở phía Bắc ngôi chùa đó.[1]

Thiền sư Giác Phong khai sơn thảo am vào năm nào? Hiện nay chưa xác định được, nhưng chúng tôi nghĩ rằng có thể thảo am đã xuất hiện trước năm 1680 khá lâu; bởi vì năm này Tổ sư Liễu Quán từ Phú Yên đáp thuyền buôn ra, đã đến xin tham học với Thiền sư Giác Phong ở đây rồi. Một tài liệu còn để tại chùa Quốc Ân – Huế, do chữ son của Minh Vương phê duyệt, đề niên hiệu Chính Hoà năm thứ 15, tức là năm 1694, cho hai Ngài Nguyên Thiều và Giác Phong đất để xây tháp Phổ Đồng tại chùa Quốc Ân đã nói lên hoạt động Phật sự của Thiền sư Giác Phong tại Thuận Hoá.

Tổ sư Liễu Quán học với Thiền sư Giác Phong đến 11 năm, tức là một thời gian khá dài. Thế nhưng, rất lạ là ngài không có một đệ tử đắc Pháp nào để nối dòng tu của ngài tại thảo am Hàm Long này.

Một niên đại được biết rõ chính xác, đó là năm viên tịch của Ngài, hiện nay theo bia tháp đang còn trong vườn chùa Báo Quốc, thì Ngài viên tịch vào một ngày mùa đông năm Vĩnh Thịnh thứ 10, tức là vào năm 1714. Năm này Minh Vương Nguyễn Phúc Chu đang bận xây dựng mở rộng chùa Thiên Mụ.

Tháp Ngài xây từ 1714, đến nay vẫn còn ở vườn chùa Báo Quốc, cao 3m30, tháp phảng phất có ảnh hưởng Trung Hoa vì các tầng xây gần sát nhau. Bia tháp ghi: 曹 洞 源 流 開 山 含 龍 天 壽 寺 諱 法 函 號 覺 峰 祖 師 寶 塔 “Tào Động nguyên lưu khai sơn Hàm Long Thiên Thọ Tự huý Pháp Hàm, hiệu Giác Phong Tổ sư bảo tháp”[2].

Vào năm 1962, Giáo hội Tăng già Trung Việt muốn đưa xá-lợi Ngài vào nhập ở Đại tháp Niết-bàn; nhưng vì gặp được cả một bình tro xá-lợi, nên không nhập tháp nữa, mà lại tôn trí thờ ở tầng trên cao chính giữ bàn thờTổ phía hậu điện. Điều này chứng tỏ khi viên tịch Ngài đã được làm lễ trà tỳ Bình tro xá-lợi của Ngài là mộ di sản quý của Phật giáo Huế vậy.

Ba mươi hai năm sau, tức là vào năm Đinh Mão (1747), Hiếu Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) đã cho mở rộng ngôi chùa Tổ và long trọng ban tên chùa với tấm biển khắc mấy chữ do chính tay chúa viết: 敕賜報國寺 “Sắc tứ Báo Quốc Tự”; bên phải có dòng chữ: 國王慈濟道人御 “Quốc vương Từ Tế Đạo nhân ngự đề”; bên trái có dòng lạc khoản: 景興八年夏五月吉日“Cảnh Hưng bát niên hạ ngũ nguyệt cát nhật”. Chùa Báo Quốc qua nhiều sự diên cách hưng phế, hiện nay là một trong số các Tổ đình xưa nhất ở Huế. Và từ năm 1932 về sau, khi An Nam Phật học Hội ra đời đến nay, chùa Báo Quốc là nơi Giáo hội mở Tăng học đường để đào tạo ra nhiều thế hệ Tăng tài cho Phật giáo xứ Huế nói riêng, và cho Phật giáo Việt Nam nói chung.

*

  1. Thiền sư Từ Lâm (? – ?)
    Chùa Từ Lâm – Huế

Về Thiền sư Từ Lâm cũng vậy. Cho đến nay chúng ta chưa tìm thấy một tài liệu nào viết về lịch sử của Ngài. Một tài liệu xưa nhất và cũng duy nhất, hiện nay đang còn để chúng ta có thể sử dụng được, là bài văn bia của Tổ sư Liễu Quán, dựng tại tháp ngài trên núi An Cựu, cách Thiên Thai Thuyền Tông Tự (chùa Thuyền Tôn) khá xa. Bài văn đó do một nhà sư Trung Hoa soạn vào tháng Tư năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748) sau khi Tổ sư Liễu Quán viên tịch được 5 năm; có một câu: “… Năm Đinh Sửu (1697), thọ Cụ túc giới với Từ Lâm Lão Hoà thượng; năm Kỷ Mão (1699), Ngài đi tham cứu khắp nơi, ăn uống rất đạm bạc…”. Như thế, rõ ràng Thiền sư Từ Lâm đã khai sơn thảo am trước năm 1695, là năm ngài Thạch Liêm mở giới đàn Thiền Lâm rất lâu. Có thể cùng lần với Thiền sư Giác Phong ở núi Hàm Long. Trong bia ở tháp Tổ sư Liễu Quán, có nói đến Tế Viên Hoà thượng, Giác Phong Lão tổ, Trường Thọ Thạch Lão Hoà thượng, Từ Lâm Lão Hoà thượng, Tử Dung Hoà thượng. Nghiên cứu cách xưng hô này cho thấy: Ngài Giác Phong là vị cao niên nhất trong giai đoạn từ 1691 đến 1702, vì được dùng chữ “Lão tổ”; ngài Thạch Liêm và ngài Từ Lâm được dùng “Lão Hoà thượng”. Vào năm 1697, ngài Thạch Liêm được 64 tuổi; tuổi được xưng “Lão Hoà thượng”, thì chắc Ngài Từ Lâm cũng xấp xỉ từ 64 đến 66 tuổi, nên mới xưng “Lão Hoà thượng” như đối với ngài Thạch Liêm.

Dù sao đây cũng là một giả thuyết tìm hiểu gián tiếp mà không có gì chính xác được. Một điểm nữa là câu văn bia: 丁丑年禮慈林老和尚圓具足戒 “Đinh Sửu niên, lễ Từ Lâm lão Hoà thượng viên Cụ túc giới”; thì không biết việc tổ chức truyền giới như thế nào. Hai năm về trước, đại giới đàn của ngài Thạch Liêm tổ chức ở thiền viện Thiền Lâm, chỉ cách thảo am ngài Từ Lâm có một đoạn đường ngắn. Thế thì, ngoài ngài Từ Lâm ra, còn có các vị nào đã dự trong lễ truyền giới cho Tổ Liễu Quán? Không làm sao biết được, vì không có sách sử nào nói đến. Cho nên, ngoài Tổ Liễu Quán, hậu thế chúng ta không biết gì về Tổ Từ Lâm hơn. Sau khi thọ Tỳ-kheo giới với Tổ Từ Lâm, Tổ Liễu Quán đã ở lại với Bổn sư được ba năm (1697-1699). Theo văn bia đã ghi, chỉ chưa đầy ba năm, Tổ Liễu Quán đã ra đi khỏi Tổ đình. Vì sao có sự kiện như thế xảy ra được ? Sự kiện này chỉ có hai điều kiện sau đây: 1. Nếu giữ đúng tinh thần giới luật thì Từ Lâm Lão Hoà thượng đã viên tịch, công phu tu tập bị trở ngại, nên Tổ Liễu Quán mới được phép rời Tổ đình của Bổn sư để đi tham lễ một thầy khác; 2. Nếu theo “Thiền” thì Tổ Liễu Quán có thể xin đi và được thầy cho đi. Nhưng trường hợp này thì Bổn sư của ngài là Từ Lâm Lão Hoà thượng phải giới thiệu nơi cho đệ tử mình đến tham lễ. Đằng này, văn bia cho biết Tổ Liễu Quán nghe ngóng, đi tìm hiểu khắp rừng Thiền Thuận Hoá, mới được biết Minh Hoằng Tử Dung là người giỏi dạy người ta tham thiền. Sự kiện này nói lên tình trạng không có thầy chỉ dẫn. Thế thì, phải chăng Từ Lâm Lão Hoà thượng đã viên tịch trong khi Tổ Liễu Quán không hề chuẩn bị sự rời thầy ra đi, mà buộc phải ra đi vào năm 1699 này ?

Năm Nhâm Ngọ (1942), trong bộ Việt Nam Phật giáo sử lược, Hoà thượng Mật Thể khi viết về Tổ Liễu Quán, có nói: “Năm Đinh Sửu (1697), Ngài thọ Cụ túc giới với ngài Từ Lâm Lão Hoà thượng (cũng là người Trung Quốc, mộ Ngài nay còn ở chùa Từ Lâm, gần nhà máy nước ở Huế)”[3]. Câu văn chú giải trong vòng đơn có hai điểm cần lưu ý: Thứ nhất, Từ Lâm Lão Hoà thượng là người Trung Hoa, rõ ràng thế rồi. Thứ hai, Hoà thượng Mật Thể đã dùng chữ “mộ” chứ không phải là “Lăng” hay “Tháp”. Có thể khi viết câu đó, Hoà thượng đã theo câu chú giải số (2) của Louis Sogny[4] viết trong bài: Le premier annamite consacré supérieur bonzerie par des Nguyễn – Son tombeau(3)[5]. Câu ấy thế này: “Chinois également. Son tombeau est situé à la pagode Từ Lâm près des filtres de l’Usine des Eaux de Huế”. Nhà máy nước Huế do kiến trúc sư người Pháp là Bossard thực hiện từ năm 1909 đến năm 1911 thì hoàn thành. Trong khi xây dựng nhà máy nước, người Pháp đã ban đất vùng đồi phía sau chùa Từ Lâm hiện nay để làm mặt bằng. Trong khi thực hiện công việc, rất có thể người Pháp đã làm hỏng phần tháp của Từ Lâm Lão Hoà thượng, nếu ngày xưa đã có tháp Ngài ở vùng này. Hiện nay ở phía tây đồi Quảng Tế, cạnh nhà máy nước còn dấu tích một nền vuông, có thành trong, thành ngoài chìm dưới đất, ống nước như khuỷu tay đặt lên trên. Rất có thể đây là cổ tháp của Từ Lâm Lão Hoà thượng ngày xưa chăng?

(Còn tiếp…)

(1) Trần Kính Hoà, phần khảo cứu Hải Ngoại Kỷ Sự tr.247-248. Đại học Huế xb, 1963.

(1)     Đại Sán Hán Ông, Hải Ngoại Kỷ Sự, trg.35-36, 41; Huế, 1963.

[1] J.A. Laborde, dẫn ra trong lời chú số (3) trong bài La Pagode Báo Quốc trong B.A.V.H. năm 1917, tr. 223.

[2] L. Cadière, B.A.V.H 1928 No1 nói về lăng, tháp, mộ ở vùng quanh Huế, lại sao được một cái bia khắc những dòng chữ khác hẳn như sau: “Vĩnh Thịnh thập niên, thập nhị nguyệt, nhị thập nhị nhật lập. Viên thọ Tì kheo giới, huý Pháp Hàm Giác công Thiền sư chi tháp. Phụng tự Pháp trí đệ tử chúng đẳng”. Ngày 22 tháng chạp năm Vĩnh Thịnh thứ 19 ứng với ngày 27 Janvier 1715.

[3] Mật Thể, Sđd. tr.198-199.

[4] Xem trong tập Guide de l’Annam, tr.107, năm 1911.

[5] L. Sogny, đã dẫn trong BAVH số 3, năm 1928 tháng 7-9.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here