Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo thế giới Trên đất Phật, hồi sinh đại học Nalanda

Trên đất Phật, hồi sinh đại học Nalanda

125
0

Theo Tổng Lãnh Sự Noro Motoyasu thì thiện chí của chính phủ Nhật Bản trong việc tài trợ vốn đầu tư cho việc phục hồi Đại học quốc tế Nalanda cũng là để thắt chặt tình hữu nghị giao lưu văn hoá giữa Nhật Bản và Bang Bihar, thánh địa của Phật giáo ở quốc gia Viễn Đông có nền văn hoá lâu đời nhất của nhân loại.



“Nhân dân Nhật rất quan tâm và trân quý mối bang giao văn hoá tốt đẹp với Bihar vì đó là vùng đất của đức Phật và của đạo Phật” ông Noro Motoyasu nói.


Chính phủ Nhật Bản sớm đã cho biết sẽ đầu tư 4.5 tỷ Rupees (tương đương 100 triệu Đô la Mỹ) để trang trãi cho công trình tái thiết đại học quốc tế Nalanda


Triết gia, chuyên gia kinh tế Amartya Sen, người đạt giải Nobel Kinh tế 1998 được bầu làm trưởng ban dự án cho việc trùng tu, dự kiến buổi họp đầu tiên bàn về những vấn đề then chốt của dự án sẽ được tổ chức tại Singapore vào tháng 7 tới.


Công trình tái thiết sẽ được phân bổ thành nhiều hạng mục và nhiều giai đoạn, dự kiến trong giai đoạn đầu, một tổ hợp 4 trường với 46 phân khoa ngoại ngữ và trên 400 chuyên ngành học thuật Ấn Độ sẽ được thành lập trên cấu trúc tổng thể của Nalanda cổ đại.


Chương trình giảng dạy tại Đại học QT Nalanda gồm những chuyên ngành như Khoa học, Triết học và Thần học cùng nhiều bộ môn quan trọng khác. Một học giả quốc tế lỗi lạc sẽ được đề cử cho vị trí Viện Chủ của Nalanda.


Ý tưởng trùng tu Đại học danh giá của nền minh triết Phương Đông được nhen lên từ những năm cuối thập niên 90 nhưng phải đến đầu năm 2006, với sáng kiến của ngài TT Ấn Độ A.P.J. Abdul Kalam’s, thì mô hình Đại học Nalanda mới được hình thành và dự án tái thiết mới được khởi động để biến giất mơ âm thầm bấy lâu trở thành hiện thực sống động của hôm nay.


Được biết chính phủ Nhật cũng sẽ giúp Bihar phát triển một hệ thống cơ sở hạ tầng khép kín nhằm làm cho Thánh địa của Phật giáo xứng tầm với những tiêu chuẩn quốc tế về hạ tầng chẳng hạn như hệ thống cầu đường và khách sạn. Trong cuộc gặp với Thống đốc bang Bihar Nitish Kumar, ông Motoyasu đã đề nghị xây dựng một cao tốc bốn làn xe dài 320km hướng về vùng đất Phật, phục vụ nhu cầu hành hương của tín đồ Phật giáo trên khắp thế giới.




Việt Nam Phật Quốc Tự, biểu tượng Phật giáo VN tại Bồ Đề Đạo Tràng. Ảnh: thuvienhoasen


Ông cho rằng vùng đất Phật sẽ bao gồm những thánh địa mà đã đi vào trong lòng người từ hơn hai ngàn năm qua, trở thành nguồn huyết quản lưu châu trong tim gan của những người con Phật đó là Bodh Gaya (Bồ đề Đạo tràng nơi Thái tử Siddhartha chứng quả vô thượng chánh giác và cũng là nơi ngày nay Thượng toạ Huyền Diệu đã thành lập Việt Nam Phật Quốc Tự, một thánh tích là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam), Nalanda (Đại học Phật giáo đầu tiên của nhân loại) , Rajgrih (Thành Vương Xá, cách Nalanda 15 km, trong đó có đỉnh Gridhrakuta -Linh Thứu-nơi đức Phật tuyên thuyết kinh Pháp Hoa. Ngoài ra, thuở còn tại thế nơi thành Vương Xá này đức Như Lai đã cảm hoá vua Bình Xa -Bimbisara) và Vaishali (hay Vesali một thị tứ tuyệt đẹp nơi mà trước khi ra đi, đức Phật đứng trên đồi cao nhìn Tỳ Xá Lỵ và nói ra lời giả biệt đầy xúc động thầm kín trước khi về Kusinagara – Câu Thi Na nhập niết bàn “Ôi Vaisali, đây là lần cuối cùng ta nhìn con!”, Vesali cũng được biết đến là nơi kiết tập kinh điển làn thứ hai và nơi bà Gotami xin xuất gia, thành lập ni đoàn đầu tiên trong một giáo hội bình đẳng nhất hành tinh). Sự hội tụ của bốn vùng đất Phật này sẽ là một con đường hành hương không những của tín đồ Phật giáo thế giới trong nguồn nội sinh tìm về nguồn huyết quản luân châu trong ánh sáng quang minh bất tận của các vị tiền nhân mà còn là một điểm đến đầy hứng khởi của du khách trong trí tò mò tìm đến với ánh sáng minh triết soi sáng rạng ngời nền văn minh vùng Viễn Đông nói riêng và của nhân loại nói chung trong suốt hơn 2500 qua.




Rajgrih (Vương Xá), ngày nay nằm trong quần thể thánh địa Phật giáo, một điểm đến của ngành du lịch Ấn Độ. Ảnh:bstdc


Tổng vốn đầu tư tái thiết công trình đại học Nalanda sẽ được tài trợ bởi Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (the Japan Bank of International Corporation), năm ngoái, Ngân hàng đã đồng ý trên nguyên tắc cho chính phủ Bihar vay khoản tín dụng 14 tỹ Rupee dành cho công cuộc phát triển hạ tầng Patna-Thủ phủ của bang Bihar bao gồm các hạng mục nâng cấp hệ thống cấp và thoát nước, thiết lập hệ thống xử lý rát thải…Năm nay, Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản cũng đồng ý cho vay khoản tín dụng để xây dựng hệ thống ba đường cao tốc hướng đến các vùng đất thánh của đạo Phật với lãi suất ưu đãi.


Ngày nay Nalanda thuộc địa phận bang Bihar cách thủ phủ Patna 55 dặm về phía Đông-Nam và chỉ còn là nền gạch đổ nát do quân Hồi giáo Thổ Nhỉ Kỳ phá huỹ vào thế kỷ thứ 12. Cách đây gần 1.500 năm – năm 625 sau công nguyên – vào thời gian Phật giáo đang hưng thịnh tại Ấn Độ, ngài Huyền Trang sang tận đây trong hành trình Tây Du thỉnh kinh, chiêm bái và nghiên cứu đạo học. Những gì ông tìm tòi và nghe thấy được ghi chép lại trong cuốn Đại Đường Tây Quốc Ký nổi tiếng của ông. Trước đó gần 100 năm cũng có một nhà sư Trung Quốc khác sang đây, đó là sư Pháp Hiển. Cũng như ngài Huyền Trang, ông cũng tìm tòi nghiên cứu và để lại dấu vết của mình khắp các nơi mà đức Phật từng đi qua, đặc biệt tại Nalanda, Trường đại học Phật giáo đầu tiên trên thế giới ra đời cách đây trên 1.500 năm. Chương trình giảng dạy thời bấy giờ ngoài Phật pháp, còn có các môn: Thiên văn, Thần học, Luận lý, Y học… Theo tài liệu để lại, Trường đại học Nalanda được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 sau công nguyên vào thời vua Kumaragupta thứ nhất, thuộc triều đại Gupta thành lập trong thời đại hoàng kim của văn hóa Ấn Độ cổ đại. Trường có khoảng 2.000 giáo sư và 10.000 sinh viên, trong đó không chỉ của Ấn Độ mà còn là trung tâm giáo dục cho gần 93 quốc gia. Có 13 học viên của Trung Quốc và Triều Tiên đã từng học ở trường này, trong đó có hai thầy Pháp Hiển và Huyền Trang. Hai vị sư nổi tiếng ấy đã đến đây nghiên cứu, học tập và được ở lại giảng dạy một thời gian dài. Khi học và dạy ở đây thầy Huyền Trang có tên Ấn Độ là Mokshadeva. Những ghi chép của ngài về nơi này trong cuốn Đại Đường Tây Quốc Ký là một trong những sử liệu quan trọng về Đại học Nalanda đồng thời là xác nhận quan trọng sự lan tỏa và ảnh hưởng ra thế giới của nền văn minh cổ đại Ấn Độ.




Trên nền gạch đổ nát này, Nalanda ngày ấy sẽ được hồi sinh.



Vì vậy, việc chính phủ Nhật Bản tuyên bố tài trợ kinh phí để trùng tu Đại học Phật giáo Nalanda là một tín hiệu mừng cho Phật giáo thế giới, cầu nguyện Chư Phật, Chư Đại Bồ Tát và Chư vị Long Thần Hộ Pháp gia hộ để cho phật sự được hoàn mãn, trả Nalanda về với nguyên trạng một thời vàng son vang bóng của một trung tâm Phật học, một trường đại học Phật giáo danh giá và cổ nhất và uy tín nhất của nhân loại mà từ đó các tiêu chuẩn tâm linh và triết học cũng như thế giói quan và các ngành học thuật khác đã lấy làm điểm xuất phát trong hành trình tìm về và khai phá nguyên nghĩa uyên áo của tri kiến thượng thừa.


Để thành tựu Phật tâm và kết thúc bài viết này, chúng tôi kính mời quý đọc giả cùng đọc lại những dòng kệ sau trích trong Kinh Đại Bát – Niết Bàn nhằm noi gương các vị tiền nhân cũng như nhắc nhở hàng môn đệ sau này gắng công gắng sức trong việc trân quý và giữ gìn những giá trị tinh hoa văn hoá của nhân loại, mà đặc biệt, những giá trị đó là niềm tin là kim chỉ nam soi sáng cho hành giả trong hành trình tìm về cái chân ngã của mình.


– Này Ananda, có bốn Thánh tích kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Thế nào là bốn?


“Ðây là chỗ Như Lai đản sanh”. Này Ananda, đó là thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.


“Ðây là chỗ Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Giác”, này Ananda, đó là Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.


“Ðây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng”, này Ananda, đó là Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.


“Ðây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết-bàn”, này Ananda, đó là Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.


Này Ananda, đó là bốn Thánh tích, kẻ thiện tín cư sĩ cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Này Ananda, các thiện tín Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ sẽ đến với niềm suy tư: “Ðây là chỗ Như Lai đản sanh”, “Ðây là chỗ Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác”, “Ðây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng”, “Ðây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết-bàn”.


Này Ananda, những ai, trong khi chiêm bái những Thánh tích mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh cõi thiện thú, cảnh giới chư Thiên. — (Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn, Mahàparinibbàna sutta – Trường Bộ 16)




Hồ Công (Theo Indiaenews, thuvienhoasenI

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here