Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Vua Trần Nhân Tông vị anh hùng dân tộc, vua Phật...

Vua Trần Nhân Tông vị anh hùng dân tộc, vua Phật Việt Nam

98
0

Yên Tử  dãy núi cao nhất vùng Đông Bắc Việt Nam 1068m so với mặt nước biển. Nơi đây hơn 700 năm về trước Hoàng đế Trần Nhân Tông sau khi lãnh đạo nhân dân Đại Việt đánh bại hai lần Đế quốc Mông Nguyên, Ngài từ bỏ lầu son điện ngọc đến Yên Tử tu hành lập nên thiền phái Trúc Lâm và trở  nên vị tổ thứ nhất của dòng Thiền Yên Tử.

Minh Quân Hoàng Đế Trần Nhân Tông
Ông vua hiển Phật đời nhà Trần
Thắng giặc Nguyên Mông tu cõi Phật
Lưu đời đệ nhất Tổ Trúc Lâm.

Hình ảnh vua Trần cởi bỏ Hoàng Bào đi giầy cỏ vào Yên Tử tu hành thật là hùng vĩ.

Vua đi hài cỏ vào Yên Tử
Ráng chiều  đỏ rực cả hoàng hôn…
Xuất gia hành đạo cung Vũ Lâm
Về tu Yên Tử pháp Hương Vân
Đạo hiệu Trúc Lâm Linh Yên Tử
Tâm pháp lòng nhân – tỏa sáng ngần.
Núi tuyết ngày xưa Tất Đạt Đa
Giã từ  cung cấm điện ngọc ngà
Ngày nay Thái Thượng về Yên Tử
Tâm thành tâm Phật có đâu xa.

Hơn 700 năm qua vật đổi sao dời lầu son điện ngọc hàng trăm chùa tháp kỳ vĩ đã chìm trong lớp bụi của thời gian và – và chiến tranh.

Núi biếc lô nhô cao ngất ngất
Đền đài thấp thoáng giữa tầng mây
Xa rồi  điện ngọc vương Trần phú
Khói bụi thời gian đã lấp đầy.

Yên Tử  thấm đẫm một thế giới tâm linh. Tâm linh không chỉ là tiềm thức nó còn là thái  độ chân thành trong sâu thẳm nội tâm của con người. Ở đó là sự hướng nội vô cùng thiêng liêng và cao cả của một sức mạnh tinh thần giúp cho con người vượt qua khó khăn, đủ nghị lực  để sống. Hồn đất hồn người ở Trúc Lâm Yên Tử đều hiển hiện hình ảnh vua Phật Trần Nhân Tông. Có một điều đặc biệt của Việt Nam là  một Hoàng đế đi tu hiển Phật. Đó là niềm tự  hào vinh dự lớn của Đại Việt thời ấy và cho đến mãi sau này. Yên Tử đã trở thành kinh đô của Phật giáo Việt Nam và Đạo Phật trở  thành Quốc Đạo.

Dùng tâm quy tụ được nhân tâm
Hưng thịnh triều Trần được lòng dân
Trọng người nhân hiếu, tôn hiền sĩ
Đạo Phật hưng thịnh nhất triều Trần.

Hoàng đế Trần Nhân Tông đi tu không phải trốn đời và  yếm thế. Để lại sau lưng cung điện vàng son cung tần mỹ nữ để đi vào cõi sinh tử tìm ra chân lý của đời sống. Vì ngài biết rằng trong cuộc sống người ta thường tìm hạnh phúc trong vật chất, trong quan hệ tình cảm với người và trong vinh quang của danh vọng – ít ai có thể ngờ  rằng có một thứ hạnh phúc chân thật cao cả  và vĩ đại hơn mọi thứ hạnh phúc kia đó là sự an định tâm hồn lắng sâu trong thiền  định – và đó cũng chính là chân lý  vốn không thuộc hai phạm trù vận hành riêng biệt, sự tìm kiếm hạnh phúc tách rời khỏi chân lý  là sự tìm kiếm vô vọng – triết  lý Thiền Tông thật ỏ diệu vô cùng –  Sắc Sắc, Không Không – ngài quyết chí từ  bỏ tất cả tìm về Yên Tử – để tìm ra chân lý.

Từ bỏ  đài son điện ngọc ngà
Cung tần mỹ nữ chốn kiêu sa
Linh sơn Yên Tử vua Trần đến
Kinh đô thành cũ mỗi bước xa.
Non xanh cắt tóc dứt trần duyên
Vua đến nơi đây để nhập thiền
Không phải trốn đời và yếm thế
Cứu  đời, nhập thế với Phật Tiên.

Vua Trần thiền định dưới cánh rừng già Yên Tử, như  thái tử Tất Đạt Đa ngồi thiền dưới cội bồ  đề hiển Phật.

Tiếng mõ  am xưa vua thiền định
Chim rừng buông cánh lặng nghe kinh
Hầu vượn từng đàn ngồi chật cửa
Muôn vật từ bi cõi nhân sinh
Sớm cưỡi mây chơi cùng non biếc
Đêm về bến nghỉ lót răng rằm
Tiếng sáo thiên ca vui bất tận
Ngập tràn Yên Tử trăng trong trăng.

Ở Yên Tử vua Trần soạn sách đã để lại cho hậu thế, nhiều pho sách kinh Phật tạo nên một giáo lý Phật giáo của Việt Nam.

Thạch thất mỹ ngữ, Truyền đăng lục, Tâm chúng ngữ  lục.

Yếu chi Thiền Tông vua lĩnh hội
Hương ngát Yên Sơn giữa đất trời
Thượng sĩ  hành trạng cùng Ngữ Lục
Hệ thống chùa chiền mọc khắp nơi.
Bốn sách kinh văn như Thạch Thất
Đăng lục truyền tâm sáng dòng Thiền
Tông môn thiền phái Trúc Lâm Tự
Kết tụ  am mây giữa núi thiêng

Vua Trần giữ ngôi Thái Thượng Hoàng 15 năm yên lành đất nước.

Mười lăm ngôi Thái Thượng Hoàng
Yên lành cõi Phật cả giang san
Tu hành hiển Phật thành nhất tổ
Non sông Đại Việt gấm vóc vàng.

Khi biết sức khỏe của mình không còn nhiều nữa ngài muốn trở  lại thăm kinh đô Thăng Long – một quãng đường ngày nay chúng ta đi xe ô tô chỉ mất khoảng 3 giờ  ngày ấy vua Trần đi bộ phải mất mười ngày mới về đến Thăng Long.

Mười ngày  đi bộ đến Kinh sư
Thăm chị  Thụy Thiên để giả từ
Lặng ngắm Hoàng cung trong chiều tím
Trở  về mây biếc thạch thiên thư.
Vua nghỉ  qua đêm chùa Sùng Nghiêm
Am đá Bình Dương thăm Từ Nguyên
Thái hậu  đâu ngờ lần ly biệt
Bữa cơm lần cuối ở cửa thiền.

Hoàng đế Trần Nhân Tông, vị vua huyền thoại anh hùng đã lãnh đạo toàn dân Đại Việt đánh bại Đế quốc Nguyên Mông hùng mạnh nhất thời bấy giờ, sau chiến thắng lịch sử huy hoàng đã mang giầy cỏ đi vào núi Yên Tử, uống nước suối, ăn rau rừng tu hành lập nên Thiền phái Trúc Lâm – Yên Tử và đã đắc đạo tại ngọn núi thiêng liêng này.

Suốt mấy hôm liền mây trút mưa
Cây cối ngã nghiêng phục bên chùa
Tiễn biệt vua Trần về cõi Phật
Những dải mây buồn luống tiễn đưa
Chim rừng cất tiếng khóc bi ai
Hầu vượn quanh am than thở hoài
Bỗng sáng ngày sau trời quang đãng
Một dải ngân hà ánh sao mai.
Nhục thân của tổ rước hóa đài
Rừng thiêng Yên Tử sạch trần ai
Hương trần lan tỏa khắp rừng núi
Đưa tiễn ngài về điện Như Lai.

Kỷ niệm 702 năm về vị Hoàng đế vua Phật Việt Nam –  Vua Trần Nhân Tông vị vua anh minh của đạo Phật Việt Nam – là người đã sáng lập ra dòng Thiền Trúc Lâm Yê Tử, để lại cho muôn đời con cháu mai sau – các thế hệ nối tiếp luôn mãi khắc ghi công lao to lớn và vĩ đại của Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với non sông đất Việt.

GS.TS.H.Q.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here