9 tham luận được trình bày tại hội thảo với nhiều nội dung như: Đánh giá tổng quan về di sản Phật giáo Ngũ Hành Sơn của TT.Thích Không Nhiên, danh Tăng núi Ngũ Hành Sơn của ĐĐ.Thích Như Tịnh, thơ Ngự chế của Hoàng đế Minh Mạng về danh thắng Ngũ Hành Sơn của TS.Võ Vinh Quang…
Các nhà nghiên cứu đã giới thiệu các tư liệu liên quan đến danh thắng Ngũ Hành Sơn được ghi chép trong Châu bản Triều Nguyễn, pháp khí, hoành phi đối liễn tại các ngôi cổ tự.
Nhà nghiên cứu Phan Đăng với tham luận giới thiệu “Ngũ Hành Sơn lục” – một tác phẩm chữ ghi chép bằng chữ Hán và Nôm rất có giá trị. Tác phẩm có 49 tờ gồm 96 trang mỗi trang 6 dòng dọc, mỗi dòng khoảng 20 chữ, ghi chép lại thơ văn trên bia ma nhai tại Ngũ Hành Sơn và các nghi lễ Phật giáo cũng như các danh Tăng qua các thời kỳ theo lối viết chữ chân, lệ và thảo… Đây là tác phẩm chưa được công bố.
Là một danh thắng có giá trị về văn hóa và tính liên tục. Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị vẫn chưa được quan tâm. Qua chuyên đề ấn phẩm Liễu Quán 16, đã công bố các ma nhai tại Ngũ Hành Sơn ngoài tác động của thiên nhiên và thời gian, thì sự hiểu biết để bảo vệ về chủ quan và khách quan vẫn chưa có. Từ đó, dẫn đến hiện tượng các ma nhai bị bôi trét, viết vẽ chồng lên, đục khoét…, làm mất đi nội dung cũng như các họa tiết ban đầu.
Tại hội thảo, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông đã đề nghị các cơ quan liên quan cần quan tâm hơn nữa về danh thắng Ngũ Hành Sơn trước sự đe dọa đến cảnh quan, kiến trúc, ma nhai… và có lộ trình cụ thể để nghiên cứu và xây dựng hồ sơ để được UNESCO công nhận di sản thế giới.
Kết thúc buổi toạn đàm, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP.Ðà Nẵng, chủ tọa đã khẳng định: bằng tinh thần nghiên cứu khoa học, các nhà nghiên cứu đã cho thấy Ngũ Hành Sơn là một trong những trung tâm văn hóa Phật giáo nổi tiếng của Ðàng Trong mấy trăm năm trước – một trung tâm mang tầm quốc tế và là một điểm đến của giao lưu văn hóa thế giới; đồng thời cũng góp phần khẳng định Ngũ Hành Sơn là trung tâm văn hoá của đất Quảng và của đất nước thời cận đại.
“Để phát huy giá trị, trước hết phải hợp tác nghiên cứu giữa các vùng miền, lãnh thổ trong và ngoài nước, cần có kinh phí và hành lang pháp lý chặt chẽ để bảo tồn và phát huy giá trị di tích…”, ông Tiếng bày tỏ.
Hình ảnh buổi tọa đàm
Tin: Lieuquanhue