Trang chủ Vấn đề hôm nay Ý nghĩa của chiều rộng và chiều sâu trong Phật giáo

Ý nghĩa của chiều rộng và chiều sâu trong Phật giáo

186
0

Phật giáo với nhiều tông phái khác nhau và khối lượng kinh điển đồ sộ thường gây hoang mang cho người mới bước vào con đường tu tập. Thế nhưng các học giả đã chỉ ra rằng những tông phái hoặc các giáo hội địa phương thực ra chỉ khác biệt điều gì trong giáo lý được nhấn mạnh hơn và những nét văn hóa bản địa muôn đời được du hợp.

 Tính cách thuần nhất của Phật giáo

Cho nên, mặc dù đa dạng và không tự buộc mình vào một văn bản hay những giáo điều bất di dịch nào cả, Phật giáo lại là một trong những tín ngưỡng thuần nhất hơn hết. Bằng chứng dễ thấy là các tông phái và học phái Phật giáo tuy có nhiều nét cá biệt nhưng thật ra rất hòa đồng, tất cả đều không mâu thuẫn nhau trên căn bản giáo lý và cũng gây ra hiềm khích và xung đột lẫn nhau. Nói chung thì những biến đổi nêu trên chỉ mang tính cách hình thức, và sự phong phú các tông phái của Phật giáo không hề đi trệch ra bên ngoài giáo lý căn bản.

Trong suốt bốn mươi lăm năm hoằng pháp, những lời giáo huấn của Đức Phật đã được các đệ tử ghi chép và sau đó được các vị thầy lỗi lạc diễn giải qua vô số kinh sách còn lưu lại đến ngày nay. Sự diễn giải phong phú trong kinh sách có thể làm cho ta bị choáng ngợp và khó nhìn thấy những gì chính yếu trong giáo lý nhà Phật. Thêm vào đó, một số hình thức lễ bái màu mè thích nghi với các nền văn hóa địa phương hoặc một vài nghi thức phụ thuộc trợ lực cho người tu tập cũng có thể làm “lệch lạc” hay “che khuất” phần nào cốt tủy của Phật giáo.

Thực sự thì Phật giáo không phải là một tín ngưỡng dựa vào tha lực và cũng không dừng lại ở một đức tin hay một hình thức nghi lễ nào cả vì Phật giáo là một con đường tu tập không ngừng nghỉ để tự cải thiện lấy chính mình và biến đổi sự sống chung quanh. Sự tu tập đó là một cuộc hành trình trường kỳ vì việc hoàn thiện cho chính mình và biến cải không gian chung quanh là những gì thật khó khăn để thực hiện.

Với một tầm nhìn thật bao quát, chúng ta cũng có thể nhìn thấy và xác định được những nét thuần nhất trong tất cả các tông phái và học phái.Thật ra đây là một lãnh vực nghiên cứu rộng lớn của các học giả Phật giáo, trong phạm vi hạn hẹp của một bài viết ngắn, chúng ta chỉ nhắm vào mục đích trình bày một cái nhìn thật đơn giản về các đường hướng tu tập chính yếu làm nòng cốt cho Phật giáo nói chung. Nói một cách tổng quát, sự tu tập Phật giáo có thể phân biệt thành hai lãnh vực hay tiến hành theo hai con đường khác nhau, đó là tu tập theo “chiều rộng” và tu tập theo “chiều sâu”.

Sự tu tập phải như thế nào, phải cải thiện cái gì và sự hoàn thiện nằm ở đâu? Có cách nào để chúng ta có thể xác định sự tu tập ấy một cách đơn giản, thống nhất và dễ hiểu hơn hay không? Hy vọng rằng việc tìm hiểu về hai con đương, tu tập theo chiều rộng và tu tập theo chiều sâu có thể mang lại một vài giải đáp cho các câu hỏi vừa nêu? Ở đây chúng ta sẽ tìm hiểu việc tu tập theo chiều rộng. Trong một bài tiếp, chúng ta sẽ tìm hiểu việc tu tập theo chiều sâu.

Tu tập theo chiều rộng

“Tu tập theo chiều rộng” là mở rộng lòng mình với tất cả chúng sinh và sự sống, cố gắng phát động lòng từ bi, tình thương và sự rộng lượng…Nói một cách khác, “tu tập theo chiều rộng” là cố gắng ngăn chặn những xu hướng thiếu đạo đức và đồng thời trau dồi những phẩm tính đạo hạnh của mình. Vai trò then chốt trong việc tu tập theo chiều rộng chính là lòng từ bi. Thực thi lòng từ bi có nghĩa là ước mong giúp đỡ tất cả chúng sinh thoát khỏi khổ đau. Ước mong đó sẽ giúp người tu tập biết hành động đạo đức hơn và quyết tâm bước vào con đường hướng về giác ngộ.

Lòng từ bi có hai khía cạnh chính yếu: Thứ nhất là lòng nhân ái, tức là cách biết tự đặt mình vào hoàn cảnh khó khăn của người khác một cách tự nhiên và chân thành; và thứ hai là lòng thương cảm, tức là nhìn thấy được khổ đau của người khác.

Lòng nhân ái sẽ mang ta đến gần với mọi người, với sự sống và thiên nhiên. Đến gần ở đây không phải là trên phương diện vật chất mà đúng hơn là trên phương diện xúc cảm. Điều đó có nghĩa là cảm thấy trách nhiệm của mình trước hạnh phúc và sự an lành của mọi người và mọi chúng sinh, và từ đó ta sẽ ý thức được vị trí cũng như bổn phận của mình đối với môi trường và sự sống nói chung. Bổn phận đó không phải chỉ có một chiều vì nếu ý thức được trách nhiệm của mình đối với người khác thì ngược lại ta cũng hiểu rằng sự an vui của chính mình sở dĩ có được là nhờ vào sự cố gắng và góp sức của những người chung quanh: từ cơm ăn áo mặc, nhà cửa,giáo dục, sức khỏe cho đến công ăn việc làm…Lý duyên khởi, tức hiện tượng tương liên, tương tác và tương tạo không phải chỉ áp dụng cho mọi vật thể và biến cố trong vũ trụ mà còn tác động giữa con người với nhau. Ý thức được điều đó sẽ giúp ta cảm thấy gần gũi hơn với đồng loại, biết yêu thương và có trách nhiệm nhiều hơn với mọi người trong xã hội.

Lòng thương cảm, khía cạnh thứ hai của lòng từ bi, là khả năng nhìn thấy được khổ đau của chúng sinh. Những khổ đau này thuộc vào ba cấp bậc là khổ đau của khổ đau, khổ đau của sự đổi thay và khổ đau của những chu kỳ hiện hữu.

a) Khổ đau của khổ đau: Khi nhìn thấy một người bị tai nạn xe cộ máu me lênh láng, hay một người rên siết trên giường bệnh, hoặc một người khuyết tật, một con heo bị thọc huyết, những côn trùng quằn quại và hoảng sợ dưới gót chân mình…thì đấy là những khổ đau trực tiếp có thể xảy ra bất cứ lúc nào trước mắt mỗi người. Trong các trường hợp như thế, nếu ta biết tự đặt mình một cách tự nhiên và chân thành vào hoàn cảnh của chúng sinh đang chịu khổ đau và cảm thấy đau xót trong lòng, thì đấy là cách giúp chúng ta cảm nhận được những khổ đau chung quanh. Kinh sách gọi những loại đau đớn ấy là “khổ đau của khổ đau”.

Những khổ đau thuộc loại trực tiếp như vừa kể tương đối dễ nhận thấy và người tu tập ít ra cũng phải nhìn thấy những loại khổ đau như thế để phát lộ lòng từ bi. Vô tình trước khổ đau của bất cứ chúng sinh nào đang xảy ra trước mắt là một thái độ không thể chấp nhận được đối với một người tu tập Phật giáo. Cảnh tượng máu me lênh láng có thể làm cho ta sợ hãi vì liên tưởng đến tai nạn cũng có thể xảy ra cho mình; khi trông thấy một đám tang ngoài đường thì tò mò nhìn chiếc quan tài với sự dửng dưng, khi gặp một người mất trí múa may và ca hát nghêu ngao thì ta bật cười; khi trông thấy một con chuột chết bên vệ đường thì ta kinh tởm…Những phản ứng hời hợt và vô nghĩa như thế chỉ là phản ảnh của một thể dạng vô minh và cũng cho thấy là ta chẳng nhận biết được gì cả mặc dù chính mình đang trực tiếp đối diện với khổ đau đang hiển hiện trước mắt.

b) Khổ đau của sự đổi thay: Còn một loại khổ đau khác thuộc vào một cấp bậc tinh tế hơn và khó nhận biết hơn. Đó là những khổ đau phát sinh từ hiện tượng vô thường mà kinh sách gọi là “khổ đau của sự đổi thay”. Nhiều khi loại khổ đau này lại hiển hiện dưới một hình thức thú vị, chẳng hạn như danh vọng, sự giàu sang, hoặc những cảm nhận thích thú của cảm giác mà thông thường người ta lầm tưởng là hạnh phúc. Giàu sang, danh vọng thì sớm muộn cũng sẽ mất mát, những cảm nhận thích thú rồi cũng sẽ chấm dứt bằng sự bất toại nguyện hoặc thèm khát. Đứng trước một người thành công và đạt được danh vọng tột đỉnh thì thay vì phát lộ lòng thương cảm và từ bi đối với họ, ta lại cảm thấy nể phục và mong muốn cũng được như thế, đó là chưa kể trường hợp ta cũng có thể phát lộ sự ganh tị và những ý đồ đen tối. Nếu là một người tu tập chân chính thì ta phải hiểu rằng tất cả những thành công đó cũng giống như những ảo giác mà thôi, sớm muộn rồi cũng sẽ tan biến. Những thích thú phát sinh từ giác cảm thì sớm hay muộn cũng gây ra khổ đau cho chính mình và cho người khác nữa, vì sự thèm muốn và bất toại nguyện không sao tránh khỏi, loại khổ đau này thì đầy rẫy khắp nơi do đó ta cũng không cần phải trình bày nhiều ra đây.

Chỉ cần lấy một thí dụ thật đơn giản để chứng minh về khổ đau của sự đổi thay như sau. Ta mua một chiếc xe mới và thích chiếc xe ấy vô cùng, đêm nằm cứ tơ tưởng đến nó, chờ sáng dậy sẽ lau chùi thật bóng loáng để khoe với mọi người. Nhưng biết đâu sau vài ngày hay vài tuần thì ta lại hối tiếc và tự hỏi tại sao lại không chọn chiếc xe màu khác, hoặc chọn kiểu xe to hơn dù phải thêm tiền, v.v..Những xúc cảm trước đây đã thay đổi, niềm vui sướng và hãnh diện lúc mới có xe bỗng trở thành sự hối tiếc và khổ đau trong lòng. Nguyên lý vô thường thường không phải chỉ áp dụng cho những hiện tượng trong vũ trụ mà cho cả những gì thuộc về ta, trên thân xác và cả trong tâm thức của ta nữa.

c) Ngoài hai loại khổ đau nêu trên, Phật giáo còn xác định một loại khổ đau thứ ba, sâu xa, bao quát và khó nhận biết hơn nữa, đó là loại “khổ đau của những chu kỳ hiện hữu” mà kinh sách gọi là loại khổ đau thuộc bản chất của luân hồi. Thường xuyên ta cảm nhận và gánh chịu những khổ đau thuộc loại này nhưng lại không ý thức được một cách rõ rệt. Những khổ đau của sự hiện hữu trong thế giới luân hồi liên hệ và phát sinh từ những bản năng của sự sống, những khổ đau đó chi phối và làm phát sinh những loại tư duy và xúc cảm tiêu cực, đôi khi có thể là hoàn toàn bấn loạn, chẳng hạn như dục vọng, ích kỷ, ganh tị, hận thù, giận dữ, tham lam, hám lợi, lo âu, sợ sệt…Khi nào còn bị những loại xúc cảm ấy chi phối thì ta vẫn còn vướng mắc trong những cảm nhận sâu xa của khổ đau. Chúng hướng ta vào những hành vi thiếu đạo hạnh và tiếp theo đó những hành vi thiếu đạo hạnh ấy lại gây ra cho ta những xúc cảm bấn loạn khác…, cái vòng lẩn quẩn ấy chính là hình ảnh tượng trưng cho thế giới luân hồi. Người tu tập phải nhìn thấy chu kỳ chuyển động có tính cách trói buộc và lôi kéo đó để phát lộ lòng từ bi giúp đỡ tất cả chúng sinh.

Phương pháp tu tập theo chiều rộng không chỉ mang lại lợi ích cho người khác mà còn làm phát sinh trong ta những xúc cảm thanh cao, một tâm thức trong sáng va những niềm hạnh phúc đích thực và sâu xa. Những lợi ích đó thật hết sức cần thiết để hỗ trợ và giúp người tu tập đi xa hơn nữa, vì tu tập Phật giáo không phải chỉ có chiều rộng mà thôi.

(còn tiếp)

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 85

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here