Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Nơi tôi đã đến

Nơi tôi đã đến

92
0

“Nơi tôi đã đến” như một món quà lặng lẽ gửi đến yêu thương, cũng để chia sẻ với các bạn những cảm giác tuyệt vời của một chuyến đi xa về phía của bình yên. Nơi có biết bao nhiêu kỷ niệm trong sáng: Vương quốc Campuchia, với Angkor Wat bí ẩn, Angkor Thom vĩ đại và nụ cười vĩnh hằng Bayon luôn là nơi tìm về lý tưởng cho những người yêu thích sự trầm mặc như tôi.

Sau một chuyến đi bằng ô tô không ngắn, không dài, tôi và những người đồng hành xa lạ đến Phnompenh. Sau bữa cơm trưa khá ấn tượng với những món ăn lạ lẫm, nhận phòng và tắm rửa xong, tôi tách đoàn đi lang thang một mình đến những nơi chốn vừa xa lạ, lại vừa thân thuộc. 

Suốt một buổi chiều một mình loanh quanh gặm nhấm những ký ức đẹp đẽ và những kiến trúc tinh xảo của Hoàng cung, Chùa Vàng, Chùa Bạc… tôi quay về nhập bọn với những người bạn mới quen, dạo bước bên bờ Mekông thơ mộng lúc hoàng hôn. Buổi tối Pnompenh yên ả đến lạ kỳ. Thoảng chút gió từ một ngày xưa chưa cũ ùa về, mơn man một vùng ký ức đẹp lung linh…

Theo chân mọi người, tôi vào Casino Naga – một trong những nơi vui chơi được đầu tư khá bài bản. Không biết chơi bất cứ một món cờ bạc nào, tôi tạt qua khu giải trí 3D.

 Hoàng cung tráng lệ

 Chú bé Camphuchia đáng yêu vô cùng 

Sau một buổi tối mệt nhoài với những trò vui nghịch ngợm dễ thương, tôi về ru giấc ngủ ngoan trong một cảm giác nhẹ nhàng kỳ lạ. 

Khi thức giấc, mặt trời đã rạng rỡ đón một ngày đẹp đẽ với những bí ẩn lung linh trước mắt. Tranh thủ ăn bữa sáng nhẹ, uống vội tách cà phê, chúng tôi lên đường đi về phía của những giá trị vĩnh hằng: Siem Riep và Angkor hùng vĩ.

Nhiều người khi chưa đến Angkor đều cho rằng Angkor chỉ là một ngôi đền – và đó là Angkor Wat. Sự nhầm lẫn này thực ra cũng rất dễ hiểu vì Angkor Wat là công trình tôn giáo bằng đá lớn nhất thế giới, đã có quá nhiều phim ảnh, sách báo nói, viết về ngôi đền này và là địa danh mà tất cả du khách không thể bỏ qua khi tới Angkor. Có thể nói, nếu bạn chưa đến Angkor thì coi như bạn chưa đến xứ sở Chùa Tháp.

 Angkor là một quần thể kiến trúc đồ sộ và đa dạng chiếm diện tích 200km2, nằm ở vùng tây bắc Vương quốc Cam-pu-chia, cách Phnompenh khoảng ba giờ xe chạy.

Những ngôi đền với vẻ huy hoàng tráng lệ và tuyệt mỹ của thế giới cổ xưa này đã khiến những du khách hôm nay phải kinh ngạc và hoảng sợ. Cảm xúc của chúng ta khi được chiêm ngưỡng Angkor đã vượt xa cả sự kinh ngạc. Những hình khối, đường nét của Angkor trong cái quần thể hùng vĩ những tượng đền đài tháp bản thân nó đã trở thành một triết lý về một tiểu vũ trụ. Triết lý này hẳn là không phải bất cứ ai cũng nhận ra được, nhưng cái rõ nét nhất là vẻ đẹp rực rỡ của những ngôi đền đã chạm tới tâm tưởng của tất cả mọi người. Ý tưởng xây dựng một kinh đô – qua mối liên hệ chặt chẽ giữa quyền lực và thần thánh, biểu tượng hoá của đỉnh đền hình kim tự tháp Meru – là tâm điểm của vũ trụ thể hiện rất rõ ở mọi ngôi đền của Angkor. 

 Hình chạm khắc hoa sen trên trần

Sự tài hoa trong trình độ điêu khắc của những người thợ xưa đã đạt tới mức trác tuyệt, những dáng hình phụ nữ và nam giới được thể hiện rất mềm mại, sống động và có chút gì đó sự bí ẩn, gợi cho người ta cả cảm giác gần gũi lẫn sự kính ngưỡng đối với vũ trụ, quá khứ và hiện tại.

 Nàng đã bị sàm sỡ

 

 Thần Shiva

Mỗi người khi đến với một chuyến đi đều có những mục đích khác nhau và những cảm nhận khác nhau về những nơi mình đến. Với tôi, Angkor là đến với sự vĩnh hằng của cảm xúc.Trong tiếng Khmer cổ, Angkor có nghĩa là Thành phố; Wat có nghĩa là đền chùa. Theo giới thiệu của anh chàng hướng dẫn viên vui tính và nhiệt tình, tên gọi Angkor Wat có từ thế kỷ 16 khi nơi này trở thành một trong những biểu tượng của Phật giáo Tiểu thừa (Theravada). Sau khi Phnompenh trở thành thủ đô, Angkor Wat được các vị tăng sư trông coi đến tận ngày nay. Lịch sử ghi lại, thời gian để xây dựng hoàn chỉnh quần thể Angkor Wat kéo dài trong vòng khoảng trên dưới 30 năm. 

 Sư tử và rắn thần Naga – những kẻ canh giữ cho sự thiêng liêng của ngôi đền

Ngôi đền thần thánh Angkor Wat có diện tích khoảng 210 hecta được xác định ranh giới bởi bức tường bao quanh dài hơn 5km và ngăn cách bởi con mương rất rộng, phải gần 200m là ít. Con đường vĩ đại băng ngang qua con mương dẫn tới lối vào chính được lát bằng những tảng sa thạch khổng lồ dài 250m và rộng 12m. Với những con số ấn tượng như thế, thật dễ hiểu vì sao một số người tin rằng chính thần linh chứ không phải là con người đã tạo dựng nên Angkor Wat.

Hơn 100 năm trước, nhà thám hiểm Frank Vincent đã bày tỏ cảm xúc trong nhật ký hành trình của mình: “Ngôi đền kỳ quan hiển hiện ra với vẻ đẹp siêu phàm lãng mạn rất ấn tượng và vĩ đại… đáng đến để chiêm ngưỡng và ca tụng”.

Nếu đến thăm Angkor Wat theo lối cổng phía tây, ta sẽ thấy toàn cảnh Angkor với 5 ngôi tháp hiện ra trước mắt với chiều cao dài ngắn khác nhau. Tháp ở giữa (cao nhất) tượng trưng cho quyền lực và sức mạnh, các tháp còn lại như những nấc thang dẫn tới đỉnh Meru trong thần thoại. 

 Những hành lang dọc ngang dài hun hút cuốn bước chân ta

Nếu rẽ phải từ lối chính phía Tây, chúng ta sẽ bắt gặp những hàng cột thấp có khắc hình rắn thần Naga và những bức phù điêu tuyệt đẹp lấy cảm hứng từ thiên sử thi Ấn Độ – Ramayana và cuộc đời của Krishna. 

Còn đây là hình ảnh Rama giết chết Marica để cứu nàng Sita, trận quyết đấu giữa hai anh em Valin và Vua Khỉ Hanuman tranh giành Vương quốc Loài Khỉ.

Hành lang phía Nam là những phù điêu lớn diễn tả trận chiến giữa những người Khmer cổ với kẻ thù. Trên những bức phù điêu này, các chiến binh Khmer được chạm trổ rất oai hùng với những chiếc mũ kỳ lạ nhìn giống chiếc sừng dê. Tiếp đến là phù điêu mô tả ngày phán xử với những hình ảnh thiên đường và những hình phạt nơi địa ngục, bên cạnh là các nàng apsara và chim đại bàng. Hành lang phía Đông là câu chuyện về cuộc chiến giữa thần linh và ma quỷ tạo ra rượu thần bất tử, tiếp đó là những bia chữ cổ không rõ nội dung…

Nói chung là những hình cham khắc trên các phù điêu rất đẹp, nhưng tôi không quan tâm lắm đến nội dung, cũng chỉ đi lướt qua nên không có nhiều thời gian để tìm hiểu.

 Quấn quýt không rời

 

Có tới hàng nghìn hình chạm nổi các nàng vũ nữ Apsara trong khu vực này, các nàng tiên bằng đá mỉm cười hàng nghìn năm nay và đến tận bây giờ vẫn còn nguyên sự say sưa với những vũ điệu thần tiên.

Vũ điệu của những huyền sử

 Sự sống và hy vọng luôn có chỗ của mình trong những phế tích tưởng đã hoang tàn

Dù không phải lần đầu đến đây, tôi vẫn mê mẩn với cái không khí trầm mặc, u tịch của ngôi đền chứa đầy huyền thoại này. Đôi chân dù rất mỏi cứ bước quanh, mắt không rời khỏi những đường nét chạm khắc uyển chuyển, sống động của những bức phù điêu đá bí ẩn. Đến tận khi đã bước ra con đường chính bằng sa thạch, đứng ngắm toàn cảnh ngôi đền vĩ đại tôi vẫn vô cùng thán phục trước những sự hùng tráng, tinh tế mà hòa hợp đến kỳ lạ của những kỳ quan trong quần thể ngôi đền. Nhất là dáng vẻ sống động đến ngỡ ngàng của những nàng apsara xinh đẹp. Có đến cả ngàn nàng apsara  như vậy ở khu vực Angkor, một con số đáng kinh ngạc. Phần lớn các nàng ngự tại những khu vực kín gió kín mưa, nên vẫn giữ nguyên sắc thái xinh đẹp mê mẩn lòng người. Một số nàng bị rêu phong nhưng những dấu ấn thời gian đó lại càng tăng phần quyến rũ kỳ ảo của những điều bí ẩn trong các điệu múa cổ xưa.

Sau gần hai tiếng lòng vòng quanh Angkor Wat, chúng tôi lên đường đến Angkor Thon. 

Trong khi Angkor Wat đem lại ấn tượng về sự sắp đặt hoàn mỹ đến từng chi tiết, thì Angkor Thom lại làm cho người ta sững sờ về sự hùng tráng trong bức màn huyền bí của sức mạnh siêu nhiên.

Angkor Thom có nghĩa là Thành phố vĩ đại, được bao quanh bằng tường đá và kênh đào dài 3km mỗi cạnh, là kinh đô cuối cùng của Đế chế Angkor. Sau khi Vua Jayavarman đoạt lại được thủ đô từ tay người Chàm, ông ta tiến hành công cuộc xây dựng vĩ đại suốt triều đại ông ta trị vì, nhằm biến Angkor Thom trở thành thủ đô mới. Có 5 lối vào thành phố, chỉ bốn phương và cổng khải hoàn dẫn thẳng tới Cung điện nằm chính giữa Angkor Thom. 

 Những pho tượng đá 4 mặt

 Tượng thần Asura

Angkor Thom là hình ảnh của một tiểu vũ trụ, đền Bayon là cây cầu biểu tượng sự gặp gỡ giữa trời và đất. Bức tường dài 3km mỗi cạnh bao quanh Angkor Thom tượng trưng dải núi đá bao quanh vũ trụ và bao quanh đỉnh núi thiêng Meru, con kênh cạnh bức tường đá gợi cho ta ý tưởng về đại dương vũ trụ. Các tượng đá ôm giữ thân rắn Naga và các tượng khắc họa hình voi trắng ba đầu ở mỗi gopura kể lại sự tích Biển Sữa. Con đường dài dẫn tới mỗi cổng là hình ảnh cầu vồng nối liền thế giới của thần thánh và của con người.

 Đền Prasat Suor Prat 

 Bức tường voi với hình khắc những con voi xinh đẹp trải dài trên tường

 Nụ cười Bayon

Khung cửa lãng mạn

Bên những tàn phai

 

 Và những hốc đá để thầm thì những lời yêu thương…

 Đây là 12 ngôi tháp nhỏ mà theo truyền thuyết là nơi đặt 12 cô gái đồng trinh để tế thần

Angkor Thom có nghĩa là Thành phố vĩ đại, được bao quanh bằng tường đá và kênh đào dài 3km mỗi cạnh. Đây là kinh đô cuối cùng của Đế chế Angkor. Có 5 lối vào thành phố, chỉ bốn phương và cổng khải hoàn dẫn thẳng tới Cung điện nằm chính giữa. Trên đỉnh của mỗi cổng vào là bốn khuôn mặt khổng lồ tạc vào đá mắt khép hờ nhìn ra bốn hướng. Hai bên đường là hai hàng tượng đá tạc thần linh và ác quỷ, làm nên tổng số 108 nhân vật thần thoại canh gác cho cổng thành. Các thần linh và ác quỷ đều nắm giữ thân rắn thần Naga trên gối họ, thân rắn cùng đoàn tượng đá kéo suốt chiều dài con đường đến gopuras. Nơi bắt đầu của con đường, tượng Naga toả thành 9 đầu xoè ra như hình nan quạt.

Đền Bayon là sự kết tinh kỳ diệu của nền điêu khắc và phong cách kiến trúc cổ điển của người Khmer. Những gương mặt bằng đá có nét gì đó vừa trầm mặc, siêu thoát, vừa thông tuệ, quyết đoán của Đức Phật. Có cả những bức phù điêu kể lại cảnh sinh hoạt thường nhật của dân chúng cực kỳ sống động, cảnh hành hương, mua bán, hình ảnh những người phụ nữ đang sinh con, cảnh chọi gà, đánh cá… Hệ thống các phù điêu ở tầng thấp nhất còn mô tả trận chiến giữa người Chàm và người Khmer, khắc hoạ chi tiết trang phục của các vị tướng lĩnh, của quân lính hai bên, của nhà vua Khmer. Hành lang phía tây và phía bắc là phù điêu kể lại các truyền thuyết của đạo Hindu với hình ảnh các thần Vishnu, Shiva, Brahma cùng với hình ảnh các nàng apsara bay lượn. Hơn 200 gương mặt khổng lồ với nét môi mềm mại uốn cong, những cặp mắt khép hờ khiến bất kỳ ai cũng phải suy đoán ý nghĩ của tượng đá.

Tôi quay cuồng giữa các nét mặt đầy biểu cảm. Bayon tựa như một áng thơ huyền diệu làm ngây ngất lòng người.

Rời khỏi những nụ cười bí ẩn của Bayon, những bước chân vô định đưa tối đến với Ta Prohm – Ngôi đền khuất sâu trong rừng thẳm. Những gì còn lại của ngôi đền phần lớn là đổ nát hoang tàn, nhưng ai đã tới đó tận mắt nhìn đống đổ nát ấy, vẫn luyến tiếc muốn quay lại như có ma lực thôi khiến, và rất nhiều người đã quay lại, trong đó có tôi.

Những hành lang không còn mái che tối mờ dài hẹp đan xen cắt nhau tạo thành trăm ngả, những rễ cây khổng lồ ngoằn ngoèo bò dọc các bức tường đá, xuyên thủng mái vòm, vắt vẻo trên các tháp, những thân sung, đa và cây bông gạo cổ thụ vươn tán bao phủ khu đền tạo cho Ta Prohm một vẻ đẹp vừa hoang sơ vừa kỳ bí.

Ngôi đền mang phong vị cổ tích này chính là nơi được chọn làm bối cảnh chính cho bộ phim Tomb Raider do Angelina Jolie thủ vai chính.

Rời Ta Prohm, chúng ta sẽ đến với Banteya Srei – ngôi đền được người Khmer gọi là ” Thánh địa của nữ giới”. Đúng như tên gọi, ở đây lại có một vẻ đẹp khác hẳn. Chất liệu xây dựng chính là sa thạch đỏ, với những đường nét chạm trổ trên đá vô cùng tinh xảo, Banteya Srei quả đúng là mang vẻ uyển chuyển, mềm mại của người phụ nữ, vừa bí ẩn, vừa dịu dàng, không giống như những ngôi đền kích thước to lớn rêu phong mà chúng ta vừa tham quan phía trên.

Màu sa thạch đỏ mang một vẻ ấm áp, và sắc màu ấy càng bừng lên dưới ánh nắng chiều. Tôi mê say chiêm ngưỡng từng chi tiết, đường lượn trên các phù điêu, và tôi mạo muội đặt tên cho ngôi đền này là ” Thông điệp của thiên sứ”. Có cảm giác như không phải là bàn tay của phàm trần tạo nên công trình kiến trúc và điêu khắc tuyệt vời này; có cảm giác như sứ giả của thượng đế khắc tạo nên ngôi đền gửi gắm thông điệp cho con người. Có một cái gì đó trong những bức tiểu bích hoạ với đường nét chạm trổ thanh tú khiến cho Banteya Srei cỏ vẻ đẹp thần tiên, nửa hư nửa thực. Lắng lòng lại, người ta sẽ thấy những giấc mơ cổ tích của mình hiển hiện trên nền đá cứng mà lại mềm mại vô cùng…

Thế là đã hết một ngày ở xứ sở của những hồi ức. Chúng tôi quay về khách sạn để chuẩn bị cho một cuộc dạo chơi khác. Biển Hồ.

Biển Hồ không có gì đặc sắc đến ấn tượng như Angkor, nhưng ngồi thuyền nghe gió mát và ngắm hoàng hôn cũng là một trải nghiệm nên có.

Đêm xuống, Siem Reap dịu lại sau cơn mưa nhỏ vừa đủ để làm lòng người chùng xuống. Tôi ăn quấy quá mấy miếng, dù thức ăn khá ngon, rời khỏi bữa tiệc có các vũ công trình diễn vũ điệu Apsara ở sảnh lớn khách sạn. 

 Vũ điệu Apsara 

 Le Grand Cafe – Siem Reap

Nhờ anh hướng dẫn viên gọi giúp một chiếc xe Tuktuk, tôi tìm đến quán cà phê quen thuộc đã một lần cùng anh đến, ngồi ngắm phố mưa.

Gọi một cốc kem cho mình và một cốc cà phê cho anh, tôi nhẩn nha nghĩ lại những điều thì thầm của mình ban chiều và khe khẽ mỉm cười. Kem ở đây ngon kỳ lạ, nghe bảo là được chế biến theo đúng kiểu Pháp bằng những nguyên liệu tươi nguyên của miền nhiệt đới này. 

Hồi tưởng lại những cảm xúc vừa kinh ngạc, vừa ngọt ngào, vừa diễm lệ khi đắm mình trong cái không khí u trầm của những phế tích, tôi thấy lòng mình dường như nhẹ lại. Những nỗi buồn vẫn phảng phất đâu đó trong mắt môi những pho tượng cổ, những kỷ niệm đẹp đẽ đã rêu phong trên những dấu tích xưa, nhưng niềm vui và hy vọng đã ùa về trong điệu múa apsara tươi mát vĩnh hằng. 

Nếu bạn đang buồn, hãy đến với Angkor. Và để các giác quan của mình mê đi trong nhiều cung bậc của xúc cảm; những xúc cảm về một điều gì đó kỳ vĩ, thiêng liêng sẽ làm lòng bạn dịu lại, nhẹ đi…

Nếu bạn đang rảnh rỗi, hãy đến với Angkor để chiêm ngưỡng khả năng sáng tạo, óc thẩm mỹ và bàn tay tài hoa của con người và để được sống với một kỳ quan thế giới.

Nếu bạn đang vui, cũng hãy đến với Angkor. Để trải giấc mơ của mình lên những gì bạn được thấy trên đỉnh núi, trên những tháp gạch và những đền đài còn lại sững sừng trên nền trời đang dần tím sẫm trong hoàng hôn. Và bạn sẽ thấy những con đường dưới chân mình thật đáng vượt qua. Biết đâu vẫn còn những hoàng tử, những công chúa đang say ngủ chờ bạn đánh thức?

Tôi đã đến với Angkor và sẽ quay lại đó với người tôi yêu. Không phải vì tôi thích sự đổ nát mà thích cái cảm giác dẫm lên sự đổ nát để cảm nhận được sự bất tử của những giá trị vĩnh hằng.

Sự sống và hy vọng luôn có chỗ của mình trong những phế tích tưởng đã hoang tàn.

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here