Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Từ những sai phạm tại chùa Chân Long (Thạch Thất): Thêm một...

Từ những sai phạm tại chùa Chân Long (Thạch Thất): Thêm một bài học về quản lý di tích

145
0

Ngày 12-11, Đoàn Thanh tra Sở VH,TT&DL Hà Nội đã kiểm tra hiện trạng di tích quốc gia chùa Chân Long, làm việc với chính quyền xã Chàng Sơn và đại diện các ngành chức năng huyện Thạch Thất nhằm làm rõ những thông tin dư luận phản ánh. Kết quả cho thấy, việc sư trụ trì chùa Chân Long nhiều lần tự ý thay đổi tượng thờ, xây dựng công trình vệ sinh, nhà để xe… trong khu vực bảo vệ I của di tích đã vi phạm quy định của Luật Di sản văn hóa, gây dư luận không tốt cho xã hội. 

Vì sao vi phạm kéo dài?

Tại Di tích chùa Chân Long, Đoàn Thanh tra ghi nhận, bức tượng mới mà dư luận cho rằng đó là tượng sư trụ trì chùa Thích Minh Phượng tự cho đúc chân dung mình để thờ đã được rời đi nơi khác, một số bức tượng mới khác vẫn lưu giữ trong nhà Tứ Ân. Công trình vệ sinh, nhà để xe xây dựng trong khu vực bảo vệ I của di tích, làm ảnh hưởng tới không gian, cảnh quan, vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành về di sản văn hóa chưa được tháo dỡ. Chùa đã mở cửa trở lại để người dân và du khách thập phương đến sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, nhưng sự bức xúc của một bộ phận nhân dân Chàng Sơn chưa nguôi. 

Cảnh quan Di tích chùa Chân Long bị phá vỡ.

Cảnh quan Di tích chùa Chân Long bị phá vỡ. 

Theo lý giải của ông Chu Thế Huấn – Phó Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn, bức xúc của một bộ phận người dân là có thật. Ông Huấn cho biết, từ năm 2010 đến nay, sư trụ trì chùa Chân Long Thích Minh Phượng liên tục có những vi phạm đối với di tích. Năm 2010, sư trụ trì cho người đào đất làm nhà vệ sinh, nhà tắm gần chùa chính, tự ý thay đổi một pho tượng cũ trong thượng điện bằng một pho tượng mới, tự ý đưa 16 pho tượng mới bằng gỗ vào chùa không báo cáo chính quyền địa phương. Năm 2012, sư trụ trì tiếp tục đưa thêm 14 pho tượng khác vào chùa và làm mất một pho tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế (chất liệu bằng đất) ở tại nhà tổ chùa và tự ý bài trí, sắp xếp lại các vị trí tượng trong nhà tổ. Khi chính quyền phát hiện tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế bị mất, sư trụ trì giải thích là do tồn tại quá lâu nên tượng bị vỡ vụn khi các già vãi lau rửa. Mảnh vỡ của bức tượng được nhà chùa mang bỏ ngoài sông Tây Ninh. Hiện hai bao tải đúc mảnh vỡ của tượng đã được trục vớt nhưng do không thể xác minh được đất và trấu trong bao tải có phải là bức tượng cổ hay không nên xã vẫn niêm phong chờ các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ. Cũng theo ông Chu Thế Huấn, tất cả những việc sư trụ trì Thích Minh Phượng làm là sai Luật Di sản, xã Chàng Sơn đều phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhiều lần để nhà sư tự điều chỉnh, khi vận động không thành, UBND xã lập biên bản yêu cầu xử lý. 

Nói về việc sư Thích Minh Phượng đưa “tượng lạ” vào chùa Chân Long, ông Kiều Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất khẳng định, thái độ phản ứng của người dân trước việc sư trụ trì đưa bức tượng đồng vào chùa, đặt tại bàn thờ tam bảo (tượng toàn thân, ở tư thế ngồi thiền trên bệ, cao khoảng 1,4m, có tựa phía sau hình lá đề) là giọt nước tràn ly, bởi sự bức xúc này đã kéo dài. “Hiện đã có một người dân ở Chàng Sơn xác nhận là người cung tiến bức tượng đồng này nên việc dư luận cho rằng sư Thích Minh Phượng tự đúc tượng mình là không có cơ sở” – ông Kiều Hoàng Tuấn nói.

Những dẫn chứng trên cho thấy, sư trụ trì Thích Minh Phượng đã vi phạm Luật Di sản trong thời gian khá dài, chứ không phải là hành động “bột phát” do chưa hiểu biết đầy đủ về pháp luật. 

Giữ nguyên các công trình kiến trúc cổ

Nhận thức được sự phức tạp của vụ việc, ngày 11-11, UBND huyện Thạch Thất đã mời đại diện Ban Trị sự Phật giáo, Ban Dân vận, Ban Tôn giáo, MTTQ cùng một số phòng, ban chức năng của huyện và xã Chàng Sơn bàn phương án khắc phục. “Ý kiến của các đại biểu đều khẳng định, nhà sư Thích Minh Phượng không chấp hành những quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ di tích, không hợp tác với chính quyền địa phương, có những phát ngôn tùy tiện, gây bức xúc cho người dân xã Chàng Sơn…”, ông Kiều Bá Thuyên, Trưởng phòng VH-TT huyện Thạch Thất phản ánh.

Đồng tình với nhận xét này, đại diện Công an huyện Thạch Thất cho biết thêm, sư Thích Minh Phượng về chùa Chân Long trụ trì có quyết định của Ban Trị sự Phật giáo thành phố Hà Nội. Sư cũng đã đăng ký hộ khẩu tại xã Chàng Sơn nên sư Thích Minh Phượng vừa là nhà tu hành, vừa là công dân của Chàng Sơn. Nhưng thật đáng buồn, sư trụ trì chùa Chân Long không những quan hệ không tốt với người dân, phật tử, mà còn không hợp tác với chính quyền, không nhận hết trách nhiệm khi xảy ra sự việc. Nhà sư đã có lần bị chính quyền xã Chàng Sơn xử phạt hành chính vì không chấp hành một số quy định của địa phương.

Trước sự quan tâm của dư luận về việc huyện Thạch Thất sẽ xử lý vụ việc sai phạm này như thế nào, ông Kiều Hoàng Tuấn cho biết: “Với trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản, chúng tôi sẽ yêu cầu tháo dỡ, loại bỏ toàn bộ các công trình, hạng mục, hiện vật mới được đưa vào di tích, giữ nguyên các công trình kiến trúc cổ của nhà chùa, bảo đảm an toàn cho các hiện vật gốc… Đối với sư trụ trì Thích Minh Phượng, chính quyền không có chức năng điều chuyển, xử lý, nên chúng tôi đã đề nghị Ban Trị sự Phật giáo huyện báo cáo vụ việc lên Ban Trị sự Phật giáo thành phố để tìm biện pháp giải quyết thích hợp. Trước mắt, chúng tôi chỉ đạo xã Chàng Sơn vận động nhân dân yên tâm lao động, sản xuất, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương và an toàn cho nhà sư…”.

Không thể phủ nhận sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành chức năng huyện Thạch Thất nói chung, xã Chàng Sơn nói riêng trước những sai phạm tại chùa Chân Long. Điều này được Đoàn Thanh tra Sở VH,TT&DL ghi nhận. Nhưng khách quan mà nói, nếu chính quyền xã Chàng Sơn và huyện Thạch Thất quyết liệt xử lý hành vi sai phạm tại chùa Chân Long ngay từ lần đầu hoặc không xử lý được thì báo cáo ngay lên các cơ quan có thẩm quyền cấp trên, chắc chắn sẽ không có sai phạm lần hai, lần ba? Nếu sư Thích Minh Phượng nghiêm túc thực hiện trách nhiệm công dân, chắc chắn sẽ không làm mất lòng dân. Trong trường hợp cụ thể này, đơn vị có trách nhiệm quản lý di tích và người trực tiếp trông coi, hương khói ở di tích rất cần có tiếng nói chung. Từ sự sai phạm tại chùa Chân Long, thêm một bài học về công tác quản lý và phát huy giá trị di tích nữa lại được rút ra.

(*) Báo Hà Nội Mới

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here