Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Ước mơ có phải là điềm lành tối thượng? (kỳ 1)

Ước mơ có phải là điềm lành tối thượng? (kỳ 1)

95
0

Có nhiều loại ước mơ, thậm chí có đến vô số ước mơ; vì ước mơ của con người bao quát nhiều lãnh vực khác nhau. Vì sao? Vì căn tánh của con người xưa nay bất đồng; cho nên, ước mơ của con người cũng lắm đặc thù, cao hay thấp, ít hay nhiều, cạn hay sâu, tiêu cực hay tích cực, sự tướng hay lý tánh. Ước mơ tuy có nhiều loại, nhưng không ngoài hai phạm trù: Tục đế và Chơn đế, và có lẽ cũng không ngoài ba cấp độ: thượng, trung và hạ. Cũng như nói rằng trong xã hội tuy có nhiều loại người nhưng không ngoài hai hạng: thế gian và xuất thế gian, và cũng không ngoài ba cấp độ: thượng lưu, trung lưu và hạ lưu. Tương tự, ước mơ dù thuộc về Tục đế hay thuộc về Chơn đế thì có lẽ cũng không ngoài ba cấp độ: bậc thượng, bậc trung và bậc hạ. Ước mơ cao được xếp vào bậc thượng; ước mơ vừa (không tiêu cực và không tích cực) được xếp vào bậc trung; và ước mơ thấp có tính cách tiêu cực được xếp vào bậc hạ. Nếu tiếp tục phân ra, thì mỗi cấp độ cũng có ba loại; và nếu cứ phân chia mãi cho đến mức độ không thể phân chia được nữa, thì kết quả tận cùng của ước mơ đó là bằng không (= 0). Dĩ nhiên, không ai khờ khạo đến nỗi phải đem từng loại ước mơ ra để phân chia một cách vớ vấn như thế; vì ước mơ vẫn mãi là ước mơ; vả lại ước mơ đã thành sự thật đâu mà đem ra phân chia. Mục đích ở đây chỉ nhắm đến loại ước mơ nào, khát vọng nào, hay hành nguyện nào là xứng với ‘điềm lành tối thượng’. ‘Điềm lành tối thượng’ ở đây không chỉ giới hạn ở lãnh vực Chơn đế mà bao quát cả Tục đế. Vậy chúng ta thử xem ước mơ nào là điềm lành tối thượng.

Ước mơ tùy vào từng lứa tuổi; thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên, tráng niên, lão niên, v.v… thảy đều có ước mơ riêng. Ước mơ đó sẽ có thể thay đổi, nếu tuổi tác thay đổi, hoàn cảnh thay đổi, hoặc thời đại thay đổi. Về khách quan, ước mơ thường được hiểu ở mức độ tích cực hơn là tiêu cực. Về chủ quan, ước mơ của mỗi người nếu còn tùy thuộc vào nhân ngã bỉ thử, thì ước mơ đó thuộc về Tục đế, hữu lậu. Trái lại, ước mơ của bất kỳ người nào mà không còn bị ràng buộc bởi nhân ngã bỉ thử, thì ước mơ đó được xem như thuộc về Chơn đế, vô lậu. Nói cách khác, ước mơ nào còn liên lụy và vướng mắc đến ngũ dục ‘tài, sắc, danh, thực và thùy’, thì nó thuộc về Tục đế, hữu lậu; ngược lại là Chơn đế, vô lậu. Lại nữa, ước mơ nào còn bị ràng buộc bởi tứ tướng ‘ngã, nhân, chúng sanh và thọ giả’, thì ước mơ đó thuộc về tục đế, hữu lậu; ngược lại là Chơn đế, vô lậu. Cho đến khi nào ước mơ của bất kỳ người nào – dù khách quan hay chủ quan – mà không còn tùy thuộc vào tứ tướng ấy, tức là ‘vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh và vô thọ giả’, thì ước mơ ấy vượt thoát khỏi thế gian, thuộc chơn đế, vô lậu. Nói chung, để tránh sự mâu thuẫn và bất đồng quan điểm, cho nên đoạn này đã nêu lên các tiêu đích ‘nhân ngã bỉ thử’, ‘ngũ dục’, và ‘tứ tướng’ nhằm tiện việc xếp loại ước mơ nào thuộc về lãnh vực hữu lậu; và những gì ngược lại là vô lậu.

Có người hỏi rằng đã là ước mơ thì làm thế nào để biết nó thuộc tục đế hay chơn đế, hữu lậu hay vô lâu? Hơn nữa, nếu đã là ước mơ mà còn thuộc về lãnh vực hữu lậu hay vô lậu, vậy thì cái ‘điềm lành tối thượng’ vừa nêu trên nó có thuộc về hai phạm trù hữu lậu và vô lậu chăng? Nếu đáp lời là ‘không’ thì sẽ rơi vào tính chủ quan; vì khiến cho người hỏi bất đồng quan điểm và không thỏa mãn. Nếu trả lời là ‘có’ thì ‘điềm lành tối thượng’ đó chưa phải thật sự là ‘tối thượng’ và càng chưa phải là ‘Đệ nhất nghĩa đế’. Vì sao? Vì nó chỉ là phương tiện cho nên tạm gọi là ‘điềm lành tối thượng’ vậy thôi. Như đức Phật đã từng vận dụng vô số phương tiên   để khai Tam thừa: Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa, rồi Bồ-tát thừa, và sau đó Ngài lại dùng phương tiện chỉ bày Nhất thừa, hay Nhất Phật thừa; vì Tam thừa chỉ là phương tiện và càng chưa phải là ‘Đệ nhất nghĩa đế’, duy ‘Nhất Phật thừa’ mới được gọi là ‘Đệ nhất nghĩa đế’. Hãy tạm thỏa thuận quan điểm như vậy, bây giờ chúng ta nhắc lại vấn đề ước mơ, chứ đừng hỏi thế nào là ‘điềm lành tối thượng’.

Ước mơ phát sinh là tùy tuổi tác. Cá nhân, gia đình, hội chúng đoàn thể trong xã hội và quốc gia xã tắc cũng đều có ước mơ riêng. Về phương diện cá nhân, thiếu niên nhi đồng, thành niên, thanh niên, tráng niên, lão niên, v.v… đều có ước mơ riêng. Thiếu niên nhi đồng có ước mơ của thiếu niên nhi đồng; tuổi thành niên có ước mơ của tuổi thành niên; thanh niên có ước mơ của thanh niên, tráng niên có ước mơ của tráng niên, lão thành có ước mơ của lão thành. Suy rộng ra, những tầng lớp trong xã hội, như: sĩ, nông, công, thương, lâm, ngư, hoặc tầng lớp quý tộc, như: vua chúa, quan lại, công hầu, khanh tước, v.v… mỗi người cũng đều có ước mơ riêng. Ngay cả đến chư Thiên, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát cũng đều có ước mơ và hạnh nguyện riêng. Tuy nhiên, ước mơ, theo Pháp tướng Duy thức tông, thuộc về lãnh vực tâm lý ‘vô biểu’, chỉ là những hoạt dụng tâm lý bên trong chưa biểu hiện ra ngoài, cho nên người khác rất khó biết và không thể nhận ra, trừ những bậc giác ngộ, lục căn viên thông thì mới có thể biết được. Ước mơ có thể được xếp theo chín cấp độ: ước mơ bậc thượng có ba: thượng thượng cấp, thượng trung cấp và thượng hạ cấp; ước mơ bậc trung có ba: trung thượng cấp, trung trung cấp và trung hạ cấp; và ước mơ bậc hạ có ba: hạ thượng cấp, hạ trung cấp và hạ hạ cấp.

Có người hỏi rằng tại sao không lấy ‘mười’ cho tròn số mà chỉ lấy có chín? Hơn nữa, tâm của con người, theo kinh Hoa Nghiêm, có mười cảnh giới (Phật, Bồ-tát, Duyên Giác, Thanh Văn, Trời, A-tu-la, người, súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục), vậy nên lấy mười cấp độ thì có lẽ hay hơn chứ? Đáp rằng sở dĩ chỉ nói chín cấp độ mà không nói mười là vì ở đây cứ vào Tịnh độ tông và Pháp Hoa tông, cho nên chỉ nói chín mà không nói mười; vì nói chín cấp độ là dựa vào sự phân chia ‘cửu phẩm’ của Tịnh độ tông và Thiên thai tông. Nói ‘cửu phẩm’ của Tịnh độ tông là nói đến phần hồi hướng: “Nguyện sanh Tây phương Tịnh độ trung, cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu …”; còn ‘cửu phẩm’ của Thiên thai tông thì tương tự như chín cấp độ vừa nêu. ‘Cửu phẩm’ này là: thượng thượng phẩm, thượng trung phẩm và thượng hạ phẩm; trung thượng phẩm, trung trung phẩm và trung hạ phẩm; hạ thượng phẩm, hạ trung phẩm và hạ hạ phẩm. Chỉ có khác ở chỗ ‘cấp’ và ‘phẩm’ mà thôi. Còn nếu cứ vào kinh Hoa Nghiêm để nói mười cho tròn số thì cũng đúng, nhưng kinh này ít phổ biến, và nếu cứ vào Phạn bản của Gaṇḍavyūha-sūtra (kinh Hoa Nghiêm) chỉ là một trong 40 phẩm của toàn bộ Avataṃsaka-sūtra (kinh Hoa Nghiêm), đó là phẩm: “Bất tư nghì giải thoát môn”. Đây là một trong những lý do không nói mười mà chỉ nói chín.

Muốn ước mơ của mình trở thành hiện thực, thì không nên ‘nói về’ ước mơ ấy, cũng không khoanh tay đứng nhìn mà sống với ước mơ bằng công phu, hoặc bằng sự thực hành. Trong kinh Đại bát Niết-bàn, đức Phật dạy: “Các ngươi phải là ngọn đèn cho chính các ngươi, các ngươi phải là hòn đảo cho chính các ngươi, các ngươi phải lấy Chánh pháp làm nơi nương tựa, không nên nương tựa vào một nơi nào khác” (1).  Muốn học Phật thì chúng ta phải hiểu Phật; nếu tin Phật mà không hiểu Phật thì khác gì chúng ta phỉ báng Phật; vì Ngài đã dạy “Tin Ta, mà không hiểu Ta, tức là phỉ báng Ta”. Cũng vậy, ‘học Phật mà không hiểu Phật, thì chính chúng ta là kẻ quay lại phỉ báng Phật’. Không nên hiểu Phật là đấng thần linh ban ân giáng họa, là đấng Thượng đế có quyền thưởng phạt con người, càng không nên hiểu rằng Phật luôn từ bi, điều gì cũng sẵn sàng tha thứ; vì Phật có lòng đại từ bi, lòng khoan dung độ lượng. Nếu tất cả chúng ta, ai cũng  hiểu Phật như thế, thì ‘nguy to’! Phật – tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn – đã dùng giáo pháp làm vô số phương tiện để độ thoát chúng sanh, đó gọi là giác tha. Giáo pháp của đức Phật chỉ là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh. Phải nên hiểu rằng Phật là đấng Đạo sư (thầy chỉ đường), còn việc đi đúng theo đường đó hay không là việc của chúng ta. Nếu ai đi lầm đường lạc lối, thì đừng trách Phật. Phật là bậc Đại y vương trên tất cả bậc lương y, Ngài chỉ bày phương thuốc này, dược liệu kia để đối trị bịnh vô minh tham ái, chấp thủ, còn việc uống thuốc là việc của bệnh nhân. Nếu ai không chịu uống thuốc đúng lúc đúng giờ, bịnh ngày càng tăng không thuyên giảm, thì cũng đừng trách Phật. Tất cả không phải lỗi của Phật mà chính là lỗi của chúng sanh đi lầm đường lạc lối, lỗi của các bệnh nhân không chịu uống thuốc. Giáo pháp của Phật là phương tiện trợ duyên, còn chúng ta là chính nhân. Vả lại, luận Câu Xá có nói: “Hữu lực năng tác nhân, vô lực năng tác nhân”. Vế trước là chính nhân, được ví như người qua sông; vế sau là phương tiện trợ duyên, được ví như con đò dùng để qua sông. Người muốn qua sông thì phải cần đò. Người muốn qua sông là chính nhân, còn đò là phương tiện trợ duyên. Nếu chỉ có phương tiện trợ duyên – con đò, mà không có chính nhân – người qua sông, thì phương tiện thành vô dụng. Tương tợ, giáo pháp của đức Phật là phương tiện trợ duyên, người hành theo giáo pháp ấy là chính nhân. Ngược lại, nếu có giáo pháp mà người không hành đúng theo giáo pháp đó, thì giáo pháp đó trở thành vô dụng. Giáo pháp của Phật là phương tiện, là trợ duyên, là dược liệu, là phương thuốc, là con đò; còn chính nhân là hành giả, là bệnh nhân, là người qua sông. Nếu người nào luôn mồm nói về ước mơ này, ước mơ nọ, thì cũng giống như kẻ kia không chịu sang sông, giống như bệnh nhân không chịu uống thuốc. Người chỉ nói về ước mơ, tức là kẻ hý luận, vô bổ. Trái lại, nếu người muốn sang sông biết dùng đò làm phương tiện trợ duyên để sang sông, thì đó chính là ‘điềm lành tối thượng’. Nếu bệnh nhân biết dùng thuốc đúng liều lượng, thì đó cũng chính là ‘điềm lành tối thượng’.

Tương tự, trong tiểu bản Di Đà có đề cập đến vấn đề tự lực và tha lực. Tự lực là chính nhân, là người tu Tịnh độ, là người niệm Phật, là người gieo trồng đức tin; còn tha lực là trợ duyên, là phương tiện, là đức Phật Di Đà, là chư Bồ-tát hộ niệm. Muốn sanh về cõi Tịnh độ mà không chịu tụng kinh, không chịu niệm Phật, không chịu giữ gìn ba nghiệp thanh tịnh, thì người ước mơ đó, hoặc người cầu về Tịnh độ là kẻ hý luận, vô bổ. Hoặc muốn cầu sanh Tịnh độ mà việc tụng kinh như thể bị bắt buộc, việc niệm Phật như thể là miễn cưỡng, ba nghiệp không thanh tịnh thì làm sao mà cầu sanh lên cõi Tịnh độ được? Có hai sự kiện có thể xảy ra và không thể xảy ra. Sự kiện thứ nhất là: ‘việc gì đến thì nó sẽ đến’, không mong mà vẫn được, không muốn mà vẫn thành, không cầu mà vẫn có. Sự kiện thứ hai là: ‘việc gì chưa đến thì nó sẽ chưa đến’, dù có mong cũng không được, có muốn cũng không thành, có cầu cũng không có. Về sự kiện thứ nhất có thể xảy ra là nhờ gieo trồng căn lành từ nhiều đời, nhờ lúc tụng kinh chuyên nhất và thành tâm, nhờ lúc niệm Phật chí thành khẩn thiết, nhờ ba nghiệp được thanh tịnh trang nghiêm. Chính vì sự kiện có thể xảy ra này mà trong tông Tịnh độ chủ trương: “Dục cầu Tịnh độ, tiên tịnh kỳ tâm”, (muốn cầu sanh về cõi Tịnh độ thì trước hết phải tự tịnh tâm mình), và “tùy kỳ tâm tịnh, tức Phật độ tịnh” (tùy vào sự thanh tịnh của tâm mình, thì cõi Phật cũng được thanh tịnh). Do đó, vấn đề Tha lực chỉ là trợ duyên, còn chính nhân là chính chúng ta. Để minh họa vấn đề này, kinh Pháp Cú dạy:

“Tự mình làm điều ác
tự mình làm nhiễm ô, 
Tự mình không làm ác,   
tự mình làm thanh tịnh,
Tịnh, không tịnh tự mình,   
không ai thanh tịnh ai”.

(Kinh Pháp Cú, kệ 165).

 Bài kệ này đã khẳng định tác nhân chính (tự mình) là vô cùng quan trọng.  Còn câu “tự mình làm thanh tịnh” hàm ý tương đồng với ý nghĩa trong đoạn kinh Đại bát Niết-bàn vừa nêu và tương đồng với quan điểm của Tịnh độ tông nói trên. Cứ vào ý nghĩa đó, chúng ta có thể kết luận: tự mình làm thanh tịnh = chính các ngươi là ngọn đèn = chính các ngươi là hòn đảo = tiên tịnh kỳ tâm; dục cầu Tịnh độ = lấy Chánh pháp làm nơi nương tựa; và tùy kỳ tâm tịnh = không nương tựa một nơi nào khác. Vậy “tự mình làm thanh tịnh” là ‘điềm lành tối thượng’.

Nói ước mơ mà không thực hiện, thì có khác gì người đói ăn toàn bánh vẽ. Muốn ước mơ của mình thành tựu thì trước hết phải hành bố-thí, bố-thí tài vật hoặc bố-thí pháp. Kế đó, muốn ước mơ của mình thành tựu thì phải hộ trì các căn, nỗ lực phòng hộ các căn, nghiêm trì tịnh giới. Thứ ba, muốn ước mơ của mình được thành tựu thì tự mình phải diệt trừ tâm ngã mạn, hành hạnh nhẫn nhục; vì nhẫn nhục là đệ nhất đạo. Thứ tư, muốn ước mơ của mình thành tựu thì phải luôn nỗ lực tinh tấn; đoạn trừ những điều ác đã sinh, ngăn chặn những điều ác chưa sanh, làm phát sanh những điều thiện chưa sanh, và duy trì những điều thiện đã sanh. Thứ năm, muốn ước mơ của mình thành tựu thì phải chú tâm tỉnh giác, thường hành thiền định; vì nhờ có định tâm vững chắc, cho nên tâm không bị dao động. Thứ sáu, muốn ước mơ của mình thành tựu thì phải có trí tuệ; nhờ có trí tuệ cho nên quán chiếu và thấy rõ lý nhân quả, biết mọi khổ đau đều do phiền não và nghiệp duyên phát sanh, phiền não và nghiệp duyên do vô minh và tham ái dấy khởi. Đoạn tận vô minh và tham ái thì nhân khổ luân hồi tự dứt. Thứ bảy, muốn ước mơ của mình thành tựu thì phải vận dụng các phương tiện để tùy duyên hóa độ chúng sanh. Thứ tám, muốn ước mơ của mình thành tựu thì phải lập chí, lập nguyện và phát tâm hành Bồ-tát đạo. Thứ chín, muốn ước mơ của mình thành tựu thì phải tinh tấn hành thiền định để có năng lực trợ duyên cho tất cả chúng sanh. Thứ mười, muốn ước mơ của mình thành tựu thì phải vận dụng trí tuệ quán chiếu các pháp. Chỉ có nhất thiết trí, trí thông suốt và tường tận sự hiện hữu của các pháp, thì mới có đủ khả năng thẩm định và thực thi Lục độ (hay Sáu Ba-la-mật). Nếu ước mơ nào hội đủ những yếu tố vừa nêu, thì ước mơ đó thật sự là điềm lành tối thượng, là Chơn đế, vô lậu.

Ước mơ chỉ là tâm thức, là lý thuyết; biến ước mơ thành hiện thực thì phải tri hành phải hợp nhất. Muốn tri hành hợp nhất thì phải hành Lục độ, dụng phương tiện thiện xảo để độ sanh. Muốn phương tiện thành cứu cánh diệu dụng thì phải lập nguyện kiên cố; vì “nguyện có lập thì mới có thể độ chúng sanh, tâm có phát thì Phật đạo mới có thể viên thành”. Muốn nguyện được kiên cố thì phải có năng lực thiền định và phải có tuệ quán soi xét. Như đức Thế Tôn đã vận dụng vô số ngôn từ, vô số phương tiện để độ thoát vạn loại hàm linh thoát ly sanh tử. Như trong kinh Pháp Hoa, Ngài đã vận dụng phương tiện “khai tam hiển nhất”, “khai quyền hiển thực”, “khai tích hiển bổn”, và sau cùng dẫn đến ‘Nhất Phật thừa’. Ngài dạy rằng “Thập phượng Phật độ trung, duy hữu Nhất thừa Phật, vô nhị diệc vô tam, trừ Phật phương tiện thuyết”, (mười phương trong cõi Phật, chỉ có Nhất thừa Phật, không hai cũng không ba, trừ Phật phương tiện thuyết). Ngài khẳng định rằng Tam thừa chỉ là phương tiện, chưa phải là ‘Đệ nhất nghĩa đế’, chỉ có Nhất Phật thừa là ‘Đệ nhất nghĩa đế’. Nhờ vận dụng vô số ngôn từ, vô số phương tiện mà Ngài đã độ vô số chúng sanh. Tựu trung, ước mơ là ‘lý’, phương tiện thực hiện ước mơ thành tựu là ‘sự’; ‘lý’ ‘sự’ viên thông hỗ tương dung nhiếp nhau, thì ước mơ ấy là điềm lành tối thượng. 

Có người hỏi rằng ‘ước mơ’ có giống với sự ‘phát tâm’ hay không? Đáp rằng trên thực tế cả hai chữ ước mơ và phát tâm đều phát xuất từ tâm lý, thuộc phạm trù của ý thức, lãnh vực của tâm; do đó, cả hai giống nhau là đều thuộc về lãnh vực tâm lý. Còn nếu nói khác nhau thì chỉ là sự qui ước có tính cách ước lệ. Hai chữ ‘ước mơ’ thường được mọi tầng lớp người trong xã hội sử dụng; còn thuật ngữ ‘phát tâm’ có tính chất đạo tâm đạo vị, và thiên về tín ngưỡng Phật giáo hơn. Do đó, khi dùng nói đến thuật ngữ ‘phát tâm’ thì những ai biết Phật giáo liền hiểu; còn những ai chưa từng lưu tâm đến Phật giáo thì có lẽ sẽ không hiểu mà cần phải giải thích. Trái lại, nếu nói hai chữ ‘ước mơ’ thì ai cũng có thể hiểu được từ ngữ ấy.

Trong thời Công phu chiều, phần Hồng danh Bửu sám có đoạn: “Ngã kim phát tâm, bất vị tự cầu nhơn thiên phước báo, Thanh Văn Duyên Giác, nãi chí Quyền thừa, chư vị Bồ-tát, duy y tối thượng thừa, phát bồ-đề tâm, nguyện dữ pháp giới chúng sanh, nhất thời đồng đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề”. (Nghĩa là: con nay phát tâm không phải vì cầu phước báo của người và trời, Thanh Văn, Duyên Giác, cho đến phước báo của những vị Bồ-tát Quyền thừa, duy chỉ y vào bậc Tối thượng thừa, phát bồ-đề tâm, nguyện cùng pháp giới chúng sanh, đồng một thời đều đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác) (2).  Trong tương đối, điềm lành tối thượng cũng thuộc về Tục đế, hữu lậu; và nếu tâm hành vô lậu thì vẫn đạt đến điềm lành tối thượng thuộc Chơn đế, vô lậu. ‘Ước mơ’ và ‘phát tâm’ cũng không ngoài hai lãnh vực Tục đế – hữu lậu, và Chơn đế – vô lậu. Nếu tiêu đích của ‘điềm lành tối thượng’ ở cấp độ ‘tối thượng’, tức là ‘Đệ nhất nghĩa đế’, thì vấn đề này chúng ta hãy cứ vào tinh thần và quan điểm của kinh Kim-cương, như đã đề cập trên, là hợp lý và thích đáng nhất.

 (còn nữa)

Chú thích

1. Nhị Khóa Hiệp Giải, HT. T. Khánh Anh dịch, Giáo Hội Tăng Già Xuất Bản, 1958, tr. 391.
2. Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Tiểu Bộ, Thích Minh Châu dịch, Viện NCPHVN, 1992, tr. 11-4.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here