Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Tôn Nữ Kim Phượng – người họa sĩ xa lạ ấy hay...

Tôn Nữ Kim Phượng – người họa sĩ xa lạ ấy hay một cây bông Phượng Vàng xưa quý, hiếm của Huế

166
0

Bây giờ Thích Nữ Diệu Trang đã nằm yên nghỉ dưới bóng tháp bên sân chùa Báo Quốc – Huế.

Tôi có cơ duyên được thắp cây hương trước quan tài chị quàn ở chùa Diệu Hỷ bên Gia Hội có Thích Nữ Như Minh vào tháng 8 năm 2000 nhân mùa hè, từ Virginia về, lần nào cũng về thăm Huế, quê ngoại tôi ở đó và cũng còn vài người bạn cũ.

Tôi thật lúng túng trước tên gọi, Thích Nữ Diệu Trang, pháp danh Nguyên Nghi hay chỉ gọi thế danh Tôn Nữ Kim Phượng. Bởi ít ai biết dưới màu áo lam kia, dưới vóc dáng khoan thai đài các kia, dưới gương mặt nụ cười hiền kia là một Tâm Bồ Tát với đôi bàn tay tài hoa còn phụng hiến cho Nghệ Thuật (tôi không thích dùng nữ họa sĩ, nữ nhà văn, vì nghệ thuật khi đã thành danh là một tên gọi, không nam không nữ). Họa sĩ Tôn Nữ Kim Phượng, người bạn cùng thời học ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, lúc trường còn tọa lạc trên đường Phan Đình Phùng, bên bờ sông Bến Ngự, những năm cuối 50 đầu 60 (thành lập vào năm 1957, trực thuộc Viện Đại Học Huế). Giám đốc là họa sư Tôn Thất Đào (1910 – 1979) tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương khóa 8 (1932 – 1937). Vì là bạn học cũ ở Mỹ Thuật Đông Dương với Thầy Đào, nên thỉnh thoảng có một vài họa sĩ danh tiếng ghé thăm trường, như họa sĩ Nguyễn Gia Trí từ Sàigòn ra, đặc biệt, đáng nhớ nhất là năm 1960, họa sĩ Mai Thứ từ Pháp về ghé thăm trường và giúp hướng dẫn mấy buổi về vẽ tranh lụa khô (khác với lụa truyền thống là lụa rửa). Đề nghị trường chọn một nhóm rất ít sinh viên để ông hướng dẫn cho có kết quả, trong đó có Tôn Nữ Kim Phượng. Nhớ là tấm tranh nhỏ lụa bồi trên giấy báo của Phượng được thầy Mai Thứ khen và được thầy sửa thêm cho hoàn chỉnh, thật là một kỷ niệm đáng quý.

Tôn nữ Kim Phượng thời studio 2 Mê Linh-Đà lạt, 1964

Tôn Nữ Kim Phượng tốt nghiệp khóa 2 (1958 – 1962) Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, cùng khóa với Nguyễn Mai Chửng (Mai Chửng), Nguyễn Văn Liễu (Trịnh Cung), Đàm Quốc Cường, Tôn Nữ Cẩm Quỳ*, Phan thị Mộng Hòa… là giáo sư hội họa trường Trung Học Trần Hưng Đạo – Đàlạt khá lâu. Thời Tôn Nữ Kim Phượng ở cùng cha mẹ trong căn nhà trên hồ Mê Linh, vùng Saint Benoit – Chi Lăng, Đàlạt thật thơ mộng. Chúng tôi có một kỷ niệm vui cùng Phượng, nhớ mãi: “Đó là một đêm Nl ở Đàlạt, Chú, Đinh Cường và chú Tịnh (em trai Trịnh Công Sơn) cùng một người bạn gái đi chơi. Cô bạn gái hôm ấy mặc một chiếc áo lông trắng tuyết rất đẹp và sang trọng. Bốn người đi đến một con đường hai bên trồng toàn hoa mai, và ở giữa có một vũng nước lớn. Chú với chú Cường đi vòng qua. Còn chú Tịnh thay vì đi vòng đã nhảy qua vũng nước. Nhưng vũng nước quá dài và chú Tịnh đã… làm tóe nước lên tất cả, kể cả bộ quần áo rất đẹp của cô bạn gái. Ba người tái mặt, chờ đợi một cơn giận dữ trút xuống. Vậy mà cô ấy chỉ cười và nói: Thôi tụi mình đi. Đến bây giờ, cả ba vẫn nhớ mãi người con gái hiền lành và nhân hậu ấy.” (Hoàng Dạ Thi – Những kỷ niệm với Chú Sơn – Trịnh Công Sơn, người hát rong qua nhiều thế hệ – Nhà xuất bản Trẻ 2003, trang 231)

Đinh Cường, Tôn nữ Kim Phượng và Trịnh Công Sơn tại triển lãm Đinh Cường, Alliance Francaise, Đà lạt 1965.

Năm 1964 là dấu mốc đầu tiên của ba người bạn: Tôn Nữ Kim Phượng, Trịnh Cung, Đinh Cường cùng triển lãm chung tại Phòng Triển Lãm Đô Thành Sàigòn, gây ấn tượng và tiếng vang tốt đẹp trong sinh hoạt văn học nghệ thuật…  Tôn Nữ Kim Phượng đã tham dự 15 bức sơn dầu với những nét vẽ phóng khoáng, táo bạo như một Jackson Pollock của trường phái Biểu hiện Trừu tượng (Abstract expressionism) hay một Vieira da Silva với những đường nét kỷ hà tuyệt diệu. Bức Kiến Trúc Xám – Construction in grey – (sơn dầu trên bố 80 x 100 cm) của Tôn Nữ Kim Phượng đã được ông bà Giám Đốc Cơ Quan Văn Hóa Hoa Kỳ lúc bấy giờ mua trong ngày khai mạc, tháng 5- 1964 và còn giữ mãi trong bộ sưu tập lớn về tranh các họa sĩ  Miền Nam của ông bà John T. Bennett – Marinka tại Alexandria – Virginia, gần nơi tôi ở hiện nay.

Kẻ lạ, sơn dầu trên bố, 0,80 x 0,45 m, 1964

Không hiểu sao, khi nghĩ về Tôn Nữ Kim Phượng lại nhớ đến Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh, Công Tằng Tôn Nữ Phùng Thăng, ba nữ lưu trong dòng họ hoàng tộc Huế đã bỏ ngôi vương giả ra đi tìm Siddhartha, như Câu chuyện dòng sông của Hermann Hesse do Phùng Khánh Phùng Thăng dịch… đã cùng dâng hiến cho văn học nghệ thuật Việt Nam những tác phẩm rạng ngời đạo hạnh, trong  thời nhiễu nhương của chiến tranh, của chủ nghĩa hiện sinh, của Kẻ Lạ, như tên một tác phẩm sơn dầu của Tôn Nữ Kim Phượng, gợi nhớ không khí truyện của Malraux, Sartre, Camus rất được ưa thích – rất thời thượng – của các sinh viên thời đó. Có thể nói Phượng là một họa sĩ có những tìm tòi bạo gan so với những nữ họa sĩ khác cùng thời, như Thanh Trí chẳng hạn. Thanh Trí học trước Phượng một khóa – khóa đầu tiên của trường Mỹ Thuật Huế (1957 – 1961) – là một họa sĩ sáng tác sung mãn cho đến tận hôm nay. Chị đã có dịp thăm bạn những tháng cuối cùng ở Huế:  

Kiến trúc xám, sơn dầu trên bố, 1,00 x 0,80 m, 1964

“Đinh Cường ơi, làm sao mình quên được Tôn Nữ Kim Phượng, người bạn thân yêu của mình. Nàng nhẹ nhàng thanh thoát như Tiên (được mẹ nuông chiều, sống trong nhung lụa), Kim Phượng có nụ cười hồn nhiên trên khuôn mặt hiền hòa, trong sáng. Mỗi lần gặp nhau, hai đứa đua nhau cười, kể cả thời gian Kim Phượng ở chùa Già Lam với mẹ sau 1975… Năm 2000 mình về Huế thăm nhà xưa vườn cũ, thăm Kim Phượng và bạn bè. Lúc đó Kim Phượng vừa qua khỏi cơn bạo bệnh, mình thật xót xa… Lại một lần nữa hai đứa bùi ngùi chia tay nhau mong ngày gặp lại, nhưng sau đó không lâu Kim Phượng đã qua đời. Rồi một ngày nào đó lại gặp nhau.” (trích e-mail Thanh Trí – March 12, 2014)

Chân dung, sơn dầu trên bố, 0,60 x 0,40 m

Hình ảnh Tôn Nữ Kim Phượng luôn bên mẹ, nhất là những tháng ngày sau tháng 4 -1975, tôi thường lên thăm bác và chị ở chùa Già Lam, lúc còn Thầy Trí Thủ trụ trì.  Nhớ thời gian khó nhất mà chị vẫn có những hộp màu nước Guitar của gia đình ở ngoại quốc gởi về thật quý, và chị đã chia sẻ cùng bạn bè để có màu vẽ tranh lụa kiếm sống. Nhớ là Tôn Thất Văn (một họa sĩ vẽ tranh lụa giỏi, tốt nghiệp khóa đầu tiên Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế cùng với Nguyễn Thị Thanh Trí, Hoàng Thị Diệm Phương, Thái Hạc Oánh, Trần Thị Quỳnh Chi …) quay quắt tìm một ống màu vàng chanh (jaune citron) khi bức tranh lụa lớn, dài do khách đặt, vẽ gần xong mà thiếu màu cần thiết ấy, tôi đã tìm xin Phượng đưa cho bạn … còn gì đẹp hơn cử chỉ ấy…

Tác giả bên bức Kiến trúc xám, tại bộ sưu tập các họa sĩ miềnNamtrước 1975, gồm hơn 300 bức của Mr & Mrs. John. T. Bennett-Marinka (Alexandria,Virginia)

Điểm đặc biệt là Phượng chỉ vẽ chất liệu sơn dầu, khi vẽ thì mê đắm trong sáng tạo. Cũng như tôn giáo, Phượng như đang vận dụng tính chất siêu hình để lý giải cuộc sống, cái đẹp bên trong và bên ngoài tạo vật đều được biện bạch như không toan tính. Nhưng với lòng thành, ta thấy ở họa sĩ là lòng yêu mến vô cùng màu sắc, bút pháp tạo hình đến cách sử dụng không gian trữ tình. “Nghệ thuật là một tấm gương, soi vào gương sự giả trá thấy rõ quá đến chịu không nổi. Những người không có một tấm gương như vậy rất khó mà thành thật được.” Lời phát biểu của Robert Motherwell, họa sĩ cũng là lý thuyết gia lẫy lừng trong nhóm Biểu hiện Trừu tượng Mỹ, là một lời phát biểu đánh thức sự thành thật của người nghệ sĩ. Tôn Nữ Kim Phượng với số lượng tranh vẽ không nhiều, nhưng đã để lại một thế giới hội họa cho riêng mình, hay nói như nhà phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân: cái thế giới ở ngoài hội họa mới chính là hội họa. Thật vậy chăng, người họa sĩ như xa lạ ấy, với tâm hồn của một Thích Nữ như đã hóa thân, tôi nghĩ, chị đã để lại cho Huế, nơi chị sinh ra và lớn lên, một cây bông Phượng Vàng quý, hiếm – là những tác phẩm của chị sẽ được sưu tầm và lưu giữ trong Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Huế, nếu có, là một ước muốn chính đáng cho bộ mặt Văn hóa Huế.

Triển lãm tranh Tôn nữ Kim Phượng, Đinh Cường, Trịnh Cung tại Phòng triển lãm đô thành, 165 Tự Do, Sài gòn, tháng 5, 1964. Ảnh: tạp chí Thế giới tự do.

Viết về Tôn Nữ Kim Phượng là viết về một tiếng nói, một giọng cười đã tắt, mà vẫn còn âm vang mãi một lời kinh. Nghệ thuật như một lời kinh cứu khổ. Và dáng dấp gầy cao, khoan thai đài các của Phượng vẫn còn in dấu trong lòng bạn bè, dẫu cho:

Dòng đời sinh, diệt, có, không

Mây trôi đầu núi bềnh bồng chuyển đi

(Thích Nữ Như Minh – Ý xuân – Liễu Quán số 1, tháng 1- 2014)

Tôi đứng bên quan tài Phượng ở chùa Diệu Hỷ – Gia Hội, có Cô Như Minh, mới đó mà đã mười bốn năm… Xin thắp cây hương cho Phượng sáng nay, buổi sáng tuyết trắng xóa cuối mùa ngoài cánh rừng.

Tôn nữ Kim Phượng-TN. Diệu Trang, ảnh tư liệu chùa Diệu Hỷ, Huế.

Tác giả bên bảo tháp của TN. Diệu Trang tại sân chùa Báo Quốc Huế.

Tôn Nữ Kim Phượng sinh năm 1941 tại Phú Cát, Huế

tốt nghiệp khóa 2 Cao Đẳng Mỹ Thuật – Huế (1958 – 1962)

1959 – Huy chương Danh dự do Viện Đại Học Huế 

 

Mất ngày 25 tháng 8 năm 2000 tại Huế, thọ 60 tuổi.

Gia đình gồm 8 anh chị em. Phượng là con gái út

sau này đi tu là Thích Nữ Diệu Trang, pháp danh Nguyên Nghi  

Thân sinh là ông Bửu Hộ

Thân mẫu là bà Đặng Thị Lý Vinh


Hiện nay bà chị đầu Tôn Nữ Túy Nhạn đang trông coi một

ngôi chùa Việt Nam ở Connecticut, gần New York – Hoa Kỳ


Virginia, Mar. 25, 2014

Đinh Cường

 

Chú thích:

*Hs. Tôn Nữ Cẩm Quỳ là giáo sư Hội họa trường Bùi Thị Xuân, Đà lạt.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here