Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Tìm hiểu thang âm ngũ cung trong âm nhạc Huế (P2,hết)

Tìm hiểu thang âm ngũ cung trong âm nhạc Huế (P2,hết)

104
0

III. Thang âm ngũ cung Huế: 

Trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, hệ thống định âm của ta không trùng khớp với hệ thống bình quân luật trong âm nhạc cổ điển Tây phương, nghĩa là thang âm Việt không cấu thành từ hệ thống 12 bán cung của một quãng tám như trong nhạc Tây phương. Sự khác biệt về hệ thống định âm này chính là do sự thẩm âm riêng biệt mang bản sắc dân tộc của cư dân từng khu vực, từng quốc gia  khác nhau. Một đặc điểm khác là cao độ của mỗi âm bậc trong nhạc Việt chỉ có tính cách tương đối, âm bậc chuẩn chỉ mang tính quy ước trong từng điệu thức, từng hơi nhạc, tùy bài bản và tùy ở mỗi vùng miền khác nhau. Các kỹ xảo trong diễn tấu (nhấn, rung, vuốt, mổ…) trên từng âm bậc của thang âm đã tạo nên hệ thống các hơi nhạc phong phú của âm nhạc Việt Nam.

1. Điệu Bắc: Với âm nhạc Huế, chúng ta có một hệ thống thang âm ngũ cung khá độc đáo. Trước tiên là thang âm cơ bản, là sự kế thừa thang âm Đại Việt lâu đời từ trong lịch sử, đó là điệu Bắc (người Huế – người trên đất Thuận Hóa cũ – còn gọi là điệu Khách), tương đương với cung hoàng chung (cung thương giốc chủy vũ) trong âm nhạc Trung Hoa:

hò   xự   xang   xê  cóng  liu   
(do   re    fa      sol    la     do)

Chúng ta dễ dàng tìm thấy thang âm này trong phần lớn bài bản âm nhạc cung đình và ca nhạc thính phòng. Điệu Bắc chính là dấu ấn của ảnh hưởng Trung Hoa trong nhạc Việt, tuy vậy điệu thức của người Việt vẫn có ngôn ngữ riêng với cách nhấn nhá ở các âm bậc xự, cống với kỹ thuật rung đặc trưng và âm bậc cống cũng đàn hơi non. Điệu Bắc mang tính chất vui tươi, trang nghiêm, tốc độ thường là khoan thai hoặc nhanh, ít khi chậm, thường được dùng trong các buổi tế lễ long trọng, chẳng hạn bài Long ngâm dùng trong những lúc rót rượu cúng tế; bài Man (trong nhạc Bả lệnh) của dàn Đại nhạc dùng trong lễ rước vua hay đón sứ thần, nghe dồn dập, sôi nổi, vui tươi, dùng nhiều đảo phách, chủ âm được thay đổi nhiều lần nên nét nhạc rất uyển chuyển; bài Mã vũ dùng trong điệu múa Lân mẫu xuất lân nhi, thể hiện tình cảm thân thiết, trìu mến;Đăng đàn cung do dàn Đại nhạc diễn tấu cũng thuộc nhạc nghi lễ; mười bản Tàu trong ca Huế… 

Theo giáo sư Trần Văn Khê, trong nhạc Việt, tất cả các bài thuộc điệu Bắc đều có bảy yếu tố cơ bản: có thang âm ngũ cung với âm bậc cơ bản là hò (do); bất kỳ âm bậc nào trong thang âm ngũ cung đều có thể dùng làm bậc khởi đầu, bậc kết thúc hoặc bậc ngơi nghỉ. Bài Lưu thủy bắt đầu bằng âm hò và kết thúc cũng âm hò, còn các bài điệu Bắc khác lại không bắt đầu bằng âm hò. Chẳng hạn, bài Cổ bản bắt đầu bằng âm xê (sol), bài Long đăng bắt đầu bằng âm ú (re)… Phần lớn các bài nhạc Việt đều kết thúc bằng âm hò (do) hoặc âm xang (fa). Nhưng các âm khác cũng có thể dùng để kết thúc, ví dụ Nguyên tiêu kết thúc bằng âm cống (la), Kim tiền bằng âm xự (re); có tốc độ khoan thai hoặc nhanh; các câu nhạc trong điệu Bắc có độ dài thay đổi, số ô nhịp trong bài thường là chẵn, trừ trường hợp những bài quá ngắn như Xuân phong, Long hổ; nhạc công diễn tấu điệu Bắc đều có những nốt hoa mỹ để luyến láy; các nhạc cụ như đàn tranh hoặc đàn nguyệt đều lên dây theo hệ thống dây Bắc; tất cả bài bản điệu Bắc đều mang tính chất vui tươi. (22)

2. Điệu Nam: Điệu này xuất hiện từ khi dòng người Việt đi về phương Nam vào đất mới. Họ mang theo ngôn ngữ, phong tục, tập quán và cả âm nhạc. Tuy nhiên trong quá trình sinh hoạt và giao lưu văn hóa với người bản địa, người Việt đã chịu ảnh hưởng của người Chăm. “ Có thể trong dĩ vãng, người Việt ở miền Bắc vốn quen dùng ngũ cung đúng ( do re fa sol la), khi Nam tiến đã bị nhạc Chàm với ngũ cung oán (do mi fa sol la) quyến rũ rồi sáng tạo ra ngũ cung ai (do, re non, fa già, sol, la non) chăng?” (23). Điều dễ nhận ra là ảnh hưởng trong giọng nói, ngôn ngữ. Chẳng hạn thanh sắc và thanh ngã của người Huế khi phát âm đã hạ thấp hơn, thanh hỏi lại cao hơn so với miền ngoài, có người cho đó là giọng lơ lớ. Chính âm thanh lơ lớ này đã hình thành điệu Nam trong nhạc Huế :

                          hò     xự non    xang già   xê     cống non    liu
                          (do       re-             fa+       sol        la-          do)
Trong thang âm này hai âm bậc hò và xê không thay đổi so với điệu Bắc, các bậc còn lại đều có thay đổi để làm nên sắc thái riêng của điệu thức miền Trung, trong đó hò và xang dùng kỹ thuật rung.

Nói đến hai điệu Bắc và Nam để khẳng định nguồn ảnh hưởng của Trung Hoa và Chăm trong nhạc Việt. Tuy nhiên trong âm nhạc Huế, với kỹ thuật rung hai bậc xự, cống, điệu Bắc đã được Việt hóa, không còn là của Trung Hoa nữa. Ngoài ra người Huế đã sáng tạo thêm một cách tinh tế và phong phú các sắc thái đặc thù trong âm nhạc của mình mà người Huế gọi là hơi nhạc. Đó là sự vận dụng tài tình ngôn ngữ âm nhạc để giãi bày các trạng thái tình cảm, nội tâm trữ tình và đa dạng của họ. 

3. Các hơi nhạc: Âm nhạc Huế gồm có các hơi nhạc sau: hơi ai, hơi xuân, hơi oán, hơi dựng, hơi thiền. 

– Hơi ai dùng để diễn tả sự buồn thương, áo não, những tình cảm luyến tiếc, mất mát, thở than, tốc độ chậm rãi. Chính vì tính chất này, hơi ai không dùng trong âm nhạc cung đình mà thường được dùng trong ca nhạc thính phòng Huế, nhiều khi cũng được dùng trong âm nhạc cúng tế, trong tang lễ. Ví dụ các bài Nam ai, Nam bình, Tương tư khúc…Hơi ai có thang âm như sau:   

                              hò    xự non   xang già   xê     cống non   liu
                             (do      re-        fa rung     sol         la-         do)

Âm bậc xư và cống giảm xuống gần ¼ cung, âm xang rung. Nếu chuyển cung dùng âm cống (la) làm chủ âm (hò), thang âm này sẽ là: 

                              la        do         re            mi          sol         la

Ông Thái Văn Kiểm trong sách Cố đô Huế dẫn lời cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị nói chính chúa Minh là người đã sáng tác bài Ai giang nam, tức Nam ai. Chúa Minh chính là Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Như vậy có thể bài Nam ai xuất hiện vào đầu thế kỷ 18, giai điệu buồn bã nhưng không quá não nuột như các bài hơi oán Nam bộ:

                      Ngoảnh lui cố quốc
                      Ngập ngừng gót ngọc
                      Mây phủ kín trời thương
                      Ngơ ngẩn bâng khuâng
                      Hoa đang độ thanh xuân
                      Dập vùi cứu mạng muôn dân
                      Không sánh đặng Chiêu Quân
                      Cho trọn đạo quân thần
                      Vẻ chi một đóa yêu kiều diễm lệ…(24)

Bài Nam bình cũng là hơi ai, có lời cổ là Nước non ngàn dặm ra đi nói về công chúa Huyền Trân nhưng giai điệu tươi tắn hơn, có tính chất tao nhã hơn:

                       Nước non ngàn dặm ra đi
                       Cái tình chi
                       Mượn màu son phấn
                       Đền nợ Ô Ly
                       Đắng cay vì đương độ xuân thì…(25)

– Hơi xuân có thể tìm thấy trong âm nhạc cung đình Huế, âm nhạc  tuồng và nằm trong hệ thống điệu Bắc. Thang âm của nó là:

                             hò      xự      xang     xê     cống    liu
                             (do      re         fa      sol       la       do)

Nghệ nhân đàn tranh thường mắc dây với âm hò là sol thì thang âm này sẽ là:

                             sol      la          do       re       mi       sol     

Tuy nhiên hơi xuân Huế có thủ pháp nhấn rung đặc biệt là âm bậc xang và liu thường rung nhấn lên khoảng một cung rồi trở về âm bậc chính. Âm bậc xự và cống rung như điệu Bắc. Âm bậc xê dùng kỹ thuật mổ (nhấn rồi thả thật nhanh). Có khi hơi xuân lại xuất hiện âm bậc phàn cao hơn âm bậc cống một chút. Hơi xuân có trong bài Thài bát dật (đệm cho điệu múa Bát dật trong cung đình), bài Nam xuân (khác bài Nam xuân trong nhạc tài tử Nam bộ có thang âm là hò y xang  xê  phàn liu), thường mang tính chất đĩnh đạc, uy nghiêm và tươi vui hơn hơi ai (26):

                      Nhắn nhe vườn hạnh, đợi chờ chim xanh
                      Khéo đưa tình,
                      Đưa tình, đưa lại cho ta, lại cho ta
                      Trót đã mặn mà, đã gần xin bạn đừng xa
                      Sớm đào tối mận lân la
                      Trước còn trăng gió (còn trăng gió) sau ra đá vàng. (27)

                      – Hơi oán diễn tả điệu buồn sâu xa, có tính chất oán thán. Oán tự nguồn gốc là âm cống (la) trong bài Chinh phụ, thuộc điệu Nam trong nhạc Huế. Trong bài này, tất cả âm cống phải đọc thành oán, theo Hoàng Yến trong bài viết La musique à Huê, B.A.V.H tháng 7-8.1919 (28). Hơi oán phần lớn được sử dụng trong đờn ca tài tử Nam bộ, tuy vậy trong ca nhạc Huế cũng có hơi này nhưng thang âm có khác biệt, như trong các bài Tứ đại oán, Chinh phụ… thang âm của nó như sau:

                              hò    xư     xang     xế      oán    liu
                             (fa    sol#    sib       do#    mib    fa)   hoặc
                             (la     do      re         fa      sol       la)

Âm bậc cống trong hơi này được gọi là oán, vào hơi nhạc thì đọc trại ra là oan.

– Hơi dựng là sự chuyển điệu từ hơi này sang hơi khác, nghĩa là trong khi diễn tấu điệu này lại chen vào những đoạn theo điệu khác, tuy vậy những đoạn chen vào đó chỉ là tạm thời để rồi trở về điệu chính. Hơi dựng có trong các bài Hành vân, Tứ đại cảnh, Cổ bản dựng, Quả phụ…

– Hơi thiền được tìm thấy ở những bài chịu ảnh hưởng các bài kệ, bài tán và tụng trong âm nhạc Phật giáo. Theo nhạc sĩ Vĩnh Phan, hơi thiền cũng là hơi khách (Bắc). Trong một bài hơi khách có hai cung y, phàn (mi, sib) thì dĩ nhiên có chuyển hệ; trong một bài hơi khách mà hai cung xự, cống luôn có mặt trong dứt câu hay ở đầu ô nhịp, lúc đánh cho ta cảm giác một âm giai thứ hoặc dùng cả hai cung y, phàn nữa thì hơi đó nhất định là hơi thiền:

                             hò    xự    (y)   xang     xê    cống    (phàn)   liu
                            (do    re     mi     fa       sol     la           sib      do)  (29)

Có thể tìm thấy hơi thiền trong bài tán Dương chi tịnh thủy, ca ngợi Phật Quan âm (riêng bài tán Nhất điện lại theo hơi ai). (30)

4. Thang âm ngũ cung trong âm nhạc dân gian Huế thì tương đối thuần nhất hơn. Các bài dân ca chủ yếu sử dụng thang âm ngũ cung điệu Nam của âm nhạc Huế. 

                           hò     xự non    xang già   xê     cống non    liu
                          (do       re-             fa+       sol        la-          do)

Trước hết là các điệu lý: «Có thể nói tất cả những bài lý của Trị Thiên dù dưới những tên gọi khác nhau, làn điệu khác nhau, hát bằng ngũ cung hơi Nam giọng ai (do, re non, fa già, sol, la non) là ngũ cung độc đáo của địa phương» (31). Đó cũng là thang âm của các bài hò, ngâm… “Năm cung bậc ở đây cũng thay đổi và không giống ngũ cung Bắc và ngũ cung oán: do  re (non)  fa (rung)  sol  la (non). So với ngũ cung Bắc và oán, hệ thống năm cung ở vùng Huế đã khác hẳn: cung re bị lơ lớ, cung fa không ở một vị trí nhất định, cung la cũng bị non đi” (32). Riêng đối với điệu hò mái đẩy, nhạc sĩ Phạm Duy đã tìm hiểu thang âm điệu hò này (năm 1953) và đem so sánh với thang âm điều hòa Tây phương như sau:

                             hò      xự          xang     xê           cống        liu
                             sol    la 1/2b       do      re 1/2b    mi 1/2b    sol

Như vậy các quãng của hò mái đẩy là: 

                              1,5   +   3,5   +  1,5   +   2    +  3,5 bán cung. (33)

Điệu hát chầu văn, mà Phạm Duy gọi là thể ca nhạc phù phép (incantation), thường rất chú trọng đến văn, tức là những bài thơ lục bát, song thất lục bát do những người có học sáng tác, bởi có nhiều từ Hán Việt hoặc sử dụng sự tích, điển cố văn học. Tùy theo nghi lễ từ phụng thỉnh chư thánh đến lúc người ngồi đồng nhập bóng, các cung văn lập tức đổi giọng, đổi văn, nghĩa là đổi bài tụng ca, tán ca và đổi  điệu nhạc. Chẳng hạn với các bài thỉnh chư thần, dâng hoa, dâng nước, khi đệ tử lễ bái, cung văn diễn xướng:

             Rượu này rượu thánh rượu tiên,
             Tôn ông đà nhắp cạn, xin dâng liền tuần hai
             Thủ am quỳ trước kim giai
             Xin tôn ông phù hộ cho phát tài hanh thông. (34).
             … Hoa quả dâng lên dâng trà, hoa quả dâng lên
             Lòng tin Phật đức chúa là tiên (ư ư) cửu trùng…
             Mày liễu tốt tươi mặt chầu ba mày liễu tốt tươi
             Hình dung bao sắc miệng cười nở hoa. (35)

Trong các bài văn hầu này cung văn sử dụng giọng đài. Âm nhạc mà cung văn diễn xướng chạy trên thang âm ngũ cung re  fa  sol  la  do. Khi qua một đoạn khác, chẳng hạn:

              Giá vũ một thôi ngài đằng vân giá vũ một thôi
              Thiên đình phút đã ngài xuống nơi dương đình
              Ba ngàn thế giới cảnh thanh.
              Thế giới cảnh thanh ba ngàn thế giới cảnh thanh
              Đâu đâu đều cũng chí thành lòng tin
              Tiểu chúng tôi cầu đảo (ư ư) khấn nguyền… (36)

Thì âm nhạc lại chuyển sang thang âm điệu Nam hơi ai: la  do  re  mi  sol. Đây chính là hiện tương chuyển hệ (métabole) trong nhạc Việt.

Với bài văn hầu Thánh mẫu thượng ngàn :

             Nền linh hiển ngàn xưa chung tú
             Riêng một tòa động phủ thiên nhiên
             Vốn xưa chúa ở cung tiên
             Giáng trần độ thế về miền non xanh. (37)
             … Đài Minh cảnh lung lay bóng nguyệt
             Cung Quảng hàn mờ mịt thức mây
             Chiều chiều gió thổi rung cây
             Mùi hơi chim nói thú ngàn mây rộn ràng
             Thú núi non chúa Thượng ngàn…(38)

Cung văn hát trên thang âm giọng đài:  re  fa  sol  la  do, nhưng đến đoạn sau:

             Đêm thâu múa hát trong đêm tựa ngày
             Ngọn đèn ngọn đèn khêu bấc (?) thơ mượn làm vui
             Ban mai gió cuộn trăng lờ
             Chiếc thuyền ven suối lững lờ lờ trôi. (39)

thì cung văn chuyển sang thang âm:  la  do  mi  sol  la. Như vậy trong hát chầu văn Huế thường sử dụng bộ thang âm ngũ cung như sau :

              re   fa   sol   la   do   re
              re   fa   sol   sib  do   re
              la   do   re    mi   sol   la

                                                     ***

Âm hưởng nhạc Huế theo bước chân người Việt dần tiến về phương Nam đã tạo nên hai loại hình âm nhạc có tên tuổi là đờn Quảng và đờn ca tài tử Nam bộ. Có thể nói đây là hai loại nhạc có nguồn gốc từ âm nhạc Huế mà ra.

Tất cả các loại hình âm nhạc cung đình, ca Huế, đờn Quảng, đờn ca tài tử Nam bộ đã tạo thành nền âm nhạc cổ điển Việt Nam mang tính chất đặc thù, có màu sắc riêng biệt không thể nhầm lẫn với âm nhạc một nước nào trong khu vực. Chúng ta tự hào về giá trị nền âm nhạc này, cho nên nhiệm vụ của chúng ta là phải bảo tồn và phát triển những giá trị tinh thần quý báu ấy.

N..P.Y

     
CHÚ THÍCH

(22) Trần Văn Khê, La musique vietnamienne traditionnelle, PUF, Paris, 1962, tr. 217.
(23) Phạm Duy, Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam, NXB Hiện Đại, Sài Gòn, 1972,  tr. 37.
(24) Trần Kiều Lại Thủy, Âm nhạc cung đình triều Nguyễn, NXB Thuận Hóa, Huế, 1997, tr. 158. Bài Nam ai do Đào Quý Duy ghi âm. 
(25) Trần Kiều Lại Thủy, sđd, tr. 161. Bài Nam bình do Đào Quý Duy ghi âm.
(26) Trần Kiều Lại Thủy, sđd, tr. 219.
(27) Văn Thanh, Tìm hiểu ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên, Sở Văn hóa- thông tin Bình Trị Thiên, 1989, tr. 55.
(28)Trần Văn Khê, La musique vietnamienne traditionnelle, PUF, Paris, 1962, tr. 244.
(29) Vĩnh Phan, Vài ý kiến về các hơi nhạc cổ truyền Huế, Nghiên Cứu Việt Nam, Huế, số 1 mùa xuân 1966, tr. 18.
(30) Trần Văn Khê, Phong cách tán tụng trong Phật giáo Việt Nam, báo Giác Ngộ, TP.HCM, số 59 năm 2001.
(31) Tôn Thất Bình, Dân ca Bình Trị Thiên, NXB Thuận Hóa, Huế, 1997, tr. 32.
(32) Phạm Duy, sđd, tr. 52.
(33) Trần Văn Khê, sđd, tr. 209.
(34) Trần Đại Vinh, Tín ngưỡng dân gian Huế, NXB Thuận Hóa, Huế, 1995, tr. 211.
(35) (36) CD Chầu văn Huế (trực tiếp ghi âm tại một buổi lễ chầu văn tại Đà Nẵng năm  1973 do cung văn Nguyễn Văn Hối diễn xướng – tài liệu riêng của người viết).
(37) Trần Đại Vinh, sđd, tr. 206.
(38) (39) CD Chầu văn Huế, đã dẫn.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here