Trang chủ Tài liệu - Thư viện - Phim Phật giáo Lưu trử Vài nét về Phật giáo qua ngôn ngữ dân gian

Vài nét về Phật giáo qua ngôn ngữ dân gian

141
0

Con người là một sinh vật được bẩm sinh một khả năng siêu tuyết, làm cho nó vượt xa trên mọi sinh vật khác, và tiến rất nhanh: đó là khả năng dùng ngôn ngữ. Theo viễn tượng tâm lý học thì ngôn ngữ là một khả năng đặc biệt vi tế của loài người để chuyển tải và biểu đạt những khái niệm – dù là khái niệm chỉ vật chất cụ thể, hay khái niệm biểu đạt tư duy rất trừu tượng, siêu hình – từ phạm trù tư tưởng, tư duy và phản tư, ra phạm trù mô tả, thông đạt những tư duy và phản tư duy của chủ thể với tha nhân, trong việc ứng xử giao tế hàng ngày, và hình thành phong cách sống có văn hóa với xã hội. Con người cũng là sinh vật duy nhất có tinh thần tôn giáo và biết thực hành tôn giáo, cho nên nó lại có những đặc trưng riêng trong cuộc sống mà không một động vật nào có thể giống được.
Vậy nên ngôn ngữ và phong cách sống, đều có mang dấu ấn tư tưởng và tinh thần tôn giáo của con người. Bởi đó, ngược lại, từ ngôn ngữ mô tả và phong cách sống, người ta có thể nghiên cứu được tư tưởng và niềm tin bao hàm trong tư duy của người phát ngôn bằng thứ ngôn ngữ ấy.

Đặc trưng của người Đông phương nói chung, người Việt Nam nói riêng, là có khả năng tri giác toàn bộ bằng trực giác tổng hợp để lãnh hội ngoại giới, hoặc lãnh hội sự thông đạt của tha nhân; mà ít có thiên hướng phân tích chi ly theo luận lý học như người Tây phương. Khi thể nhập bằng tri giác toàn bộ qua con đường trực giác thì chủ thể biết được, hiểu được rất đúng, rất rõ, mà không bao giờ phát biểu bằng định nghĩa được. Chính vì thế mà qua tiến trình của thời gian và diễn trình của lịch sử, các học lý cao xa của đạo Phật đã được dân gian thể nhập bằng trực giác tức là biết thẳng, biết liền được; để qua tháng ngày huân tập, lặn sâu vào vô thức, được đào luyện và hình thành nếp sống tiềm mặc, đến lúc cần phô diễn là phát hộ thành ngôn ngữ thông đạt, thành phong cách minh hoạ cho ngôn ngữ luôn mà không qua sự chọn lọc bằng ý thức; nhờ đó mà nội hàm khái niệm của ngôn ngữ ít có sự khúc xạ, biến thái vì ý thức sàng lọc.

Hệ luận của đặc trưng này là trong giao tế, ứng xử bằng sự biểu đạt ngôn ngữ hàng ngày của cuộc sống thường nhật, người bình dân đã sử dụng không biết bao nhiêu là từ ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao diễn đạt các khái niệm mang dấu ấn nguyên lai do đạo Phật cung cấp, mà người dân đã lãnh hội từ xa xưa, và truyền khẩu từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành quen thuộc quá; chúng đã giúp cho ngôn ngữ dân gian phong phú, lưu loát quá, nên ít ai để ý là chúng từ đâu đến và phát xuất từ đâu. Bởi nói ra là hiểu liền, và chúng đã trở thành ngôn ngữ của đại chúng. Những từ ngữ như “ăn chay”, “a hành ác nghiệp”, “tiền kiếp nghiệp lai”; “tội báo oan gia”, “ăn chay nằm đất”, “tu tâm”, “tu hành”, “cái tâm”, “đồ súc sinh”; “ông Phật”, nhất là các chữ “duyên”, “kiếp”, “nghiệp”… thì bất kỳ ở đâu, người ta cũng nghe thấy trong các câu chuyện thường nhật của dân gian. Chẳng hạn một câu ca dao bất kỳ, nghe được trong một câu chuyện gì đó giữa mấy người đang trên đường đi chợ.

“Phải duyên phải kiếp thì theo
Vô duyên trái kiếp như kèo long đinh”

Thì rõ ràng đây là học lý “lý duyên sinh” và “thuyết luân hồi” của đạo Phật. Từ vô lượng tiền kiếp, hai thực thể đã có hẹn hò gì với nhau, bây giờ luân hồi gặp lại nhau, tức là “túc lý duyên sinh” để thành sự. Một câu khác, tưởng rằng rất bình thường, nhưng cũng nói đến “lý duyên sinh” rất rõ.

“Có cây thì dây mới leo
Có cột có kèo mới có đòn tay”

Một câu tục ngữ ngắn gọn, rất thâm thúy, mà ai cũng có thể nghe ở cửa miệng người dân nông thôn miền Thuận Hóa. “Đặt con vào dạ thì mạ đi tu”. Ngày xưa mà nói đến hai chữ “đi tu” thì trong tâm tưởng người ta khởi niệm là “đi tu theo đạo Phật”, bởi vì chỉ có Phật giáo mới dùng hai chữ “đi tu”. Nhưng vì sao người mẹ phải đi tu khi vừa “đặt con vào dạ” tức là vừa có thai? Mà “mạ đi tu” là thế nào? Không phải lên chùa, xuống tóc, ăn chay, tụng kinh Phật mới là đi tu; mà “đi tu” ở đây, theo phong tục truyền thống, là giữ gìn đạo hạnh và giới hạn tối đa sự sống tự do bừa bãi như thường ngày. Theo tập tục truyền thống trong dân gian. Khi người vợ có mang, nhất là có mang con so, người chồng cử giết gà, vịt hoặc làm heo, làm bò ở họ tộc, cũng như ở gia đình. Nói chung là cấm kỵ giết sinh mạng. Như thế là người cha giữ giới sát để tạo duyên lành cho người con nằm trong bụng mẹ. Ngoài đạo Phật ra thì không ở đâu trong tư tưởng Á Đông có hành vi như vậy? Tránh điều ác, hướng điều thiện để tự lợi và lợi tha. Như thế, người chồng còn không giết sinh vật khi vợ có mang, huống chi chính thai phụ? Cho nên, khi có thai thì người phụ nữ phải kiêng tránh không giết sinh vật, không được nhìn người ta giết sinh vật từ con gà, con vịt cho đến con trâu, con bò. Các bà gia thường không cho người dâu có mang làm những việc như “đập đầu con cá tràu lóc”, “trảy vảy con cá phát lát”, hay bẻ cọng bẻ que và lột vỏ con cua sống… Người thai phụ không được “thèo quèo thoẹt quẹt” mà bẻ mụt măng, hay lấy bất cứ một cái gì của ai mà người ta không biết. Một điều mà bà gia, hay các bà hàng xóm lớn tuổi đều nói rõ để căn dặn thai phụ là giới hạn việc gần chồng, cũng không nghe và không nói chuyện dâm tục. Rồi trong lời ăn tiếng nói thì đừng nói láo, nói ác, nói dựng đứng, nói “đòn xóc nhọn hai đầu”, “nói ngồi lê đôi mách”, không nên hút thuốc, ăn trầu nhổ bậy bạ. Không nên ăn uống xô bồ, thô tục. Tất cả đều được người lớn tuổi nhắc nhủ, căn dặn và cấm làm. Xã hội và gia đình đều khuyến khích bằng câu “đặt con vào dạ thì mạ đi tu” để người thai phụ thực hiện những điều nên theo. Nhìn lại, tất cả những điều mà dân gian đã nói và đã thực hiện như một truyền thống, thì đó chẳng phải thực hiện “ngũ giới” của Phật giáo là gì? Nhưng người ta không hề nói đến chữ “ngũ giới” và “các giới điều”. Vì người bình dân có thể không biết lý thuyết, chỉ biết thâm nhập và thực hành, đó mới là diệu dụng và thực tiễn. Các học lý cao xa của đạo Phật đã thâm nhập vào tinh thần, tư tưởng và tâm cảm dân tộc để thể hiện thành cuộc sống tốt đẹp, đầy đạo vị. Mục đích người “mạ đi tu” ấy là để tạo môi trường sống yên lành cho cả mẹ và con, tức là “tự lợi và lợi tha”. Ngày xưa, người ta chỉ “tin” và thực hành như vậy, nhưng hiện nay, khoa thai nhi học đã chứng minh là thai nhi nghe được nhạc êm và lời nói thiện của cha mẹ khi còn nằm trong bụng mẹ mới mấy tháng.

Ngoài những sự thực trong dân gian mà chúng tôi đã viện dẫn trên đây, thì trong cuộc sống thường nhật của người Việt Nam hôm nay, vẫn còn có hàng vạn câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, hàng trăm chuyện cổ tích, vẫn còn những tập tục truyền thống… có bao hàm nội dung các học lý của đạo Phật. Những thành tố này đều được truyền khẩu qua cách giao tiếp, xử thế hàng ngày; qua câu hát ru con ngủ, hay qua những buổi kể chuyện cho trẻ em nghe; đó chính là cách truyền trí Phật pháp trong dân gian và do người dân thực hiện. Tất cả đều nhằm một mục đích “khuyến thiện trừng ác”, và tạo cuộc sống hài hòa, an lạc hơn. Trong quan niệm sống của dân gian thì “hiền như ông Phật” vẫn là chuẩn mực tối thượng về đạo đức con người.

“Ông Phật” là điển hình cho nguyên lý “thuần thiện”. Tại nơi “ông Phật”, qua hình ảnh tượng Phật ngồi nghiêm trang, từ bi trên hoa sen, không hề có một sắc thái gì khác là “hiền từ”. Tuy nhiên, người ta rất kinh sợ “ông Phật” không ai dám có thái độ, tư cách thiếu lễ độ khi đứng trước tượng Phật. Đó cũng bởi tâm thức tính linh thuộc phạm trù tôn giáo, và cũng bởi con người tôn kính cái “thiện”. Cái “Thiện” ấy ở khắp nơi, vì cái thiện ấy là “Pháp”, ngay cả ở trong tâm từng con người. Nhưng, người ta nhìn tượng Phật “tư bi tự tại” như là hiển thế của cái “Thiện thuần túy”, nên người ta tôn kính đến mức kinh sợ. Thái độ tôn kính mang tính tôn giáo, cũng được truyền từ đời này sang đời khác và trở thành một truyền thống tốt đẹp, đặc biệt là ở xứ Huế nói riêng.

Một điều khá đặc biệt, mà khi nghiên cứu văn hóa làng xã ở nông thôn miền Thuận Hóa, ta thấy rõ ngay; là mãi cho đến trước năm 1945, ngôi đình thờ Thành Hoàng làng, nơi nhà Văn Thánh, tức nơi thờ Khổng Tử, là những nơi cấm tuyệt đối, người phụ nữ không bao giờ được bén mảng đến.

Trong khi đó, ở chùa làng thờ Phật, thì ngày rằm, mồng một người phụ nữ vẫn mua bông chuối, hương đèn đến chùa nhờ Thầy bày biện trên bàn thờ để cúng Phật. Họ vẫn được phép vào lạy Phật và nói chuyện với “ông thầy chùa”, mặc dầu thái độ họ vẫn khép nép, nói ít, chứ chua phải tự do như hiện nay. Thế nhưng đạo Phật đã cho họ cái quyền bình đẳng với người đàn ông; cái quyền được tôn kính “ông Phật” như người đàn ông. Hệ luận sự thân cận chùa, tôn kính Phật, lễ phép với “ông Thầy chùa” là họ đã dạy dỗ con cái theo học lý nhà Phật rất nhiều qua ngôn ngữ, tục ngữ, ca dao, và thể hiện cách sống hiền hòa để tạo nếp sống đạo đức truyền thống tốt đẹp…
Cũng ở xứ Thuận Hóa xưa, tức Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ngày nay, người dân thường nói câu: “Ở đời cốt lấy tầm bụng mà ở với nhau”. Từ ngữ “tấm bụng” thì không phải cái bụng lớn, mà ý nghĩa trừu tượng của nó la cái biên giới của cách ăn ở, đối xử với nhau mà người ta cũng thường nói và hiểu là “cái tâm”. Tâm ở đâu, không ai biết nhưng người dân lại cũng thường nói “Phật tại tâm”. Theo lối liên châu luận của Tây phương, ta có thể dễ dàng thấy được “tấm bụng” chính là “Phật tâm”. Một quan niệm trọng yếu đã góp phần hình thành phong cách đạo đức xã hội là sống bao dung, nói cách khác là phải có phong cách sống độ lượng, khoan dung, biết thể tất cho những lỗi lầm nhỏ nhặt của tha nhân, biết sống theo cách “bỏ chín làm mười”, đây chính là thể hiện khái niệm “từ bi hỷ xã” của đạo Phật vậy. Do quan niệm “Phật tại tâm”, tức quan niệm “cái tấm bụng” ấy mà người Thuận Hóa lại thường nói “Sợ chật bụng chớ chật chi nhà” tức là sợ không có cái tâm Phật để bao dung, để nâng đỡ người “lỡ độ tạm thời” trong kiếp nhân sinh, chớ không sợ thiếu về vật chất. Nhiều, chia nhau nhiều, ít chia nhau một miếng cũng là vui ! Đấy là phong cách “tự độ và độ tha” rất phổ biến trong Phật giáo hiện nay.

Qua một vài viện dẫn mà chúng tôi đã lấy từ thực tiễn ngôn ngữ, tập tục và phong cách sống trong dân gian miền Thuận Hóa ra để minh họa, thì người ta thấy rằng từ những thực tiễn đó mà nghiên cứu cái phần đóng góp của Phật giáo vào tinh thần, tư tưởng và phong cách sống của dân tộc, quả là một đề tài rất thú vị và rất tích cực để nói lên cái ý nghĩa “Phật giáo là Dân tộc và Dân tộc là Phật giáo” là một thực thể bất khả phân ly vậy.

Hà Xuân Liêm

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here