Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Từ chuyện "Anti" thần đồng Đỗ Nhật Nam đến chuyện "Anti" danh...

Từ chuyện "Anti" thần đồng Đỗ Nhật Nam đến chuyện "Anti" danh hài Văn Hiệp

90
0

(LQ) Sau thần đồng Nhật Nam, sau danh hài Văn Hiệp sẽ là một “danh” nào nữa đây? Điều này ta chưa thể biết được. Nhưng có một sự thật mà ai ai cũng phải thừa nhận đó là sự ganh ghét, đố kỵ, oán thù thường khó quên luôn luôn là bản chất của con người.

Về câu chuyện của cậu bé Nhật Nam tôi không lấy đó làm buồn cho em mà tôi lấy đó làm vui cho em. Bởi “mâu thuẫn là động lực cho sư phát triển”, và sự chê bai hay bài xích chính là “thượng duyên” để em tự hoàn thiện mình hơn trong giai đoạn tuổi tiếp theo. Có câu“ngọc bất trác bất thành” nên hiền tài cần phải được tôi luyện qua gió lửa, tuyết sương đó cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng câu chuyện về danh hài Văn Hiệp thì tôi thực sự thấy buồn. Tôi buồn không phải vì tôi xót thương cho danh hài Văn Hiệp (bởi trong tôi khi nào Bác cũng là một danh hài thân thiện và mến kính dù người ta có nói gì đi chăng nữa), mà tôi buồn là buồn cho cái vô minh của những người đã lập và ủng hộ cái trang fanpage anti (“ném đá”) Bác khi mà Bác vừa nằm xuống xuất thần đi an nghỉ ở thế giới bên kia.

Tôi chưa biết bạn là ai, xuất thân trong một gia đình như thế nào, cũng chưa biết bạn hiện đang làm gì, và cũng chưa biết trong quá khứ bạn và bác Văn Hiệp có hiềm khích gì với nhau nhưng tôi biết chắc chắn một điều rằng bạn đang có một lối sống không lành mạnh.

Bởi vì sao? Thứ nhất, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của một người vừa mới khuất bóng đó là điều không nên, dù bạn có vin vào bất cứ lí do gì đi chăng nữa; thứ hai, từ chuyện bài xích danh hài Văn Hiệp bạn chuyển sang bài xích toàn thể nhân dân miền bắc (dân Bắc Kỳ như bạn nói), đó lại càng là điều không nên.

Toàn thể nhân dân trong cả nước đang chung tay tăng cường củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố nền hòa bình thì bạn lại đi tiêm kích cái tư tưởng chia rẽ vùng miền. Nếu chiếu theo Pháp luật Việt Nam hiện hành thì bạn hoàn toàn có thể bị khởi kiện và bị truy tố bởi hai tội danh:

– Thứ nhất là tội xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác (Theo khoản 1 điều 121 BLHS: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm);

– Thứ hai là tôi phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc (Theo điểm a, điểm b, khoản 1 điều 87 BLHS: Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm: Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với lực luợng vũ trang, với chính quyền nhân dân, với các tổ chức xã hội; Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam)

Có câu châm ngôn: “Lời chưa nói ra ta làm chủ nó. Lời nói ra rồi nó làm chủ ta”, tôi hi vọng rằng bạn nên nhìn nhận lại chính mình, và nên cẩn trọng hơn trong cách phát ngôn. Tôi kính mến bác Văn Hiệp, tôi là người miền bắc nhưng tôi không miệt thị bạn và tôi cũng thường rất quý mến con người và nếp sống của nhân dân miền nam. Bởi với tôi đã là con người thì ai ai cũng đáng thương và đáng kính như nhau cả, cho dù người đó là con của ai, là ai, làm gì, sinh sống ở đâu, mang sắc tộc gì.

Đạo Phật có câu: “Tội từ tâm buộc. Tội từ tâm cởi”, có tội hay không có tội cũng đều từ tâm mình mà ra. Nên muốn sửa tội thì không gì hay bằng cách sửa từ chính tâm mình. Tâm mình luôn luôn chứa thù hận; tâm mình luôn luôn ganh ghét, tị hiềm; tâm mình luôn luôn nóng giận, gian tham thì tội đi theo mình như bóng với hình. Tâm mình bình thản, tâm mình thanh trong, tâm mình yêu thích trí tuệ, yêu thích lối sống từ bi và luôn luôn mến kính hòa bình thì chẳng có tội nào đi theo mình cả.

Nói tới đây tôi lại nhớ đến một câu chuyện của ông tôi: Hồi tôi còn nhỏ, có một lần sau khi đi dự đám tang về, ông tôi cùng một số người bạn của ông ngồi nói chuyện cùng nhau, trong cuộc nói chuyện ai ai cũng tỏ lòng xót thương đối với người quá cố, riêng có một ông lớn tiếng: xót thương cái mẽ gì, nó là thằng theo tây, là thằng phản động, người như nó thì có cái gì mà phải xót thương, ngay lập tức ông tôi bịt miệng ông ấy lại và nói: Chuyện này không được nói ở đây, và cũng không nên nói nữa, bởi dẫu gì ông ấy cũng qua đời rồi, và thế hệ con cháu chúng ta mới là quan trọng, ông có thể nói điều đó với tôi nhưng ông không thể nói điều đó với con cháu ông cũng như con cháu tôi được.

Đó là một bài học mà tôi nhớ mãi: Hãy nhìn nhận lỗi mình và hãy khoan dung lỗi người. Xây dựng một lối sống hạnh phúc trong hiện tại hay hơn và quan trọng hơn là ôm giữ những hận thù, những điều không vui trong quá khứ.

T.T.M

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here