Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Tổng quan về tình hình nghiên cứu Phật giáo ở Liên bang...

Tổng quan về tình hình nghiên cứu Phật giáo ở Liên bang Nga

105
0

Ngành Phương Đông học của Liên bang Nga đã có một truyền thống từ lâu nghiên cứu về Phật giáo và đã đạt được nhiều thành tích đáng kể.

Ngay từ những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, ngành Phương Đông học của nước Nga đã đóng góp cho nền Phật học thế giới nhiều công trình nghiên cứu có giá trị như: “Lí luận nhận thức và logic trong học thuyết của các Phật tử hậu kì” gồm hai tập năm 1903-1909, “Học thuyết triết học của Phật giáo” năm 1919, “Tinh thần của học thuyết Phật giáo” năm 1919, “Khái niệm về Niết Bàn Phật giáo” năm 1927, “Logic Phật giáo” năm 1931-1932 của Sherbatxkôi F.I, “Những huyền thoại của Đức Phật và Phật giáo” năm 1895 của Olđenburg S.F, “Phật giáo, giáo lí của nó, lịch sử và văn học” ba tập năm 1857-1865, “Các tôn giáo ở Phương Đông: Khổng giáo, Phật giáo và Đạo giáo” năm 1873 của Vaxiliev V.P., “Phật giáo: nghiên cứu và tư liệu” hai tập năm1887 của Minaev I.P., “Đức Phật: cuộc đời của Đức Phật, học thuyết và làng xã” năm 1900 của Olđenburg G., “Nhập môn nghiên cứu Phật giáo” hai tập năm 1916-1918, “Những vấn đề triết học Phật giáo” năm 1918 của Rođenburg O.O. Qua một số công trình nêu trên, chúng tôi có một nhận xét rằng, các nhà Phật học ở Nga đã tập trung giải quyết được một số vấn đề lí luận chung liên quan tới nguồn gốc ra đời của Phật giáo và học thuyết của nó. Khía cạnh được khai thác triệt để nhất là tính triết học và logic của Phật giáo và coi nó như là một học thuyết triết học, khía cạnh tôn giáo của vấn đề có phần chưa chú ý tới. Theo chúng tôi, đây là một hạn chế của nghiên cứu về Phật giáo ở Nga giai đoạn đầu.

Dựa vào những thành tựu mới nhất trên thế giới đã đạt được trong các lĩnh vực nghiên cứu về Phương Đông nói chung và dựa vào các kết quả nghiên cứu về Phật giáo của các nhà Phật học có tên tuổi thuộc thế hệ trước, dưới ánh sáng của phương pháp luận mác xít trong nghiên cứu khoa học, các nhà Phương Đông học của Liên bang Nga đã bắt đầu triển khai công tác nghiên cứu Phật giáo một cách đầy đủ hơn, sâu rộng hơn trong nhiều lĩnh vực khác nhau: văn hoá, lịch sử, xã hội học, văn học, dân tộc học, triết học, v.v… và xuất phát từ lập trường của một hệ thống quan điểm. Công việc nghiên cứu được bắt đầu đẩy mạnh từ những năm 50 thế kỉ XX. Từ cuối những năm 60 đến những năm cuối thế kỉ XX, các công trình nghiên cứu về Phật giáo của các nhà Phương Đông học của Liên bang Nga liên tiếp ra mắt bạn đọc. Các nhà nghiên cứu của Liên bang Nga triển khai nghiên cứu Phật giáo hoặc những vấn đề có liên quan đến Phật giáo ở hầu hết các nước châu Á từ nơi sinh ra tôn giáo này đến những nơi nó được du nhập tới: Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam, Sri Lanca và Phật giáo trên một số vùng lãnh thổ của Liên bang Nga. Xin nêu tên một số trong hàng trăm công trình nghiên cứu về Phật giáo hoặc có liên quan tới Phật giáo của các nhà khoa học Liên bang Nga vào nửa sau thế kỉ XX. Năm 1969, cuốn “Ấn Độ cổ đại” của hai tác giả Bôngard-Lêvin G.M. và Ilin G.F. đã được xuất bản tại Moskva. Đến 1973, Bôngard-Lêvin G.M. cho xuất bản tiếp cuốn “Ấn Độ thời kì Nauriev” và năm 1980, cuốn “Nền văn minh Ấn Độ cổ đại: triết học, khoa học, tôn giáo” của ông tiếp tục ra mắt bạn đọc. Đây là những công trình nói nhiều tới Phật giáo Ấn Độ được giới Phật học Liên bang Nga quan tâm tới và sử dụng nhiều trong các công trình nghiên cứu tiếp theo của mình về các vấn đề của Phật giáo. Các nhà khoa học Liên bang Nga cũng đã công bố các công trình nghiên cứu của mình về Phật giáo Ấn Độ trong hai tuyển tập “Văn hoá Ấn Độ và Phật giáo” (M. 1972) và “Tôn giáo và chủ nghĩa vô thần ở Ấn Độ” (M. 1973).

Các vấn đề Phật giáo ở Trung Quốc cũng được các nhà Trung Quốc học của Liên bang Nga quan tâm tới. Năm 1970, Vaxiliev L.S. đã công bố cuốn “Thờ cúng, tôn giáo và truyền thống ở Trung Quốc” (M. 1970) và tới năm 1976, ông lại cho xuất bản tiếp cuốn “Truyền thống văn hoá – tôn giáo ở các nước Phương Đông” (M. 1976). Đặc biệt, trong tập I của Kỉ yếu Hội nghị Khoa học lần thứ II về “Xã hội và nhà nước ở Trung Quốc” do Viện Phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga tổ chức, in năm 1980 có đăng năm bài nghiên cứu về Phật giáo Trung Quốc của các nhà Trung Quốc học người Nga: “Vấn đề về sự cộng tồn hệ tư tưởng chính thống Trung Đế chế và Phật giáo thời Đường” của Martưnôv A.C, “Sự lí giải của Phật giáo về con đường giải thoát” của Ignatevich A. N., “Về vị trí của Phật giáo trong nền văn hoá Trung Quốc” của Maliavin B.B., “Một số khía cạnh tâm lí của sự ảnh hưởng của Thiền tông Phật giáo đối với con người như một cá nhân và chủ thể của sự hoạt động” của Abaev N.V. và Nester-Kin S.P., “Vương Duy (701-761), tác giả của những tác phẩm Phật giáo bằng văn xuôi” của Bagđanev G.B. Cũng cần nêu ra ở đây cuốn “Mối giao lưu kinh tế và văn hoá giữa Trung Quốc và Ấn Độ thời cổ đại (đến thế kỉ III SCN)” xuất bản ở Moskva năm 1960 của tác giả Shtein V.M.

Khi nghiên cứu các vấn đề Phật giáo ở Nhật Bản, các nhà khoa học Liên bang Nga tập trung nhiều đến vấn đề hiện đại hoá Phật giáo ở nước này sau chiến tranh. Đáng chú ý là một số các công trình như: “Thần cũ và mới ở Nhật Bản” (M. 1968) của hai tác giả Artiunôv S.A. và Svetlôv G.E., “Sôka-Gakai Kômâytô: Phong trào chính trị tôn giáo ở Nhật Bản sau chiến tranh” (M. 1972) của Dergiavin I.K., “Kômâytô: Sự tìm kiếm những con đường mới” (M. 1975) của Svetlev G.E. “Chủ nghĩa phi lí của Thiền tông Phật giáo và tư tưởng triết học duy tâm ở Nhật Bản hiện nay” là một trong những bài báo đề cập tới Thiền tông Phật giáo ở Nhật Bản được đăng trên Tạp chí “Khoa học Triết học” số 1 năm 1984.

Ngoài ra, các nhà Phương Đông học của Liên bang Nga cũng rất quan tâm nghiên cứu các vấn đề Phật giáo ở các nước châu Á khác. Năm 1969, Semeka E.S. viết cuốn “Lịch sử Phật giáo ở Sri Lanca” (M. 1969). Năm 1981, cuốn “Giới tu sĩ Phật giáo ở Campuchia độc lập” của Béctimirôva N.N. được xuất bản. Bà là một tác giả chuyên nghiên cứu về Phật giáo ở Campuchia. Trong Tạp chí “Tin tức Trường Đại học Tổng hợp Moskva” (số 3/1998), Béctimirôva N.N. công bố công trình nghiên cứu “Campuchia những năm 90: Phật giáo và Chính trị”. Cuốn “Phật giáo Thái Lan” của Côrnev V.I. xuất bản năm 1973 đã trình bày khá đầy đủ về tình hình Phật giáo ở nước này. Ở Myanmar, Phật giáo đóng một vai trò đáng kể trong đời sống chính trị – xã hội và đặc biệt trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân nước này. Năm 1978, Vsevôlôgốv I.V. đã cho ra mắt bạn đọc cuốn “Myanmar: Tôn giáo và chính trị. Giới tu sĩ Phật giáo và nhà nước”. Trước đó, năm 1973, Kaufman A.S. đã viết cuốn “Myanmar: Hệ tư tưởng và chính trị” đề cập tới vai trò của Phật giáo trong hệ tư tưởng và đời sống chính trị của nước này. Luxkaia T.P. đã đề cập tới vai trò của Phật giáo trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Myanmar trong luận văn phó tiến sĩ “Sự ra đời của phong trào giải phóng dân tộc ở Myanmar” (M. 1977).

Phật giáo Lạt Ma, một tông phái của Phật giáo xuất hiện vào thế kỉ VII ở Tây Tạng, đến thế kỉ XVI – XVIII được phổ biến rộng rãi ở Mông Cổ. Trên lãnh thổ Liên bang Nga, Phật giáo Lạt Ma tồn tại chủ yếu ở ba nước cộng hoà tự trị là Buriatia, Tuva và Kalmưkia. Ngay từ năm 1919, Vlađimirxốv B.Ia. đã cho xuất bản cuốn “Phật giáo ở Tây Tạng và Mông Cổ”. Các nhà khoa học Liên bang Nga đã viết nhiều về Lạt Ma giáo từ nhiều góc độ: lịch sử, văn học, dân tộc học, xã hội học, tôn giáo,v.v… Năm 1965, trong cuốn “Phật giáo” của Côtrétốv A.N., tác giả đã dành một phần đáng kể để viết về Lạt Ma giáo và đến năm 1983, cuốn sách được tái bản và phần viết về Lạt Ma giáo đã được bổ sung đầy đủ hơn bằng những tư liệu mới. Năm 1973, Côtrétốv cho xuất bản một cuốn sách nói về “Lạt Ma giáo” (M. 1973). Giucôvskaia N.L. đã công bố công trình nghiên cứu của mình về Lạt Ma giáo năm 1977 dưới nhan đề “Lạt Ma giáo và những hình thức sớm nhất của tôn giáo”. Cũng trong năm này, cuốn “Lạt Ma giáo ở Kalmưkia” cũng được xuất bản. Năm 1978, Xưbíchgiapốv V.B. đã hoàn thành luận án phó tiến sĩ sử học “Lạt Ma giáo ở Buriatia”. Nađneeva K.A. trong tập “Chuyên san” số 12 năm 1968 của Trường Đại học Sư phạm Moskva phần về triết học có đăng bài “Phê phán học thuyết của Lạt Ma giáo về lí tưởng cá nhân và cuộc sống”. Viện Khoa học Xã hội Buriatia trực thuộc Phân viện Sibiri của Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga đã có những đóng góp rất đáng kể vào việc nghiên cứu các vấn đề của Lạt Ma giáo trên lãnh thổ Liên bang Nga, Tây Tạng và Mông Cổ.

Năm 1980, Viện Khoa học Xã hội Buriatia đã cho xuất bản tập sách “Phật giáo và nền văn hoá Trung cổ của các dân tộc vùng trung tâm Châu Á”. Trong tập sách này, các tác giả đã phân tích và làm sáng tỏ các nguồn tư liệu của Tây Tạng, Mông Cổ và Trung Quốc nói về đặc thù của nền văn hoá tinh thần trong xã hội Trung cổ ở khu vực này. Cuốn sách đã đề cập tới tình hình chính trị – xã hội của Mông Cổ các thế kỉ XVII – XVIII, về nguồn gốc xã hội của Lạt Ma giáo ở Tây Tạng, về sự phát triển tư tưởng triết học và các hình thức sáng tạo văn học vượt khỏi phạm vi tôn giáo. Năm 1981, Viện Khoa học Xã hội Buriatia lại cho xuất bản tiếp tập sách “Phật giáo và tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc vùng trung tâm Châu Á”. Về nội dung, đây là sự tiếp tục của tập sách trước đó. Cuốn sách đã đề cập tới một số khía cạnh của Saman giáo ở Buriatia, quá trình đồng hoá của Lạt Ma giáo với những tín ngưỡng cổ đại của người Tây Tạng, người Mông Cổ.

Ngoài số sách báo nêu trên đề cập đến các khía cạnh khác nhau của Phật giáo ở từng nước Châu Á, các nhà khoa học Liên bang Nga còn viết nhiều sách, báo nghiên cứu các vấn đề của Phật giáo nói chung và vai trò của nó trong đời sống chính trị – xã hội của các dân tộc sống trên lục địa này. Trong Tạp chí “Khoa học Triết học” số 3 năm 1970 có đăng bài của Lutrina V.P. “Về tính chất của Phật giáo sơ khai”. Đến năm 1973, Lutrina V.P. đã nâng đề tài này lên và viết thành cuốn “Một số khía cạnh của học thuyết Phật giáo sơ khai” (M. 1973). Trong các năm 1971 và 1974, các nhà nghiên cứu Liên bang Nga đã liên tiếp giới thiệu với bạn đọc hai cuốn sách với nhan đề “Tôn giáo và tư tưởng xã hội của các dân tộc Phương Đông”. Với sự chủ biên của Bôngard-Lêvin G.M., tập sách “Phật giáo, nhà nước và xã hội ở các nước Trung và Đông Á thời Trung cổ” đã được Nhà xuất bản “Khoa học” tại Moskva xuất bản năm 1982. Xin giới thiệu thêm một số bài viết về Phật giáo của các nhà khoa học Liên bang Nga đăng trong các cuốn sách và tạp chí như: “Thiền tông Phật giáo và hệ tư tưởng tư sản” của Batalốv E.Ia. đăng trong cuốn “Những vấn đề triết học của chủ nghĩa vô thần” (M. 1963), “Sứ mệnh giải thoát của Thiền” của Pôpôva M. đăng trên Tạp chí “Khoa học và Tôn giáo” số 11 năm 1979, “Phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á và Phật giáo” của Lukasbic N.I. đăng trong cuốn “Chủ nghĩa xã hội khoa học: Những vấn đề và sự nghiên cứu” (M. 1976) tập 8, số 2, “Phật giáo và thời đại hiện nay” của Beshtau I. đăng trên tạp chí “Á – Phi ngày nay” số 12 năm 1966, v.v…

Trên đây, chúng tôi đã điểm qua một số sách báo của các nhà khoa học Liên bang Nga bàn về các vấn đề của Phật giáo. Hi vọng rằng, trên những nét cơ bản phần nào đã giúp các nhà nghiên cứu của chúng ta thấy được tình hình Phật học ở Liên bang Nga và những vấn đề của Phật giáo mà giới nghiên cứu ở Liên bang Nga quan tâm tới. Vì điều kiện khó khăn về mặt tài liệu, nhất là những tài liệu được xuất bản trong thời kì Cải tổ và Hậu Cải tổ ở nước Nga, do trình độ có hạn, nên chúng tôi chưa thể nhận xét, đánh giá một cách cụ thể những kết quả mà các nhà khoa học Nga đã đạt được, và những vấn đề còn đang cần phải tiếp tục giải quyết.

Tiếp theo, chúng tôi muốn trình bày cụ thể hơn về một vài công trình tiêu biểu nghiên cứu về Phật giáo của các nhà khoa học Nga để giúp chúng ta thấy rõ thêm một số quan điểm của các nhà Phật học Liên bang Nga đối với các vấn đề của Phật giáo. Những công trình này đề cập một cách tổng hợp tới hai khía cạnh của Phật giáo: Thứ nhất là đề cập tới những vấn đề lí luận của Phật giáo. Bằng phương pháp luận mác xit, các nhà khoa học Liên bang Nga đã phân tích một cách khoa học có phê phán những luận điểm chủ yếu của học thuyết tôn giáo này và vạch rõ những luận điểm nào mang tính chất tôn giáo, luận điểm nào có tính triết học, logic học; Thứ hai là đề cập tới vị trí và vai trò của Phật giáo trong đời sống chính trị – xã hội ở các nước Châu Á. Trên cơ sở nghiên cứu và phân tích các tông phái khác nhau ở các nước khác nhau, các tác giả Nga đã vạch ra vai trò khác nhau của Phật giáo trong đời sống chính trị – xã hội các nước Châu Á ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể, đặc biệt trong phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc ở các nước này và bước đầu đã nêu lên thực chất của vấn đề hiện đại hoá Phật giáo.

Trước hết xin điểm qua cuốn “Phật giáo” của tác giả Côtretốv A.N. mà chúng tôi đã có dịp nhắc tới ở phần trên. Cuốn sách được xuất bản năm 1965 và tái bản năm 1983. Phòng Tư liệu – Thư viện Viện Sử học Việt Nam đã cho dịch một số chương của cuốn sách xuất bản năm 1983. Trong lời mở đầu của cuốn sách tái bản năm 1983, tác giả viết: Trong mười tám năm qua kể từ khi cuốn sách ra đời, trong Phật giáo, trong đời sống của Phật tử, trong các công trình nghiên cứu về lịch sử và tình hình hiện tại của Phật giáo đã xuất hiện nhiều điều mới mẻ. Do đó có nhiều điều đã viết trong cuốn sách hiện nay phải lược bớt, nhiều điều khác phải bổ sung thêm, đưa thêm tài liệu và sự hiểu biết mới về Lạt Ma giáo. Nhưng những quan điểm cơ bản về Phật giáo của tác giả không hề thay đổi. Trải qua một thời gian dài kể từ lần xuất bản trước, thực tế đã kiểm nghiệm tính chất đúng đắn của những quan điểm cơ bản này.

Một trong những quan điểm cơ bản nhất là phải nghiên cứu Phật giáo như là một hệ thống tôn giáo – tư tưởng. Theo chúng tôi, đây là quan điểm chung của hầu hết các nhà Phật học mác xít trong đó có các nhà Phật học Liên bang Nga. Quan điểm này đối lập với quan điểm của các nhà Phật học ngoài mác xít muốn bỏ qua những đặc tính tôn giáo của Phật giáo và coi nó là một học thuyết triết học, “đưa” nó tiến gần lại với khoa học hiện đại. Một số người này gắn Phật giáo với triết học duy tâm, còn một số người khác thậm chí lại đặt nó gần với những quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Một số lại đưa ra đề nghị có tính chất ôn hoà hơn như: phụ thuộc vào những nhiệm vụ cụ thể, những điều kiện cụ thể của từng khu vực và trong từng giai đoạn cụ thể, Phật giáo hiện đại có thể được xem như là một tôn giáo, một học thuyết triết học, một hệ tư tưởng, một tổ hợp văn hoá và như một lối sống. Theo quan điểm tác giả, để hiểu được vai trò của Phật giáo trong đời sống hiện đại của các dân tộc Châu Á cần phải làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản của các hệ tư tưởng Phật giáo. Điều này rất quan trọng bởi vì: một mặt, các lực lượng tiến bộ đã vận dụng những luận điểm trong giáo lí của Phật giáo để lôi cuốn quần chúng nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhưng mặt khác, Phật giáo cũng đã bị các thế lực đế quốc và phản động ở nhiều nước lợi dụng như một công cụ để lôi kéo họ ra khỏi phong trào giải phóng dân tộc và những cải cách xã hội tiến bộ.

Mục đích của công trình nghiên cứu này nhằm:

1. Từ quan điểm khoa học xác định một cách thật rõ ràng bản chất của Phật giáo nhằm khắc phục tình trạng mơ hồ về mặt phương pháp luận do sự lí giải thường mâu thuẫn với nhau về Phật giáo hiện đang tồn tại trong các công trình nghiên cứu;

2. Vạch ra những điều kiện xuất hiện và truyền bá Phật giáo, vai trò xã hội của nó trong thời kì tan rã hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc;

3. Vạch ra bản chất tôn giáo – triết học của Phật giáo;

4. Làm sáng tỏ những nét đặc thù của Phật giáo trong việc thờ cúng, đặc biệt là bản chất của Phật giáo như một hệ thống tôn giáo;

5. Đánh giá vai trò của Phật giáo trong đời sống chính trị hiện đại ở các nước Phật giáo châu Á, trong đó có đề cập ít nhiều tới cuộc đấu tranh của phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam trong những năm 60-70 thế kỉ XX chống lại đế quốc Mỹ xâm lược và các chính quyền tay sai của chúng. Tác giả đã dành nhiều thời giờ để phân tích quá trình hiện đại hoá Phật giáo ở Nhật Bản, mà đại biểu là tông phái Sôka – Gakai và đảng chính trị Kômâytô của nó. Tác giả cho rằng, thực chất của cái gọi là “triết học cuộc sống của Sôka – Gakai là nhằm ngăn chặn sự truyền bá tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản khoa học trong quần chúng lao động Nhật Bản, cái mà những người theo tông phái này gọi là “lí luận duy vật phiến diện tầm thường”. Họ đưa ra tư tưởng về một nhà nước thần quyền với nền “dân chủ Phật giáo” nhằm tạo ra “chủ nghĩa xã hội mới” hay “chủ nghĩa xã hội cho con người với nền văn minh thứ ba”.

Sau khi đã giải quyết năm vấn đề nêu trên trong 5 chương của cuốn sách, tác giả đi tới một số kết luận cụ thể:

1. Hệ tư tưởng Phật giáo cần phải hiểu như một hệ thống các quan điểm tôn giáo, xã hội và đạo đức nhằm đưa con người tới một sự “giải thoát” không phải ở thế giới bên này mà là ở thế giới bên kia;

2. Việc xem xét các điều kiện kinh tế – xã hội của sự xuất hiện Phật giáo đã cho phép giải thích tính đặc thù của hệ tư tưởng này, vạch ra nguyên nhân tạo nên luận điểm cho rằng hoạt động sáng tạo của con người là trở lực trên con đường dẫn tới sự “giải thoát” cá nhân;

3. Những luận điểm logic thường được gọi là “triết học Phật giáo” chỉ là một bộ phận trong hệ tư tưởng Phật giáo;

4. Phê phán chế độ xã hội đã tạo ra sự đau khổ cho giai cấp bị bóc lột, tuyên bố từ bỏ những tình cảm và ham muốn trần tục, Phật giáo tất yếu trở thành chỗ dựa tư tưởng của chế độ xã hội đó và nó được sử dụng như một vũ khí tư tưởng;

5. Học thuyết về sự bình đẳng của con người trong niềm hi vọng vào sự “giải thoát” mang những nét của chủ nghĩa dân chủ độc đáo. Ngay đến vị thần linh cao nhất là Đức Phật cũng rất gần gũi với mọi người: Mỗi người đều có thể trở thành Phật khi chịu khổ luyện để đạt tới chân lí. Đạo Phật lên án bạo lực nên nó đã tìm được sự đồng cảm trong trái tim của tất cả những ai đã từng là đối tượng của bạo lực. Nhưng nguyên tắc không dùng bạo lực để chống lại điều ác đã tước mất vũ khí của con người, làm mất đi niềm hi vọng thay đổi thế giới của họ;

6. Cuối cùng, lòng yêu chuộng hoà bình của nhiều tín đồ Phật giáo có thể đóng một vai trò nhất định trong cuộc đấu tranh chống nguy cơ của một cuộc chiến tranh huỷ diệt mới trên thế giới hiện nay. Nhưng con đường dẫn tới hoà bình, theo quan niệm của đạo Phật, chủ yếu thông qua việc “tự trau giồi” đạo đức bên trong của cá nhân. Điều này được coi là sự vượt qua mọi tình cảm và ham muốn trần tục. Nhưng trong những điều kiện của thế giới ngày nay đòi hỏi phải có những quan điểm thực tế hơn.

Cuốn sách thứ hai chúng tôi muốn giới thiệu là “Phật giáo và vai trò của nó trong đời sống xã hội của các nước Châu Á” của Cornev V.I. được xuất bản năm 1983. Trước khi cuốn sách nói trên ra mắt bạn đọc, Cornev V.I. đã viết bài “Phật giáo” đăng trên Tạp chí “Những vấn đề lịch sử” số 12 năm 1970 và số 1 năm 1971. Cũng trên tạp chí này số 6 năm 1981, ông đã viết tiếp bài “Bàn về nghiên cứu Phật giáo”. Dựa vào một khối lượng tư liệu thực tế rất lớn của các nước Phật giáo ở Nam Á, Đông Á và Đông Nam Á, Cornev V.I. đã đi sâu phân tích những nguyên nhân hình thành và phát triển của Phật giáo, vạch ra những đặc điểm của vũ trụ học Phật giáo, của các tông phái Phật giáo khác nhau như Theravada, Đại thừa, Amida, Phật giáo Thiền tông, Phật giáo Lạt Ma, Phật giáo Nitiren,v.v… Cuốn sách đề cập nhiều tới vai trò xã hội, chính trị – tư tưởng của Phật giáo trong đời sống xã hội của các nước Châu Á thời hiện đại, đồng thời nêu lên tình hình tôn giáo ở các nước Nam Á và Đông Nam Á trong những năm 70 của thế kỉ XX. Tác giả đã dành một phần để nói về vai trò của Phật giáo Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Chúng tôi sẽ nói thêm về vấn đề này trong phần sau. Do còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về Phật giáo trong giới Phật học nên cũng như Cotretov A.N., ngay từ đầu Cornev V.I. đã nêu rõ quan điểm của mình về Phật giáo. Tác giả khẳng định, Phật giáo là một hệ thống tôn giáo bởi vì vai trò xã hội, chính trị – tư tưởng của Phật giáo ở các nước Châu Á trực tiếp hay gián tiếp được tạo ra bởi những định đề về thế giới quan của nó.

Phật giáo là một tôn giáo và cũng là một học thuyết. Nó là một hiện tượng cực kì phức tạp bởi tính thích nghi cao của nó với những truyền thống và tín ngưỡng địa phương (xem tr.8-9).

Tác giả đã phê phán những quan điểm của các nhà Phật học ngoài mác xít về Phật giáo. Một mặt, họ không xem xét Phật giáo như một hình thức tôn giáo và không đề cập tới bản chất tôn giáo của Phật giáo. Mặt khác, họ chỉ tập trung đề cập tới một số khía cạnh mang nội dung triết học của Phật giáo, tới tính khoa học của một vài luận điểm trong giáo lí của Phật giáo và coi nó là một học thuyết triết học. Những vấn đề của Phật giáo được tác giả nêu ra trong cuốn sách của mình là những vấn đề còn ít được đề cập tới hoặc là những vấn đề còn đang tranh luận, chưa có sự nhất trí trong giới Phật học. Khi phân tích các vấn đề này, tác giả đã cố minh hoạ bằng những tư liệu cụ thể của các nước Phật giáo ở Châu Á. Tác giả đã phân tích khá sâu khía cạnh khu vực của Phật giáo, về ba loại biến thể của Phật giáo như: Phật giáo được hình thành trên truyền thống TẠNG – ẤN; Phật giáo được hình thành trên cơ sở của nền văn hoá Ấn Độ; Phật giáo được hình thành dưới ảnh hưởng của nền văn hoá Trung Quốc. Cũng như Cotretov A.N., Cornev V.I. đã đề cập tới vấn đề hiện đại hoá Phật giáo mà điển hình là ở Nhật Bản hiện nay. Tác giả đã phân tích nguyên nhân thắng lợi của cái gọi là “những tôn giáo mới” kiểu Soka-Gakai ở Nhật Bản. Phần lớn các nhà Nhật học ở Nga đều có chung một nhận xét rằng, cái gọi là “tôn giáo mới” có tính chất quần chúng rộng rãi được nhiều người tin theo là do sự đơn giản hoá cách giải thích những giáo lí và lễ nghi tôn giáo của nó. Nội dung của “những tôn giáo mới” này có liên quan mật thiết tới những nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Nó hứa hẹn sẽ giải thoát con người ở ngay trên trái đất này, chứ không phải ở thế giới bên kia; ở ngay trong cuộc sống trần gian của con người, chứ không phải trong một tương lai xa xôi mù mịt (xem tr. 110).

Cornev V.I. cũng xem xét tới các vai trò chính trị – xã hội khác nhau của Phật giáo ở các nước khác nhau. Sự khác nhau đó được thể hiện rõ nét giữa các nước Khổng giáo phát triển và các nước thuộc nền văn hoá Ấn Độ. Ở một số nước này, Phật giáo đóng vai trò thứ yếu, ở một số nước khác nó lại đóng vai trò chủ yếu, phụ thuộc vào cơ cấu chính trị – xã hội, vào trình độ phát triển kinh tế – xã hội của từng xã hội cụ thể. Tác giả cho rằng, vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội ở các nước châu Á chỉ có thể được nghiên cứu một cách đầy đủ sau khi đã giải quyết xong vấn đề lí luận chung về sự tương quan giữa truyền thống tôn giáo và tiến bộ.

Về vai trò của Phật giáo trong phong trào giải phóng dân tộc, Cornev V.I. đã chia thành ba giai đoạn. Theo tác giả, điều này cho phép ta nghiên cứu một cách cụ thể hơn vai trò của các tư tưởng tôn giáo trong phong trào giải phóng dân tộc, vạch ra những đặc điểm của việc sử dụng Phật giáo vào cuộc đấu tranh chính trị – tư tưởng của từng nước riêng biệt.

Giai đoạn I: Phật giáo được sử dụng như một biểu tượng thống nhất dân tộc trong cuộc đấu tranh vũ trang, cũng như các biện pháp công khai khác vì độc lập dân tộc. Hoạt động chính trị của giới tu sĩ Phật giáo được các tín đồ của nó coi là những hoạt động yêu nước và góp phần củng cố tinh thần tôn giáo.

Giai đoạn II: Đó là mối quan hệ với Phật giáo sau khi đã giành được một phần độc lập chính trị. Trong giai đoạn này, Phật giáo đã bị phân hóa. Một số nhóm, nhất là những nhóm tham gia vào chính quyền đã dần dần xa rời những khẩu hiệu tôn giáo, các lực lượng đối lập thì tích cực tranh thủ sự ủng hộ của Phật tử.

Giai đoạn III: Đó là cuộc đấu tranh giành chính quyền và những đặc quyền kinh tế giữa các phe nhóm khác nhau: tư sản, quân phiệt quan liêu, cấp tiến cánh tả. Đây là giai đoạn khơi dậy tinh thần dân tộc chủ nghĩa và kết quả là chủ nghĩa dân tộc đã trở thành nhân tố quyết định, trong đó tôn giáo là một bộ phận cấu thành của chủ nghĩa dân tộc. Vai trò của tôn giáo tăng lên. Chủ nghĩa dân tộc trong giai đoạn này bị dao động mạnh về mặt chính trị, từ khuynh hướng chống đế quốc liên minh với các lực lượng tiến bộ đã chuyển sang chủ nghĩa chống cộng điên cuồng, tiến tới việc tăng cường các thế lực phản động.

Đối với Phật giáo, Cornev V.I. không chỉ xem xét khía cạnh tôn giáo của nó, nhưng ngay trong phần đầu tác giả đã nhấn mạnh: Phật giáo là một hệ thống tôn giáo. Sau khi phân tích giáo lí của Phật giáo và vai trò của nó trong đời sống các nước Phật giáo ở châu Á, tác giả đã đưa ra một quan điểm quan trọng khác: Nếu xem xét học thuyết này theo một hệ thống các quan điểm, thì Phật giáo là một hệ thống logic khép kín, trong đó chứa đựng triết học của chủ nghĩa duy tâm khách quan. 

Cuối cùng, chúng tôi xin giải quyết nốt một nhiệm vụ nữa đã được đặt ra khi viết bài này: Các nhà khoa học Liên bang Nga nói chung và các nhà Việt Nam học Liên bang Nga nói riêng viết gì về Phật giáo Việt Nam? Theo ý kiến của chúng tôi, qua số tư liệu nắm được, phải nói ngay rằng, các nhà khoa học Nga chưa có những công trình nghiên cứu một cách tương đối hoàn chỉnh về Phật giáo Việt Nam như họ đã có những công trình nghiên cứu về Phật giáo ở các nước châu Á khác. Rải rác trong các công trình nghiên cứu của họ, chúng tôi cố gắng tìm hiểu xem Phật giáo Việt Nam đã được các tác giả Nga đề cập tới những khía cạnh nào và ở mức độ nào. Theo cách nhìn nhận của chúng tôi, vấn đề chủ yếu của Phật giáo Việt Nam đã được đề cập tới trong sách báo khoa học của Liên bang Nga là vai trò của Phật giáo trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc từ thời cổ đại cho đến những năm 70 của thế kỉ XX. Trong lịch sử cổ đại, các nhà khoa học Liên bang Nga đã quan tâm nhiều tới vai trò của Phật giáo trong việc hình thành hệ tư tưởng ở Việt Nam, trong cuộc đấu tranh nhằm bảo tồn nền văn hoá dân tộc chống lại sự đồng hoá của phong kiến Trung Quốc, xác lập vị trí của Phật giáo trong hệ tư tưởng Tam giáo ở Việt Nam là Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo. Trong cuốn “Việt Nam cổ đại” của tiến sĩ sử học Pôzơne P.V., một chuyên gia nghiên cứu về lịch sử cổ đại Việt Nam của Viện Phương Đông thuộc viện Hàn lâm Khoa học Nga, được Nhà xuất bản “Khoa học” Moskva xuất bản năm 1980 có một số luận điểm về Phật giáo Việt Nam, theo chúng tôi, cần chú ý tới: Thứ nhất, khi tìm hiểu về sự phát triển chính trị, văn hoá, tư tưởng Việt Nam, Pôzơne P.V. đã biết đi sâu khai thác các vấn đề của Phật giáo Việt Nam để chứng minh rằng, sự phát triển này khác hẳn với sự phát triển của Trung Quốc. Theo ông, từ thế kỉ XV, ở Việt Nam, Tân Khổng giáo đã chiếm vị trí thống trị, nhưng trong mọi trường hợp không thể đồng nhất nó với Tân Khổng giáo ở Trung Quốc, bởi vì ở Việt Nam nó được kết hợp có chọn lọc với những tinh hoa của Phật giáo. Thứ hai, khi nói tới sự phát triển của Phật giáo Việt Nam, ông đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của nó trong việc hình thành hệ tư tưởng của dân tộc Việt Nam trong lịch sử. Thứ ba, khi nói tới con đường bảo tồn truyền thống biên soạn lịch sử Việt Nam thời cổ đại, vai trò của Phật giáo Việt Nam cũng được đặt vào một vị trí xứng đáng. Phật giáo vào Việt Nam đã kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống dân tộc Việt Nam, tạo ra sức mạnh để bảo tồn dân tộc, bảo vệ nền văn hoá dân tộc, làm cho phong kiến Trung Quốc không thể thực hiện được âm mưu đồng hoá dân tộc Việt Nam trong suốt mười thế kỉ đô hộ của chúng. Điều đó là một trong những nguyên nhân để giải thích tại sao ngay sau khi giành được độc lập dân tộc, nền văn hoá của dân tộc Việt Nam lại tiếp tục phát triển mạnh mẽ và hệ tư tưởng chính thống của nhà nước Việt Nam độc lập từ thế kỉ X không phải là Nho giáo mà là Phật giáo và kéo dài tới tận thế kỉ XIII.

Cũng trong năm 1980, tại Liên bang Nga, cuốn “Việt sử lược” của Việt Nam đã được dịch và in bằng tiếng Nga. Thực chất, đây không phải chỉ là một cuốn sách dịch bình thường, mà còn là một công trình nghiên cứu khoa học của Pôliacốv A. P., một nhà Việt Nam học thuộc thế hệ mới của Liên bang Nga lúc đó nghiên cứu về lịch sử cổ đại Việt Nam. Điều mà chúng tôi quan tâm trong cuốn sách này là phần viết của tác giả về “Những quan điểm tôn giáo – triết học của các tác giả “Việt sử lược”. Theo quan điểm của Pôliacốv A.P., khi tìm hiểu xã hội Trung cổ thì tôn giáo là một đối tượng nghiên cứu quan trọng. Khi đánh giá vị trí của Phật giáo trong lịch sử Việt Nam, tác giả nhận xét rằng, mặc dù Phật giáo trước đây là một tôn giáo nước ngoài, song đối với Việt Nam, nó vẫn có được một sự phát triển rộng hơn so với ở Trung Quốc. Nhưng địa vị thống trị của Phật giáo trong quan hệ đối với các tôn giáo không thường xuyên ổn định. Trong từng thời kì khác nhau của lịch sử đất nước, địa vị của nó hoặc tăng lên, hoặc giảm xuống. Tác giả đồng ý với quan điểm của các nhà khoa học Việt Nam cho rằng, trong thời kì từ thế kỉ XI đến thế kỉ XII, Phật giáo đã chiếm vị trí thống trị. Mặt khác, Pôliacốv A.P. phê phán quan điểm của các nhà Việt Nam học người Pháp khi họ tuyệt đối hoá vị trí của Tam giáo trong toàn bộ các giai đoạn của lịch sử Việt Nam. Trong đó, vị trí của Phật giáo Việt Nam đã bị họ xếp xuống hàng thứ hai, thấp hơn vị trí thực tế của nó trong những giai đoạn cụ thể của lịch sử.

Một trong những bài nghiên cứu tương đối đầy đủ về phong trào Phật giáo ở miền Nam Việt Nam là: “Vai trò chính trị của giới tu sĩ Phật giáo ở Miền Nam Việt Nam” của Melic-Gaicađốva N.N. đăng trong cuốn “Tôn giáo và tư tưởng xã hội của các nước Phương Đông”, Moskva năm 1974. Dựa vào nguồn tư liệu trong các công trình nghiên cứu của các tác giả Việt Nam như Trần Văn Giàu, Cao Huy Thuần, Lê Thành Khôi, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Văn Chiến, Trần Văn Giáp, Trần Văn Toàn và sử dụng một số nguồn tư liệu nước ngoài khác, tác giả đã dựng lại lịch sử phong trào Phật giáo ở miền Nam Việt Nam từ đầu những năm 20 đến đầu những năm 70 thế kỉ XX, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và các chính quyền tay sai của chúng từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu. Một số luận điểm của tác giả đưa ra trong bài này, theo chúng tôi, cần nhắc tới: Thứ nhất, sự tăng cường vai trò chính trị của giới tu sĩ Phật giáo ở miền Nam Việt Nam là một bộ phận trong quá trình chung của sự phát triển chính trị ở các nước Phật giáo sau Chiến tranh Thế giới II. Thứ hai, địa vị của Phật giáo ở miền Nam Việt Nam không giống như địa vị của Phật giáo ở các nước Nam Á và Đông Nam Á khác như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Sri Lanca. Thứ ba, sự tăng dần vai trò chính trị của giới tu sĩ Phật giáo miền Nam Việt Nam xảy ra từng bước, theo từng giai đoạn trong mối quan hệ mật thiết với những chuyển biến quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Thứ tư, trong suốt quá trình lịch sử Việt Nam, giới tu sĩ Phật giáo luôn giữ được vị trí vững chắc trong nhân dân. Phật giáo ở Việt Nam đã trở thành tôn giáo chủ yếu của những tầng lớp bị áp bức trong xã hội, nghĩa là của đại bộ phận dân chúng.

Về vai trò của Phật giáo Việt Nam trong đời sống xã hội của đất nước cũng được đề cập nhiều trong các cuốn sách “Phật giáo” của Côtretốv A.N. và “Phật giáo và vai trò của nó trong đời sống xã hội của các nước châu Á” của Côrnev V.I. mà chúng tôi đã nêu ở phần trên. Chúng tôi xin điểm qua một số nét trong các chương của cuốn sách mà Cornev V.I. đã dành nhiều thời gian đề cập tới các khía cạnh khác nhau của Phật giáo Việt Nam trong mối quan hệ với các vấn đề đã nêu ra và trong bối cảnh chung của Phật giáo ở các nước châu Á. Đó là các chương: “Phật giáo ngày nay”, “Phật giáo và chính trị”, “Phật giáo và tư tưởng”. Tác giả giới hạn việc xem xét vấn đề Phật giáo Việt Nam trong các giai đoạn của cuộc đấu tranh giành độc lập từ đầu thế kỉ XX đến năm 1975 khi miền Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng. Côrnev V.I. cũng chỉ tập trung nói về vai trò của Phật giáo ở miền Nam Việt Nam trong các giai đoạn này. Khi đánh giá về vai trò của Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn hiện đại, tác giả nhận xét rằng, trong đời sống tư tưởng và chính trị – xã hội của đất nước, vai trò Phật giáo ở miền Bắc và miền Nam có khác nhau. Ở miền Nam, Phật giáo đã tỏ rõ mình một cách tích cực hơn. Các nhà tư tưởng tư sản trong chính sách tuyên truyền chống chủ nghĩa xã hội đã cố chứng minh hiện tượng này để đi tới kết luận rằng, trong chế độ xã hội chủ nghĩa, tôn giáo đã bị đàn áp bằng bạo lực và vì thế, nó không còn tính tích cực trong đời sống xã hội như trong chế độ của họ. Nhưng nếu xuất phát từ quan điểm khoa học thực sự thì việc tôn giáo trong chế độ xã hội chủ nghĩa ngày một mất dần đi vai trò tích cực của nó sẽ được giải thích một cách rất đơn giản. Khác với nhà nước tư sản, nhà nước xã hội chủ nghĩa đã đảm nhiệm nhiều chức năng xã hội trong đời sống xã hội và nếu như những chức năng này được thực hiện một cách có hiệu quả thì lúc đó, dù muốn hay không muốn, tôn giáo cũng phải thoả mãn với những chức năng đặc thù của mình trong lĩnh vực tinh thần, mà những chức năng này lại trở nên không cần thiết trong thế giới quan duy vật. Côrnev V.I. cho rằng, tính thụ động chính trị của Phật giáo miền Bắc, ở một mức độ nào đó, đã khẳng định việc Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lúc bấy giờ thực hiện một cách có hiệu quả những chức năng xã hội của mình. Đồng thời, tác giả cũng nêu lên rằng, ở miền Nam Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và các chế độ tay sai của chúng, đặc biệt là chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, Phật giáo đã tỏ rõ tính tích cực chính trị của mình. Tác giả dành nhiều thời gian để nói về cuộc đấu tranh của đồng bào Phật tử ở miền Nam Việt Nam và nêu lên vị trí của Phật giáo trong phong trào giải phóng dân tộc, đồng thời cũng vạch ra những mâu thuẫn và sự chia rẽ của phong trào Phật giáo trong giai đoạn có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, từ năm 1968 đến năm 1975. Một mặt, Cornev V.I. đánh giá cao tinh thần yêu nước của giới tu sĩ Phật giáo và đồng bào Phật tử trong phong trào giải phóng dân tộc; mặt khác, ông nêu ra nhận xét cho rằng, những phong trào chính trị như thế của Phật giáo, mặc dù có nội dung yêu nước và xu hướng chống đế quốc, nhưng vẫn mang tính chất của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Thủ lĩnh của các phong trào này quan tâm trước hết vào sự ổn định tình hình chính trị, mà sự ổn định đó, theo suy nghĩ của một số người bảo thủ, là khởi điểm để trở lại “thời hoàng kim” của quá khứ. Còn những người có xu hướng chính trị tiến bộ thì thừa nhận sự cần thiết phải đạt được tiến bộ xã hội và coi vai trò đặc biệt của Phật giáo là một bộ phận không thể tách rời của bất kì quá trình phát triển nào. Trong cuốn sách của mình, Cornev V.I. cũng dành một phần nhỏ để nói về đạo Cao đài và Phật giáo Hoà Hảo ở miền Nam Việt Nam. Bởi vì, theo quan điểm của tác giả, hai tôn giáo này ít nhiều chịu sự ảnh hưởng của Phật giáo.

Ngoài một số cuốn sách, bài báo đã nêu ở trên, trong các bài viết khác của các tác giả Nga, dù nhiều hay ít cũng có đề cập tới vai trò của Phật giáo trong đời sống xã hội Việt Nam, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Qua những điều vừa nêu trên đây, chúng tôi xin tạm đưa ra một nhận xét khái quát rằng: Vấn đề Phật giáo đã được các nhà khoa học Liên bang Nga rất quan tâm và triển khai nghiên cứu một cách có hệ thống, toàn diện và sâu sắc. Họ có thái độ đúng mức và nghiêm túc về mặt khoa học đối với các vấn đề của Phật giáo. Những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực nghiên cứu này đã góp phần đáng kể vào cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc và ngăn chặn xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo, một nhiệm vụ hết sức cấp bách hiện nay của cả loài người tiến bộ./.

 

(*) Ban Tôn giáo Chính phủ 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here