Trang chủ Tài liệu - Thư viện - Phim Phật giáo Lưu trử Xá-lợi Phật tại thủ đô nước Pháp

Xá-lợi Phật tại thủ đô nước Pháp

155
0

    Đại Lễ Phật Đản, dù được tổ chức trọng thể bao nhiêu, ở Việt Nam cũng như ở các nước khác, chỉ diễn ra bên ngoài cơ quan công quyền. Nhưng, tại thủ đô Paris của Pháp, một nước mà dân chúng có truyền thống theo Thiên Chúa giáo từ ngàn xưa, một nước đã tách biệt rạch ròi tôn giáo và Nhà nước từ đạo luật năm 1905, chuyện hiếm có đã xảy ra: Tòa Thị Chính Paris đã tiếp nhận và trưng bày long trọng Xá Lợi Phật, đồng thời tổ chức ngay trong hội trường của Tòa Thị Chính một đêm văn nghệ mừng Phật Đản Phật lịch 2553, với giấy mời chung của chính ông Thị trưởng Bertrand Delanoë và Hội Phật giáo tại Pháp (Union Bouddhiste de France, viết tắt là UBF). Vì sao Paris của Pháp lại được vinh dự đó?

    Tại Ấn Độ, vào cuối thế kỷ 19, một bảo tháp cổ Phật giáo bị sụp đổ, và may mắn thay, người ta khám phá đó là ngôi mộ thuộc về thị tộc Thích Ca, và phát hiện về sau đã tìm thấy Xá Lợi của Đức Phật lịch sử, được gìn giữ hơn hai thiên niên kỷ qua.

    Vào thế kỷ 19, Ấn Độ và hầu như toàn bộ Châu Á bị đô hộ. Vị Toàn Quyền tại Ấn Độ G.N. Curzon, nguyên là đại sứ tại Vương Quốc Xiêm La, giao những Xá Lợi quý báu cho Thái Lan, nước duy nhất tránh khỏi bị đô hộ. Xá Lợi được tôn trí tại Chùa Núi Vàng (Wat Saket), một ngôi chùa danh tiếng tại Bangkok.

Xá-lợi Phật được rước đến trưng bày tại tòa thị chính Paris. Ảnh: Võ Quang Yến

    Năm Phật lịch 2442, một lời tiên tri tiết lộ rằng những Xá Lợi sẽ rời đất nước Thái Lan để qua phương Tây khoảng hơn 110 năm nữa. Đến năm 2009, tức là sau hơn 110 năm, những vị Tăng Thống Thái Lan, được sự đồng ý của cộng đồng Phật tử Châu Á, quyết định tặng Xá Lợi Phật cho thế giới phương Tây và giao cho một quốc gia phương Tây. Giờ đây, Xá Lợi được chính thức chuyển giao cho Hội Phật giáo tại Pháp (UBF), và Hội này có trách nhiệm tôn trí và bảo quản Xá Lợi.

 Xá Lợi đã được rước đến một ngôi chùa Việt Nam (Học Viện của Linh Sơn Tự) ngày thứ sáu 15/5/2009, sau đó được rước đến chùa quốc tế ở Vincennes (Paris) vào ngày chủ nhật 17/5/2009. Lễ rước ở hai nơi đều vô cùng trọng thể. Chùa Khuông Việt, một khuôn hội của người Việt tại Paris, đã tích cực tham gia vào lễ rước. Giữa hai lễ rước, Xá Lợi Phật được thỉnh đến và trưng bày tại Tòa Thị Chính Paris để dân chúng chiêm ngưỡng suốt ngày thứ bảy 16/5/2009. Một Phật tử cho biết, phải mất cả giờ sắp hàng mới vào được phòng triển lãm.

Đông đảo người dân đến dự đêm văn nghệ mừng Phật đản tại tòa thị chính Paris. Ảnh: Võ Quang Yến

Đúng 6 giờ chiều hôm đó, phòng triển lãm đóng cửa để Hội Phật giáo tại Pháp tổ chức một Đêm Văn Nghệ mừng Phật Đản ngay trong hội trường. 600 người được mời đến dự, gồm phái đoàn ngoại giao của một số nước Châu Á và Phật tử khắp nơi, phần đông là Pháp. Một chương trình múa hát rất đặc sắc, với các vũ điệu dân tộc duyên dáng, do các quốc gia có văn hóa Phật giáo đảm nhiệm, đã làm say mê công chúng. Cuộc đời của đức Phật được đọc lên từng đoạn, cuối mỗi đoạn là một màn múa để minh họa. Việt Nam cũng có tham dự. Rất tiếc là màn cải lương diễn cảnh Thái Tử Tất Đạt Đa từ biệt kinh thành, đi tìm chân lý giải thoát, được soạn giả viết theo … ngẫu hứng, cốt thế nào cho lâm ly vọng cổ, chẳng ăn nhập gì với chuyện thật, vì Thái tử đâu có từ biệt chàng chàng thiếp thiếp với thê nhi! Một chút ưu tư về văn nghệ Phật giáo!

Vì tính cách đặc biệt của sự kiện lịch sử văn hóa Phật giáo này tại một trung tâm văn hóa lớn phương Tây, xin giới thiệu chương trình đại lễ 3 ngày tại Paris và đêm văn nghệ mừng Phật Đản, một chương trình đã để lại ấn tượng sâu sắc cho các bạn Pháp, như đã thể hiện trên website BuddhaChannel: “… Đối với tôi, đây là biến cố quan trọng mà tôi muốn chia sẻ niềm vui  với các bạn. Nhưng trên hết là một thông điệp cao cả về hòa bình mà Thế giới Phật giáo nhắn gửi đến chúng ta, bằng cách trao Xá Lợi Phật vô cùng quý giá cho Thế giới phương Tây”, “… Hoan nghênh ông Thị trưởng Paris về sáng kiến huy hoàng này!”.

Đông đảo người dân tham gia lễ rước Xá-lợi Phật tại tòa thị chính Paris. Ảnh: Võ Quang Yến

CHƯƠNG TRÌNH VESAK 2009 TẠI PARIS
Thứ sáu 15/5: Tại Học Viện Huyền Vi, 15h đến 20h:
    Cung nghinh, chiêm ngưỡng Xá Lợi Phật.
Thứ bảy 16/5: Tại Tòa Thị Chính Paris, 9h đến 18h:
Từ Bồ Đề Đạo Tràng đến Paris, 25 thế kỷ của văn hóa Phật giáo. Triển lãm đặc biệt về nghệ thuật Phật giáo, trọng tâm là Xá Lợi Phật.
Biểu diễn văn nghệ truyền thống suốt ngày trên đường Lobau, cạnh Tòa Thị Chính.
Chủ nhật 17/5: Tại ngôi chùa lớn ở rừng Vincennes
    8h30 đến 18h: Đại lễ Phật Đản truyền thống
    8h: Đám rước trọng thể đến chùa
    Cho đến 12h: Dân chúng thành kính chiêm ngưỡng Xá Lợi Phật
12h30: Trình diễn thế giới văn hóa Phật giáo tại Pháp. Lễ, hoạt cảnh, gian hàng, vẽ tranh, ăn chay,…
ĐÊM VĂN NGHỆ
Cuộc đời Đức Phật
Mở màn: Múa Tari Pendet (Indonesia)
Từ khởi thủy, điệu múa được diễn trong đền, ca ngợi các thiên thần giáng thế. Trải qua thời gian, điệu múa mở đầu để chào mừng các buổi trình diễn.
Màn 1: Đản sinh.
    Múa, hát, trống, chũm chọe (Tây Tạng). Điệu hát ca ngợi điềm lành.
Màn 2: Cung điện phụ vương. Đám cưới
    Cải lương: Con đường giác ngộ (Việt Nam)
Màn 3: Ra đi
    Nhạc, múa (Sri Lanka)
Màn 4: Lang thang. Khổ hạnh. Từ bỏ khổ hạnh.
    Nhạc, múa (Lào)
Màn 5: Thiền định dưới cây. Cám dỗ của Ma vương. Giác ngộ.
    Múa, hát (Pháp)
Màn 6: Tứ Diệu Đế
    Biểu diễn trống truyền thống (Hàn Quốc)
Màn 7: Trở về cung điện phụ vương
    Điệu múa Kumari (Nepal)
Màn 8: Trao truyền giáo pháp.
    Hát (Bhutan)

Sau mùa Phật Đản PL 2553
C.H.H

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here