Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi VỀ BÀI KỆ NỔI TIẾNG TRONG KINH KIM CƯƠNG

VỀ BÀI KỆ NỔI TIẾNG TRONG KINH KIM CƯƠNG

155
0

Về văn bản, Kinh Kim Cương vốn là 1 Hội trong 16 Hội của Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa gồm 600 quyển, do Pháp sư Huyền Tráng (602 – 664) Hán dịch (Đại Tạng Kinh Đại Chánh Tân Tu: ĐTK/ĐCTT. No 220, tập 5, 6, 7) đó là Hội thứ 9, quyển 577 (Hội thứ 9 chỉ có 1 quyển), mang tên: Phần Năng Đoạn Kim Cương. Do tính chất đặc biệt nên đã được tách riêng ra từ rất sớm và biệt hành. (Cũng có thể là Kinh Kim Cương được kết tập trước và biệt hành, sau mới được tập hợp vào Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa). Truyền vào Trung Hoa, Kinh Kim Cương đã được nhiều thế hệ dịch giả  xuất sắc Hán dịch. Hiện trong ĐTK/ĐCTT đã bảo lưu đến 6 bản Hán dịch Kinh nầy với số thứ tự theo thời gian Hán dịch:

1.   No 235. 1 quyển. Là bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập (344 – 413), dịch vào đầu thế kỷ 5 TL đời Hậu Tần (384 – 417): ĐTK/ĐCTT, tập 8, trang 748C- 752C.

2.   No 236. 1 quyển. Là bản Hán dịch của Đại sư Bồ Đề Lưu Chi (Thế kỷ 5 – 6 TL), dịch vào đầu thế kỷ 6 TL, đời Nguyên Ngụy (339 – 556): ĐTK/ĐCTT, tập 8, trang 752C – 757A.

No 236. 1 quyển (Biệt Quyển). Cũng do Đại sư Bồ Đề Lưu Chi Hán dịch: ĐTK/ĐCTT, tập 8, trang 757A – 762A.

3.   No 237. 1 quyển. Là bản Hán dịch của Đại sư Chân Đế (499 – 569), dịch vào khoảng giữa thế kỷ 6 TL, đời Trần (557 – 588): ĐTK/ĐCTT, tập 8, trang 762A – 766C.

4.   No 238. 1 quyển. Là bản Hán dịch của Đại sư Cấp Đa (? – 619), dịch vào khoảng cuối thế kỷ 6 TL đời Tùy (580 – 618): ĐTK/ĐCTT, tập 8, trang 766C – 771C.

5.   No 239. 1 quyển. Là bản Hán dịch của Đại sư Nghĩa Tịnh (635 – 713) dịch vào khoảng cuối thế kỷ 7 TL, đời Đường (618 – 906): ĐTK/ĐCTT, tập 8, trang 771C – 775B.

6.   Phần Năng Đoạn Kim Cương, tức Hội thứ 9, quyển 577 trong kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa (600 quyển) do Pháp sư Huyền Tráng dịch vào khoảng năm 660 – 663 đời Đường (618 – 906): ĐTK/ĐCTT, tập 7, No 220, quyển 577, trang 980 – 985.

 

Ở đây, nói Bài Kệ nổi tiếng trong Kinh Kim Cương thì hầu như người học Phật ở Việt Nam đều chỉ biết Bài Kệ ấy qua Bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập:

 

Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng huyễn bào ảnh

Như lộ diệc như điện

Ưng tác như thị quán.

 

(ĐTK/ĐCTT, tập 8, trang 752B).

(Tất cả pháp hữu vi

Như mộng huyễn bọt bóng

Như sương cũng như chớp

Nên quán xét như thế.)

 

Nơi Bài viết: Những Nẻo Đường Nhận Thức, ông Nguyễn Tường Bách sau khi Việt dịch Bài Kệ trên (Kinh Kim Cương, dịch bản chữ Hán của Cưu Ma La Thập) đã viết: “Ta không rõ vì lý do gì mà dịch giả Cưu Ma La Thập không dịch hết các ẩn dụ trong bản Phạn ngữ. Trong bản Phạn ngữ có đến 9 ẩn dụ như sau…” (Tập San Liễu Quán số 1 tháng 1/2014 trang 101).

Đúng là Pháp sư Cưu Ma La Thập chỉ Hán dịch có 6 dụ. Nhưng 5 bản Hán dịch còn lại đều dịch đủ 9 dụ:

* No 236: Bản Hán dịch của Đại sư Bồ Đề Lưu Chi:

Nhất thiết hữu vi pháp

Như tinh, ế, đăng, ảo

Lộ, bào, mộng, điện, vân

Ưng tác như thị quán.

 

(ĐTK/ĐCTT, tập 8, trang 757A)

(Hết thảy pháp hữu vi

Như sao, màng, đèn, huyễn

Sương, bọt, mộng, chớp, mây

Nên quán xét như thế).

* No 237: Bản Hán dịch của Đại sư Chân Đế:

Như như bất động

Hằng hữu chánh thuyết

Ưng quán hữu vi pháp

Như ám ế đăng ảo

Lộ bào mộng điện vân.

 

(ĐTK/ĐCTT, tập 8, trang 766B)

(Như như chẳng động

Luôn luôn nói đúng

Nên quán pháp hữu vi

Như sao, màng, đèn, huyễn

Sương, bọt, mộng, chớp, mây).

* No 238: Bản Hán dịch của Đại sư Cấp Đa:

Tinh, ế, đăng, ảo

Lộ, bào, mộng, điện

Vân, kiến như thị

Thử hữu vi giả.

 

(ĐTK/ĐCTT, tập 8, trang 771C).

(Sao, màng, đèn, huyễn

Sương, bọt, mộng, chớp

Mây. Thấy như thế

Đấy, pháp hữu vi).

* No 239: Bản Hán dịch của Đại sư Nghĩa Tịnh:

Nhất thiết hữu vi pháp

Như tinh ế đăng ảo

Lộ bào mộng điện vân

Ưng tác như thị quán.

 

(ĐTK/ĐCTT, tập 8, trang 775C)

(Hết thảy pháp hữu vi

Như sao màng đèn huyễn

Sương bọt mộng chớp mây

Nên quán xét như thế).

* No 220. Hội thứ 9. Quyển 577. Bản Hán dịch của Pháp sư Huyền Tráng:

Chư hòa hợp sở vi

Như tinh ế đăng ảo

Lộ bào mộng điện vân

Ưng tác như thị quán.

 

(ĐTK/ĐCTT, tập 7, trang 985C).

(Mọi hòa hợp tạo tác

Như sao màng đèn huyễn

Sương bọt mộng chớp mây

Nên quán xét như thế).

Hòa thượng Trí Quang, trong bản Việt dịch Kinh Kim Cương do mình thực hiện, phần chú giải Bài kệ trên (Theo Bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập) đã cho thấy vì sao Pháp sư Cưu Ma La Thập chỉ dịch 6 dụ, không dịch đủ 9 dụ: “Bài chỉnh cú (kệ) nầy chỉ có 6 ví dụ, khác với các bản khác có 9 dụ: Tinh tú (Sao), Ảo ảnh (Của mắt bệnh: Ế), Ngọn đèn (Đăng), Huyễn thuật (Huyễn), Sương mai (Lộ), Bóng nước (Bào), Chiêm bao (Mộng), Điện chớp (Điện), Đám mây (Vân). Trong 6 ví dụ của Td (Tần dịch, là bản Hán dịch của Cưu Ma La Thập) thì Chiêm bao, Huyễn thuật, Bóng nước, Sương mai và Điện chớp là 5 ví dụ dễ hiểu nhất và có thể vì vậy mà Td để nguyên. Còn Ảnh tượng (Ảnh) thì không có trong 9 ví dụ, rõ ràng chứng tỏ Td dùng chữ nầy để tổng quát 4 ví dụ toàn là Ảnh tượng, đó là Tinh tú, Ảo ảnh của mắt bệnh, Ngọn đèn và Đám mây…” (Kinh Kim Cương, H.Th. Trí Quang dịch giải. Bản in 1984, trang 261).

Nên biết thêm là với 6 dụ theo Bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập, thuật ngữ Phật học của Trung Hoa đã có thêm 2 từ là Lục Như (Sáu như) và Lục Dụ (Sáu dụ). Từ Hải (Tối Tân Tăng Đính Bản. Đài Loan. Trung Hoa Thư Cục ấn hành, 1985, tập 1, trang 539B) đã giải thích: Lục Như: Thuật ngữ Phật học. Còn gọi là Lục Dụ. Tức là Mộng, Huyễn, Bọt, Bóng, Sương, Chớp. Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật: Tất cả pháp hữu vi, Như mộng huyễn bọt bóng, Như sương cũng như chớp, Nên quán xét như thế. (Lục như: Phật gia ngữ, Nhất danh lục dụ, Vị mộng huyễn bào ảnh lộ điện giã. Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Kinh: Nhất thiết hữu vi pháp, Như mộng huyễn bào ảnh, Như lộ diệc như điện, Ưng tác như thị quán). (*).

Tháng 3 năm 2014

Đ.N

 

(*) Cũng nên đối chiếu để thấy Bài Kệ thứ 1 trong Kinh Kim Cương, bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập chỉ có 4 câu: “Nhược dĩ sắc kiến ngã. Dĩ âm thanh cầu ngã. Thị nhân hành tà đạo. Bất năng kiến Như Lai”. (ĐTK/ĐCTT, tập 8, trang 752A); trong khi 4 bản Hán dịch còn lại (Đại sư Bồ Đề Lưu Chi, Chân Đế, Cấp Đa, Nghĩa Tịnh) kể cả Bản Hán dịch của Pháp sư Huyền Tráng (Quyển 577 trong Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa); bản Hán dịch của Đại sư Ngật Đa trong Luận Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật của Bồ Tát Vô Trước (ĐTK/ĐCTT, tập 25, No 1510, Biệt Bản); Bản Hán dịch của Đại sư Địa Bà Ha La trong Luận Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Phá Thủ Trước Bất Hoại Giả Danh của Bồ Tát Công Đức Thí (ĐTK/ĐCTT, tập 25, No 1515) đều có 8 câu.

ĐN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here