Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Văn hóa ẩm thực

Văn hóa ẩm thực

186
0

Trong bài “Nếp sống văn hóa của người Phật tử xứ Huế” Hòa thượng Thích Hải Ấn đã viết: “học giả Đào Duy Anh tác giả sách “Việt Nam văn hóa sử cương” là người đầu tiên chuyển ngữ danh từ culture… thành văn hóa. Văn là “tốt đẹp, cái đẹp làm sáng lên tính linh của con người”. Hóa là “biến cải tức là góp phần cải thiện xã hội tốt đẹp hơn”. Vì vậy tính cách của văn hóa phải là tính cách nhân bản”.

Thế nhưng trong xã hội hiện đại tôi thấy và nghe hai từ “văn hóa”được dùng nhiều quá đôi lúc cảm thấy bị lạm dụng.

Về phương diện ẩm thực, nét văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam được chuyển lưu qua các thế hệ trong từng gia đình. Phong cách ăn uống hằng ngày, ông bà chúng ta không bao giờ quên nhắc nhủ con cháu thể hiện một cách phép tắc (không chỉ ở giai cấp quí tộc mà cả đến hàng dân giả). Biết rằng “miếng ăn là miếng tồi tàn, mất đi một miếng lộn gan lên đầu!” Cái vật chất chỉ có giá trị tầm thường, nhưng chính nét tinh thần trong cái “mất đi”là cái đáng lưu ý. Đó là cái thiếu tôn ty trật tự, thiếu lịch sự lễ phép trong đối đải khi ăn uống, khi xúc tiếp trên mặt nghi tắc giữa láng giềng thôn xóm.

Qua cách ăn uống người ngoài có thể đánh giá được một con người. Các nhà tướng số chỉ nhìn  qua phong cách ăn uống là đoán được tương lai sự nghiệp của người đó.

Văn hóa ẩm thực (VHAT), theo thiển ý, không chỉ gói gọn trong nghệ thuật pha chế, trình bày, chưng dọn lên mâm lên cỗ, trên tợ trên bàn, đó chỉ biểu hiện bề ngoài hình thức vật chất. Cái yếu tính đích thực văn hóa là trong phong cách ăn uống, góp nên cái tôn ti trật tự trong việc xây dựng xã hội. Có thể nói đây là sự ràng buộc giữa các thế hệ trong gia đình, xã hội, một quy tắc giao tiếp tối thiểu nối kết văn hóa quá khứ và hiện tại của đất nước.

Trước đây người miền Bắc, ngồi vào mâm không bao giờ quên câu mời tất cả các thành viên có mặt ngay cả người không dự vào mâm vào bàn (hiện tại cũng còn một số gia đình, vùng miền duy trì). Đây là nét đẹp trong VHAT của miền Bắc. Nhưng cái chung nhất là vị trí tuổi tác vai vế của các thành viên, luôn được cụ thể thích ứng; cho nên “ăn phải xem nồi, ngồi phải xem hướng”; nồi không đơn giản lượng cơm mà còn ám chỉ món ngon món quí dành cho người lớn tuổi, bậc trưởng thượng trong buổi ăn. Người nhỏ tuổi và có mối quan hệ hàng thấp phải chọn vị trí khiêm tốn phù hợp để ngồi. Khi ăn không khua đũa chén, nhai kỹ, kín miệng, nuốt nhẹ nhàng, không cười nói. Nhiều nhà nghiên cứu về ẩm thực cho biết phong cách ăn uống như thế có lợi cho sức khỏe, bộ máy tiêu hóa làm việc nhẹ nhàng. Hình ảnh ấy được chứng kiến và thực hiện hằng ngày khuôn khổ nền nếp trật tự trong quan hệ người lớn kẻ nhỏ trong gia đình, tuổi trẻ sẽ được huân tập phong thái nghiêm trang và dần dà thâm nhập nét đẹp của văn hóa ẩm thực vào nếp sống văn minh cho mỗi người, tất nhiên sẽ ảnh hưởng tốt đến xã hội.

Hơn nữa chính trong bữa ăn cha mẹ ông bà dễ có điều kiện giáo dục con cái, cháu chắt, thân tình giảng giải cho trẻ thơ thấy được nổi lao nhọc của mọi người, biết hàm ơn xã hội đối với bản thân, vì rằng: “ai ơi bưng bát cơm đầy dẽo thơm một hạt đắng cay muôn phần”, không những chỉ rõ công ơn của xã hội, còn hướng dẫn cách sống đúng đắn lương thiện để cho tuổi trẻ hôm nay là ân nhân của tương lai. Một sự nối kết liên tục của xã hội tốt đẹp nằm ngay trong bữa cơm hằng ngày. Văn hóa tri ân có mặt trong văn hóa ẩm thực. Con người có biết ơn mới là con người có văn hóa, xứng đáng là dấu nối đậm nét giữa quá khứ và tương lai. Hơn hết, cái ơn này là cái ơn nuôi sống cuộc đời hằng ngày của nhân loại. Tục ngữ, ca dao Việt Nam có biết bao câu khuyên răn tinh thần tri ân này, từ miếng ăn:
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” thức uống: “Uống nước nhớ nguồn”. Dù dòng nước được thiên nhiên ban tặng thì “nước dưới sông có công đi múc!”

Công ơn của xã hội đối với mỗi một chúng ta là nguồn sống luân lưu nối tiếp trong biến dịch muôn thuở. Nếu thấy được công lao khó nhọc vất vả của người sáng tạo tác thành sẽ dễ thấy được cái thiếu thốn đói nghèo còn có mặt trên trái đất này để có suy nghĩ khi thọ nhận.

Đức Phật khi tại thế đã dạy cho đệ tử pháp cúng “quá đường”lúc thọ trai, tri ân các cõi, tri ân nhân loại và tế độ cho muôn loài. Một sự cảm ơn cao đẹp và thường hằng, lễ này nối tiếp mãi cho đến bây giờ và mai sau của các bậc xuất gia hoặc các Phật tử tu “bát quan trai” hay “an cư kiết hạ”. Hằng ngày các bậc xuất gia trước khi thọ dụng thực phẩm luôn quán tưởng đến công ơn chư Phật, Bồ Tát, sự vất vả của mọi người đã tạo ra hạt cơm miếng ăn. Thực phẩm cúng Phật rồi mới dùng, theo quan niệm của Phật Giáo, đó không phải là thức ăn của cõi tục, do vậy thức ăn này rất tốt cho người được thọ hưởng, ít gây bệnh tật. Tay bưng cơm, tâm quán chiếu, ăn để dưỡng thân, quán để sửa tâm đền bồi tứ ân, cứu vớt tam đồ, dìu dắt cận sự tu học đúng pháp của đức Phật truyền dạy dù nhỏ nhoi thông thường như miếng cơm hớp nước.

Nếu hằng ngày trên trái đất, cùng một múi giờ vào buổi cơm trưa mỗi cá nhân, mỗi một gia đình, một tập thể nhắc nhau hướng tâm tri ân quán tưởng đến khắp lục độ vạn loại chắc chắn cảnh thái bình an lạc hạnh phúc hiển hiện ngay. Ngày nay xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bữa cơm gia đình rời rạc khó tập trung giờ giấc, làm theo ca theo kíp, học mai học chiều, nét văn hóa ẩm thực văn hóa tri ân phai mờ trong tâm thức. Đây cũng là một nguyên nhân làm cho thanh thiếu niên hiện nay dễ hư hỏng.

Gìn giữ tinh thần thọ ân xã hội trong ăn uống, kết hợp với sử dụng rau củ quả hoa lá cỏ cây làm thực phẩm nuôi dưỡng sự sống, đồng thời giảm bớt ăn chiều tối như giới Phật đã chế (khoa học thực dưỡng nghiên cứu đã chứng minh rằng thức ăn dùng vào buổi tối đêm chỉ nuôi phần thân dưới của cơ thể, không lợi ích cho trí não, người nào ăn đêm nhiều sẽ phì nộn, nhiều tham dục và trí tuệ thiếu minh mẫn), thì không có VHAT nào sáng đẹp hơn, ích lợi cho nhân loại cho hữu hình và vô hình trên vũ trụ này hơn. Và như thế đúng như định nghĩa nêu trên “Văn là tốt đẹp, cái đẹp làm sáng lên tính linh của con người. Hóa là biến cải tức là góp phần cải thiện xã hội tốt đẹp hơn”.

Vì thế VHAT đích thực là nét tinh thần chớ không phải sự bày biện cắt tỉa sắp xếp thức ăn kiểu cách. Điều đó chỉ kích thích tham dục của mắt mũi thuộc về chiều nặng vật chất! thuẩn về nghệ thuật mời gọi.

T.H

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here