Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Truyền thống an cư nội tự thanh tịnh và an lạc

Truyền thống an cư nội tự thanh tịnh và an lạc

152
0

Tuy nhiên, năm nào Giáo hội cũng có những sự chỉ đạo mới để phù hợp với nhu cầu tu học và tham gia Phật sự của Tăng, Ni. Năm nay cũng vậy, Giáo hội đã có những sự chỉ đạo rất sát sao nhằm thắt chặt hơn nữa sự quản lý Tăng, Ni đăng ký an cư, hạn chế sự đi lại không cần thiết để Tăng, Ni chuyên tâm hơn nữa việc tu hành, tụng kinh niệm Phật theo tinh thần như pháp tu hành, trau giồi giới hạnh, tăng trưởng nội lực.

Tại các cơ sở của Giáo hội như các Trung tâm từ thiện, Trung tâm văn hoá, Học viện, trường Trung cấp Phật học…các ban Điều hành đã có những chương trình và thời khoá cụ thể nhằm tạo thuận duyên cho Tăng, Ni vừa tham gia công tác, học hành vừa không ảnh hưởng đến chương trình tu học, tùng hạ tại tự viện. Đồng thời chư tôn đức đã ra lời kêu gọi hàng cư sĩ Phật tử trong 3 tháng an cư kiết hạ của chư Tăng nên hạn chế tối đa việc thỉnh mời chư Tăng về tại tư gia để phục vụ tín ngưỡng mà nên đưa đến các chùa có Tăng, Ni an cư cùng với sự tu hành thanh tịnh cùng tụng kinh niệm Phật  với chư Tăng để cầu nguyện thì lợi ích sẽ tăng thêm mà cùng với Tăng Ni tạo ra một mùa an cư đúng pháp và có lợi lạc nhất.

Truyền thống an cư nội viện của Tăng, Ni Thừa Thiên Huế có như thế mới phát huy hết những nét đẹp và có sự ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm linh của người dân. Như chúng ta đã biết, ở Huế, mật độ chùa có Tăng, Ni an cư kiết hạ phân bố rất đều trên các địa bàn, nhất là tại thành phố Huế, trong ba tháng an cư, chư Tăng, Ni có truyền thống tụng kinh niệm Phật và tu học đều đặn trong suốt thời gian bắt đầu từ 3giờ30 sáng đến 10giờ tối. Nên trong 3 tháng hạ, mỗi khi chúng ta đi đến bất kỳ con phố nào cũng nghe vang vọng những lời tụng kinh Pháp Hoa, kinh Địa Tạng, những âm thanh xướng tụng danh hiệu Phật trong thời khóa lạy "vạn Phật" giao hưởng với tiếng chuông chùa cứ vang vọng vang vọng ra xa mãi tận hư không…Những lời xướng tụng cứ vang vọng đều đặn ảnh hưởng lớn đối với đời sống tâm linh của người dân Huế và khách thập phương đến Huế. Nhiều du khách từ các nơi khác đến hành hương, viếng cảnh chùa Huế trong mùa an cư cũng đã phát nguyện ở lại thêm một hai ngày để được cùng Tăng, Ni nội tự tụng kinh lạy Phật và được cùng chư Tăng dùng bữa chay trong không khí thanh tịnh của chốn thiền môn xứ Huế.

Năm nay toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có số lượng Tăng đăng ký an cư tại Ban Tăng sự là 283 Tỳ kheo, 223 Sa di tập sự trên 68 trú xứ và chư Ni là 354 Tỳ kheo Ni, 109 Thức xoa ma na và 82 Sa di Ni tập sự. Có chùa thì có số lượng Tăng, Ni đăng ký an cư lên đến vài chục vị nhưng cũng có chùa thì chỉ mổ hai vị nhưng hầu hết đều thể hiện một tinh thần an cư thanh tịnh và như pháp, và đặc biệt hơn nữa là bám sát tinh thần chỉ đạo an cư của Ban Tăng sự và Ban Trị sự đã đề ra. Do đó, năm nay đến chùa nào cũng thấy đời sống tu hành của Tăng, Ni rất hoà hợp và thiền vị. Chương trình (thời khoá an cư) của các chùa được niêm yết khép kín từ 3giờ 30 sáng thỉnh chuông U minh, công phu khuya, chấp tác, điểm tâm, tụng kinh, tu học cho đến 10giờ 30 tối chấm dứt nhật khoá bằng hô canh ngồi thiền trước khi đi ngủ… 

Huế trong mùa an cư thật là thanh tịnh và nhẹ nhàng, đằm thắm. Trên những nẻo đường từng đoàn cư sĩ Phật tử trong các Đạo tràng, Đòan, Chúng với những chiếc áo tràng lam thắm thiết mang theo những phẩm vật hướng đến những ngôi chùa để dâng lên cúng dường chư Tăng trong ba tháng an cư kiết hạ với niềm hân hoan khó tả.

Cứ như thế cùng với đời sống tu hành thiền vị của chư Tăng, Ni đang diễn ra thầm lặng trong những ngôi chùa Huế rợp bóng cây xanh thì trên những nẻo đường, từng đoàn cư sĩ Phật tử cũng thầm lặng tâm tâm niệm niệm phục hạ tốt nhất, làm cho cả bầu trời Cố đô Huế trong những tháng ngày mùa Hạ đượm một nét thiền phong thắm tình đạo vị, và dường như cái nắng khô cháy của mùa hạ xứ Huế do đó cũng nhẹ nhàng và mát dịu hơn rất nhiều.

Đạo tràng Pháp Hoa chùa Từ Đàm cúng dường chư Tăng an cư tại chùa Hải Đức

N.N

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here