Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Cần làm gì để Gia đình Phật Tử là nơi chốn để...

Cần làm gì để Gia đình Phật Tử là nơi chốn để các em nhộn nhịp trở về

89
0

Nhìn qua lịch sử  Phật Giáo, cuộc vận động chấn hưng Phật Giáo do Thái Hư đại sư chủ trương từ năm 1912 bên Tàu đã ảnh hưởng mạnh đến Phật giáo Việt Nam. Khởi đầu tại miền Nam (1920 – 1929) người đóng vai trò chủ xướng và vận động chấn hưng Phật giáo là hòa thượng Khánh Hòa. Từ ảnh hưởng đó, Hội Phật Giáo Trung kỳ được thành lập vào năm 1932. Cư sĩ Tâm Minh Lê đình Thám là người sáng lập ra Hội An Nam Phật Học và trường Phật Học Báo quốc, cũng là người sáng lập ra gia đình Phật Tử. Vậy, đâu là mục đích và nguyên nhân của việc thành lập Gia đình Phật tử mà tiền thân của nó là Đoàn thanh niên Phật Học Đức dục, Đồng Ấu Phật tử, Gia đình Phật Hóa Phổ? Theo Nguyễn khắc Từ viết trong Nguyệt San Phật Giáo Việt Nam số ra ngày 15/8/1958 thì: “ Đức Phật đã hóa độ cho La hầu La và 500 thiếu nhi, đã nhận lãnh của cúng dường của một em bé chơi đất bên vệ đường….Cho nên  cần phải lo xây dựng tín ngưỡng thuần chánh cho hàng con em của hội. Hai nguyên nhân trên đây là hai động lực thúc đẩy Gia đình Phật Tử ra đời”.

Đạo Phật là đạo của mọi ngươi, mọi lứa tuổi. Chữ Tu hiểu đúng nghĩa của nó, là trau dồi Đức và Trí dục, thực hành một phương pháp giáo dục mà đức Phật đã chỉ dạy.

Tuổi thanh niên là  tuổi nhiều ước mơ, hoài bão, là tuổi phát triển tâm sinh lí, do hiểu rõ sâu sắc điều đó mà bác sĩ Tâm Minh Lê đình Thám, là người đầu tiên ở Trung Kì xin phép chính quyền cho phép thành lập một tổ chức gọi là Gia đình Phật Tử nhằm giáo dục các em, giúp các em hoàn thiện nhân cách  trong tinh thần Phật Giáo.

Bước sang thế kỉ  21, thế giới chúng ta đang sống được mệnh danh là  Thế giới phẳng, như nhan đề một cuốn sách nổi tiếng của một tác giả ngoại quốc, ông Thomas L. Friedman. Lượng thông tin bùng nổ cho phép chúng ta thấy, văn mình kĩ thuật cao, không có nghĩa là đời sống tinh thần đầy đủ. Hầu như ngược lại, máy tính, Ti vi, sách báo, thay vì đưa con người trở về với bản thể tự thân lại chỉ là những phương tiện che lấp, vùi dập song không thể nào triệt tiêu hết nỗi cô đơn. Đã thế sự bùng nổ dân số gia tăng song song với việc tàn phá môi trường. Thế giới mà chúng ta đang sống là cõi tạm, xã hội chúng ta đang sống là một xã hội bất ổn. Ngày càng không bớt đi nạn xe tông, nạn giết người và nguy cơ hơn là bạo lực học đường. Tội ác ở lứa tuổi vị thành niên không giảm. Có lẽ nào học sinh Phật Tử lại thờ ơ trước cảnh tàn phá môi sinh, cảnh lũ lụt tàn phá hàng năm, cảnh lênh đênh không cửa không nhà của người dân vùng lũ? Nhưng, có thể nào, một vị tăng lữ lại đem cả một hệ thống tư tưởng Đại thừa được gói gọn trong Bát nhã Tâm kinh để giải thích hai chữ “ sắc, không ” cho đoàn sinh Phật Tử ngành Thiếu và ngành Thanh? Từ những nghịch lí nêu trên, người cư sĩ tu tại gia phải làm gì, và không làm được những gì?

Tư tưởng cho rằng “ người già lên chùa ”, là một tư  tưởng cổ xưa mặc dù cho đến bây giờ nó  vẫn đúng, xét trên phương diện nào đó. Bên cạnh đó, không thiếu trẻ vị thành niên, thiếu niên, thanh niên, nhi đồng…tìm thấy nơi chốn thiền môn, hương vị một chén trà cúc thơm đậm đà, một đóa sen ngát mùa Phật đản, lòng rộn ràng theo hồi chuông trống Bát nhã…Người thanh niên Phật tử ngày hôm nay tìm thấy một mái nhà chung trong cõi tạm, nơi đầy hoa và rộn tiếng chim, hoa là hoa sen và tiếng chim bồ câu gù trên mái tam quan. Ngôi nhà nơi cõi tạm ấy là đỉnh Tình Thương, nơi các em quây quần bên nhau ca hát sau những giờ học Phật pháp… đôi khi có phần khó hiểu vì những thuật ngữ Phật học cao siêu.

Cái mà cư sĩ  Tâm Minh Lế đình Thám đã làm được cách đây 60 năm là tạo dựng cho các em ngôi nhà chung ấy, cùng sự góp sức của cư sĩ đồng thời, Bác Võ Đình Cường, Thầy Lê Mộng Đào cùng nhiều người khác.

Nhưng, như bác Võ  đình Cường đã nói với các em, và với chúng ta một cách thực tế rằng: “ Gia đình Phật tử không phải là một nơi khuyến khích các em xao lãng bài vở ở trường, để tổ chức những trò chơi vô nghĩa… tinh thần vẫn là tinh thần của Phật giáo, nghĩa là: Từ bi, Trí tuệ, Tinh Tấn, Hoan Hỉ và Thanh Tịnh…”. Phải chăng đến lúc cần thay đổi chút ít những sinh hoạt mang tính truyền thống? Liệu những sinh hoạt như vậy có còn phù hợp với  con em chúng ta trong thời hội nhập hay không, hay vẫn chỉ là những sinh hoạt mà chúng ta cần chứ không phải các em cần? Bởi vì người cư sĩ và đoàn viên Phật tử bao giờ cũng  là một khối thống nhất, chứ không riêng lẻ việc: “ Người già lên chùa ” như xưa nữa.

Đứng trước bao nhiêu cám dỗ vật chất của thời hội nhập, cư sĩ có trách nhiệm trong việc giáo dục con em mình rèn luyện đức dục và trí dục,  là hai điều tối cần thiết bởi hơn bao giờ hết, chúng ta hiểu thiếu niên là rường cột của nước nhà. Và cũng hơn bao giờ hết, nạn bạo lực học đường cùng tội ác xảy ra trong lứa tuổi vị thành niên, thông qua tin tức trên các mạng lưói truyền thanh chúng ta, ngay các em cũng hiểu. Không ở đâu tội ác lại đầy rẫy như trên trần gian này. Nói như thế không có nghĩa chúng ta bỏ mặc các em trôi nổi trong cái lò lửa ấy. Mà Gia đình Phật tử chính là ngôi nhà trong cõi tạm đầy ắp tình thương yêu để các em có thể an tâm tìm đến, song cũng không dễ dàng. Không phải là những lời thuyết giáo cao siêu. Không phải chỉ là những trò chơi đơn thuần chỉ để tiêu tan nỗi nhọc mệt.

Vấn đề nằm  ở chỗ khác.

Có khi nào qúy vị  ngồi ở đây, tìm hiểu xem con mình muốn gì, nó  có những khát vọng gì, và những mơ ước gì? Có đứa chỉ mơ mẹ tặng đoa hoa hồng trong ngày sinh nhật, khổ thay mẹ nó không bao giờ tổ chức ngày đó vì bận rộn mưu sinh. Có đứa chỉ thèm được cha hỏi thăm một tiếng: “ Hôm nay con học thế nào? Con có mệt không, thầy giảng bài có dễ hiểu không ”? Thật sự cha nó chỉ giỏi la hét , nạt nộ khi con mình không đạt được điểm số mà ông ta cần. Những con số và điểm số, những bằng khen, đó là điều ông ta cần chứ không phải đứa con cần. Tất nhiên, đã học thì có ganh đua, nhưng ganh đua với chúng bạn trong tinh thần vô úy, học tập trong một trạng thái tinh thần tự do không sợ hãi, đòi hỏi một chương trình học nhẹ nhàng thông minh, để học sinh có thể đạt được một học lực cao trong tình thương yêu của bố mẹ và thầy cô; là một việc khác. Mà với thực trạng giáo dục bây giờ, con số học sinh ngồi nhầm lớp ở cấp I là điều làm những người có lương tâm nhức nhối vô cùng!

Chưa kể đến con số học sinh bỏ học vì lũ quét, các em gái bán mình…làm sao ta không thấy lòng đau cho được.

Vấn đề đặt ra ngày hôm nay không phải là kêu gọi tín đồ đến cho đông mà đơn thuần chỉ là giáo dục Đoàn sinh Phật tử trên căn bản triết lí nhà Phật, trên tinh thần Hỉ xả và Từ Bi. Có như thế mới giúp các em có khả năng giáp mặt với cuộc đời không sợ hãi.

Thực trạng Internet hiện nay với bao nhiêu lượng thông tin khổng lồ cuốn hút không ít đoàn viên thanh niên vào đó. Việc các em có thể hàng giờ ngồi bên máy tính sao lãng việc đến chùa chưa trầm trọng, cho bằng các em mụ người đi, mất hết tinh thần sáng tạo, chưa nói đến ảnh hưởng sức khỏe: măt lòa, vai mỏi, lưng đau. Sau hết là tinh thần bạc nhược nếu phụ huynh không cẩn thận kiểm soát một cách tế nhị. Tôi muốn nói đến việc để ý chứ không phải kiểm tra, nhắc nhở chứ không phê bình gay gắt.

 Đó là trách nhiệm chung của mỗi người cư sĩ chúng ta, đã đến lúc cần xem xét lại phương thức sinh hoạt hàng tuần để cùng với Giáo Hội xây dựng ngôi nhà Trí Tuệ, tình thương ngày thêm vững mạnh. Xem xét như thế,  Gia đình Phật Tử mới luôn là nơi chốn để các em nhộn nhịp trở về, hớn hở trở về, thanh tịnh và im lặng trở về trong tinh thần Bi Trí Dũng của nhà Phật.

P.N.T 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here