Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Tiểu sử Hòa thượng Thích Chơn Kim (1930 – 2017)

Tiểu sử Hòa thượng Thích Chơn Kim (1930 – 2017)

249
0
I. Thân thế:

Hòa thượng đạo hiệu Thích Chơn Kim thế danh Nguyễn Phúc Liên Phú, Pháp danh Tâm Phú, đời thứ 43 dòng Lâm Tế, xuất thân từ dòng họ Nguyễn ở Gia miêu ngoại trang tỉnh Thanh Hóa. Tiên tổ là ngài Nguyễn Kim bậc đại thần đã tận trung phục hưng lại nhà Hậu Lê là Lê Trung Hưng. Tiếp theo là chúa Nguyễn Hoàng cùng 8 đời chúa kế sau đã trấn giữ và mở mang bờ cõi đến tận phương Nam. Quý Chúa đã lấy tinh thần từ bi của Phật giáo làm tư tưởng chủ đạo cho sự nghiệp vệ quốc an dân. Sau này Hoàng đế Gia Long đã dựng lên vương triều nhà Nguyễn. Hòa thượng Thích Chơn Kim là hậu duệ của một dòng họ vua chúa như thế!

Thân phụ là cụ ông Nguyễn Phúc Tráng Đinh tự Tráng Đăng pháp danh Tâm Huệ, sáng lập viên và là Thư ký của Hội An Nam Phật học. Trên cương vị của Hoàng tộc, cụ đã can thiệp và cứu mạng cho nhiều đấng thạch trụ tòng lâm trong Phật giáo Thừa Thiên Huế qua những lần bố ráp của Thực dân.

Thân mẫu là cụ bà Trần Thị Ngọc Yến, pháp danh Diệu Hải rất hiền đức. Sinh thành trong một gia đình thâm tín và hộ trì Tam Bảo nên Hòa thượng tuy là con trưởng nhưng vẫn được song thân chọn hướng xuất gia cho Hòa thượng ngay từ tấm bé, làm đệ tử của Hòa thượng Hội chủ 

thượng 

Tịnh 

hạ

Khiết. Tuổi thơ, con nhà quyền quý làm sao kham nổi nếp sống bất túc của nhà chùa lâu dài được. Sau hai năm ở chùa, Hòa thượng đã được đưa về nhà ăn học. Là một cậu học trò năng động, thông minh, tinh nghịch, giỏi nhất là môn ngoại ngữ. Hòa thượng lớn lên cũng theo dòng đời kiến tạo sự nghiệp, rồi cũng chuẩn bị xây dựng gia đình.

II. Xuất gia:

Tuy thân sống với đời, bản chất đầy khí phách dọc ngang, song Phật chủng xuất gia ngày nào vẫn còn hiện hữu trong tâm thức sâu kín của Hòa thượng, vẫn mãi thương đạo, thiết tha trân quý các Phật sự. Là Huynh trưởng của GĐPT, Hòa thượng đã cùng quý Huynh trưởng trong Ban Hướng dẫn GĐPT Phật học Nam Việt thành lập GĐPT khắp cả miền lục tỉnh.

Là một Phật tử trung kiên với đạo, Hòa thượng đã rất tích cực và sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo tồn Đạo pháp trong phong trào đấu tranh đòi quyền tự do tín ngưỡng năm 1963.

Bằng cả trí tuệ và lòng quả cảm, có lúc Hòa thượng đã dám cải trang đóng vai viên chức cao cấp của chế độ đương thời để đưa tài liệu tối quan trọng vào chùa Xá Lợi cho các vị Lãnh đạo Phật giáo, đang bị vây hãm, cách ly mọi liên hệ.

Nhớ đêm 20-8-1963, trước giờ tổng tấn công vào các chùa chiền trên toàn lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa, Phật giáo Việt Nam đang lâm vào thế ngàn cân treo sợi tóc, chú điệu Liên Phú của ngày nào đã quyết tâm tự nguyện xuống tóc mặc áo nâu sồng, làm Thượng tọa Liên Phú, với tâm nguyện xin làm vật hy sinh, nhận làm người chủ mưu để chịu đòn tra tấn thế cho chư Thượng tọa, vì quý Ngài sức yếu làm sao hứng nổi những cực hình.

Hòa thượng Chơn Kim với tâm nguyện xuất gia như thế, sẵn sàng bỏ lại tất cả sau lưng, kể cả vị hôn thê sắp dạm hỏi. Dấn thân vào đạo bằng cả sự hy sinh thân mạng. Khi tạm ra khỏi trại giam Hòa thượng đã trở về Ấn Quang hầu Hòa thượng Hội chủ và được Ngài từ ái ban lời pháp nhũ:

“Tâm Phú về với Ôn đi con”.

 Thế là Hòa thượng Chơn Kim đã chính thức xuất gia trở lại.

III. Tu tập và hành đạo

Trong thời gian hành Điệu, Hòa thượng đã được chư Tôn đức Lãnh đạo phó thác nhiều nhiệm vụ phù hợp với khả năng như, đối đáp lưu loát, cùng với trình độ thông thạo ngoại ngữ Anh văn.

Năm 1964, Hòa thượng được Bổn sư trao truyền Sa di giới tại Tổ đình Tường Vân – Huế với pháp tự Chơn Kim, như một xác tín của Ngài về niềm tin Phật của Hòa thượng Chơn Kim là bất động, dù có vào đời trôi nổi đi đâu cũng bảo tồn trọn vẹn bản chất quý báu của mình.

Giai đoạn hành Sa di giới, Hòa thượng rất tinh tấn trong công phu tu tập. Những lúc chư Tôn đức Lãnh đạo giao phó các Phật sự, Hòa thượng đều kính cẩn phụng hành. Có những Phật sự cần mang thân tướng Tỷ-kheo, quý Ngài lại dạy Hòa thượng đắp y Tỷ-kheo. Tại lớp học Cao đẳng Phật học Liễu Quán tổ chức tại chùa Linh Quang, Sa di Thích Chơn Kim đã được làm thầy giáo đảm trách môn Anh văn cho các thầy Tỷ-kheo. Ngoài ra, Hòa thượng còn được tin tưởng cho nắm giữ trọng nhiệm Đặc ủy thanh niên, lãnh đạo các đoàn thể thanh thiếu niên tại Huế. Trên cương vị nào Hòa thượng cũng nhiệt tâm tinh cần, thành tựu tốt đẹp mọi Phật sự. Tuy bận với nhiều công việc nhưng Hòa thượng đã rất thiết tha tranh thủ mọi thời gian để trì tụng kinh Pháp Hoa qua cả trên ngàn lần, Hòa thượng đã thâm cảm hạnh thiêu thân cúng dường của Ngài Dược Vương nên đã phát nguyện đốt ngón tay trỏ cúng dường Kinh Pháp Hoa.

Năm 1968, Hòa thượng được Bổn sư cho thọ Tỷ-kheo Bồ tát giới tại giới đàn Nha Trang, do Hòa thượng Bổn sư làm đàn đầu. Giới pháp đã cụ túc, bước đường tu tập lại càng thêm nghiêm mật, tinh thần trách nhiệm với các sư đệ với các chúng điệu lại càng cao.

Hòa thượng bao giờ cũng hết lòng ái hộ, quan tâm đến từng người. Bên ngoài tỏ ra rất nghiêm khắc nhưng lòng thì đầy bi mẫn. Hòa thượng đã từng chia sẻ với các pháp lữ là: 

“Đời tôi vẫn khao khát nhất là tình người và tình đạo”

. Hòa thượng là tấm gương sáng của 

“Tình huynh đệ”

, Hòa thượng đã một thời góp sức vào công việc của viện Đại học Vạn Hạnh, đảm trách quản sự nội xá thay cho Hòa thượng Thích Chơn Thiện đi du học.

Năm 1972, Hòa thượng đã tìm về nơi xứ Đơn Dương xa vắng này, kiến lập ngôi chùa Tường Vân để hạ thủ công phu, chăm lo đời sống tinh thần cho bà con lân lý. Cũng tại nơi đây, Hòa thượng đã chu toàn hiếu đạo, phụng báo cha mẹ cho đến ngày quý cụ về hầu Phật.

Hình ảnh cảm động và thật hy hữu, khi Hòa thượng muốn trọn vẹn báo đáp ân sinh thành của Mẹ bằng cách tự thân ẵm thi hài của mẹ vào lòng và một mình đưa bà cụ vào quan tài, với tâm niệm:

“Mẹ đã đưa con đến với cuộc đời này, giờ con xin kính cẩn tiễn Mẹ vào nơi an nghĩ cuối đời.”

Quả thật Hòa thượng là một chân Tăng có nhiều cá biệt, cái cá biệt của dòng máu các Mệ ở Huế vẫn còn lưu xuất trong hình hài ngũ uẩn của Hòa thượng, lại mang cái tính dứt khoát của một thiền gia trước vấn đề sinh tử. Khi trở về Đơn Dương, Hòa thượng đã không còn tham gia một chức vụ nào nửa, mà chỉ còn chức 

“Thầy tu” 

tự tại vô ngại để chuẩn bị cho bước nhàn du cuối đời!

Khi trở về với thế giới tự thân, dòng tâm thức của Hòa thượng bàn bạc qua những dòng thơ đạo, Hòa thượng đã cảm tác xướng họa trên 200 bài thơ, khi thì đau đáu về các đấng sinh thành mà nuôi dưỡng lòng hiếu đạo cho mình cho người.

“Hiếu để, Ma còn tiêu độc ý,
Hiền lương, Thánh cũng ứng nguyên hình” 

Hay 

“Nương vào sửa Mẹ, Phúc thành quả,
Thấm được lời cha, Trí trổ hoa”.

Hòa thượng dạy: Cha mẹ vĩnh viễn là bậc đại ân nhân của mình. Nhờ có cha mẹ, nhớ đến Mẹ cha phước trí chúng ta mới tròn đầy, nên làm con phải:

“Mai lên chiều xuống dạ nào quên,
Nhớ Mẹ thương Cha đất với trời
Nghĩa lý sinh thành ôi sáu hạnh
Ân tình dưỡng dục quả không nơi”.

Với Tăng chúng Hòa thượng nhắc nhỡ:

“Lăng Nghiêm định hướng về quê cũ,           
Cảnh Sách đưa chân quá dặm đường”.

Nói về giá trị khi cảm nhận về chân trời Khổ đế, Hòa thượng an nhiên diễn đạt qua câu:

“Biết khổ là yên giữa kiếp người
Đâu còn điệp khúc tiếng chao ôi”.

Khi phô diễn lý duyên sinh Hòa thượng thật giản đơn:

“Đây không, đằng đó làm chi có,
Thấy được thì đâu chẳng lối vào”.

Kinh Kim Cang lại được phô diễn:

“Qua sông bỏ lại thuyền cho nước,
Trọn cả mười phương tỏ mặt mày”.

Với Kinh Pháp Hoa, phẩm Cùng Tử, Hòa thượng nhắc nhỡ.

“Khinh mang áo rách hoài quên ngọc,
Thủ tấm thân bần mãi lạc Cha”.

Và cuối cùng cũng thế thì Hòa thượng tự nhũ mình và khuyên người:

“Mãi tính mà chi vắng cả cười,
Bao hơi gắn gượng chuyện mười mươi”. 

Đúng là Hòa thượng đã tự tại trong tuổi già sức yếu, xem bệnh khổ như chiêm bao, nên đã nhẹ nhàng xả bỏ báo thân, thu thần thị tịch vào lúc 23 giờ 20 phút, ngày 25 tháng Giêng năm Đinh Dậu (Thứ Ba, 21/02/2017), trụ thế 88 năm, 50 hạ lạp, trước cảnh thế gian trống rỗng, trong lòng đầy thương kính của đồ chúng, Tăng Ni Phật tử thì mới cảm hoài ân đức của đấng Tôn sư càng thêm thống thiết.

NAM MÔ TỰ LÂM TẾ TÔNG, TỨ THẬP TAM THẾ, XUÂN KINH TƯỜNG VÂN PHÁP PHÁI, KHAI SƠN LÂM VIÊN TƯỜNG VÂN TỰ TRÚ TRÌ, HÚY thượng TÂM hạ PHÚ, tự CHƠN KIM, hiệu VIÊN CHIẾU, ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG GIÁC LINH THÙY TỪ CHỨNG GIÁM.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here