Trang chủ Chư tôn Thiền đức Phật giáo Thuận Hoá Chư tôn Thiền đức Phật giáo Thuận Hoá – Phần 1

Chư tôn Thiền đức Phật giáo Thuận Hoá – Phần 1

801
0

Lời nói đầu

       Sau nhiều năm sưu tập tài liệu, vào năm 2010, chúng tôi trình độc giả quyển “Chư tôn Thiền đức Phật giáo Thuận Hoá” mà chúng tôi xem là phần đầu của một công trình đòi hỏi nhiều thời gian và công sức: Ghi lại tiểu sử và công đức của chư vị có công với Phật giáo Thuận Hoá, bao gồm cả Chư tôn Thiền đức lẫn các cư sĩ.

       Lần này, chúng tôi tiếp tục cho xuất bản quyển sách nói trên, có bổ sung tiểu sử của các cư sĩ hữu công đối với Phật giáo Thuận Hoá, đồng thời, chúng tôi cũng cho ra mắt quyển tiếp theo, cả hai quyển được ghi lần lượt là Tập I và Tập II. Tập I thể hiện hành trạng của 141 vị Chư tôn Thiền đức Tăng, 26 vị Chư tôn đức Ni, có bổ sung thêm một số bài tưởng niệm, cảm niệm, tán thán và tiểu sử của 27 vị Cư sĩ mà chúng tôi vừa sưu tầm được. Tập II gồm tiểu sử của 87 vị Thiền đức, 16 vị Chư tôn đức Ni và 35 vị cư sĩ cùng 53 bài tưởng niệm, điếu văn. Để tiện tra cứu, chúng tôi lập một danh sách liệt kê tên của những vị có hành trạng nêu trong cả hai tập sách theo thứ tự chữ cái, đối chiếu với thứ tự ghi trong mục lục của từng tập; nhờ vậy, độc giả có thể nhanh chóng tìm đến bài viết liên quan đến hành trạng của người mà mình quan tâm.

      Với thành ý tri ân những người đã có công lao gây dựng và phát triển Phật giáo trên vùng đất Thuận Hoá, chúng tôi chỉ đưa vào trong các tập sách này chư tôn Thiền đức đã viên tịch cũng như những vị cư sĩ đã qua đời. Chúng tôi mong công việc sưu tầm này được tiếp tục mãi mãi để có thể ghi nhận đầy đủ và thể hiện lòng biết ơn của người Phật tử đối với tất cả những vị hiện vẫn đóng góp công sức cho sự phát triển của Phật giáo ở vùng đất này.

      Đã nhiều năm qua, chúng tôi được Giáo hội Phật giáo Việt Nam uỷ nhiệm phụ trách Ban Văn hoá Trung ương. Qua các Phật sự liên hệ đến Văn hoá Phật giáo, chúng tôi nhận thấy vùng đất Thừa Thiên-Huế xứng đáng là một trong những cái nôi của Phật giáo Việt Nam với các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể rất quan trọng, phong phú và đa dạng; trong đó, sự đóng góp của Chư tôn Thiền đức và các cư sĩ hữu công mang tính cách quyết định, cần được ghi nhận để người đời sau hiểu được hoàn cảnh khó khăn, ý chí sắt đá, và công hạnh lớn lao của tiền nhân. Từ đó, chúng tôi phát tâm nghiên cứu, sưu tập về Phật giáo Thuận Hoá và đó là lý do hình thành các tập sách này. Công trình tuy khiêm tốn, còn cần bổ sung, cần sự chỉ giáo của chư thiện tri thức để được hoàn thiện hơn; nhưng chúng tôi nghĩ, những gì chúng tôi đã nỗ lực thực hiện cũng phần nào thoả tấm lòng chân thành của chúng tôi đối với Phật giáo Thuận Hoá, đối với những người có công trong việc gây dựng và phát triển Chánh pháp tại nơi đây.

       Sau cùng, chúng tôi ghi nhận công đức của Chư tôn Thiền đức, chư thiện tri thức và chư vị Cư sĩ Phật tử đã góp ý, khích lệ và ủng hộ chi phí để hoàn thành hai tập sách này.

Thuận Hoá, Mùa Phật đản,
Phật lịch 2555 (DL: 2011)
Tỷ-kheo Thích Trung Hậu
Tỷ-kheo Thích Hải Ấn

 

Chương I

Bối cảnh lịch sử từ đầu thế kỷ XVII
đến hết thế kỷ XVIII
([1])

Tiết 1:

Phần khái quát

      Kể từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá (1558), đời sống của dân xứ này đã khởi sự thay đổi nên ông được dân Thuận Hoá cảm mến.

      Khi vào trấn thủ Thuận Hoá, lúc đầu Nguyễn Hoàng đã thiên trọng Đạo giáo, nhưng về sau ông lại yểm trợ Phật giáo để được lòng dân. Khi vào trị nhậm (1558) đến 40 năm sau (1601), ông mới cho làm lại chùa Thiên Mụ, chùa Sùng Hoá và tung ra một huyền thoại gợi cảm: “Bà già mang áo đỏ quần xanh” ngồi trên núi bảo ông làm lại chùa để đem vượng khí lại cho Thuận Hoá.

     Nguyễn Hoàng mất, con là Nguyễn Phúc Nguyên (1613 – 1635) lên nối nghiệp đã biến chùa Thiên Mụ thành nơi thờ cha mẹ và tổ tiên mình. Trong thời Nguyễn Phúc Nguyên có Đào Duy Từ (1572 – 1634) là một Phật tử thuần thành, khi ở Thuận Hoá ông đã sáng tác ra những điệu múa khúc ca Phật giáo, tạo nền tảng cho nền lễ nhạc Phật giáo Thuận Hoá mà chúng ta biết ngày hôm nay.

     Vào khoảng năm 1600 trở đi, khi Đào Duy Từ vào Nam Hà để phục vụ các chúa Nguyễn, trong Tư Dung Vãn, Đào Duy Từ đã nói đến một số ngôi chùa như chùa Bà Viên, chùa Thái La ở cửa Tư Dung, ông mô tả:

 “Rừng cây công đức diễm dà,

Trỏ chồi y bát, kết hoa Bồ-đề.

Vẳng nghe tiếng mõ đồ lê,

Ngòi phiền bến não rửa thì sạch không.”

    Vùng đất Thuận Hoá lúc này ở đây không những chỉ có cảnh chùa trang nghiêm, các vị Thiền sư đức độ mà người dân vùng Thuận Hoá vốn rất thuần thành với những Lễ hội Phật giáo tưng bừng rộn rã, và tư tưởng Phật giáo thời này của xứ Thuận Hoá chắc chắn phản ánh tư tưởng “cư trần lạc đạo” (ở đời vui đạo) của người khai sáng phái thiền Trúc Lâm Yên Tử là vua Trần Nhân Tông.

      Chính tư tưởng “ở đời vui đạo” và “ở trần mà chẳng nhiễm trần” của Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông và Phật tử Đào Duy Từ đã chi phối sự phát triển Phật giáo Thuận Hoá và của Phật giáo Việt Nam về sau này.

      Nguyễn Phúc Nguyên mất, con là Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) lên nối nghiệp đã đưa đời sống Thuận Hoá khá lên rất nhiều. Bắt đầu từ vị chúa này, Phật giáo Thuận Hoá có cơ phát triển hơn, chúa có thiên hướng tín ngưỡng Phật giáo thật sự. Ông đã vận dụng tín ngưỡng này trong việc trị an, nên đã đánh thắng giặc phương Bắc người Hoà Lan ở ngoài cửa Eo([2]).

       Nguyễn Phúc Lan mất, Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687) lên kế nghiệp. Chính trong thời chúa này mà các Thiền sư Trung Quốc như Viên Khoan, Viên Cảnh… đã đến truyền giáo ở Thuận Hoá. Phật giáo Thuận Hoá cũng từ đây có thêm nhiều vị Đại sư người Việt mà nổi bật hơn cả là ngài Minh Châu Hương Hải.

      Dưới thời chúa này Phật giáo Thuận Hoá phát triển mạnh mẽ với những đợt hoằng hoá tiếp sức của các Đại sư người Việt cũng như các Thiền sư Trung Quốc.

      Nhắc đến các vị Thiền sư từ Trung Quốc sang Thuận Hoá, thiết nghĩ, chúng ta cũng nên tìm hiểu Phật giáo Trung Quốc vào đầu thời nhà Thanh từ thế kỷ thứ XVII đến XVIII.

        Nhà Thanh khởi sự từ năm 1616, nhưng cho đến năm 1662 thì họ mới thực sự diệt được nhà Minh và thống nhất lãnh thổ Trung Quốc.

     Vì chính sự thay đổi ấy mà vào năm Kỷ Mùi (1679) “bề tôi vâng mệnh của nước Đại Minh là Long môn tướng quân Dương Ngạn Địch, đem hơn 50 chiến thuyền và hơn 3.000 quân sang đóng ngoài cửa Tư Dung (Tư Hiền) để hàng chúa Nguyễn Phúc Tần.”(1)

        Cũng trong xu thế vượt biển tránh lộn xộn do xã hội lúc bấy giờ gây nên ấy mà trong thời Nguyễn Phúc Tần đã có nhiều Thiền sư trong phái Thiền Lâm Tế, Tào Động đi theo tàu buôn Quảng Đông để sang Nam Hà hoằng hoá Phật giáo.

        Vào các thế kỷ XVII-XVIII, ở Thuận Hoá chỉ có một cửa biển vừa sâu vừa kín gió là cửa Tư Dung. Lúc này phủ chúa còn đóng ở vùng Kim Long. Cả một vùng đất rất lớn thuộc mạn Nam sông Hương, trước mặt Kinh thành lên cho tới núi Thiên Thai, toàn là núi non, gò nỗng, gọi là vùng Lâm Lộc. Cây cao, rậm rạp; động vật hoang dã như cọp, beo, rắn, rít, chuột, sóc, khỉ, vượn… còn ở hàng đàn. Tất cả các dãy đồi núi nằm trong vùng Lâm Lộc này như Hàm Long sơn, Hoàng Long sơn, Phú Xuân sơn, Dương Xuân sơn đều chưa có bóng dáng dân dã hay một ngôi thảo am nào. Thế nhưng, vào cuối đời Nguyễn Phúc Tần thì cõi Phú Xuân khởi sự tiếp nhận các vị Thiền sư từ Trung Quốc sang, có lẽ do đường biển đổ bộ vào cửa Tư Dung đi lên.

       Đặc biệt là “vào mùa hạ tháng tư, chúa đi thị sát Hoà Vinh, cửa Tư Dung (tên cũ là Tư Khách, tức nay là Tư Hiền xã Vinh Hiền, Phú Lộc) thấy núi Quy Sơn (nay là núi Linh Thái) phong cảnh đáng yêu, trên đỉnh núi có một cây tháp cổ nổi tiếng linh thiêng, bèn sai Thủ bạ Trần Đình Ân đốc suất quân dân dời cây tháp ấy đi nơi khác để lấy đất dựng chùa Phật. Công việc xong, gọi tên chùa là Hoà Vinh. Sau đó, mở hội chùa lớn bảy ngày đêm.(12) Công việc này xảy ra trong năm Bính Ngọ (1666). Các chùa làng cũng được làm thêm trong các đời chúa này rất nhiều: chùa An Lưu, chùa La Chử, chùa Thủ Lễ, chùa Thanh Phước, chẳng hạn. Kể cả ngôi chùa Hà Trung có thể cũng đã được trùng kiến trong thời này. Chùa Kim Long cũng vậy.

       Trong đời Nguyễn Phúc Tần, Phật giáo Thuận Hoá đã khởi sự thịnh đạt. Trên các dãy núi phía Nam sông Hương đã có chư Tổ từ Trung Quốc sang cắm tích trượng lập thảo am để Hoằng Pháp. Như vào đời chúa Nguyễn Phúc Tần thì chùa Vĩnh Ân, tức là chùa Quốc Ân về sau, đã được Tổ Nguyên Thiều khai sơn ở Phú Xuân sơn, và chúa đã cấp đất cho Tổ dựng chùa.

        Vào thời chúa Nguyễn Phúc Thái (1687-1691), tuy chỉ có 4 năm ở ngôi chúa và tuổi thọ cũng rất ít, nhưng ông đã làm được nhiều việc có thể xem là những việc quan trọng trong viễn tượng xây dựng văn hoá và tín ngưỡng Phú Xuân.

        Chúa là người có nhiệt tâm với đạo Phật. Vừa phát triển về văn hoá Phú Xuân, vừa phát triển Phật giáo. Tháng 5, mùa hạ, ông cho dựng chùa Thuận An, chùa này hiện nay không còn. Chỉ còn tên trên sách vở. Ông cũng đã phái Ngài Hoán Bích – tức là Tổ Nguyên Thiều trở về Trung Quốc cầu Cao Tăng. Đại Nam liệt truyện tiền biên (q.6) ở truyện Tạ Nguyên Thiều viết: “… qua Quảng Đông rước Thạch Liêm Thiền sư và thỉnh tượng Phật, chuông khánh…”(1) Cũng bộ sử này, khi chép về Thạch Liêm, nhà làm sử thời đó đã chép: “Anh Tông Hoàng đế thường khiến Tạ Nguyên Thiều qua Trung Quốc cầu Cao Tăng, nghe Liêm giỏi Thiền học, bèn qua thỉnh cầu. Liêm mừng, cùng Nguyên Thiều vượt biển qua Nam, đã đến nơi, cư trú tại chùa Thiên Mụ.”(2)

         Nguyễn Phúc Thái mất, con là Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) lên nối nghiệp. Ngoài những võ công oanh liệt mà chính sử đã ghi, ông còn là một Phật tử thuần thành. Trong đời ông, có hai Phật sự lớn lao mà ông đã thực hiện là: Mời được Thiền sư Thạch Liêm sang Thuận Hoá để mở Giới đàn tại chùa Thiền Lâm, truyền giới cho hơn 4.000 giới tử; cả Hoàng gia Nội phủ đều quy y Phật giáo (1695) và việc làm lại chùa Thiên Mụ (1714), đúc Đại hồng chung, dựng bia đá lớn cho đến ngày nay vẫn còn, ngoài bia văn trùng tu chùa Bửu Sơn dựng trước đó nửa thế kỷ.

          Rõ ràng Phật giáo Thuận Hoá cho đến thế kỷ XVII vẫn mang đậm sắc thái của học thuật Phật giáo Việt Nam do những triều đại trước để lại.

        Tín ngưỡng Phật giáo Thuận Hoá thời này đã phát triển rất mạnh, “chùa chiền khắp xứ, sãi vãi đầy đoàn([3]). Chư Thiền tổ từ Trung Quốc sang cũng đã đông đảo. Cả miền núi ở mạn Nam sông Hương đều có thảo am. Đặc biệt là chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu đã tôn Đại sư Quả Hoằng ở núi Tam Thai làm Quốc sư. Ông lại đặt tự hiệu là Thiên Túng Đạo Nhân.

        Con ông là Nguyễn Phúc Thụ (1725-1738) đã theo truyền thống đó mà đặt tự hiệu cho mình là Vân Tuyền Đạo Nhân; đến cháu ông là Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) cũng đặt tự hiệu là Từ Tế Đạo Nhân. Cả ba vị chúa này đều là những Phật tử nhiệt thành. Nhất là họ còn để lại nhiều chứng tích Phật sự họ đã làm, như tổ chức giới đàn, ban biển hiệu chùa và độ Tăng.

        Dưới thời các chúa cũng đã xuất hiện hai tác phẩm văn học lớn đó là Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) và Hứa Sử truyện vãn do Pháp Chuyên Đại sư (1726-1798) sơ thảo và sau này được môn đệ của mình là Đại sư Toàn Nhật (1750-1832) san định. Trong hai tác phẩm này vai trò của những người liên hệ đến Phật giáo được tiểu thuyết hoá.

       Và không chỉ Nguyễn Cư Trinh viết “Sãi Vãi” như thế mà ngay cả Pháp Chuyên khi viết “Tam Bảo biện hoặc luận” và Toàn Nhật khi san định “Hứa Sử truyện vãn” cũng vậy.

         Thuận Hoá vào cuối thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII, có “chùa Thuận An, chùa công Kim Long, chùa công Hà Trung, chùa công Quang Xuân, chùa công Thiên Mụ đều là những đại danh lam, chùa nào cũng có Tăng lục, sai phu”([4]). Các thảo am như Báo Quốc, Ấn Tôn, Thiền Lâm, Từ Lâm, Vĩnh Ân v.v… cũng đã được mọc lên rất nhiều. Chùa làng nổi tiếng như chùa Quang Đức ở làng An Vân Hạ, còn bức biển chùa do Từ Tế Đạo Nhân ngự đề, chùa Bảo Sơn ở làng An Ninh, chùa Khánh Vân ở Lựu Bảo; chùa Diên Thọ, chùa Phú Ốc v.v… đều như thế cả.

        Về truyền thừa thì đã có hai dòng Tào Động và Lâm Tế. Chư Tổ thì đã có hai Ngài là Nguyên Thiều và Liễu Quán. Cho nên, đây chính là thời đại hưng thịnh và phát triển của Phật giáo Thuận Hoá để làm cho đạo mạch Phật giáo Việt Nam tiếp nối các dòng Thiền Bắc Hà và hoằng truyền vào Nam Hà đến tận ngày nay.

*

(Còn tiếp…)

([1])    Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Thích Hải Ấn & Hà Xuân Liêm, Xb.2006

([2])    Cũng gọi cửa Nhuyễn Hải, cửa Bạc Thác, cửa Thai Dương và sau cùng là cửa Thuận An – Dân gian thì gọi cửa Eo, cửa Noãn.

(1)     Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, bản Việt tr.62, Hà Nội, 1977.

(1)     Đại Nam thực lục tiền biên q. V (hạ). Bản Việt tr.111, Nxb. Sử học, Viện Sử học Hà Nội, 1962.

(1)     Quốc Sử Quán, Đại Nam liệt truyện tiền biên, trích dẫn bởi Trần Kính Hoà, bản dịch ở Hải ngoại kỷ sự, tr. 257, Viện Đại học Huế, 1963.

(2)     Như trên.

([3])    Đại Sán Hán Ông, Hải Ngoại Kỷ Sự, tr. 46-50. Uỷ ban phiên dịch sử liệu Việt Nam; Viện Đại Học Huế xuất bản, 1963.

([4])   Lê Quý Đôn, Sđd., tr.113.

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here