Trước Bụt, con thấy mình như một đứa trẻ, ngây thơ và hồn nhiên bên mẹ, vô lo và thành thật nhất. Con không cần phải gồng mình lên, không cần phải diễn những vai do mình viết kịch bản với chi chít những cảm xúc, tâm trạng, hỷ, nộ, ái, ố theo những đối tượng mà mình tiếp xúc. Bởi, con biết, con có làm gì thì qua đôi mắt của Bụt con cũng là đứa con bé nhỏ, còn đầy dẫy tham-sân-si cần phải được sửa đổi nhiều…
Trước Bụt, con cảm nhận mình được tĩnh lặng hơn, những lăng xăng vừa nhú lên đã được con nhận diện và thưa ngay với Ngài. Và, con nghe trong thinh không vô đối của thời khắc ấy là âm ba vi diệu của Ngài dành cho đứa con đang còn mê say nhiều thứ, rằng: “Tất cả chỉ là giả tạm, biến đổi không dừng trong từng sát-na, sanh sanh diệt diệt là một dòng mênh mông, nương tựa mà biểu hiện, cái này có thì cái kia có, cái này diệt thì cái kia diệt. Vạn vật không thật tướng, chỉ có sự mê lầm của con làm cho nó có tướng, có hình rồi nắm giữ trong đau thương mà thôi…”.
Con bừng sáng khi ngồi trước Bụt. Con thấy con tiếp nối với tổ tiên của con trong vô cùng sanh diệt, con thấy đất, nước, gió, lửa trong con hòa hợp rồi tan hoại cũng vô chừng và liên tục… Nên, con thấy trong con có cát bụi và trong cát bụi cũng có con để rồi con thấy không ai chết đi và cũng không ai sinh ra cả, chỉ là một dòng chảy tiếp nối như nước trên biển rồi sẽ hóa thành mây bay, tuôn xuống và theo sông trở về lại biển…
Vì vậy, con nhớ tới lời của các bậc thánh rằng, hãy thảnh thơi trong sanh tử đó và thấy sự sanh tử đó để mà biết từ bỏ dần những điều khó bỏ lâu nay (danh, sắc, tài, thực, thùy), vì chẳng có chi là thực hết, nó cũng theo nhân-duyên mà biểu hiện, rồi lại cũng theo nhân duyên mà hết biểu hiện. Khi con cố nắm một cái gì đó mà nó không thực như vậy thì con đang “mộng”. Nghĩa là con sống bằng một thứ ảo giác mang tên hạnh phúc và khổ đau mà con cứ ngỡ là thật và chạy theo như người “bắt bóng”, mãi mãi chạy lòng vòng trong sáu đường sanh tử đó như đã từng từ vô thỉ kiếp…
L.Đ.L (Facebook)