Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Tượng Bồ-tát Avalokiteśvara huyền bí

Tượng Bồ-tát Avalokiteśvara huyền bí

192
0

Tượng Bồ-tát Avalokiteśvara (Quán Tự Tại, Quán Thế Âm) còn được gọi là tượng Avalokiteśvara Đại Hữu vì được Henry de Pirey phát hiện tại tu viện nhỏ vùng Đại Hữu, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) vào những năm đầu thế kỷ XX. Đây là một trong những hiện vật thể hiện nghệ thuật tạo hình độc đáo của nền văn hóa Chăm-pa. Pho tượng bằng đồng nặng 35kg này có niên đại thế kỷ thứ X, theo một số nhà nghiên cứu khác cho rằng vào khoảng thế kỷ VII-VIII, tượng vẫn giữ được tính nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Tượng Avalokiteśvara Đại hữu có niên đại thế kỷ thứ X –
có ý kiến cho rằng sớm hơn nữa, khoảng thế kỷ VII – VIII – Ảnh tư liệu

Từ khi đất nước Chăm-pa được thành lập, cư dân nơi đây đã có đời sống vật chất – tinh thần phát triển, tạo ra một nền nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc độc đáo, cống hiến nhiều giá trị quý báu cho kho tàng nghệ thuật của Việt Nam, đồng thời góp phần hình thành dòng nghệ thuật Phật giáo đặc sắc. Bởi thế, nhắc đến Chăm-pa, người ta liên tưởng ngay đến vương quốc của những pho tượng, đền thờ Ấn Độ giáo, tượng các vị thần được chạm trổ tinh xảo bằng những kỹ thuật điêu luyện trên đá, đồng, hay các kim loại khác. Trong đó, tượng người đạt đỉnh cao nhất của nghệ thuật tạo hình và sự cân xứng về hình thái cơ thể học. Một trong những biểu trưng cho đặc tính đó là vẻ đẹp của tượng Avalokiteśvara Đại Hữu.

Tượng Avalokiteśvara Đại Hữu có dáng người thon nhỏ trong tư thế đứng, cao 54cm, chỗ rộng nhất 22cm và chỗ dày nhất 15,5cm. Tượng được tạc với phần thân dưới khoác chiếc váy dài được gọi là dhoti, cài bởi một thắt lưng to bản có hình đóa hoa to dạng lá đề, với những tua xuống hai bên hông, để lộ bàn chân dày và bằng phẳng (một trong những tướng tốt của bậc thánh như đã có đề cập trong nội dung ở kỳ 1, về tượng Phật Đồng Dương), phần trên để lộ ngực trần, được “trang điểm” khéo léo bằng các loại vòng đeo ở giữa eo và quanh cổ. Bên cạnh đó, bắp tay, cổ tay và tai cũng đều nổi rõ những vật dụng trang sức như một cách lấp đầy khoảng trống, vừa thể hiện sự rắn chắc mà lại không làm mất đi tính uy nghiêm của tượng. 

Tượng với vầng trán thấp, đôi mắt mở khẽ, mũi ngắn, cánh mũi rộng đi cùng một khuôn miệng như đang mỉm cười và bờ vai dài, tất cả tạo nên một nét mặt đầy đặn, phúc hậu, từ bi đến lạ thường.

TS.Phạm Hữu Công – Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP. HCM cho biết, điểm nổi bật của tượng nằm ở phần đầu và phần cánh tay. Phần đầu của tượng có búi tóc cao, được chạm khắc một vành miện hình cung chạy vòng quanh trán làm “nền” cho chiếc mũ hình tháp (jata) đội bên trên. Mặt trước của mũ jata có chạm nổi một hình tượng Đức Phật đang ngồi trong thế nhập đại định, đó là tượng Phật A Di Đà. Đây là một trong những yếu tố đồ tượng học xác định tượng Avalokiteśvara Đại Hữu cũng chính là tượng Bồ-tát Quan Thế Âm. Về phần cánh tay, được cho là điểm nổi bật, nằm ở ý nghĩa của các tùy vật trên bốn bàn tay tượng: “Tay phải trên cầm quyển sách, tay trái trên cầm chuỗi hạt, hai tay dưới đưa ra phía trước, tay phải cầm nụ sen và tay trái cầm bình nước cam lồ”, ông Công thuyết minh chi tiết. Theo đó, ý nghĩa biểu tượng của các pháp khí được giải thích:

– Quyển sách (pustaka) được ví như kinh điển của chư Phật mà Bồ-tát muốn truyền bá cho thế gian. Theo một số nhà nghiên cứu Phật giáo, quyển sách mà ứng thân Bồ-tát có bốn tay cầm là kinh Pháp hoa.

– Chuỗi hạt (aksamala) tượng trưng cho niệm niệm đại từ đại bi nối tiếp nhau không ngừng, tựa như hạt châu này xâu kết từng hạt châu khác, tạo thành chuỗi ngọc đại nguyện cứu khổ.

– Hoa sen (padma) không những là biểu tượng của sự tinh khiết, mà còn nói lên sức mạnh dứt trừ mọi dơ bẩn để tựu thành sắc đẹp và hương thơm trí tuệ. Hoa sen trên tay chưa nở như biểu thị “tánh Phật” vốn dĩ sẵn có trong chúng sanh (nhưng chưa hiển lộ), nên ai ai cũng là “vị Phật sẽ thành” như hoa sen sẽ nở.

– Bình cam lồ (kamandalu) biểu trưng cho chiếc bình thanh tịnh (tịnh bình) chứa nước cam lồ, là thứ nước trong mát hứng từ sương tinh khiết. Chữ “cam” nghĩa là ngọt, chữ “lồ” hay “lộ” tức là sương. Bồ-tát với chiếc tịnh bình đựng nước cam lồ giúp cho người đang bị bức bách hành hạ bởi cơn nóng khát của nhiệt não, của phiền lụy được thoát khổ và tươi vui trở lại. Theo ý niệm của cư dân Chăm-pa thời đó, bình cam lồ của Bồ-tát còn dùng để tẩy trừ những uế bẩn trần tục và thu phục yêu ma.

Mặt khác, tượng Avalokiteśvara còn độc đáo ở ý nghĩa hình tượng mang yếu tố văn hóa Phật giáo. Trước hết có thể kể đến là hiện thân nữ của tượng Avalokiteśvara Đại Hữu.

GS.TS Chun Fang Yu – Trưởng phân khoa Tôn giáo, Trường Đại học bang New Jersey (Mỹ) lại cho rằng:“Người ta còn xem Bồ-tát như là một vị nữ thần linh hiển mà qua những hình tượng được nghệ nhân sáng tạo trong các thế kỷ XVII và XVIII (…) Tuy nhiên tại Ấn Độ, Tây Tạng, Tích Lan và Đông Nam Á, Bồ-tát Avalokiteśvara đã không hề được thờ phượng bằng thân nữ”.

giao hao 2.jpg

Tượng Bồ-tát Avalokiteśvara Đại Hữu – Ảnh tư liệu

Vào khoảng thế kỷ X ở Trung Quốc, những tranh được sáng tác tại Đôn Hoàng là Bồ-tát dưới dạng nam thân, hay những bức tranh Bồ-tát Quán Âm với hàng ria mép cũng có thể được tìm thấy trong bộ sưu tập của Matsumoto, Tonkoga no kenkyu [cụ thể như bức 216 (niên đại 864 TL), bức 98b (niên đại 943 TL), và bức 222 (968 TL)]. Lại có nhiều ý kiến cho rằng, ở Việt Nam, Bồ-tát hiện thân người nữ như tượng Chăm-pa Avalokiteśvara vì người Chăm thời bấy giờ theo chế độ mẫu hệ.

Như chúng ta biết, với văn hóa truyền thống của dân tộc, hình tượng Bồ-tát Quan Thế Âm luôn được thể hiện qua hình tướng nữ nhân, dân gian cũng gọi là Mẹ hiền Quan Âm, như lý giải Hòa thượng Thích Thanh Từ – Viện chủ các thiền viện Trúc Lâm: “Ngài muốn nói lên tình thương chân thành tha thiết nhất trong con người mà không tình thương nào qua tình mẹ thương con. Mẹ đối với con là tình thương thâm thúy bao la. Người mẹ dầu bận công ăn việc làm gì, một khi nghe tiếng con kêu khóc, mẹ buông bỏ tất cả để vội vàng chạy lại vỗ về con, Đức Quan Thế Âm cũng thế, dù bận việc giáo hóa ở đâu, khi nghe tiếng kêu thương của chúng sanh, Ngài liền hiện thân đến an ủi vì thế gọi là Bồ-tát Quan Thế Âm – tức là lắng nghe âm thanh thống khổ cầu cứu của thế gian”.

Như vậy, xoay quanh vấn đề hiện thân của Bồ-tát Avalokiteśvara, dù Ngài là thân nam hay nữ, một đầu, nhiều đầu, đến một tay, nhiều tay, thì đều toát lên những biểu tượng từ bi, tất cả là những ứng thân vì đời của Ngài với đại nguyện: “Nếu có chúng sanh muốn làm thiên chủ, lãnh đạo chư thiên thì con hiện thân Đế Thích, thuyết pháp cho họ khiến được thành tựu. Nếu có chúng sanh muốn thân được tự tại, bay khắp hư không thì con hiện thân Đại Tự tại thiên thuyết pháp cho họ khiến được thành tựu. Nếu có chúng sanh thích làm chủ các dòng quý tộc, mọi người cung kính thì con hiện thân trưởng giả, thuyết pháp cho họ khiến được thành tựu” – như trong phẩm Phổ môn thuộc kinh Pháp hoa đã có đề cập.

Ngày 30-12-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận tượng Avalokiteśvara Đại Hữu là bảo vật quốc gia (Quyết định số 2599/QĐ-TTg dựa trên tiêu chí độc bản, có giá trị đặc biệt và đánh dấu sự kiện quan trọng trong cả nước). Ngày 13-3-2014, tượng Avalokiteśvara cùng 5 hiện vật khác là bảo vật quốc gia đã được đưa sang Mỹ trưng bày, giới thiệu đến công chúng khắp nơi trên thế giới chiêm ngưỡng. 

Nguồn:GNO

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here