Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Trần Nhân Tông với tư tưởng Thân Dân

Trần Nhân Tông với tư tưởng Thân Dân

93
0

Qua ba lần đại thắng quân Nguyên Mông xâm lược, nhờ ý chí đoàn kết toàn dân, nhà Trần đã làm nên kỳ tích lịch sử có một không hai. Để khắc ghi thời đại vàng son ấy và khơi dậy tinh thần tự lực tự cường của dân tộc, cụ thể là chính sách “thân dân” mà Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã để lại, bài viết này góp phần phân tích, lý giải tư tưởng thân dân, ngõ hầu làm rõ cội nguồn sức mạnh văn hóa Đại Việt.

Trần Nhân Tông sinh ra trong bối cảnh nhà Trần đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Ngài đi vào lịch sử dân tộc và Phật pháp với tư cách là vị anh hùng trong cuộc đấu tranh chống giặc Nguyên, vị vua anh minh, bậc thiền sư lỗi lạc. Tư tưởng của Ngài chứa đựng những giá trị sống tốt đẹp, nhằm xây dựng con người Đại Việt hướng thiện trong đạo pháp và cuộc đời. Vì thế, với chủ trương thân dân, Trần Nhân Tông đã thiết lập nên sự hài hòa tư tưởng từ đời sống tinh thần cho đến mọi hình thức sinh hoạt trong xã hội.

Chủ trương thân dân mà Trần Nhân Tông đã trao truyền cho đời sau như một thông điệp quý giá, để nhắn gửi con cháu Lạc Hồng phải biết cách giữ gìn như gìn giữ hai con ngươi của đôi mắt mình vậy.

Thân dân là học thuyết được nâng lên thành chủ nghĩa nhân bản trị nước. Cốt tủy là khai sáng, khai mở trí tuệ và phát huy đạo lý, đức hạnh để làm cho đất nước thái bình thực sự. Sử thần Ngô Sĩ Liên đã từng nhận định: “cố kết lòng dân, sự nghiệp phục hưng làm vẻ vang đời trước, thực là vua hiền của nhà Trần.”(1)

Tài năng quân sự Đại Việt nổi bật với hình ảnh Trần Hưng Đạo, không những là vị tướng tư lệnh tài đức vào bậc nhất, mà còn là người đã để lại một di chúc chính trị – quân sự có giá trị trong mọi thời đại: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là kế thượng sách giữ nước” (2), kế sách đó phản ánh tinh thần bao dung và đặt quốc gia xã tắc trên hết. Chính những con người ấy đã thấm nhuần chánh pháp và minh triết dân chủ nước Việt thời Trần, từ đó xây dựng thành tư tưởng chủ đạo cho mạch nguồn tâm linh và trí tuệ, thăng hoa con người Việt vượt xa tầm vóc của nhân loại trong giai đoạn đó.

Cụ thể, Trần Nhân Tông sau chiến thắng quân Nguyên cùng vương triều Trần nhanh chóng đề ra các sách lược ổn định và phát triển đất nước. Đó là chính thức hóa việc sử dụng cách ghi chiếu chỉ cả bằng tiếng Hán và tiếng Việt, tạo cơ sở cho quảng đại quần chúng hiểu được chính sách triều đình. Trần Nhân Tông còn là người có tầm nhìn rộng mở trong quan hệ với phương Bắc và vua Chiêm. Sau này, khi đã xuất gia tu hành, với tư cách một du tăng, Ngài tới nước Chiêm nhằm tăng cường mối quan hệ giao hảo giữa hai nước. Nhờ ý định gả con gái cho Chế Mân mà Đại Việt đã mở rộng lãnh thổ thêm hai châu Ô và Rí mà không hề dùng đến chiến tranh đẫm máu.

Quả thật, Trần Nhân Tông là nhà lãnh đạo đất nước kiệt xuất. Dưới thời Ngài, dân chúng được hưởng thái bình, sau khi tự nhường ngôi lại cho con để xuất gia, Ngài vẫn giữ vai trò chính trị quan trọng. Về đạo pháp, Nhân Tông đã tu tập chứng ngộ, Ngài có công rất lớn trong sự nghiệp phát triển Phật giáo đời Trần như Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận viết: “Trần Nhân Tông đã quy tụ các dòng phái thiền thời trước về thành một tông phái Trúc Lâm.”

Trần Nhân Tông đã rút tỉa tư tưởng thân dân từ tinh thần trong kinh Hoa Nghiêm. Lòng từ trải rộng khắp thiên hạ dù ở sơn lâm cùng cốc, thôn cùng xóm vắng đìu hiu cô quả, hay chốn kinh kỳ trang lệ, quyền quý cao sang. Lòng từ hay tình thương trải rộng thấu tận chúng sanh muôn loài, thậm chí cả núi rừng, cỏ cây, hoa lá. Thân dân là làm cho dân vơi đi nỗi khổ cả tinh thần lẫn vật chất, làm đời sống dân chúng phú cường, làm dân trí mỗi ngày một cao, đó chính là thuật trị nước của Ngài vậy!

Thông qua hội nghị Bình Than và hội nghị Diên Hồng, ta thấy cả Trần Thánh Tông lẫn Trần Nhân Tông đều xem trọng ý kiến của các bô lão, đó là những điểm trong kế sách chống giặc ngoại xâm, để lại bài học quý giá cho đời sau về tinh thần đoàn kết dân tộc xuất phát từ lòng yêu nước nồng nàn của quân dân Đại Việt. Mặt khác, Ngài đã có cách đối đãi cao thượng với kẻ thù thua trận, khiến cho quân sĩ ta ngạc nhiên và quân giặc nghe tin phải quy ngưỡng đức vua nước Việt thông qua hành động Nhân Tông cởi hoàng bào phủ lên đầu của tướng giặc Toa Đô đã tử trận trong cuộc giao tranh với quân đội nước Nam và tha chết cho Ô Mã Nhi lần đầu. Đây chính là chí khí của sĩ phu.

Bên cạnh đó, việc Trần Nhân Tông quan tâm đến hình án xử oan sai, để tâm đến thân phận của người dân bình thường và giành cho họ sự bình đẳng trước pháp luật. Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi rõ: “Mùa Đông tháng mười năm Canh Thìn, được mùa to, lúa ruộng ở hương Trà Kiều thuộc Khoái lộ một, giò hai bông. Em Đỗ Khắc Chung là Đỗ Thiên Thư kiện nhau với người, tình lý đều trái, người kia đón xa giá để kêu. Vua hỏi quan xử kiện. Trả lời rằng: “Án xử đã xong, nhưng hình quan thoái thác không chuẩn định đó thôi”. Vua nói: “Đó là sợ Khắc Chung đấy”. Bèn ngay ở bên đường sai Chánh trưởng nội thư hỏa là Trần Hùng Thao kiêm chức Kiểm pháp để chuẩn định, thì Thiên Thư quả nhiên là trái” (3). Điều này đã gây suy nghĩ và đọng lại nhiều ấn tượng lâu dài cho người đọc, người học như nhắc nhở quan lại, dân chúng, sĩ tử nhớ đời để tránh va vấp sai lầm đáng tiếc. Việc quyết định minh oan của Trần Nhân Tông chứng tỏ Ngài tỏ ra rất thông tuệ, có lòng trung hậu, minh bạch xứng đáng được dân nhân quý mến và tôn vinh là bậc minh quân.

Trong thời bình, kế tục tinh hoa tư tưởng từ các bậc minh quân triều Lý, Trần Nhân Tông thực hiện chủ trương “khoan sức dân”, mở rộng sản xuất, đưa ra chính sách thi cử và sử dụng nhân tài tiến bộ, thúc đẩy dân tộc phát triển ổn định. Với tầm nhìn xa rộng, ngay cả sau chiến thắng khi đã nhường ngôi cho con và bản thân làm Thượng hoàng (1293), Trần Nhân Tông vẫn đích thân đi đánh dẹp nơi biên ải, trực tiếp giám sát, khuyên bảo vua Anh Tông và tham gia sắp đặt công việc chính sự.

Theo ông, chính sách đoàn kết dân tộc chỉ thực hiện được, khi người dân và người lãnh đạo đất nước cùng có chung quyền lợi để bảo vệ lý tưởng, kỷ cương để chung sống. Trong Hịch tướng sĩ Trần Hưng Đạo cũng nói rõ điểm này: “Các ngươi ở lâu dưới trướng, nắm giữ binh quyền, không có áo mặc thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho cơm, quan thấp thì ta thăng tước, lộc ít thì ta cấp hương… lúc ra quân thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà thì cùng nhau vui cười.” Trần Nhân Tông không những thể hiện là một nhà lãnh đạo chính trị lý tưởng, nhà quân sự tuyệt hảo mà ta còn thấy vua có biện pháp phát triển nông nghiệp, thương nghiệp, tạo cái ăn, cái mặc cho dân. Vị minh quân ấy luôn áp dụng chính pháp vào việc trị quốc, với tư tưởng vua tôi đồng tâm, anh em trong hoàng tộc hòa thuận, đoàn kết toàn dân làm nên chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược, xây dựng đất nước hùng cường.

Thân dân là phải biết nghe tiếng lòng của dân vì ý dân là ý trời. Đối với Ngài, lợi ích dân tộc là trên hết, lấy tấm lòng của muôn dân làm tấm lòng của mình. Trần Nhân Tông cũng đã từng tâm sự với các quan trong triều: “Trẫm yêu dân như yêu con trẫm”. Vẻ đẹp bình dị và trong sáng này là đạo đức có giá trị không chỉ cho hôm nay mà cả mai sau. Thần ở đây là thần dân, coi ý dân là ý trời, một mặt trọng hiền tài, mặt khác tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân nên lúc xã tắc lâm nguy, trên dưới một lòng, thậm chí đứa trẻ cũng thấy mình có trách nhiệm khi tổ quốc lâm nguy. Vì vậy mà khi triều đình họp bàn việc chống giặc ngoại xâm, Hoài Văn Hầu Quốc Toản lúc này còn nhỏ chưa được phép tham dự, phấn khích bóp nát quả cam, sắm sửa vũ khí, dựng một lá cờ đề sáu chữ: “Phá cường địch, báo hoàng ân”, rồi tự động điều quân xong pha đánh giặc (4). Làm nên những chiến thắng vang dội, ghi vào sử sách Đại Việt những dấu ấn sáng chói đến muôn đời. Đường lối “thân dân” của Trần Nhân Tông đã tạo nên một nền chính trị mềm dẻo, kết hợp giữa đạo Phật và Nho giáo.

Chúng ta hẳn còn nhớ lời dạy vang vọng của Điều Ngự Trần Nhân Tông: “Pháp tức tánh, Phật tức tâm. Tính nào chẳng phải là pháp? Tính nào chẳng phải là Phật. Tức tâm tức Phật, tức tâm tức pháp, pháp vốn chẳng pháp. Tức pháp tức tâm, tâm vốn chẳng tâm, tức tâm tức Phật.”(5)

Tâm trong Phật giáo siêu thoát, vượt hẳn lên chữ tâm của Nho gia. Phật giáo không đòi hỏi mà khơi gợi cho con người đi tìm nguồn tâm một cách tự nguyện. Khi Phật tính trong chính mình và muôn loài bừng tỉnh tìm về cố quận để giác ngộ giải thoát, thì việc đắc thành chánh quả chỉ là chuyện không xa:

“Dựng cầu đò, dồi chiền tháp
Ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu
Săn hỷ xả nhuyễn từ bi
Nội tự tại kinh lòng hằng đọc.”(6)

Trần Nhân Tông đã vi hành, thâm nhập được lòng dân để thấy rõ sự tình xã hội, cảm thông nỗi khổ, nỗi lo của thiên hạ, chúng sanh mà có kế sách lâu dài, tùy duyên phương tiện. Cụ thể là trước họa xâm lược Nguyên Mông, các vua thời Trần biết rõ sự hiểm độc của quân thù, đã tận dụng tướng tài và nhất là được toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng để giáng cho quân địch những đòn quyết liệt. Tất cả đều xuất phát từ lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình, cuối cùng kẻ thù xâm lược thất bại, phải tìm đường thoát thân chạy về nước trong nỗi khiếp sợ.

Với một tinh thần nhập thế tích cực, Phật Hoàng đã dấn thân triệt để, đem đạo vào đời vì lợi ích cho nhân quần xã hội. Một người vừa thông hiểu những gì uyên áo nhất của giáo lý đạo Phật, đồng thời cũng biết cả nghệ thuật điều binh khiển tướng, một nửa đời người, Ngài đã xông pha trên yên ngựa giữ vững bờ cõi giang sơn nước Việt, mang lại an vui cho trăm họ, muôn dân. Trần Nhân Tông không những kế thừa được tinh hoa trong quá khứ, mà còn có khả năng tổng hợp những giá trị thời đại. Từ đó với kinh nghiệm sống của đời mình, Ngài phát huy cao độ truyền thống tâm linh của người con Phật đến đỉnh điểm rực rỡ nhất, đem Phật pháp gắn liền với thế gian, biến giáo lý cao siêu trở thành triết lý hành động thực tiễn, có thể tóm gọn vào bốn chữ giản dị “Cư trần lạc đạo”.

Với tinh thần từ bi trí tuệ của đạo Phật, Ngài đã tô điểm cho đời, không ngừng vận dụng truyền thống tâm linh Việt – Phật, một truyền thống giản dị nhưng xác thực, đem pháp Phật nhiệm mầu ứng dụng ngay trong cõi đời uế trược, giả tạm, hóa giải khổ đau nơi trần thế thành thiên đường hòa bình an lạc. Năm 1304, Trần Nhân Tông đã đi khắp các chốn thôn quê chỉ dạy cho muôn dân, giúp dân trừ bỏ các dâm từ, thực hành Thập thiện. Ngài muốn đưa mười điều thiện là đạo đức của Phật giáo làm nền tảng cho đạo đức xã hội, dạy dân biết đem triết lý từ bi để làm phương châm hành động, biết lấy trí tuệ làm ngọn đuốc soi đường và dũng mãnh làm nhựa sống. Như vậy, chúng ta thấy phật giáo thời Trần là một triết lý sống, thiết thực và tự nhiên, không phải một triết lý suông hay trừu tượng. Các đấng minh quân thời này đã dùng đạo Phật để phục vụ mục đích chính trị, nhưng là một nền chính trị nhân bản, dạt dào nghĩa nước tình dân.

Lịch sử đã sang trang, quá khứ càng lùi xa, xa quá rồi. Thế nhưng, dù ở trên ngôi cao chín bệ nơi trần tục hay tại đỉnh Yên Tử với cuộc sống thanh cao, đạm bạc, nhưng tư tưởng và hành động của Trần Nhân Tông mãi còn hiện hữu với những giá trị đích thực của nó, vẫn tỏa hương thơm ngào ngạt, là hạt châu lóng lánh giữa muôn ngàn châu báu trong kho tàng quốc bảo Đại Việt. Cuộc đời Ngài là ngọn đèn thiền soi lối cho chúng sanh tới bờ giác ngộ, vì bất kể tăng hay tục, đời hay đạo, chẳng câu nệ hình thức, chỉ cần có tấm lòng hướng thiện, vì dân vì nước thì sẽ tìm ra chân lý giải thoát. Tư tưởng thân dân của Ngài đã góp phần tạo nên sức mạnh to lớn trong chính mỗi người con dân Đại Việt, làm nên lẽ sống cao quý của thời đại – một thời đại Phật giáo với bao kỳ tích to lớn gắn liền với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc quê hương.

T.M

————————————————–

1.  Cao Huy Giu dịch, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, NXB Văn hóa Thông tin, 2004, tr. 493.
2. Hoàng Văn Lâu (dịch và chú thích), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2. NXB Khoa học xã hội, 2004, tr. 84.
3.  Cao Huy Giu dịch, Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, NXB Văn hóa Thông tin, 2004, tr. 494-495.
4.Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, NXB Văn hóa Thông tin, 2004, tr. 46.
5. Lê Mạnh Thát, Trần Nhân Tông toàn tập, NXB TPHCM, 2000, tr. 435.
6. Thích Thanh Từ, Tam Tổ Trúc Lâm, Thành hội Phật giáo Thành Phố Hồ Chí Minh, 1998, tr.190.

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here