Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Trần Nhân Tông với Thiền phái Trúc Lâm – Bài cuối

Trần Nhân Tông với Thiền phái Trúc Lâm – Bài cuối

136
0

Tinh hoa dân tộc

Những tác phẩm, tài liệu của Trúc Lâm để lại rất phong phú, như: “Thiền lâm thiết chủy ngữ lục”, “Trúc Lâm hậu lục”, “Thạch thất mỵ ngữ”, “Đại hương hải ấn thi tập”, “Tăng già toái sự”, “Thượng sĩ hành trạng”, “Cư trần lạc đạo phú” và “Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca”.

Đặc biệt, trong buổi đại tham năm 1304 tại chùa Sùng Nghiêm núi Chí Linh, Trúc Lâm đã trình bày rõ quan điểm của mình qua 47 đề tài như: Phật, pháp, tăng, bản lai diện mục, lục thông, nhân quả, phương pháp tu tập, có, không… Chẳng hạn có vị tăng hỏi: “Thế nào là 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp? (hỏi về hình tướng Đức Phật), Trúc Lâm liền đọc bài kệ:

“Nếu lấy sắc thấy ta,

Lấy âm thanh cầu ta,

Là người hành tà đạo,

Không thể thấy Như Lai”

Hay bài kệ “Cư trần lạc đạo phú”:

“Ở trần vui đạo hãy tùy duyên,

Đói đến thì ăn nhọc ngủ liền.

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,

Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền”.

Chúng ta đều biết, Trúc Lâm là người đứng đầu giáo hội, lãnh đạo cả một tăng đoàn rộng lớn, bao gồm mọi thành phần với đủ mọi lứa tuổi, căn tính, trình độ khác nhau. Sách có ghi: “Năm 1304, Anh Tông dâng biểu mời Điều Ngự vào đại nội để trao truyền Bồ Tát giới. Ngày vào thành, vương công, bá quan sắm lễ nghi đầy đủ đón rước Điều Ngự, rồi cùng thọ giới pháp”. Nhìn chung trên phương diện hình thức, cả triều đình đã trở thành Phật tử, lấy Lục độ làm hành động cho mình. Cũng sách này cho biết: “Điều Ngự đi khắp xóm làng, dạy dân chúng phá bỏ các dâm từ, thực hành Thập thiện”

Như vậy, tư tưởng thiền học của đệ nhất tổ Trúc Lâm rất phong phú và đa dạng. Trong ông bao hàm mọi tư tưởng Đại thừa và Tiểu thừa, với nhiều phương pháp tu tập đốn – tiệm. Ngoài tư tưởng Thiền – Tịnh – Luật còn có cả tư tưởng Nho – Lão kết hợp với văn chương thơ phú… Có thể nói, Trúc Lâm là điểm hội tụ, kết tinh của cả bề dày lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Vẫn còn nguyên giá trị

Như chúng ta đều biết, Đức Phật xuất gia, là tìm con đường giải thoát nỗi khổ và đem lại sự an lạc cho chúng sinh. Phật hoàng Trần Nhân Tông xuất gia cũng không ngoài mục đích cao cả ấy. Chính vì thế mà Phật giáo Trúc Lâm vẫn được phục hưng, duy trì tồn tại cho tới ngày nay, dù đã trải qua bao cuộc thăng trầm mặc dù đã có những quan điểm thiếu thiện chí, tiêu cực nhìn nhận Phật giáo, chẳng hạn ĐVSKTT chép: “Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần. Song để tâm nơi kinh Phật, tuy nói là để giải thoát, nhưng đó không phải là đạo trung dung của thánh nhân”.

Như trên đã trình bày, sau khi xuất gia, Trúc Lâm đã không quản đường xá xa xôi, lặn lội đến khắp mọi miền đất nước từ kinh thành đến thôn quê, giảng dạy từ vua quan đến dân chúng thực hiện theo giáo lý Phật Đà phù hợp thế thái nhân sinh. Chẳng hạn năm 1304, vua Anh Tông dâng biểu mời Điều Ngự vào đại nội để trao truyền Bồ Tát giới. Đây là giới luật cao nhất trong đạo Phật, dành cho tất cả mọi người, kể cả tại gia cũng như xuất gia; người thụ giới này phải tuân theo những quy định, gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh, lấy lục độ làm phương châm hành động của mình.

Hay Thập thiện, gồm: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói lời ly gián, không nói lời độc ác, không nói lời uế tạp, không tham lam, không giận dữ, không tà kiến. Chung quy là khuyên mọi người làm thiện, tu nhân tích đức, tin nhân quả nghiệp báo, giữ gìn Tam nghiệp: Tức thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp được trong sáng lành mạnh. Ở đây, cũng cần nói thêm về phương pháp giáo dục Phật giáo, được thể hiện trên hai lĩnh vực, đó là thân giáo và khẩu giáo; thân giáo là những cử chỉ hàng ngày như đi, đứng, nằm, ngồi, đúng nghi pháp, làm mẫu mực cho người khác học theo; còn khẩu giáo thì tuỳ căn cơ-trình độ cao, thấp khác nhau mà nói pháp, cốt sao đem lại sự an lạc cho người nghe là được.

Trúc Lâm trao truyền giới pháp và khuyên mọi người thực hành Thập thiện, đây là giáo lý cơ bản – thấp nhất không chỉ đối với người mới học Phật mà cho tất cả mọi người, không phân biệt già trẻ gái trai. Tuy nói là thấp, nhưng phải nỗ lực lắm mới thực hiện được. Và tất nhiên, rất thiết thực đến nhân cách và đạo đức không chỉ cá nhân, gia đình, mà đến cả cộng đồng, xã hội.


(*) Viện trưởng Học viện Phật giáoViệt Nam tại Hà Nội

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here