Trang chủ Thiền môn xứ Huế Tranh-Tượng-Pháp khí Về chiếc khánh Bình Trung ở chùa Thiên Mụ

Về chiếc khánh Bình Trung ở chùa Thiên Mụ

177
0

Cứ theo niên hiệu khắc nơi khánh, thì tấm khánh đồng này có mặt đã hơn ba thế kỷ, trước hoành phi và bia Trùng kiến Thiên Mụ tự ngót bốn chục năm. Tấm khánh dài đến 1,60m, rộng 0,80m. Đầu khánh dài 0,33m, rộng 0,13m. Cổ khánh được trình bày nhô ra eo vào thành ba đoạn (xem hình vẽ), đoạn eo trên 0,10m, đoạn nở giữa cổ 0,18m, đoạn eo dưới 0,15m. Quanh thân khánh có chạy đường gờ rộng 0,75m. Đó là một đường viền trang trí hoa sen hình cánh phượng úp và ngửa chạy theo đường uốn lượn của thân khánh. Hai mặt khánh được trình bày khá đặc biệt. Một mặt có hai khung hình chữ nhật chạy từ trên xuống. Khung bên tay phải đề tên khánh là “Bình Trung Quán Khánh”: Khung bên tay trái đề niên hiệu tạo khánh với hàng chữ: “Vĩnh Trị nhị niên, tuế thứ Đinh Tỵ trọng thu tạo” có nghĩa là “tạo vào mùa thu năm Đinh Tỵ, niêm hiệu Vĩnh Trị thứ hai”.

Mặt khánh kia cũng có hai khung hình chữ nhật chạy từ trên xuống như thế. Khung bên phải có hàng chữ “Hội chủ Trần Đình Ân, đạo hiệu Minh Hồng, pháp danh Tịnh Tín”, khung bên trái có bốn chữ “Thập phương công đức”. Trừ những chữ viết trong các khung hình chữ nhật là có khác nhau. Hai mặt khánh đều được trình bày theo mô-típ giống nhau. Giữa hai khung chữ nhật là hình sao Bắc đẩu, hai bên của hai khung chữ nhật có hình 28 vì tinh tú, tức là “nhị thập bát tú” được tạo theo đồ hình thiên văn Trung Quốc cổ đại, thoạt nhìn thì có sự đều đặn: toàn là những chấm tròn với những gạch thẳng. Nhưng nhìn kỹ, các mô-típ sao này đã có sự khác nhau vô tận. Tất cả đều biểu thị cái biến hành của vũ trụ khi bầu trời sao quay chung quanh sao Bắc đẩu nằm ở vị trí trung tâm bầu trời, bởi vì ở nơi khánh, vị trí sao Bắc đẩu đã được trình bày chính giữa cái khánh. Dưới ngôi sao Bắc đẩu là một mặt trời – nơi để đánh khánh – với sáu ngọn lửa toả ra hai bên. Hai ngọn lửa trên và dưới mặt trời lại được trình bày kiểu thức hóa thành hoa sen.

Khánh được tren trên một cái giá gỗ sơn màu vàng dài 2,00m, cao 1,25m. Giá gỗ có chạm đầu rồng ở hai đầu và đã có từ xưa truyền lại. Vào năm 1915, hoạ sĩ Tôn Thất Sa vẽ trong B.A.V.H. Giá đữo có hình như ta đang thấy hiện nay. Cái khánh này ngày xưa chỉ trình bày để thờ trong điện Đại Hùng,  không đánh. Hiện nay, khánh được để tại tiền đường khi thì đặt ở phiá tay trái, khi thì được đặt ở phía tay phải và có lúc nhà chùa đã dùng để đánh vào thời kinh lúc 4 giờ khuya khi tụng chú Lăng Nghiêm.

Khánh đã quá cổ, chắt đồng đã lên men màu lục rất đẹp, tiếng trong và cao. Tuy giản dị, nhưng chiếc khánh đồng này cũng đã là một sản phảm của tư tưởng tổng hợp cả ba đạo Nho-Thích-Lão rất rõ ràng. Mới nhìn qua, chiếc khánh không có gì đáng để ý, ngoài hình dáng lạ đối với khách du lãm. Song chiếc khánh quả là một bảo vật có lẽ không riêng gì của chùa Thiên Mụ, mà còn là của cả nước ta, vì đây là một di sản văn hoá bao hàm cả tư tưởng lẫn nghệ thuật đã có một lịch sử dài hơn ba trăm năm, hiện còn được bảo tồn tốt đẹp.

Nhưng, Trần Đình Ân là ai? Vì sao khánh lại có tên là “Bình Trung Quán khánh”? Theo sách Nam Triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm là con rễ của Trần Đình Ân viết, cũng như sách Đại Nam thực lục tiền biên của Quốc Sử Quán triều Nguyễn viết thì Trần Đình Ân là người ở huyện Minh Linh, phủ Quảng Bình, xứ Thuận Hoá. Ông sinh vào năm Bính dần (1626) xuất thân làm chân Thủ bạ, Cai bạ, thăng Phó Đoán sự rồi thăng Tham Chính Đoán sự  vào năm Canh thìn (1700) đời Minh Vương Nguyễn Phúc Chu năm thứ chín. Trước đó ông cũng được gia phong tước danh, là Đông Triều Hầu. Ông là người đã tham dự nhiều về quân cơ trong bảy trận đánh với quân họ Trịnh ở lũng Trấn Ninh, chiến lược của ông được gọi là chiến lược “dĩ hư phá hư” rất có hiệu quả, nên được các chúa Nguyễ trọng vọng. Ông có hai người con trai là: Trần Đình Khánh làm Quảng Nam dinh Cai bạ và Trần Đình Thuận làm Cai bạ Phó Đoán sự, Quản Suất tướng thần lại ty, đều là những chức quan to trong triều Minh Vương Nguyễn Phúc Chu. Như thế, Trần Đình Ân, các con trai và con rể ông đều là những người đã tham gia chính sự và giữ chức vụ quan trọng trong triều Minh Vương. Tuy thế, họ đều là những người “Có tình bằng hữu rất chân thành, chẳng khoe khoang phú quý công danh, đạm bạc thanh cao”. “Đến tháng tám năm Quý mùi, Minh Vương năm thứ 12 (1703), Trần Đình Ân năm ấy 78 tuổi, xin về hưu trí hai ba lần trần thỉnh, Minh Vương mới chuẩn y; đến lúc Trần Đình Ân vào tạ, Minh Vương cho một bài thơ viết vào lụa hoa trắng, khen ngợi công phụ tá bốn triều của ông, và đặc ân cho 10 mẫu ruộng, 10 người lính hầu đề dưỡng lão. "Đình Ân ẩn cư chùa Bình Trung" (tại làng Hà Trung, huyện Minh Linh) tự vui với Thiền học". Đến tháng giêng năm thứ 15, Bính Tuất (1706) tạ thế. Minh Vương truy tặng Đôn Hậu Công Thần Đặc Tiến Trụ Quốc Kim Tử Đại Phu, Đại Lý Tự Khanh, thụy hiệu Thuần Thiên, cho phu giữ mộ 10 người, và tha thuế 230 mẫu tự điền” (Đại Nam Thực Lục Tiền Biên 9.7 các trang 22a-23a và 26b. Dịch và dẫn bởi Trần Kinh Hoà trong sách HNKS đã dẫn).

Xét hành trạng và cuộc đời của ông qua các sách vở đã ghi lại, thì “Hội chủ Trần Đình Ân..’ ký tên nơi chiếc khánh đồng ở chùa Thiên Mụ thì không ai khác hơn là ông Trần đình Ân mà sách Đại Nam Thực Lục Tiền Bối đã nhắc tới. Nhưng nếu ông chỉ là một vị Tham Chính Đoán sự với tước là Đông Triều Hầu và chỉ biết làm quan thôi thì chưa chắc; nhưng ngoài việc làm một ông quan to ấy ra, Trần Đình Ân còn là một người rất mến mộ đạo Phật. Từ trước ông đã có đạo hiệu là Minh Hồng lại có cả pháp danh là Tịnh Tín tức là ông đã quy y Phật; vì theo giới luật trong Phật giáo thì ai có làm lễ quy y mới được vị Bổn sư truyền giới đặt cho một pháp danh. Đến năm Ất hợi (1695), Hoà thượng Thạch Liên đến Thuận Hoá, ông và con trai ông lại đến tìm gặo Thạch Hoà thượng để xin quy y thọ giới lần nữa. Trong tập Hải Ngoại Ký Sự, Thạch Hoà thượng đã ghi: “Ta đến Đại Việt có tứ triều Nguyễn Lão Đông Triều Hầu đến ra mắt đầu tiên, cùng với con là Văn Chức Thế Nam, đều quy y thọ giới…” .

Sự kiện này đã tỏ ra Trần Đình Ân có tinh thần và đạo tâm như thế nào. Phương chi, vào khoảng 8 năm sau khi quy y thọ giới làm đệ tử của Thạch Liêm Hòa thượng, ông đã xin hưu trí về “ẩn cư tại chùa Bình Trung, vui với Thiền học” thì rõ ràng từ đầu chí cuối, ông Trần Đình Ân vẫn là một tín đồ Phật giáo rất thành tín. Bởi đó, mà thuyết cho rằng tên Trần Đình Ân đứng nơi chiếc Bình trung quán khánh chính là ông Trần Đình Ân, người làng Hà Trung, huyện Minh Linh, phủ Quảng Bình là một thuyết có giá trị vậy .

Còn tên chiếc khánh cũng đã rõ ràng. Hai chữ “Bình Trung” ở đây hẳn là tên chùa Bình Trung ở làng Hà Trung mà 26 năm về trước. Ông Trần Đình Ân là người đã kêu gọi thập phương đóng góp để xây dựng nên hoặc trùng tu nhà chùa, để 26 năm sau khi hưu trí thì về đó “ẩn cư mà tự vui với thiền học”. Mấy chữ “Hội chủ…” chính là ông đã thay mặt thập phương đứng tên vào chiếc khánh đúc để cúng vào dịp khánh thành chùa Bình Trung. Lúc đó ông được khoảng 51, 52 tuổi và đang phục vụ dưới triều Nguyễn Phúc Tần (1648-1687). Vì chiếc khánh đúc vào năm Vĩnh Trị thứ 2, tức là nhằm vào niên hiệu của vua Lê Hy Tông, lại nhằm năm Đinh Tỵ (1674) đúng vào đời chúa Nguyễn Phúc Tần.

Sở dĩ ở trên chúng tôi cho rằng chiếc khánh được đúc để cúng vào chùa Bình Trung nhân dịp khánh thành, là vì xét ra vào tháng 8 năm Đinh Tỵ, ở chùa Thiên Mụ không có dịp gì để cho người ta có thể nói rằng ông Trần Đình Ân và các tín chủ thập phương phát nguyện chiếc khánh để cúng vào chùa cả. Dưới đời Nguyễn Phúc Tần, chùa Thiên Mụ có được sửa chữa một lần vào năm Ất Tỵ (1665). Như thế, chùa Thiên Mụ đã được tái thiết vào khoảng 12 năm trước khi chiếc Bình Trung quán khánh ra đời. Cho nên chiếc khánh đã ra đời không phải vì một cuộc trùng tu nào ở chùa Thiên Mụ cả. Thế thì vì sao chiếc khánh lại có mặt ở chùa Thiên Mụ? Cho đến đời Tây Sơn, vào năm Bính Thìn (1796), Phan Huy Ích còn thấy được chiếc khánh đá cũ ở chùa Thiên Mụ, nhưng ông không hề nói đến chiếc khánh đồng này. Như thế tỏ ra chiếc khánh đồng chưa có mặt ở đây (hoặc chiếc khánh đã có mà ông không hỏi). Chiếc khánh đá cổ xưa rất có giá trị đã mất và sự xuất hiện của chiếc khánh đồng Bình Trung quán khánh tại chùa Thiên Mụ, thời gian và nguyên do đó chúng tôi xin được trình bày vào dịp sau.

Ai là người thợ chính đã rót đồng để đúc ra chiếc khánh? Có thuyết cho rằng và có nhiều người tin như thế – ông Jean de la Croix, người Bồ Đào Nha là người đã thực hiện việc đúc ra chiếc Bình Trung quán khánh này. Ức thuyết nêu ra có phần không xác thực. Bởi vì cha con ông Jean de la Croix đã đến xin trú ngụ tại phường Đúc, Thuận Hóa vào cuối đời Nguyễn Hoàng, chính xác là vào năm đầu đời Hiền vương Nguyễn Phúc Nguyên, tức là năm Giáp Dần (1614). Làm sao ông lại có thể là người đúc chiếc khánh vào năm Đinh Tỵ (1674) tức là 63 năm sau khi ông đến ở phường Đúc được? Khi ông đến ở phường Đúc thì ông đã có con lớn là Clément de la Croix đi theo. Như thế ít ra ông cũng đã được 30 tuổi, nếu không muốn là nhiều hơn.

Và, nếu vậy, đến năm Đinh Tỵ (1674) ông đã trên 90 tuổi nếu ông còn sống. Với cái tuổi này liệu ông Jean de la Croix có còn đủ sức làm một người thợ bưng nồi đồng lỏng rót vào khuôn mà đúc chiếc khánh không? Bởi đó, nói rằng thợ phường Đúc, Thuận Hóa đã thực hiện việc rót đồng nên chiếc Bình Trung quán khánh hiện còn ở chùa Thiên Mụ là điều chính xác hơn vậy.

T.H

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here