Trang chủ Về TTVHPG Liễu Quán Hoạt động Tọa đàm: "Bảy tình chí với Y học Đông Tây"

Tọa đàm: "Bảy tình chí với Y học Đông Tây"

136
0

Bác sĩ đã mở đầu buổi nói chuyện bằng định nghĩa bảy tình chí, dẫn từ Từ Lâm Hán Việt từ điển: “Tình là phát động tự nhiên về tâm lý”. Và theo Kinh Lễ thì: “Tình gồm bảy thứ: Mừng (Hỷ), giận (Nộ), buồn (Ai), lo (Cụ), yêu (Ái), ghét (Ố), muốn (Dục), không học mà vẫn làm được”.

Bảy tình chí này, Đông phương đã có quan niệm và được đề cập từ rất lâu, trên dưới 4000 năm.

Theo Đông y, bảy tình chí có liên quan đến các phủ tạng: Hỷ – Tâm, Nộ – Can, Ưu – Phế, Bi – Tâm bào lạc, Tư lự – Tỳ, Kinh – Đàm, Khủng – Thận. Và bảy tình chí cũng liên quan đến Ngũ hành – Ngũ tạng: Hỷ – Tâm – Hỏa; Nộ – Can – Mộc; Ưu – Phế – Kim; Bi – Tỳ – Thổ; Kinh – Thận – Thủy.

Bác sĩ Quýnh cũng dẫn chứng rằng, theo Y học Đông phương bản chất của bảy tình chí này thuộc về Khí, như Hải Thượng Lãn ông từng nói: “Trăm bệnh sinh ra đều do Khí. Một trong những nguyên nhân làm rồi loạn khí và từ đó gây ra bệnh là thất tình. Nộ: giận quá làm khí nghịch lên. Bi: buồn phiền làm khí tiêu tán. Khủng: sợ hãi làm khí không lưu hành: Ưu: lo nghĩ làm khí kết lại".

Theo Bác sĩ, mặc dù Tây phương chỉ mới phát hiện và nghiên cứu các tình chí trong vòng trên dưới 200 năm trở lại đây, nhưng các nhà khoa học đã có nhiều thành tựu trong việc tiếp cận và thực nghiệm một cách rõ ràng.

NGƯT. BS. Đoàn Văn Quýnh
– Tiến sĩ Y khoa Quốc gia Viện Đại học Huế (1971)
* Trước 1975:
– Giảng viên Dược lý, Nội khoa & Đông y Trường Đại học Y khoa Bác sĩ Nội khoa Bệnh viện Trung Ương Huế.
– Giảng viên Sinh lý y học Trường Đại học Sư phạm và Khoa học Huế.
* Sau 1975:
 -Trưởng Bộ môn Dược lý kiêm Trưởng phòng Quản lý Khoa học Đối ngoại & Sau Đại học Trường Đại học Y khoa Huế.

Qua nhiều cuộc khảo nghiệm, Y khoa hiện đại Tây phương đã cho thấy sự buồn bã, chán nản sẽ rút ngắn đời sống của con người; ngược lại những cảm giác vui vẻ, thoải mái sẽ làm tăng cường các hoạt động tốt cho cơ thể.

GS. Garnot (Pháp) đã thực nghiệm lâm sàng chứng minh rằng vết thương ở người lính thắng trận mau lành hơn người lính bại trận trong cùng một môi trường điều trị và điều dưỡng.

Bác sĩ Bachman (Đức) phát biểu: “Sở dĩ người ta dễ ốm đau là vì tình chí bị biến động làm cho hệ giao cảm bất hòa ảnh hưởng đến nội tiết”.

“Những nghiên cứu gần đây của phòng thí nghiệm Thần kinh học thuộc Đại học Wincosin (USA) về chức năng của não bộ cho thấy: thùy trán trái là nơi chỉ huy các tình cảm tích cực như hoan hỷ, thanh thản và thùy trán phải là nơi chỉ huy các tình cảm tiêu cực như lo âu, giận dữ. Khi có suy nghĩ tốt lành, thùy trán trái sẽ được kích thích sáng hẳn lên và làm thùy trán phải bị lu mờ, hệ thống miễn dịch cũng được gia tăng, góp phần phòng chống bệnh tật”. Bác sĩ Quýnh dẫn chứng.

Diễn giả cũng cho rằng, nguyên nhân gây bệnh là do ngoại nhân như phong, hàn, táo, hỏa, thử, phong, thấp… gây nên và cũng do nội nhân là thất tình mà thuật ngữ gọi là thất tình nội thương.

Tuy nhiên, theo Bác sĩ Quýnh, trong Y học Đông phương cũng như Y khoa hiện đại, người ta cũng đã biết vận dụng sự tác động qua lại của bảy tình chí để chữa bệnh. Chẳng hạn sách Hồi khê y án có kể chuyện Điền Soạn thi đỗ trạng nguyên, mừng quá sinh bệnh. Một vị danh y bảo anh ta chỉ còn sống được vài ngày thôi nên lo về nhà gấp đi. Điền Soạn nghe xong khiếp sợ lên đường. Về đến nhà hết bệnh, Điền Soạn trở lại hỏi được vị danh y cho biết, khi đỗ trạng nguyên, do anh quá mừng rỡ (đại hỷ) đã làm cho khí tán loạn mà sinh bệnh, phải dùng đến cái chết dọa anh (khủng) để ức chế, nhờ vậy mà hết bệnh.

Sau 45 phút trình bày của diễn giả là phần đóng góp ý kiến sôi nổi của các cử tọa. Những câu hỏi về nguồn gốc có mặt bảy tình chí, các loài thực vật có tình chí hay không, sự tương quan tình chí giữa con người với các loài động thực vật ra sao, làm thế nào để bảy tính chí không làm cho con người bị nô lệ và bằng cách nào để có được sự an lạc trong thực tại khi mà con người hằng ngày phải đối diện và bị nô lệ bởi những thất tình đó.

“Bằng con đường Giới – Định – Tuệ, Phật giáo đã được giới Y học Tây phương hiện nay đề cao. Người hành trì đúng con đường ấy thì không những tạo cho mình một trí tuệ sáng suốt mà còn tạo được sự an lạc. Trong khi nhân loại bị cuốn hút vào cuộc sống vật chất và đang bị đe dọa bởi những căn bệnh nan y và các tệ nạn xã hội thì đạo Phật đã đưa con người trở về với chính mình, biết ý thức về cuộc sống để có được sức khỏe như tổ chức Y tế thế giới định nghĩa là một trạng thái thoải mái đầy đủ về thể chất, tinh thần và xã hội”. Bác sĩ Quýnh kết luận.

Hòa thượng Thích Quang Nhuận – Phó Ban Điều hành Trung tâm Văn hóa PG Liễu Quán phát biểu đúc kết: “Chúng sinh tạo ra nghiệp và nghiệp trở lại làm khổ chúng sinh. Thất tình cũng thuộc về nghiệp. Người xưa nói: Trí thăng, tình giáng. Thất tình làm con người khổ đau, trí tuệ và tình thương làm cho chúng sinh an lạc. Bồ tát Quán Thế Âm, trong bài kinh Bát Nhã, sở dĩ Ngài thoát khỏi khổ ách là nhờ Ngài vận dụng trí tuệ và lòng từ bi”.

Buổi tọa đàm đã kết thúc vào lúc 21 giờ cùng ngày.

ĐĐ. Thích Ngộ Tùng dẫn chương trình

Hòa thượng Thích Hải Ấn – Trưởng Ban Điều hành TTVHPG Liễu Quán phát biểu

Bác sĩ diễn giả Đoàn Văn Quýnh

 

Cử tọa thảo luận sôi nổi

HT. Thích Quang Nhuận – Phó Ban Điều hành TTVHPG Liễu Quán phát biểu đúc kết

HT. Thích Quang Nhuận tặng hoa chúc mừng diễn giả

T.T.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here