Đây là hai câu phú trong Cư Trần Lạc Đạo phú của sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông, vị khai sáng của tông phái Trúc Lâm Yên Tử, một phái thiền đậm đà bản sắc Việt Nam. Có thể nói, hai câu phú trên đã đúc kết được phần nào cách lý giải mà các thiền giả dành cho pháp môn Tịnh độ. Và đây cũng chính là nội dung mà bài viết này muốn đề cập đến.
I. Sơ lược đôi nét về tịnh độ
1. Các Kinh chủ yếu của Tịnh độ tông
Tông phái Tịnh độ gồm các Kinh căn bản sau đây
a. Vô Lượng Thọ Kinh: Kinh này nói về thời quá khứ có một sa môn tên là Pháp Tạng, nhận thấy chúng sanh đang chìm trong bể khổ triền phược, muốn cứu vớt chúng sanh thoát khỏi khổ trầm luân. Ngài bèn đi đến nước đức Thế Tự Tại Vương Như Lai, phát 48 lời nguyện, liền được đức Như Lai ấn chứng.
Sau đó trải qua công phu tu hành theo những hạnh nguyện của mình, cuối cùng Ngài thành Phật hiệu là A-di-đà nghĩa là Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ (Áng sáng vô lượng và thọ mạng vô lượng).
b. A-di-đà: Đây là bản toát yếu của bộ Kinh trên, đồng thời nêu ra vài nhận xét đặc biệt và cổ vũ tu theo pháp môn Tịnh độ.
c. Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh; Kinh này đức Phật dạy cho A Nan và bà Vi Dề Hy về mười sáu cách quán tưởng để thấy được đức Phật A-di-đà, hai vị bồ tát Quan Âm, Thế Chí và cõi nước cực lạc.
Ngoài ba bộ Kinh căn bản trên còn có bộ luận Vãng Sanh của ngài Thế Thanh, luận Khởi Tín, luận Bửu Tánh, kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa…đều có đề cập đến Tịnh độ.
Xem qua lịch sử phát triển của tông Tịnh độ, ta thấy vào thời Đông Tấn, khoảng cuối thế kỷ thứ V, có ngài Tuệ Viễn lập ra Bạch Liên Xã để xiểng dương tông Tịnh độ, do đó tông phái này dần dần được phổ cập trong quần chúng nhân dân kiến cho mỗi ngày mỗi lớn mạnh. Ngài được xem là vị sơ tổ của tông Tịnh độ tại Trung Hoa. Kế tục sự nghiejp của tổ Huệ Viễn có các ngài Đàm Loan, Đạo Xước, Thiện Đạo đều là những bậc long trượng nhiệt thành chấn hưng Tông phái này. Sang đời Tống có ngài Vĩnh Minh Diên Thọ (tịch năm 975), đến đời Minh có ngài Chu Hoằng hiệu là Liên Trì Đại sư đề là những người cực lực xiễng dương tông Tịnh độ, đưa đến đỉnh cao nhất của sự hưng thịnh.
2. Phân loại Tịnh độ
Các học giả đã phân tích sắp xếp Tịnh độ thành 4 loại sau đây:
a. Phàm thánh đồng cư độ: cõi này lại chia làm hai:
– Tịnh độ đồng cư: Tức thế giới của đức Phật A-di-đà an trú.
– Uế độ đồng cư: tức thế giới ta bà mà chúng ta đang sống đây, những chông gai, bất tịnh và khổ đau này.
b. Phương tiện hữu dư độ: quốc độ của những bậc Nhị thừa và Tam thừa, hạng người này tu tập đạo pháp phương tiện, dứt trừ các mê hoặc, được vãng sanh ngoài ba cõi, gọi là phương tiện hữu dư độ.
c. Thật báo trang nghiêm độ: Bồ tát tu tập đạo pháp chân thật, hợp với chân lý trung đạo, cảm được thắng báo, sắc tâm không chướng ngại, quốc độ của những bậc ấy an trú gọi là thật báo trang nghiêm độ.
d. Thường tịch quang tịnh độ: Tịnh là tướng yên lặng của lý thể, quang là tướng soi sáng của trí tuệ, độ là cảnh để nương tựa. Nghĩa là nơi cư trú của Phật, tức chân như thật tánh hay đại Niết bàn.
3. Những yếu tố cơ bản về hình thành tịnh độ
a. Tín: gồm có tự tín và tha tín. Tự tín là phải nhận rõ tâm niệm hiện giờ của chúng ta vốn rộng rãi, không bờ bến. Tuy chúng ta mê mờ điên đảo, nhưng trong một ý niệm biết hồi tâm, thì quyết định sẽ được sanh về cực lạc. Tín tha: là tin Phật Thích Ca quyết không nói dối, tin đức A Di Đà quyết không thề nguyện suông.
b. Nguyện: Đã tin tưởng, chúng ta phải phát nguyện vãng sanh, biết chán cảnh phù hoa hư giả, phải ưa cõi thanh tịnh trang nghiêm, lánh xa ác nghiệp, siêng tu chánh đạo, thề thành chánh giác nguyện độ chúng sanh.
c. Hành: Khi đã phát nguyện, chúng ta phải nỗ lực thực hành. Nhưng thực hành có nhiều cách như: quán tưởng, lễ bái, cúng dường, sám hối…Song chỉ có phương pháp trì danh hiệu Phật là dễ dàng thực hành nhất và cũng phù hợp với nhiều căn cơ nhất.
Pháp môn trì niệm danh hiệu Phật này thông thường chia làm ba loại;
1. Giác tánh niệm Phật, bất cứ lúc nào cũng soi sáng tâm tánh mình, không có phân biệt, tức tâm tức Phật.
2. Quán tưởng niệm Phật: chúng ta quán tưởng thân Phật là thanh tịnh, mầu nhiệm, cõi Phật là trang nghiêm, đến khi thông cảm sẽ nhập vào tam muội.
3. Trì danh hiệu Phật: Có mặc trì và cao thanh trì, nghĩa là hoặc niệm thầm, hoặc niệm lớn tiếng.
Trong kinh nói: “Nếu ngọc minh châu ném vào nước đục, thì nước đục quyết phải hóa trong, cũng như danh hiệu Phật gieo vào tâm mê quyết phải tỏ ngộ”. Để đánh thức chúng sanh đang mê ngủ trong cảnh trần lao và cổ vũ họ tu theo pháp môn Tịnh độ trong kinh Vô Lượng Thọ Phật có đọan viết:
“Loài người sống trong đời này, cha con, anh em, vợ chồng nhiều khi không biết sống theo đạo lý, chẳng vâng phép tắc, hoang dâm, kiêu ngạo, cùng dở, phóng túng, chỉ mông khoái ý nhất thời, siểm nịn chẳng ngay, dối gạt lẫn nhau, a dua bợ đỡ, bất tính, bất trung, ghét kẻ hiền lành, gièm người lương thiện, đến nỗi vùi dập người này trong chổ oan khuất. Kẻ làm vua thì bất minh, kẻ làm tôi thì bất trung, kẻ làm cha thì bất tử, kẻ làm con thì bất hiếu, kẻ làm vợ thì phản chồng, kẻ làm em thì phản anh. Tất cả chỉ vì buông lung theo dục vọng si mê mà chuốc lấy hậu quả hại mình hại người. Rốt cuộc phải lặn lộn đời đời kiếp kiếp trong chốn khổ đau bất tận không có ngày nào ra khỏi.
Những ai tỉnh giác, hãy cất mình vượt lên hang sông chết, dang tay xé toạc lưới si mê thì cảnh giới an vui quyết có ngày bước đến! (Sđd, tr.87).
Thế nhưng người đời thói bạc, cũng dành nhau những việc không đâu. Ở trong cảnh cực khổ dữ dội này, họ làm việc nhọc nhằn để cung cấp cho những nhu cần thiết yếu của mình. Không kể người sang kẻ hèn, người giàu kẻ nghèo, tất cả già trẻ trai gái đều lo lắng chạy theo tiền tài danh vọng. Có của hay không có đều như vậy cả, lăng xăng sầu khổ, ưu tư nghĩ ngợi, làm đày tớ cho cái tâm sai khiến, không có lúc nào được yên định. Kẻ có ruộng lo ruộng, kẻ có nhà lo nhà, cho đến trâu bò, súc vật, tôi tớ, của cải mọi thứ ăn mặc, nhất nhất đều phải lo toang chu đáo, chập chồng mối tham, chất chứa cõi lòng, lo sợ buồn rầu, không lúc nào dứt. Thế nhưng cũng bị những sự vô thường như kẻ thù, chủ nợ, lửa đốt, nước trôi, kẻ cướp giựt ngang, làm cho tiêu tan, sự nghiệp hoang phế. Đến nỗi lo buôn ủ rũ không lúc nào nguôi! Chứa hận trong lòng, chẳng rời oán hận, canh cánh bên lòng, chẳng buông ra được. Tới khi nhắm mắt lìa đời buông tay theo nghiệp, không thể đem theo một thứ gì cả. Biết vật thì trong cõi đời này cha con, anh em, vợ chồng, họ hàng nội ngoại tất cả nên yêu kính lẫn nhau, đừng sinh tâm ghét bỏ. Kẻ có người không giúp đời cho nhau, không được keo kiệt. Lời nói, sắc mặt thường hòa vui, đừng gây oán trái với nhau. Hoặc có khi vì sự tranh dành gây ra giận dữ. Cái ý oán hận ở đời này chỉ ganh ghét một chút, nhưng qua đời sau càng trở nên dữ dội, đến nỗi thành ra thù oán triền miên, trải nhiều đời, nợ đền oán trả, khó mà dứt được. Người ta ở trong vòng triền phược đầy tham dục này, sinh một mình, chết một mình, đến một mình, đi một mình, cực khổ hay vui sướng chỉ một mình mình chụi lấy, không một ai thay thế được! Lành dữ biến hóa, họa phúc khôn dò, sanh tử đắp đổi, nối nhau không dứt. Hoặc cha khóc con, hoặc con khóc cha, anh em vợ chồng thương khốc lẫn nhau, tất cả đều trôi qua một cõi vô thường biến dịch. Tuy sự thực của dòng dời là thế, nhưng người ta vì màn vô minh che lấp, nên chẳng tin Kinh pháp, lòng chẳng lo xa, chỉ mong khoái chi nhất thời chạy theo ham muốn, chẳng hiểu đạo lý, đắm say tài sản sắc đẹp, kết cục phải chịu trầm luân mãi hoài trong vòng khổ lụy, chưa biết ngày nào thoát khỏi thật đáng xót thương. (Sđd. tr. 79).
“Nay ta làm Phật tại cõi này, diễn thuyết kinh pháp, chỉ lối dẫn đường, dứt các lưới nghi, nhổ gốc ái dục, gấp nguồn tội ác, dẫn người vượt khổ, đến cõi an lành. (Sđd. tr.81)
“Muôn loài chúng sanh từ bao đời kiếp tới nay, lăn lộn trong năm nẻo, lo buồn, sợ hải, đau khổ, khôn cùng, cho đến nay dòng sanh tử vẫn chưa đoạn dứt…Ngày nay may mắn được gặp Phật nghe pháp, các ngươi cũng nên chán ghét nơi sanh lão bệnh tử mà quyết tâm vượt qua bể khổ trần lao. Hãy đoan thân, chánh hạnh làm mọi điều lành, sữa mình trong sạch, rửa những bợn nhơ trong tâm, lời nói thành thật, tính tình ngay thẳng, trong ngoài đều ứng hợp đạo mầu. Người nào độ được lấy mình thì nên tự độ lấy, tinh cần cầu nguyện, vun bón cội lành. Tuy là khó nhọc một đời mà được an vui vĩnh cửu, nhổ dứt cội rễ sanh tử, chung sống trong cảnh đạo đức muôn thu, không còn cái hại của ba độc thâm sân si bức ngoặt. (Sđd, tr. 83)
II. Tịnh độ qua cách lý giải của thiền
1. Cõi tịnh độ theo kinh Duy Ma Cật, khi bàn về cõi tịnh độ, Duy Ma Cật nói: “Này Bảo Tích, ông nên biết! trực tâm là tịnh độ của Bồ tát, khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh không dua nịn sanh về nước đó.
Thâm tâm là tịnh độ của Bồ tát, khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh đầy đủ công đức sanh về nước đó.
Bồ đề tâm là tịnh độ của Bồ tát, khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh có tâm đại thừa sanh sang nước đó.
Bố thí là tịnh độ của Bồ tát, khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh hay thí xả tất cả tài sarn sanh sang nước đó.
Trì giới là tịnh độ của Bồ tát, khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh tu mười điều lành, hạnh nguyện đầy đủ sanh sang nước đó.
Nhẫn nhục là tịnh độ của Bồ tát, khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh đủ 32 tướng tốt trang nghiêm sanh sang nước đó.
Thiền định là tịnh độ của Bồ tát, khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh biết thu nhiếp, tâm chẳng tán loạn sanh sang nước đó.
Trí tuệ là tịnh độ của Bồ tát, khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh được trí tuệ sanh sang nước đó.
Tứ vô lượng tâm là tịnh độ của Bồ tát, khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh được giải thoát sanh sang nước đó.
Tứ nhiếp pháp là tịnh độ của Bồ tát, khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh được giải thoát sanh sang nước đó.
Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là tịnh độ của Bồ tát, khi chúng sanh thành Phật, chúng sanh đầy đủ niệm xứ, chánh cần, thần túc, 5 căn, 5 lực, 7 giác chi, 8 thánh đạo sanh sang nước đó.
Hồi hướng tâm là tịnh độ của Bồ tát, khi Bồ tát thành Phật, được cõi nước đầy đủ tất cả công đức.
Nói pháp trừ tám nạn là tịnh độ của Bồ tát, khi Bồ tát thành Phật cõi nước không có ba đường ác và tám nạn.
Tự mình giữ giới hạnh không chê chổ khiếm khuyết của người khác là tịnh độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, cõi nước không có sự hủy phạm của cấm giới.
Mười điều lành là tịnh độ của Bồ tát, khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh sống lâu, giàu có, phạm hạnh, lời nói chắc thật, giọng nói dịu dàng, quyến thuộc không chia rẽ, khéo hòa giải việc tranh chấp, kiện tụng, nói lời có ích, không giận, không ghét, thấy biết chân chánh; tất cả các chúng sanh ấy sanh sang nước đó.
…Cho nên này Bảo Tích, Bồ tát nếu muốn được cõi Phật thanh tịnh, nên làm cho tâm được thanh tịnh; tùy chổ tâm thanh tịnh mà cõi Phật được thanh tịnh (Kinh Duy Ma Cật, HT Huệ Hưng dịch, xb.1964, tr. 20-22).
2. Bồ Đề Đạt Ma nói về Tây Phương tịnh độ
Phật ở trong tâm như trầm hương ở trong cây, phiền não nếu hết thì Phật trong tâm hiện ra, võ mục nếu hết thì trầm theo cây tỏa ra. Nên biết ngoài cây không có hương, ngoài tâm không có Phật. Nếu ngoài cây có hương là hương ngoài của cây khác. Ngoài tâm có Phật là Phật ngoài của ai khác.
Trong tâm có ba độc, đó gọi là gốc độ của dơ bẩn. Trong tâm không có ba độc, đó gọi là quốc độ thanh tịnh: Trong kinh nói: “Nếu khiến cho quốc độ vẫn đục, dơ xấu cứ dẫy đầy lên, rồi chư Phật Thế Tôn sẽ từ trong đó xuất hiện, thì điều đó không thể nào có được. Cái vẫn đục dơ xấu ấy tức là ba độc vô minh vậy. Chư Phật Thế Tôn ấy, tức là tâm thanh tịnh giác ngộ vậy. (Thiếu Thất Lục Môn, tr. 64).
Hỏi: Như lời kinh nói: “dóc lòng niệm Phật chắc được vãng sanh qua cõi tịnh độ Tây phương”, chỉ cần theo một cửa ấy tức được thành Phật, sao còn nói quán tâm để được giải thoát làm gì.
Đáp: Phàm nói niệm Phật, cốt cần niệm chánh, không rõ nghĩa là tà. Niệm chánh chắc được vãng sanh, còn niệm tà thì sao qua đó được?
Phật là giác tức tỉnh thức vậy. Tỉnh thức để thấy rõ thân tâm mình, đừng khiến niệm dữ lửng lên. Nói niệm tức ghi nhớ vậy: Ghi nhớ giữ giới hạnh, chẳng quên tinh tấn. Có hiểu như vậy mới gọi là niệm. Cho nên niệm cốt ở tâm, chẳng ở lời nói. Phải biết:
Mượn mom bắt cá, được cá phải quên mom
Mượn lời cầu ý, được ý phải quên lời.
Đã xưng niệm Phật trên danh từ
Nên biết niệm Phật trong đạo lý.
Nếu tâm không thật thì miệng tụng tiếng suông, ba độc chất chồng, nhân ngã chèn lấp, làm sao thấy Phật?
Đem tâm vô minh hướng ngoài cầu Phật, chỉ nhọc sức nào có ích gì?
Nên biết chư Phật ngày xưa tu niệm Phật, phải đâu nói ngoài miệng, chính là tìm xét trong tâm. (sđd, tr.42)
3. Tịnh độ theo cách lý giải của Lục Tổ Huệ Năng
Hỏi: Đệ tử (Thứ sử họ Vi), thường thấy kẻ tăng người tục niệm Phật A-di-đà nguyện sanh Tây phương xin hòa thượng nói cho biết có được sanh về nước kia không.
Đáp: Khi Thế Tôn ở thành Xá Vệ nói về cõi Tây phương để dẫn dắt chúng sanh, và văn kinh nói rõ cánh đây không xa. Nếu xét về tướng thì có mười vạn tám ngàn dặm, tức là con số chỉ vào 10 điều ác và tám điều tà ở trong người chúng ta. Vì thế nói là xa. Xa là đối với người hạ căn. Gần là đối với bậc thượng trí. Người có hai hạng, phương pháp không có hai thứ. Do mê ngộ khác nhau nên kiến giải mau có chậm. Người mê niệm Phật cầu sanh về Tây phương. Người ngộ tự tịnh tâm mình cho nên Phật dạy: “Tùy tâm mình tịnh tức cõi Phật tịnh” (Duy Ma Cật).
Sử Quân là người phương Đông nhưng nếu tâm tịnh thì không có tội như thường. Nếu không thế, người phương Đông tạo tội, niệm Phật cầu sinh phương Tây, còn người phương Tây tạo tội, niệm Phật cầu sanh xứ nào.
Phàm ngu không rõ tự tánh, không biết tịnh độ ngay trong ta nên mới nguyện Đông nguyện Tây. Còn đối với người ngộ thì ở đâu cũng vậy. Cho nên Phật nói: “Tùy bất kỳ ở đâu cũng thường được an lạc”.
Nay tôi khuyên các thiện tri thức, trước hết trừ mười điều ác, tức vậy đi được mười vạn dặm đường, sau trừ tám điều tà, mới qua được tám ngàn vạn dặm nữa. Mỗi niệm kiến tánh, thường làm việc ngay thẳng, được như thế thì chỉ búng ngón tay là thấy Phật A-di-đà. Sử Quân chỉ cần thực hành 10 điều thiện thì cần chi phải nguyện vãng sanh nữa? Trái lại, nếu tâm không trừ bỏ mười điều ác thì Phật nào đến rước? Nếu ngộ pháp đốn giáo vô sanh, Tây phương sẽ thấy ngay tức khắc. Không ngộ mà niệm Phật cầu sanh Tây phương, đường xa lắm làm sao tới được! nghe kệ ta đây:
“Bồ đề tìm nơi tâm nọ
Chẳng nên tìm kiếm ngoài duyên
Nghe xong tu hành theo đó
Tây phương ắt thấy nhãn tiền
(Pháp Bảo Đàn Kinh tr.79)
4. Trần Thái Tông nói về Tịnh độ
Khi bàn về pháp môn Tịnh độ mà việc cụ thể là niệm Phật ông nói: “Niệm Phật có thể dập tắt được ba nghiệp ác.
Vì rằng trong lúc niệm Phật, thân ngồi ngay thẳng, không làm việc tà, như vậy là dập tắt được nghiệp thân. Miệng tụng chân ngôn, không nói lời xằng bậy, thế là dập tắt được nghiệp miệng. Ý chăm chú tinh tấn không nảy sinh tà niệm, thế là dập tắt được nghiệp ý. Nhưng kẻ tu hành có ba bậc:
1. Bậc thượng trí là tâm tức Phật, không phải nhớ thêm sự tu hành. Vọng niệm là bụi trần, không vướng một mảy. Nhưng vọng niệm trần lao vốn thanh tịnh, cho nên nói như như không động vốn là thân Phật. Thân Phật tức là thân ta vốn là Phật sống.
2. Bậc trung trí ắt nhờ vào niệm Phật, chú ý tinh cần, luôn luôn niệm là không quên thì tâm mình ắt tự nhiên thuần thiện. Ý nghĩ thiện đã hiện ra thì ý nghĩ ác sẽ tiêu tan. Khi ý nghĩ ác đã tiêu diệt thì trở về với chánh đạo, đến lúc mệnh chung thì sẽ được niềm vui Niết bàn.
3. Kẻ hạ trí miệng chuyên cần niệm lời Phật, lòng mong thấy hình tướng Phật, thân nguyền sinh về nước Phật, ngày đêm tu hành chăm chỉ, không thoái chuyển như vậy đến khi mạng chung sẽ theo ý nghĩ thiện mà sanh về nước Phật.
Ba hạng người ấy giác ngộ sâu cạn tuy khác nhau, nhưng cái nhận được là một. Nhưng bậc thượng trí nói thì dễ mà làm thì khó. Đời nay ít kẻ theo được.
Nhưng muốn niệm Phật phải lấy cách của kẻ hạ trí làm đầu. Ví như xây tòa lâu đài ba tầng mà không làm tầng dưới trước là điều chưa từng có vậy”.
(Thơ văn Lý Trần tập II, Viện Văn Học, H. 1988, tr.84)
III. THIỀN VÀ TỊNH CÓ LIÊN QUAN GÌ KHÔNG
Nếu xét một cách tương đối, ta thấy pháp môn Tịnh độ có vẻ phổ cập bình dân còn pháp môn Thiền thì có tính cách thượng lưu trí thức hơn. Xét bề ngoài, phép niệm Phật đối lập hẳn với Thiền. Vì thiền không nương vào ai ngoài mình, còn niệm Phật nhất thiết nương vào đức Phật. Nhưng nếu phân tích về tâm lý của phép niệm Phật cũng có cái tương đồng giữa việc duy trì một công án ở Thiền tông là việc niệm danh hiệu Phật ở Tịnh độ tông. Do nền tảng tâm lý chung này mà cả hai có thể gần gũi nhau, Thiền với niệm Phật và niệm Phật với Thiền (Thiền Luận II, tr. 204)
…Thiền với niệm Phật dường như không đồng mà đồng. Vì đích của Thiền là thấu hiểu ý nghĩa của cuộc sống, đích của niệm Phật thì cũng vậy. Thiền chỉ thẳng lòng người, thấy tánh thành Phật nhằm đi tới cõi tịnh độ vốn dĩ không chỉ khác hơn chính là tự tâm, và nhằm thấy rõ tự tánh vốn dĩ chính là đức A-di-đà.
Nếu thế làm sao phân biệt niệm Phật và Thiền? Kinh nói: Như đi vào một thành lớn mà khắp bốn phía đều có cửa; từ những nẻo khác nhau, người ta tìm thấy lối vào riêng biệt của mình. Vì cửa không chỉ có một. Nhưng khi vào rồi, họ cũng ở trong thành như nhau. Thiền và niệm Phật mỗi bên có một căn khí riêng, nhưng khi đi đến đích thì gặp nhau.
Ở niệm Phật, các người có thể phân biệt đằng nào linh nghiệm, đằng nào không linh nghiệm. Tại sao? Nếu việc tụng niệm của tín giả chỉ ở bên môi miệng còn tâm thì chẳng nghĩ tưởng chút gì đến Phật thì thứ tụng niệm ấy không linh nghiệm. Trái lại, nếu miệng và tâm cùng chung hướng về Phật trong lúc tụng đọc danh hiệu Ngài, khiến cho tâm với Phật không rời nhau một bước, thì niệm Phật như thế chắc chắn sẽ có kết quả. Giả dụ có một người tay cầm tràng hạt, miệng niệm danh hiệu Phật, như thế cứ vọng tưởng cuồng tâm, chạy xuôi chạy ngược, thì đó là một người chỉ tụng ở miệng chứ không tụng ở tâm, chỉ luống công vô ích, nhọc sức mà chẳng được lợi ích gì; tốt hơn là nghĩ tưởng đến Phật trong tâm dù môi không mấp mấy. Vì như thế mới là đồ đệ chơn chính của pháp môn niệm Phật.
Há không thấy Kinh nói rằng mười phương Như Lai thương nhớ chúng sanh như mẹ thương con. Nếu con cũng nhớ tưởng đến mẹ như thế thì tại sao mẹ con không có ngày hội ngộ? (Thiền luận II, Suzuki, T.S dịch, Am Tiêm xb.1971, tr.208)
Kẻ học Thiền lại cứ một mực theo Thiền, người niệm Phật hãy cứ khăng khăng niệm Phật. Nếu tâm bị phân chia giữa hai thứ sẽ chẳng thành tựu được gì cả. Người xưa đã nói ví dụ về tình trạng bị phân tâm như thế giống như một người cố bước vào hai con thuyền một lúc , nhưng chẳng bước vào đâu được.
Vĩnh Minh Diêm Thọ (tịch năm 975) đã nói sự dung thông giữa Thiền và Tịnh. Ông được xem như một trong những người chủ trương tôn giao hoà hợp vĩ đại trong lịch sử Trung Hoa, đã cố gắng dung hoà giữa Thiền và Tịnh độ. (Sđd, tr. 210)
Quán Kinh nói: “Mỗi một đức Phật Như Lai hiện thân trong pháp giới và thâm nhập ở trong tâm của tất cả hữu tình. Vậy mỗi khi các ngươi tưởng đến Phật, chính tâm của các ngươi được trang nghiêm bằng 32 tướng tốt và 80 vẽ đẹp. Tâm ấy được chuyển thành Phật tánh, tâm ấy chính là Phật. Biển chánh trí của chư Phật nổi dậy trong các tâm tưởng các ngươi. Vì lẽ đó, các ngươi hãy nhất tâm tu tập quán tưởng tâm, Như Lai, Ngài là bậc A la hán, Chánh Đẳng Giác. (Sđd, tr. 256)
Cứ để cho sự chú tâm lên tới cao độ của nó thì sẽ có một trực giác về những chân lý huyền diệu như vậy: Vãng sanh tức vô sanh, niệm Phật tức không có gì để niệm. Tâm này chính là Như Lai, dù sắc thân còn lệ thuộc thế giới này mà tâm thì vui sướng trong cõi Tịnh độ. (Sđd 260).
Lại nữa, củi sẽ cháy nếu châm lửa vào, lửa đốt cháy và lửa vốn có trong củi là một. Như vậy, chính do hoà hợp nội duyên mà hết thảy các pháp hiện hành. Dù tất cả chúng ta có sẵn Phật tánh, như tự Phật tánh nó không đốt cháy những tham dục nếu như không châm ngọn lửa của trí tuệ siêu việt. Ngọn lửa trí tuệ đó vốn là danh hiệu Phật. (Sđd. 264)
Dưới cái nhìn của Thiền, câu “Nam mô A di đà Phật” là một công án đề ra cho môn đồ của Tịnh độ tông. Đấy là lúc chìa khoá được đặt vào tay hành giả, toàn thể kho tàng trí thức tôn giáo dành cho y này được toàn quyền tự do sử dụng. (Sđd. 268).
Tôn giáo trọn vẹn được xây dựng trên nền tảng kinh nghiệm, không có kinh nghiệm này, tất cả cơ cấu giáo lý của nó sẽ sụp đổ. Đây là chổ khác nhau giữa tôn giáo và triết học. Tất cả các hệ thống triết học mai kia có thể sẽ băng hoại, nhưng đời sống tôn giáo mãi mãi được chứng nghiệm những huyền bí sâu xa của nó. Tịnh độ tông và Thiền tông không thể tách rời khỏi những huyền bí này. Tịnh độ tông đặt trọng tâm của mình trên việc niệm Phật và Thiền tông thì đặt trên thực hành công án. Nếu như xét về những kiến trúc của chúng thì cả hai hình như rất gần gũi nhau. (Sđd, tr.269)
Thiền sư Bách Ẩn nói: “Điều mà tôi trách cứ nhiều nhất là thái độ của các môn đệ Thiền thì lại biếng nhác hoặc hèn kém, và trông khi bê trễ ở pháp môn này họ sợ hãi mà nghĩ tới một ngày tàn sắp đến của tuổi già, và lại bắt đầu với pháp môn niệm Phật là pháp môn giải thoát tốt đẹp nhất và thích hợp nhất dành cho chúng sanh trong thời mạt pháp này. Họ thật đáng thương. Họ như những con sâu, sinh ra từ cột gỗ, trợ lại gặm nhấm gỗ và cuối cùng kéo nó đổ xuống. Vì vậy họ đáng bị khiển trách nặng nề. (Sđd, tr. 282)
IV. ĐỐI CHIẾU TỊNH ĐỘ VỚI NHỮNG THIẾT BỊ VĂN HÓA HIỆN ĐẠI
Chúng ta thấy có những bản nguyên Tịnh độ như:
-Nguyện nhân dân trong nước không có sự bất đồng về sắc tướng. Nguyện cho nhân dân trong nước đều một sắc vàng.
Những nguyện trên đây đều cùng một chủ ý thú là muốn thủ tiêu chế độ phân biệt chủng tộc để thực hiện lý tưởng nhân chủng bình đẳng trong cõi Tịnh độ (1)
Nguyện không có sự phân biệt về loài trời loài người vv…
Bản nguyện này mang chung một ý thú là muốn hủy bỏ sự phân biệt giai cấp. Do đó trong Tịnh độ nếu không có sự tranh chấp về nhân chủng, về màu da vàng, trắng, đỏ, đen thì tất nhiên sẽ không còn những cuộc đấu tranh giai cấp, tự nhiên lòng người sẽ hòa hợp, nhất trí, tất cả đều xem nhau như anh em, chung sống trong hòa bình, chỉ vui cùng đạo và sống trong chánh pháp. (2)
…Những ý niệm trên đây mới nghe qua có vẻ như là không tưởng, nhưng nếu đối chiếu nó với cuộc sống thực tế xã hội thời bấy giờ thì ta thấy Ấn Độ thật đã có nhiều chủng tộc, nhiều đẳng cấp và nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nếu ta khảo sát đến tình trạng phân hóa của xã hội đương thời thì ta sẽ thấy những lý tưởng trên đây của Phật giáo thật đã có một ý nghĩa phản kháng mãnh liệt và sâu sắc về tình trạng phân biệt chủng tộc và giai cấp thời ấy.(3)…Nguyện đất bằng phẳng, sáng cũng như gương, nguyện đất toàn bằng vàng.v.v.
Có thể nói tất cả các nguyện được biểu hiện trên đây để hình dung cõi nước đều liên quan đến trạng thái đường sá.(4)
Nghĩa là tất cả đường sá được chỉnh trang rất thuận tiện cho sự giao thông theo mô hình của một xã hội văn minh hiện đại nhất.
Nguyện 46 nói, chúng sanh trong nước hể muốn nghe pháp, thì tự nhiên được nghe. Điều này ngày nay chúng ta nghe rất thực tế…
Nguyện sự ăn, mặc, ở đều tự nhiên thành tựu. Đây là một ước vọng về trạng thái kinh tế và đời sống của dân chúng trong cõi Tịnh độ đều dễ dàng và sung sướng. Trước hết là vấn đề đèn, thì ai cũng biết có nguyện “ánh sáng vô lượng”, về nước thì có nguyện “nước tám công đức”. Nếu giải thích những thiết bị trên đây theo tinh thần văn hóa hiện đại, ta thấy có điểm rất thú vị! Nghĩa là trong nhà có đầy đủ tiện nghi đèn nước. Đặc biệt là vấn đề vệ sinh có nguyện “Nguyện nhân dân trong quốc độ ta không có nạn đại tiểu tiện” (Khi muốn đại tiểu tiện thì đất nứt ra sau đó khép lại). Mới nhìn qua ta thấy nội dung của nguyện trên có vẻ như là không tưởng, nhưng nếu suy nghĩ một chút ta thấy nó hoàn toàn muốn lý tưởng hóa vấn đề vệ sinh, nghĩa là đưa những thiết bị tại những nơi đại tiểu tiện công cộng đến một trạng thái hoàn toàn tối tân hiện đại. Những vấn đề này ngày nay tại những đô thị văn minh gần như đã hoàn toàn thực hiện được. Cách đây hơn 2500 năm, đối với khung cảnh Tịnh độ mà có thể dự tưởng đến một trạng thái như thế, thì quả thật đã có những đặc điểm cực kỳ tiến bộ.
Rồi đối các cơ quan thông tin, giao thông, tuy bề ngoài không được biểu hiện rõ ràng, nhưng trong nội dung các bản nguyện đã mặc nhiên bao hàm những ý nghĩ đó. Chẳng hạn, nguyện nhân dân trong nước đều có năm thứ thần thông là thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm, thần túc và túc mạng. Thiên nhãn có nghĩa là cái năng lực thấy được tất cả là những vật li ti ở rất xa; Thiên nhĩ là sức nghe được tất cả âm thanh ở mọi nơi; Tha tâm là năng lực biết được tâm người khác; Thần túc là năng lực bay đi được tự tại và Túc mạng là năng lực biết được sự tình của quá khứ.
Tất cả những ý niệm trên đây nếu được chuyển dịch thành ngôn ngữ hiện tại thì ta có thể nói đó là các thứ điện tín, điện thoại, vô tuyến điện, truyền thanh, truyền hình, xe lửa, xe hơi, máy bay, phi thuyền…cho đến tất cả những thiết bị khoa học khác đều dự kiến đầy đủ. Tuy có điểm bất đồng là khoa học ngày nay tìm những thiết bị đó ở bên ngoài, còn bản nguyện thì tìm nó trong năng lực nội tâm của chúng sinh (5). Hơn nữa về phương diện đạo đức và tôn giáo thì nền văn minh hiện đại và lý tưởng Tịnh độ còn cách nhau xa lắm. Cho nên, cần đợi đến thời kỳ hội Long Hoa của Phật Di lặc xuất hiện họa may mới thực hiện được. Gần đây có nhiều người than phiền là cuộc sống tinh thần càng ngày càng suy kém, lại cũng có những người nguyền rủa sự tiến bộ của văn minh vật chất. Tôi thiết tưởng những quan điểm đó đều không thích đáng. Dĩ nhiên, nếu cho rằng chủ nghĩa vật chất là vạn năng thì không nên, nhưng sinh hoặt tinh thần chân chính cần phải thông qua vật chất biểu hiện thì mới hoàn toàn, trái lại, lìa vật chất mà cô lập thì tức khắc sẽ rơi vào tình trạng mất thăng bằng. Nếu cho vật chất là vật chất, tinh thần là tinh thần, hai lãnh vực ấy không liên quan gì với nhau, thì nền văn hóa đó chưa phải hoàn toàn và cũng không thể nào tồn tại. Trái lại, nếu đặt văn hóa vật chất lên hàng đầu mà coi thường tinh thần; cho nên đối với quan niệm cho vật chất là vạn năng, chúng ta cần phản đối; nhưng nếu lại đi quá trớn mà coi tinh thần là độc tôn thì như thế đã bỏ một cực đoan này để chạy sang một cực đoan khác, thái độ ấy cũng sai lầm nốt.
Thí dụ, nếu bảo: Đèn điện là sản phẩm của văn minh vật, nên ta phải dùng đèn dầu và nến, để thay thế chúng, nhưng dầu và nến cũng là văn minh vật chất, vậy thì ta phải bỏ luôn chúng đi để chỉ dùng ánh trăng mà thôi; thử hỏi tình trạng như thế gọi là một nền văn minh tinh thần lý tưởng được không.
Chung cuộc, Tịnh độ không phải chỉ thanh tịnh hoàn toàn ở phương diện tinh thần, mà về phương diện vật chất cũng phải là một nơi lý tương nữa.(6)
CHÚ THÍCH:
(1), (2), (3)3,(4), (5), (6) Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, KimuraTaiken trước tác, Thích Quảng Độ dịch, Tu Thư Vạn Hạnh xb. 1969, các trang 417, 417, 420, 422, 458.