Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Tiếng Phạn trong Phật giáo-Kỳ I: Ngôn ngữ trong kinh Phật

Tiếng Phạn trong Phật giáo-Kỳ I: Ngôn ngữ trong kinh Phật

95
0

1. Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, Vạn Tân Toản Tục Tạng Kinh   (大 正 新 脩 大 藏 經, 卍 新 藏 經, Taisho Tripitaka & Successive Tripitaka)

2. Càn Long Đại Tạng Kinh ( 乾 隆 大 藏 經,  Qianlong Tripitaka)

3. Vĩnh Lạc Bắc Tạng ( 永 樂 北 藏, Yongle Tripitaka)(1)

4. Pāli Đại Tạng Kinh (  巴 利 大 藏 經, Pali Tripitaka)

5. Phạn Văn Đại Tạng Kinh ( 梵 文 大 藏 經, Sanskrit Tripitaka )

6. Tây Tạng Văn Đại Tạng Kinh ( Tibetan Tripitaka)

Thật ra các Đại Tang Kinh như Đại Chính Tân Tu, Càn Long, Vĩnh Lạc Bắc Tạng và Tây Tạng Đại Tạng Kinh đều được dịch ra từ các kinh bằng tiếng Phạn.

Vậy mỗi khi đọc kinh Phật bằng các thứ tiếng như Hán, Tây Tạng, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, Anh, … mà cảm thấy khó hiểu hay nghi ngờ nghĩa lý thì có thể truy cứu câu văn gốc từ bản tiếng Phạn để tìm hiểu ý nghĩa đích thực.

Điều đáng tiếc là toan bộ kinh sách Phật giáo bằng tiếng Phạn ở Ấn Độ đã bị hủy diệt vao thế kỷ 14 sau cuộc xâm lăng của Hồi giáo vào Ấn Độ. 

Tiếng Phạn (Sanskrit) có tên nguyên tiếng Phạn là saṃskṛtā vāk hay  saṃskṛta, nghĩa là ngôn ngữ “hoàn hảo” hay “ tao nhã” hay “hiến dâng”, luôn luôn được xem là ngôn ngữ “cao cấp” dành cho các nghi thức các tôn giáo: đạo Hindu, đạo Phật và đạo Jaina, và cho giới tinh hoa của Ấn Độ. 

Chúng ta cũng được biết là tiếng Phạn gắn liền với sự hình thành các kinh Vệ Đà của đạo Hindu cho nên người Ấn độ quan niệm rằng tiếng Phạn là ngôn ngữ do thần Śiva tạo ra và truyền xuống cho con người. Vì là do thần Śiva tạo ra, nên chữ viết của tiếng Phạn được gọi là Nāgarī, nghĩa là chữ viết miền đô thị hay Devanāgarī, nghĩa là chữ viết miền đô thị của Thiên thần.

Hệ quả của niềm tin ấy là người Ấn Độ cho rằng việc đọc kinh và đặc biệt là các thần chú  bằng tiếng Phạn sẽ dễ có sự cảm thông, trợ giúp, cứu độ từ Phạm Thiên và các Thiên thần trong truyền thống đạo Hindu. 

Vì Phật giáo phát xuất từ Ấn Độ nên niềm tin nầy cũng thấy có trong kinh sách của Phật giáo. Chẳng hạn, trong Đại Bát Niết Bàn Kinh 8 và 26, hay trong Đại Đường Tây Vực Ký của ngài Huyền Trang, … đều có ý tưởng nầy. 

Nhưng trong giai đoạn đầu khi Phật giáo mới truyền sang Trung Quốc, do lòng tự tôn dân tộc của người Trung Quốc, tiếng Phạn bị gọi là Hồ ngữ là tiếng của rợ Hồ, mặc dầu ngài Cưu Ma La Thập đã dịch các Kinh Phật bằng tiêng Phạn ra tiếng Trung Quốc vào năm 402 sau dương lịch. Cho đến thời ngài Ngạn Tôn (557-610), một tác giả lớn của Phật Giáo Trung Quốc, thì tiếng Phạn mới chính thức được gọi là Phạn ngữ (2) 

Từ đó về sau, tiếng Phạn trong kinh Phật được các nhà sư Trung Quốc xem thiêng liêng như người Ấn đã từng quan niệm. Chẳng hạn câu tiếng Phạn mở đầu cho mọi Kinh Phật : Evaṃ  mayā śrutam, nghĩa là “Tôi nghe như vầy” ( Như thị ngã văn) đã được giới Phật Giáo Trung Quốc tôn kính với câu :

“Thử phạn tự giả cắng tam thế nhi thường hằng biến thập phương dĩ bình đẳng. Học chi thư chi định đắc thương nhậm chi Phật trí, quán chi tụng chi tất chứng bất hoại chi pháp thân. Chư giáo chi căn bổn, chư tự chi phụ mẫu, kỳ tại tư hồ.”

Nghĩa là : ” Mấy chữ Phạn nầy mãi thường hằng trong ba cõi, bình đẳng khắp mười phương. Ai học nó, viết nó nhất định sẽ đạt được Phật trí hiện tiền, ai quán nó, tụng nó nhất định sẽ chứng được pháp thân bất hoại. Nó là căn bổn của tất cả giáo pháp, là cha mẹ của tất cả văn tự, tất cả đều ở đây cả “ (3).

Thời đức Phật Thích Ca tại thế (563-483 trước dương lịch) thì Phật pháp được giảng giải và trao truyền bằng lời nói, chứ chưa được ghi lại dưới dạng văn tự. 

Trong lần kết tập Kinh điển lần thứ nhất (khoảng 7 ngày sau khi đức Phật Thích Ca nhập diệt), ngài Ᾱnanda được mời đọc tụng thuộc lòng mỗi câu Kinh 80 lần để toàn thể hội chúng tụng theo cho đến thuộc nằm lòng.  

Trong lần kết tập Kinh điển thứ hai (khoảng 137 năm sau khi đức Phật nhập diệt), kinh Phật cũng chỉ được đọc tụng thuộc lòng chứ chưa ghi lại thành văn bản. 

Trong lần kết tập thứ ba, theo lệnh của vua A Dục (Aśoka : 268-233 tr. dl), Kinh Phật mới được ghi lại thành văn bản trên những miếng đồng để lưu trữ.

Vào thời kỳ nầy thì tiếng Phạn đã được Pāṇini và các vị tiền bối chuẩn hóa thành tiếng Phạn mà người phương Tây gọi là tiếng Phạn Cổ điển (Classical Sanskrit) để phân biệt với tiếng Phạn thời trước đó trong kinh Vệ Đà, gọi là Vedic.

Các mẫu tự Devanāgarī (Devanagari Script) dùng để viết tiếng Phạn và một số ngôn ngữ Ấn Độ khác đã tiến hóa từ các mẫu tự Brahmi (Brahmi script) đã có mặt vào khoảng năm 300 trước dương lịch.

Những câu khắc trên các trụ đá theo lệnh của Hoàng đế Aśoka vào khoảng năm 300 trước dương lịch đều bằng ký tự Brahmi. Nhưng nguồn gốc đích thực của chữ viết ở Ấn Độ thì không được xác nhận với bất kỳ mức độ chắc chắn nào mặc dù các học giả tin rằng điểm xuất phát là các ký tự Brahmi như đã dùng trong các câu khắc của Hoàng đế Aśoka.

Ký tự Brahmi phù hợp với hệ thống viết chữ theo các âm (syllabic writing system : mỗi ký tự hoặc là một phụ âm hay một âm gồm phụ âm với nguyên âm a) và đã được dùng nhiều hơn trong việc viết chữ Prakit, là ngôn ngữ được nói bởi những người dân thường (giới bình dân). Nhưng ký tự Brahmi đã trải qua những biến đổi rất nhiều, hình dạng khác biệt đáng kể qua thời gian, dù rằng tập hợp các akṣara (mẫu âm) vẫn được giữ nguyên cho các nguyên âm và phụ âm cơ bản của tiếng Phạn.

Từ khoảng năm 200 sau dương lịch về sau, Ấn Độ được trị vì bởi các vua theo đạo Hindu, và sự phổ biến thông tin qua việc khắc chữ trên đá được tiếp tục. Nhưng do sự biến đổi rất nhiều của các ký tự và các chỉ dụ hay sắc lệnh của nhà vua trên đá bị hủy hoại qua thời gian, khiến cho chính người Ấn Độ đương đại cũng không thể hiểu được nội dung các câu khắc ấy. Những học giả phương Tây đã giúp Ấn Độ giải quyết được vấn đề nầy. Năm 1838, học giả James Prinsep khám phá ra ý nghĩa của các câu Brahmi khắc trên đá từ thời Hoàng đế Aśoka. Về sau với sự giúp sức của nhiều học giả khác, đặc biệt là Georg Buhler đã thiết lập được mối liên hệ vững chắc giữa ngôn ngữ và các ký tự. Từ đó người ta khám phá ra được quá trình phát triển của mẫu tự từ Brahmi vào khoảng năm 300 trước dương lịch cho đến Devanāgarī đương đại như sau:

Các mẫu tự Devanāgarī mà thế giới đang dùng ngày nay đã được định hình vào khoảng năm 1700 sau dương lịch. Các sách tiếng Phạn được in sau năm 1900 có cùng các mẫu tự Devanāgarī như ngày nay, còn các sách in trước năm 1900 có thể chứa một khác dạng khác của một số akṣara. (4) 

Thí dụ : Bát Nhã Tâm Kinh được viết bằng tiếng Phạn trên 2 lá bối được lưu trữ tại chùa Hōryū-ji ở Nhật Bản với ký tự thời thế kỷ thứ 7 (5):

L.T.H

Kỳ II- Bốn ngôn ngữ lưu giữ kinh Phật thời xưa

Chú thích:

 1. Vĩnh Lạc Bắc Tạng là Đại Tạng Kinh được biên dịch hoàn thành dưới thời Hoàng đế Vĩnh Lạc nhà Minh, Trung quốc. Đại Tạng Kinh nầy là công trình biên dịch, hiệu đính từng chữ một của 136 nhà Phật học hàn lâm do Hoàng đế Trung Quốc triệu tập  trong 3 năm để bảo đảm tính xác thực của nguyên bản. Nhưng bộ Vĩnh Lạc Bắc Tạng được biên dịch là để dành riêng cho Hoàng đế và để tặng thưởng cho những người xứng đáng, vì vậy không phải là bộ Đại Tang Kinh được phổ biến rộng rãi. Đây là xuất bản phẩm Phật giáo vĩ đại với giá trị cao, quí hiếm, đầu tiên, chưa từng có trên thế giới trong hơn 600 năm qua, hiện còn được lưu giữ trong Viện Bảo Tàng Của Hoàng Cung ở Trung Quốc.
     Vĩnh Lạc (Yongle, Wade-Giles: Yung-lo; 02/05/1360 – 12/08/1424)  là hiệu của Hoàng đế Minh Thành Tổ, ông vua thứ 3 của nhà Minh, lên làm vua năm 1402 sau khi chiếm được ngôi trong một cuộc tranh giành quyền lực, được xem như người thiết lập thứ hai của triểu đại nhà Minh. Ông là vị Hoàng đế vĩ đại nhất của triều Minh, và là một trong những Hoàng đế vĩ đại của Trung Quốc. Ông đã dời kinh đô từ Nam Kinh đến Bắc Kinh, xây Tử Cấm Thành, cho sửa chữa và mở lại con kênh lớn của Trung quốc đã bỏ hoang hư hại từ thời nhà Đường, để cung cấp lương thực và hoàng hóa cho thủ đô mới Bắc Kinh. Ông cũng đã cũng cố, nâng cấp, chỉnh đốn việc thi cử để tuyển chọn người có tài học vào làm quan thay cho việc tiến cử và bổ nhiệm do giới quan lai thực hiện trước đây. Trong thời của Vĩnh Lạc, một bộ Bách Khoa Toàn Thư vĩ đại đã được biên soạn hoàn thành. (Cũng nên biết Vĩnh Lạc đã cho quân qua xâm lược nước ta vào thời nhà Hồ và quân xâm lược nầy đã bị Bình Định Vương Lê Lợi đánh bại trong cuộc kháng chiến 10 năm 1418-1428).
2. Lê Mạnh Thát, Nguyên Giác, và Như Minh, Ngữ Pháp Tiếng Phạn, Nhà Xuất Bản Tp Hồ Chí Minh, 2000,  tr. ii.
3. Theo Tôn Thất Qụy, Giáo sư tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Huế
4. The Devanagari Script, trong
http://acharya.ittm.ac.in/sanskrit/lessons/Devan/devan.html   
5. F.Max Muller, Bunyiu Nanjio, The Ancient Palm-Leaves: Containing The Prajnaparamita-Hridaya-Sutra And The Ushnisha_Vigaya-Dharani, Oxford At The Claredon Press

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here