Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Trước cái chết của 3 nữ sinh lớp 7: Có ai...

Trước cái chết của 3 nữ sinh lớp 7: Có ai hiểu nỗi lòng con trẻ?

92
0

Điều đáng quan tâm ở đây là các cháu còn quá nhỏ, học hành rất giỏi, ngoan hiền, hơn thế nữa là lễ phép và biết giúp đỡ gia đình. Không có gì hạnh phúc hơn khi trong nhà có được một người con như thế, đây cũng là điều mong mỏi của các bậc phụ huynh. Thế mà…, cuộc đời này đáng thương tâm thế nào mà các em lại muốn tìm một thế giới khác đẹp hơn?

Trong bản tin có ghi lại hình ảnh một số tờ nhật kí và nhiều bức thư để trong cặp của các học sinh viết cho nhau với nguyện vọng được chết cùng nhau. Sau cái chết của các em, lời kể của các gia đình đều hối tiếc đau buồn, cả nhà trường và giáo viên trường, lớp của các em buồn thương; xã hội và cộng đồng ngạc nhiên đều đáng tiếc…

Nhưng có ai hiểu được nỗi lòng con trẻ? Nhà trường, giáo dục học đường, gia đình, và cả tôn giáo cũng có vẻ im lặng, mặc dù nhà chức trách đang còn tiếp tục điều tra, nhưng nhìn lại chúng ta đều là người có lỗi với tuổi trẻ. Chúng ta có thể đặt nhiều câu hỏi, một câu hỏi mà người viết thiết tha nhất đó là tại sao chúng ta không giáo dục và hướng dẫn các em được sống cùng nhau?

Dĩ nhiên, giáo dục học đường và xã hội đều có dạy về vấn đề này bằng hình thức sinh hoạt tập thể, đoàn kết thương yêu nhau, đạo đức và cộng sinh, nhưng người lớn xung quanh thì quả thật quá ích kỉ hẹp hòi, cạnh tranh đồng nghiệp khốc liệt, lạm dụng quyền hạn, mưu cầu vật chất địa vị, sa sút phẩm chất đạo đức khiến chúng ta quên các khẩu hiệu mà chúng ta đưa ra, đó là sống thương yêu và đùm bọc lẫn nhau. Kết quả, trẻ thơ ai cũng biết như tờ giấy trắng, sau khi nhìn thấy người lớn với hành vi và suy nghĩ trái với lương tri, tờ giấy trắng trở nên khô rúm, thế rồi có nguyện vọng “được chết cùng nhau”.

Trong thực tế, ai cũng muốn sống và người muốn quyên mình là người muốn sống nhất, người hi sinh vì tổ quốc là người khát khao tự do và sự sống không chỉ cho riêng mình mà còn cho mọi người. Chúng ta đừng vì mục đích cá nhân mà quên hẳn mọi người, chúng ta đừng để tham sân si thiêu đốt không những chúng ta mà còn ảnh hưởng cả thế hệ trẻ thơ, không những kiếp này mà cả những kiếp khác.

Những dòng tâm sự trong cuốn nhật ký của em Hạnh đang được gia đình giữ – Ảnh: Đức Lập

Sự việc đã xảy ra, chúng ta đừng chỉ tay sang người khác, chính người lớn chúng ta phải chịu hết trách nhiệm đối với thế hệ trẻ thơ. Giáo lí Phật giáo chỉ rõ, không có một nguyên nhân tồn tại độc lập (chúa) mà nhiều nguyên nhân tạo thành (nhân duyên). Người lớn quá sa đà với hảo danh, bệnh thành tích, lợi dưỡng vật chất, muốn con cháu ngoan giỏi nhưng bản thân thì mưu toan hẹp hòi, suy tính chỉ biết lợi mình, bất chấp luân thường kỉ cương, đạo đức giả, như vậy không những ảnh hưởng đến bản thân, cộng đồng mà còn làm cho tuổi trẻ mất phương hướng. Hậu quả như chúng ta đã thấy, học sinh ngoan hiền, học giỏi, biết vâng lời, biết giúp đỡ gia đình, nhưng lại kết cục bi thương, là điều không thể chấp nhận mà chính chúng ta lại phải cúi đầu chấp nhận.

Nếu người lớn hiểu biết, giáo dục nền tảng đạo đức vững chắt, biết đâu là sự thật và đạo đức chân chánh cần truy cầu và tô bồi, đâu là huyễn ảo phi nghĩa phải lánh xa. Sự việc trên là một hồi chuông cảnh báo cho mọi người và cả tôn giáo. Khi niềm tin bị lệch lạc là lúc tôn giáo, vai trò giáo dục ti liệt, băng giải, nền móng đạo đức suy thoái, văn hóa tốt đẹp bị phai mờ, phủ lấp trên đó là tà đạo dụ dỗ, vờ vỉnh…

Sớm hơn thì không thể, muộn hơn thì càng không được, ngay từ bây giờ, sau hồi chuông cảnh báo, người lớn chúng ta phải biết hồi đầu cảnh tỉnh, lo vun bồi đạo đức, văn hóa truyền thống và nền tảng giáo dục căn bản, tránh tình trạng giống với clip “Giáo dục và sức khỏe – Đường Tam tạng thỉnh bao cao su” vừa vô giáo dục lại vừa không đem lại sức khỏe vì tổn thọ, mà tuổi trẻ không biết người lớn đang làm cái gì thế.

Đối với tôn giáo thì vai trò giáo dục của Phật giáo là một thách thức rất lớn, đòi hỏi người tu sĩ phải tự vấn chính mình; chúng ta đứng trên hàng loạt nguyên tắc đạo đức, tuyên truyền vô số bài học nhân quả, xã hội và nhân loại đang cần sự góp mặt của những người mang sứ mệnh thiêng liêng cứu đời, làm cho đời có niềm an lạc, nhưng trước thực trạng nầy, trước hồi chuông báo động nầy (mà theo chúng tôi rất dễ dẫn đến một tác động tiêu cực trong giới trẻ) chúng ta cần phải làm gì để giới trẻ hiểu giá trị đích thực thân mạng và ý nghĩa tích cực từ cuộc sống thực tại…

Một trong ba học sinh còn để lại dòng nhật kí “sắp đến ngày chia tay cuộc đời. Mình sẽ có một thế giới thiên đường mới.” Dĩ nhiên một học sinh lớp 7 chưa thể nào hiểu nổi cái gọi là “thế giới thiên đường mới” sau cái chết. Đối với Phật giáo, người chưa thoát khỏi Lục Đạo (địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, nhân, a-tula, thiên) thì nghĩa “thiên đường” cũng chỉ nằm ở trong vòng luân hồi này. Nhưng theo nghĩa thông thường chữ “thiên đường” là nơi tốt đẹp hơn, như chúng ta đến một danh lam thắng cảnh đẹp, trù phú, bình yên thì chúng ta cũng có thể gọi đây là “thiên đường”. Với dòng nhật kí của em học sinh trên, chúng ta có thể hiểu được em có rất nhiều niềm tin về sự sống tốt đẹp, con người tốt đẹp, suy nghĩ tốt đẹp và việc làm tốt đẹp; em rất muốn học hành, muốn sống và muốn mọi người cư xử với nhau tốt đẹp và đầy niềm tin. Người lớn chúng ta có tạo cho thế hệ trẻ thơ, thế hệ rường cột của đất nước có cơ hội như ước muốn của em hay không?

Đối với Phật giáo, việc tự sát nghĩa là sát sanh; đối với sự việc đau thương đã xảy ra của 3 học sinh lớp 7 ở trên, người Phật tử chúng ta phải biết nói gì với hồi chuông cảnh báo này để tránh tình trạng suy nghĩ sai lệch và việc làm sai lệch của thế hệ trẻ của chúng ta, đồng thời chúng ta phải chịu trách nhiệm trước mọi lời nói, suy nghĩ và việc làm của mình. Cho thế hệ trẻ thơ một niềm tin đúng đắn.

(còn nữa)

Chúng tôi rất cần có sự chia sẻ từ phía quý độc giả qua phần phản hồi (comments)

Hoặc chia sẻ qua Email: [email protected]
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here