Trang chủ Thiền môn xứ Huế Bối cảnh lịch sử Phật giáo Thuận Hóa từ đầu thế kỷ...

Bối cảnh lịch sử Phật giáo Thuận Hóa từ đầu thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX

125
0

 





Chương II

Bối cảnh lịch sử tđầu thế kỷ XIX
đến giữa thế kỷ XX

Tiết 1 :

Phần khái quát

Người tiếp nối sự nghiệp của Nguyễn Hoàng, lên ngôi vua và đặt niên hiệu là Gia Long (1802 – 1820). Trong thời ông, có rất nhiều người trong thân tộc, nhất là Bà Hiếu Khương Hoàng hậu và người chị cả cùng mẹ là Nguyễn Phúc Ngọc Tú, là những người có công trong việc phục hưng Phật giáo xứ Thuận Hoá rất nhiều. 

Ở Thuận Hoá, dưới thời trị vì của nhà Tây Sơn (1786-1801), do chiến tranh, Phật giáo Thuận Hoá bị thiệt hại rất nặng. Bởi vậy, khi Nguyễn Ánh dứt được nhà Tây Sơn và lên ngôi vua ở Thuận Hoá, đặt niên hiệu là Gia Long, thì Phật giáo Thuận Hoá cũng đã được chấn hưng: sửa sang chùa chiền, tập họp Tăng sĩ dù cho mỗi chùa vài ba người, lo chỉnh đốn cách thờ tự cho trang nghiêm để tín đồ có chỗ lui tới làm lễ và nghe giảng Pháp, tụng Kinh.

Ngôi chùa được trùng hưng đầu tiên là Tổ đình Thuyền Tôn: Ngay khi lệnh cấm Tăng hủy chùa vừa bãi bỏ thì Đại sư Đại Huệ Chiếu Nhiên đã trở về chùa để khởi đầu cuộc trùng hưng, tiếp đó có hai lần được ngoại hộ để trùng hưng Tổ đình đi lần đến chỗ trang nghiêm quang rạng. Năm Gia Long nguyên niên (1802), Tổ Đại Huệ Chiếu Nhiên viên tịch, truyền lại cho đệ tử là Đại sư Đạo Tâm Trung Hậu.

Năm Gia Long thứ 2 (1803), Tổ đình lại được Đại sư Đạo Tâm Trung Hậu trùng kiến do tín nữ Lê Thị Tạ, Pháp danh Tiên Quý đã cùng nhiều người ngoại hộ.

Lần trùng kiến này, ngôi chùa được kiến trúc bằng gỗ đẹp, mái lợp ngói. Tháng 3 năm đó, nhà chùa và tín đồ làm “biểu” dâng lên vua Gia Long, xin lại quả đại hồng chung đem về để phụng tự. Khi được phép thỉnh đại hồng chung – cho đến nay vẫn còn – về trở lại Tổ đình; toàn thể Tăng chúng và tín đồ đã vân tập về chùa Thuyền Tôn, thiết đàn tràng, làm lễ Khai chung và thỉnh chuông U minh suốt trong 21 ngày đêm để cầu “Quốc thái dân an, Phật pháp miên trường“. Đến tháng 8 cùng năm, dâng biểu xin lại Tam bảo điền thổ cọng hơn 70 mẫu tại hai huyện Phú Vang và Hương Trà. Từ đó, Phật sự ở Tổ đình Thuyền Tôn bước vào thời kỳ phục hưng, Tăng chúng và tín đồ đông đảo. Tăng sĩ vừa tu học vừa tự cày ruộng lấy mà ăn, tín đồ đến Quy y, cầu Pháp, nghe Kinh càng ngày càng đông. Và suốt cả triều Gia Long, nhiều lần được ngoại hộ, Tổ đình cứ được trùng tu, các tòa Phạm vũ được mở rộng nguy nga; Tăng tín đồ đông đảo làm cho Phật giáo xứ Huế vừa phục hưng vừa phát triển rực rỡ.

Sau Tổ đình Thuyền Tôn, các chùa khác ở Thuận Hoá lần lượt được trùng hưng và chú tạo Hồng chung. Cũng vào năm Gia Long thứ 3 (1804), Hòa thượng Đạo Trung Chánh Định về trùng hưng và trú trì chùa Kỳ Viên. Trong kỳ trùng hưng này, có một quan đại thần là ông Lê Văn Cẩn và phu nhân là bà Lê Thị Cách, làm Hội chủ để quy tập một số đông đảo thiện nam tín nữ ngoại hộ. Hòa thượng đã chứng minh cho họ chú tạo một quả đại Hồng chung. Lạc khoản trên chuông ghi năm Gia Long thứ 3, Giáp Tý (1804). Sau cuộc trùng hưng, chùa được cải danh thành Xuân An Tự, tức là chùa Trường Xuân hiện nay ở vùng chợ Dinh.

Năm Gia Long thứ 4 (1805), đến lượt chùa Quốc Ân được ngoại hộ và các Tăng sĩ trùng hưng. Nhưng kể từ cuộc trùng hưng này về sau, tháp Phổ Đồng bị bỏ luôn, không dựng lại nữa.

Các vị Tăng sĩ cùng nhau xây dựng lại Phật giáo Thuận Hoá. Thời gian tuy có cách nhau vài ba năm, lâu hơn thì độ 5, 6 năm, nhưng tất cả đều nằm trong khoảng triều vua Gia Long trị vì (1802-1819). Bởi đó, ta thấy Đại sư Đạo Thành Thanh Chứng đã đến khai kiến và trùng hưng chùa Từ Lâm ở trên ngọn đồi có phong cảnh rất đẹp, thời đó còn gọi là Hoàng Long Sơn; nay là chùa Từ Lâm trên đồi Quảng Tế. Hòa thượng Đạo Trung Trọng Nghĩa, ra trùng hưng chùa Ấn Tôn, cũng ở trên một mỏm đồi của dãy Hoàng Long Sơn, nay là chùa Từ Đàm. Trong kỳ trùng hưng, ngài Đạo Trung Trọng Nghĩa có chú đại hồng chung, lạc khoản năm Gia Long thứ 12, Quý Dậu (1813); nay chuông vẫn còn tại chùa Từ Đàm – Huế. Đại sư Đạo Thiện Quang Tuấn sửa lại chùa Viên Thông ở chân núi Ngự Bình; sắp đặt các tượng Phật “đội nón mang tơi” dưới thời Tây Sơn lại để thờ tự trang nghiêm. Hòa thượng Đạo Nhẫn Tịch Lạc trùng hưng chùa Viên Giác trong vùng Lịch Đợi hiện nay. Đại sư Đạo Minh Phổ Tịnh ra trùng hưng chùa Báo Quốc.

Không những trùng hưng chùa chiền, vân tập Tăng sĩ, mà lần hồi những buổi giảng Kinh thuyết Pháp và những Đại giới đàn cũng được tổ chức. Dưới các triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Phật giáo Huế có chiều phát triển; nhưng cũng có phần suy giảm. Phát triển về chiều rộng mà suy giảm về chiều sâu. Phát triển về số lượng chùa chiền, Tăng sĩ, nhưng suy giảm về mặt học lý.

Trong thời Nguyễn Ánh bôn đào khắp vùng Gia Định, Cà Mâu, ra Phú Quốc, lên tận Xiêm La; thì ở nơi trú ngụ, các bà trong gia đình của ông thường khấn nguyện Trời, Phật với bao lời hứa đền đáp sự phù hộ. Hơn nữa, tự thân Nguyễn Ánh cũng rất nhiều lần vào ẩn trong các chùa vùng Gia Định thành như chùa Đại Giác ở Biên Hòa; chùa Từ Ân, chùa Khải Tường ở Gia Định. Nhất là chùa Khải Tường ở địa phận thôn Hoạt Lộc, huyện Bình Dương. Năm Minh Mạng nguyên niên vua xuống dụ nói: “Năm Tân Hợi (1791) vua sinh ở đấy, vậy là đất lành, nên lập chùa để ghi nhớ(1). Chùa Linh Thứu ở địa phận xã Thịnh Phú, huyện Kiến Hưng, chùa này tối cổ mà có danh thắng(2) là những nơi Nguyễn Ánh hoặc các bà trong gia đình ông đã ẩn cư.

Trị vì được 19 năm thì vua băng hà, truyền ngôi lại cho con là vua Minh Mạng (1820-1840).

Trong 20 năm làm vua, vua Minh Mạng đã cho xây ba ngôi chùa: Chùa Giác Hoàng (1830); Linh Hựu Quán (1830) ở trong Kinh thành và chùa Thánh Duyên (1837) ở núi Thúy Vân. Chùa Thánh Duyên ở Thúy Vân Sơn là một đại danh lam ở chốn Thần kinh. Chùa là một Quốc Tự rất lớn, lưng chừng núi lại có Đại Từ Các. Trên núi cao về hướng Đông-Nam, có Điều Ngự Tháp. Dưới chân tháp lại có Tiến Sảng Đình là nơi để nghe tiếng sóng vỗ nhẹ nhàng dưới chân núi. Tháp tuy có ba tầng, nhưng lên tháp để nhìn phong cảnh thì quả tình đây là nơi danh thắng không chỗ nào có! Nhìn về phương Đông biển màu xanh đậm; quanh các mặt, đầm phá Cầu Hai lấp lánh ánh mặt trời. Xa xa là núi ra tận biển, cá nhảy chim bay, nước đầm phá vào tận chân núi, luôn luôn có tiếng sóng nhẹ vỗ bờ đá; trên núi thì cây cổ thụ có tuổi đời đã mấy trăm năm; phong cảnh thật hữu tình, ngoạn mục, cho nên vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị đều có làm thơ nói đến cảnh chùa Thánh Duyên.

Ở ngôi được 20 năm thì vua băng hà, truyền ngôi cho vua Thiệu Trị (1840-1847). Đời ông có một việc làm có ảnh hưởng lâu dài trong văn hóa xứ Thuận Hoá nói chung: là việc xây Phước Duyên Bửu Tháp ở chùa Thiên Mụ, và biến đổi tiềm để[3] của ông ở ấp Xuân Lộc thành chùa Diệu Đế; cả hai việc đều được thực hiện vào năm Thiệu Trị thứ 4 (1844). Thiệu trị mất truyền lại cho Tự Đức.

Vua Tự Đức (1847-1883). Trị vì đến 36 năm và để lại cho đời cảnh Khiêm Lăng, được xem là một thắng cảnh cho Huế.

Nhưng cũng chính dưới triều Vua Tự Đức, triều đình Huế ký hòa ước Nhâm Tuất năm 1862 cắt ba tỉnh miền Đông: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường cho thực dân Pháp. Hiệp ước ấy gây một làn sóng căm phẫn trong hàng ngũ triều đình. Nhiều người đã cho rằng ở đây có vấn đề bán nước trong Hòa ước này. Họ đã mạnh mẽ chống lại, và cuối cùng đã nổ ra cuộc khởi nghĩa vào năm Bính Dần 1866.

Cuộc khởi nghĩa này coi như tỏ rõ thái độ của một bộ phận Phật giáo trước nguy cơ mất nước. Cuộc khởi nghĩa do ba anh em họ Đoàn là Đoàn Trưng, Đoàn Hữu Ái và Đoàn Tư Trực cùng với Trú trì chùa Thiên Phước là Đại sư Nguyễn Văn Quí, em ruột là Nguyễn Văn Viên đứng ra lãnh đạo. Vào đêm mồng 8 tháng 8 Tây lịch, tức nhằm ngày lễ Vu Lan của Phật giáo, họ đã tập trung vũ khí, cùng nhau tiến lên công trường Vạn Niên Cơ, tập hợp những người thợ đang xây dựng công trình này lại, giết viên Thống chế coi công trường rồi họ cùng nhau tiến về Kinh đô. Cuộc khởi nghĩa thất bại, bị dìm trong biển máu. Đại sư Nguyễn Văn Quí… đã cùng những người yêu nước Đoàn Trưng, Đoàn Trực bị vua Tự Đức xử tùng xẻo, tức xẻo từng miếng thịt cho đến khi chết.

Từ năm 1862, Việt Nam đã bị mất nước về tay bọn thực dân Pháp – Y Pha Nho. Ba tỉnh miền Đông mất (1867). Thành Hà Nội bị đánh lần thứ nhất (1873). Năm 1883, thành Hà Nội bị đánh chiếm lần thứ hai, Cho đến lúc 7 giờ 30 sáng mồng 5 tháng 7 năm 1885, tức là sau trận khởi nghĩa vào đêm 23.5. Ất Dậu thất bại, vua Hàm Nghi xuất bôn và cả Hoàng gia lẫn triều đình tòng vong, chạy ra khỏi Kinh thành, và xem như toàn nước Việt Nam đã rơi vào tay bọn thực dân trọn vẹn. Từ đó đến 1945, hơn 60 năm, các vua Việt Nam ở triều đình Huế mất hết quyền lực.

Bối cảnh Phật giáo Thuận Hoá nói riêng và cả nước nói chung, vào cuối thế kỷ thứ XIX và vào vài thập niên đầu của thế kỷ XX bị suy sụp là chủ trương có chủ ý; có sự hỗ tương của hai thế lực: Thực dân và Thiên chúa giáo. Cả hai nâng đỡ nhau để gây sức ép ngay tại trong lòng bộ máy cầm quyền cao nhất thời đó là nhà vua và triều đình. Không cần truyền bá đạo, mà chỉ làm cho sự cai trị đầu não phải bỏ rơi dần dần tín ngưỡng, phong tục, tập quán, học vấn truyền thống để thâm nhập một thứ  văn hóa mới là văn hóa phương Tây. Ngay trong lòng Hoàng gia, chủ trương này đã được thực hiện rất tinh vi làm rạn vỡ văn hóa và tín ngưỡng truyền thống: Tam Cung tức bà Thánh Cung, Tiên Cung, và Từ Cung. Các bà vẫn là người tín hành và ngoại hộ Phật giáo, trong khi con dâu, cháu dâu các bà lại theo Thiên chúa giáo. Trước đó, vua Thành Thái đã ngoại hộ trùng hưng chùa Kim Quang làm nơi để bà Từ Minh Thái Hậu đến cầu siêu cho chồng bà tức là vua Dục Đức ngày xưa đã chết quá bi thảm. Vua cũng thường lên chùa Từ Hiếu để đàm đạo Phật lý với Hoà thượng Cương Kỷ, thì cuối cùng Ngô Đình Khả, Nguyễn Hữu Bài đã mưu với bọn thực dân bắt vua phải tốn vị và bắt vua đi đày. Vua Duy Tân làm cuộc khởi nghĩa bất thành cũng bị bắt đi đày một chỗ với phụ hoàng ở đảo Réunion.

Ở trong nước bọn quan lại Thiên chúa giáo và thực dân đã bắt ép nhà vua dẹp bỏ một số chùa Vua quanh Kinh thành – vẫn thuộc Hoàng triều. Trong Châu bản triều Nguyễn, triều Thành Thái, còn một tờ tấu sự của các quan Đại thần ở Cơ Mật Viện tâu lên nhà vua nói về việc tên Khâm sứ Mô-li-ê không tuân sắc chỉ nhà vua để xây nhà thờ Thiên chúa giáo ở vùng đất nằm ngoài phía sau Kinh thành, mà lại khăng khăng đòi triệt hạ và lấy đất của các chùa cũ trong Nội thành để xây nhà thờ đạo Thiên chúa.

Chính sách đô hộ của thực dân Pháp là một loại “cây đa bóp cổ”. Mọc lên cây cổ thụ Việt Nam rồi dần dần bóp chết và tiêu diệt chất truyền thống của cây Việt Nam. Thấy được tâm địa dã man đó của kẻ ngoại nhân, dân tộc Việt đã đứng dậy chống trả liên tục. Những người Việt thức thời đã dần dà tìm cách liên kết với nhau để hành động. Việc chấn hưng Phật giáo ở Huế nằm trong ý nghĩa đó. Khởi đầu, có nhiều Tăng sĩ chân tu, vẫn theo truyền thống, vân tập tại ngôi chùa mình trú trì, một số các Tăng sĩ muốn tu học thực sự để giảng dạy Kinh, Luật, Luận. Lúc đầu chỉ một năm một kỳ vào mùa hè, lúc “an cư kiết hạ”. Dần dần thì hàng tháng. Từ năm 1924 trở về sau, ở Huế thường có dạng Đạo tràng đó. Đạo tràng Thiên Hưng có Hoà thượng Huệ Pháp; chùa Tường Vân có Đạo tràng của Hoà thượng Thanh Thái Phước Chỉ; chùa Tây Thiên có Đạo tràng của Hoà thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh; chùa Tra Am có Đạo tràng của Viên Thành thượng nhân.

Từ năm 1927, 1928 trở đi, khắp nước đã có những hoạt động như thế và người ta thấy đã đến lúc phải có sự phục hưng Phật giáo, vì nhiều nguyên nhân, nhiều nhân tố.

Tại Thuận Hoá đã có ba thành phần tham dự, chung sức làm cuộc chấn hưng Phật giáo.

Thứ nhất, gồm những người trong thành phần tân học, có bằng cấp cao về cả Tây học lẫn Hán học. Họ là những vị quan lại giữ những chức cao trong triều đình nhưng đã về hưu như ông Nguyễn Đình Hòe, ông Nguyễn Khoa Tân; các ông Ưng Bình, Nguyễn Khoa Toàn; hoặc các nhà tân học như Bác sĩ Y khoa Lê Đình Thám, Trương Xướng; các nhà tư bản như Viễn Đệ, Lê Thanh Cảnh và nhiều người khác. Lại có cả một số phụ nữ có tín tâm như bà Cao Xuân Xang, bà Công Tôn Nữ Thị Bân, bà Hồ Thị Thể Anh v.v. Các thành phần trên trực tiếp hoạt động Phật sự như học Kinh, tập giảng Pháp theo lối khoa học, có chủ trương phục hưng để đổi mới Phật giáo cho hợp với thời đại.

Thành phần thứ hai là các Nho sĩ đại khoa bảng như ông Cử nhân đầu xứ Sào Nam Phan Bội Châu, ông Tiến sĩ Tây Hồ Phan Chu Trinh, Tiến sĩ Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền mà người ta thường gọi là ông Nghè Liên Bạt; các vị là linh hồn cách mạng tư sản dân quyền Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ XX. Ta có thể kể vào thành phần Nho sĩ nhưng chuyên viết sách viết báo bằng Quốc ngữ này là nhà văn Chương Dân Phan Khôi và bà Đạm Phương Nữ sĩ, dâu của Bố chánh Nguyễn Khoa Luận tức Viên Giác Đại sư. Tất cả những người kể trên đều tán thành và thúc đẩy công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Huế. Các Phật sự họ đã làm là viết lịch sử của các chùa và cho khắc vào bia đá để đời sau biết rõ sử các ngôi chùa; hoặc làm câu đối nói lên ý nghĩa thâm viễn và giáo lý của đức Phật để cúng vào các chùa. Tiến sĩ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng đã viết bài trên báo Tiếng Dân; nhà báo Phan Khôi đã viết trên báo Tràng An; là hai báo đối lập ở Huế; nhiều bài để tán đồng, khích lệ việc chấn hưng Phật giáo. Ông Tiến sĩ Tây Hồ Phan Chu Trinh đi xa hơn, ông định xướng lên chủ trương “phế Nho hưng Phật” để cứu quốc. Nhưng có lẽ bị bạn bè Nho sĩ của ông không đồng ý nên ông đã dừng lại. Bởi vì, các vị Nho sĩ thức thời đều đã thấy được sự liên quan chặt chẽ giữa Phật giáo với Dân tộc qua tiến trình lịch sử, để cùng đi đến kết luận là đã đến lúc phải chấn hưng Phật giáo để củng cố tinh thần dân tộc.

Thành phần thứ ba, quan trọng hơn, là giới Tăng sĩ.

Phật giáo Huế vẫn có các vị Cao Tăng Thạc đức, vừa dấn thân vào việc chấn hưng Phật giáo, vừa làm chỗ dựa cho hai thành phần trên tin tưởng để đẩy mạnh cả hai phong trào. Đó là Ngài Huệ Pháp ở chùa Thiên Hưng; Ngài Tâm Tịnh ở chùa Tây Thiên; Ngài Viên Thành ở chùa Tra Am; Ngài Phước Hậu ở chùa Trường Xuân rồi lên chùa Báo Quốc; Ngài Tâm Truyền ở chùa Báo Quốc; Ngài Thanh Thái Phước Chỉ ở chùa Tường Vân và đặc biệt là Ngài Phước Huệ, tuy ở chùa Thập Tháp – Bình Định nhưng Ngài lại có cơ duyên với Phật giáo xứ Huế rất nhiều; Ngài Giác Tiên ở chùa Trúc Lâm v.v. Tất cả các ngài đều có ý thức phải có Hội đoàn Phật giáo và Giáo hội Tăng-già.

Đối với Phật giáo Thuận Hoá, ta thường thấy xuất hiện các từ ngữ như “Chư Sơn môn” để chỉ tập thể các chùa; và “Chư Sơn Tự Tăng” để chỉ các vị xuất gia ở các chùa trên núi. Tuy cùng chung phụng sự Phật pháp, nhưng không có người lãnh đạo và người bị lãnh đạo. Bình đẳng tuyệt đối. Để giải quyết nạn thất học trong Tăng giới, một lớp Tăng sĩ được cho xuất dương du học, để lo cho tiền đồ của Đạo pháp và Dân tộc để sau này họ tiếp tục canh tân giáo đoàn.

Cho đến khi An Nam Phật Học Hội ra đời, thì việc canh tân Giáo hội, canh tân sự thờ tự trong chùa cũng đã được thực hiện rất nhiều.

Về pháp môn tu tập thì tư tưởng Tịnh độ cũng thịnh hành trong Phật giáo xứ Thuận Hoá vào giai đoạn 1885-1945 đã tạo cho nếp sống của người Huế có được một phong cách riêng biệt về đạo đức và cách xử thế rất đáng trân trọng.

 (còn tiếp)

 



(1) Quốc Sử Quán, Đại Nam nhất thống chí, q. XXXI, tỉnh Gia Định tr. 81, bản dịch của Nguyễn Tạo; Nha Văn Hóa Bộ Giáo Dục xuất bản, Sài Gòn, 1951.

(2) Sđd, q. XXVIII, tr. 124-125.

[3] Tư thất lúc đang là Thái tử

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here