Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Vesak 2008: Vì hòa bình và an lạc

Vesak 2008: Vì hòa bình và an lạc

122
0

Lần đầu tiên, một Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc – còn gọi là Đại lễ tam hợp (kỷ niệm 3 ngày Đức Phật Đản sinh, Thành đạo và Nhập niết bàn) được tổ chức tại Việt Nam đúng vào tháng Vesak – tháng thứ 4 linh thiêng theo lịch Ấn Độ.



Trong lịch sử, Phật giáo đã tới với người Việt từ khá sớm. Và ngay từ đầu ở Việt Nam, Phật giáo đã thể hiện mạnh mẽ tinh thần nhập thế. Cùng với các vua triều Lý và Trần, đặc biệt là với Trần Thái Tông, Phật giáo đã thực sự đồng hành cùng dân tộc Việt trong công cuộc chống ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi quốc gia và lan tỏa tinh thần hòa hợp, hòa giải, thân thiện và đoàn kết tới mọi người dân Việt.


Đã từng là quốc giáo, và sau này khi không còn là quốc giáo, Phật giáo vẫn truyền được cho con người Việt Nam niềm tin vào chính mình, vào sự thiện tâm, từ bi hỷ xả là do mỗi con người qua kinh nghiệm trong cuộc đời, qua mỗi lần tự thắng những dục vọng tầm thường hay yếu hèn của mình mà tu tập được. Với người Việt chuộng hòa bình, tinh thần đồng bào đùm bọc “thương người như thể thương thân” lại tương đồng với những giáo lý mà Đức Phật đã uẩn súc từ hơn 2.500 năm trước. Cây bồ đề là loài cây rất thích hợp khi mọc trên đất Việt Nam. Nó khiêm nhường và che chở, tỏa mát mà lặng lẽ, ở nơi cao sang không lấy làm mừng, mọc chốn dân gian không lấy làm thẹn. Tôi đã khóc khi đọc trường ca “Tiếng bom và tiếng chuông chùa” của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Đó là trường ca viết từ nỗi đau của những cựu thanh niên xung phong nay trở thành những ni cô ni sư trong những ngôi chùa quê ở Thái Bình. Trong những năm 30 của thế kỷ trước, những ngôi chùa ấy đã từng chở che bảo bọc những nhà cách mạng, những người yêu nước chống thực dân Pháp. Mấy chục năm sau, khi đất nước đã độc lập hòa bình, lại là nơi chốn sau cùng mà những nữ thanh niên xung phong từng hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc chọn làm nơi an tĩnh cho tâm hồn mình, cho cuộc đời mình. Những ngôi chùa bình dị ở quê ta, đó chính là nơi thấm đẫm tinh thần Đức Phật, là nơi giao kết miên viễn giữa đạo và đời, giữa Phật và người nông dân bình dị. Biết bao yêu thương và an ủi mà những con người khổ đau như những nữ thanh niên xung phong từng là đồng đội của tôi đã tìm được dưới bóng cây bồ đề nơi sân chùa! Hãy nhớ tới những thân phận người ấy mỗi khi tiếng chuông chùa buông.


Thế giới chưa an bình, những cuộc chiến tranh, những xung đột tôn giáo và sắc tộc, những âm mưu bá quyền và thôn tính vẫn tồn tại trên trái đất này. Vì thế, sự quán tưởng của Đức Phật chính là một hành động, một khai giác, một khải ngộ: hãy chung tay vì một thế giới hòa bình và an lạc. Và ở Đại lễ Vesak 2008 này tại Việt Nam, chủ đề “Phật giáo và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” sẽ là chủ đề chính cho 500 phái đoàn Phật giáo quốc tế với 4.000 khách mời thuộc gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng nước chủ nhà tham hội. Cùng với 10.000 ngọn nến được thắp lên tại Trung tâm hội nghị Vesak 2008 tượng trưng cho khát vọng hòa bình và an lạc của nhân loại, một dàn giao hưởng hợp xướng lớn của nhạc viện Hà Nội có sự tham dự của hàng trăm nhà sư sẽ trình diễn tác phẩm Khai giác của nhạc sĩ tiền phong Nguyễn Thiên Đạo. Hành tiến của tác phẩm âm nhạc đứng vào hàng lớn nhất về Phật giáo này có những nét tương đồng với hành tiến của giao hưởng số 9 “Đi tới niềm vui” của nhạc sĩ vĩ đại Beethoven: đó là một hành trình đầy cam go đau khổ của nhân loại khi vượt lên nghịch cảnh, chiến tranh, hận thù, chia rẽ, và vượt lên chính mình để đạt tới một cảnh giới an lạc ngập tràn niềm vui và hạnh phúc. Đó cũng là ước mong của mỗi người Việt Nam bình thường, phật tử và không phải phật tử, gửi tới Vesak 2008 được tổ chức tại Việt Nam.


Trong thinh lặng, tôi lại nghe tiếng chuông từ ngôi chùa cổ dòng Trúc Lâm trên núi Ấn quê tôi…




  • TT

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here