Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ TT Huế: Tưởng niệm 39 năm Hòa thượng Thích Tịnh Khiết viên...

TT Huế: Tưởng niệm 39 năm Hòa thượng Thích Tịnh Khiết viên tịch

97
0

Đến đảnh lễ dâng hương có Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Phương, thành viên HĐCM, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban Trị Sự GHPG tỉnh Thừa Thiên Huế cùng Chư tôn Hòa thượng Thường Trực Ban Trị Sự, Chư tôn Hòa thượng, Chư Thượng Tọa, Đại đức Tăng Ni, Trú trì các Tổ đình, Tự viện, Tịnh Xá, Tịnh Thất, Niệm Phật đường tại Huế và Thành phố Đà Nẳng, Quảng Trị cùng đến đãnh lễ dâng hương tưởng niệm:

Hòa thượng Thích Tịnh Khiết (1891-1973) thế danh là Nguyễn Văn Kỉnh, sinh ngày 17 tháng 11 năm Tân Mão (nhằm ngày 17.12.1891) tại làng Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Năm 15 tuổi (Bính Ngọ,1906) Hòa thượng xuất gia với Hòa thượng Thanh Thái Phước Chỉ (1858-1921), trú trì chùa Tường Vân; Năm 19 tuổi (Canh Tuất,1910) Hòa thượng được đặc cách thọ Tỳ kheo Bồ tát giới tại giới đàn chùa Phước Lâm ở Hội An, tỉnh Quảng Nam với pháp danh là Trừng Thông, pháp tự là Chơn Thường. Năm Canh Thân, 1920 Hòa thượng đắc pháp, được Bổn sư ban pháp hiệu là Tịnh Khiết và năm Quý Dậu, 1933 Hòa thượng lên đảm nhận chức vị trú trì chùa Tường Vân.

Năm Mậu Dần, 1938 sau khi xây dựng xong chùa Hội Quán Từ Đàm, An Nam Phật học hội cung thỉnh Hòa thượng kiêm nhiệm trú trì và chứng minh Đạo sư cho Hội.

Năm Canh Thìn, 1940 Sơn môn Tăng già Thừa Thiên cung thỉnh Hòa thượng làm Giám đốc Đạo hạnh cho Viện Cao đẳng Phật học tại chùa Bảo Quốc. 

Đầu năm Tân Mão, 1951, Hòa thượng chứng minh và chủ tọa Hội nghị thành lập Giáo hội Tăng già Trung Việt tại chùa Linh Quang, Huế.

Năm Kỷ Hợi,1959 Đại hội kỳ III của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam họp tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn, Chư tôn đức Hội nghị cung thỉnh Hòa thượng đảm nhận ngôi vị Hội chủ.

Những năm sau đó, những cuộc đàn áp, khủng bố liên tiếp xảy ra, nặng nề nhất là ở các tỉnh thuộc Trung nguyên và Cao nguyên Trung Phần ngày càng nghiêm trọng, vào ngày 02.02.1962 (ngày 06.01 năm Nhâm Dần), Hòa thượng đã ký văn thư gởi Ngô Đình Diệm và Quốc hội Việt Nam Cộng hòa, với khuyến cáo “Tôi muốn tránh cho lịch sử dân tộc một chấm đen, đồng thời muốn ngăn ngừa một tai họa cho quốc gia, khi mà hàng Phật tử thấy cần bảo vệ đúng mức tôn giáo của mình!”

Thế nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm đã không chịu lắng nghe, và tiếp tục khủng bố, đàn áp lại càng diễn ra khốc liệt hơn. Vì thế, cuộc đấu tranh của Phật giáo mùa Hè năm Quý Mão, 1963 đã bùng phát mạnh mẽ.

Trên cương vị lãnh đạo tối cao, bằng trí tuệ, tài năng và đức độ cao thâm của một bậc Tăng già 72 tuổi, Hòa thượng đã dấn thân không mỏi mệt để dẫn dắt cho phong trào, vẫn luôn đồng cam cộng khổ cùng chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử để lèo lái cho phong trào đến ngày thành tựu.

Đầu năm Giáp Thìn, 1964, Hội nghị của 11 Giáo phái và Hội đoàn Phật giáo tại  Sài Gòn, Hòa thượng cung cử lên ngôi vị Đệ nhất Tăng Thống GHPGVNTN.

Hòa thượng viên tịch vào lúc 20 giờ, 45 phút ngày 23 tháng Giêng năm Quý Sửu (ngày 25.02.1973), trụ thế 82 tuổi đời và 63 tuổi đạo .

Hôm nay, Tăng chúng Tổ đình Tường Vân, Huế và chư tôn đức Tăng Ni thành kính đảnh lễ tưởng niệm 39 năm ngày Hòa thượng viên tịch cũng là tưởng niệm công hạnh tu tập và hoằng dương Phật pháp của Hòa thượng đã nhiếp phục được nội ma, ngoại chướng và vô cùng sáng suốt để lèo lái con thuyền Giáo hội đến một thời kỳ hưng thịnh, đóng góp xứng đáng công sức vào trang lịch sử vàng son của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại…

Đức đệ nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết

HT. Thích Đức Phương niêm hương tưởng niệm

Chư tôn đức cử hành lễ tưởng niệm

Đông đảo Phật tử cung kính đảnh lễ tưởng niệm

T.P 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here