Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Thương nhớ đồng quê.

Thương nhớ đồng quê.

96
0

 Quê ông vốn là  một làng nghèo vùng bán sơn địa, đồi núi lô nhô, ruộng đất không nhiều và thiếu màu mở. Người quê ông làm đủ mọi nghề để có cái ăn, cái mặc. Vật lộn với cuộc mưu sinh trước mắt đã bở hơi tai rồi, còn tiến thân bằng con đường học hành là điều xa vời, không tưởng. Nhưng gia đình ông là một ngoại lệ. Bố ông không biết học từ bao giờ biết chút ít chữ Hán, chữ Quốc ngữ đủ để viết sớ, đọc sách, nói chuyện nghĩa lý với mọi người. Trong làng liệt bố ông vào hạng người có học. Nhà nghèo nhưng bố ông cố giữ nếp. Mấy đứa con gái sớm bỏ học để phụ việc nhà và giúp mẹ buôn bán. Bố ông dồn tất cả hy vọng vào ông, đứa con trai độc nhất. Con nhà nghèo kiếm được cái chữ cũng khó khăn, gian khổ lắm. Ông nhớ những ngày mùa đông, rét cắt da, cắt thịt, bàn chân trần bấm trên con đường làng nhảo nhoét, lầy lội, co ro trong màn mưa dày đặc để đến trường. Không phụ kỳ vọng của bố, ông tiến một mạch  từ trường làng lên trường huyện, trường tỉnh rồi vào sư phạm. Năm ông ra trường đi dạy, khỏi phải nói bố mẹ ông mừng như thế nào tuy cũng có đôi chút tiếc rẻ… Giá có tiền để đầu tư dài hơi hơn một tí thì cũng dược sĩ, bác sĩ như ai…

Ba năm sau, ông cưới vợ. Vợ ông là con gái đầu trong một gia đình công chức đông con. Là người thành phố nhưng khi về làm vợ ông bà sống như một phụ nữ nông dân chính hiệu, tần tảo, chắt chiu, cần kiệm, vun quén cho hạnh phúc gia đình. Bà dịu dàng mà cương quyết. Cái vốn kiến thức không đủ để bà làm việc ngoài xã hội như một số phụ nữ cùng thời nhưng lại hỗ trợ đắc lực với ông trong việc giáo dục con cái. Một sạp hàng gia vị nho nhỏ ở chợ cộng thêm với việc cất trữ hàng. Mùa nào, thức đó, vừa để bán vừa để nhà dùng. Lương bao nhiêu ông giao hết, có nghĩa là giao luôn trách nhiệm lo toan về vật chất cho bà tự xoay xở lấy. Giỗ chạp, điếu hỷ, trợ cấp cho bố mẹ già ở dưới quê và lo cho mấy đứa con ăn học…Thực ra, ông không phải là người vô trách nhiệm , cũng có biết tình hình tài chính của gia đình, biết một cách đại khái, thế thôi. Bà gánh cái lo, vì có bận tâm ông cũng  chẳng làm gì được. Cổ máy sinh hoạt gia đình do tay bà điều khiển bao năm qua cứ vận hành ngon ơ. Năm đứa con được nuôi lớn, thành đạt về học vấn lần nhân cách. Công lớn là của bà..Ông thấy mình thực sự may mắn.

    *  *  *

Ông Thức ngã lưng trên chiếc chõng tre đặt ở hàng hiên hứng lấy ngọn gió nồm hây hẩy mơn man da thịt. Gió cứa vào bờ tre kẽo kẹt, gió lay động tàu cau, tàu dừa, gió luồn vào vòm lá khế xanh um đung đưa mấy chùm hoa tim tím…Vài con ong vo ve bên giàn mướp hương có hoa vàng rực. Đám ngồng cải trên mảnh đất chỉ bằng chiếc chiếu ông để giống mùa sau. Không nóng nhưng ông vẫn  phe phẩy chiếc quạt bằng mo cau tự tay làm lấy. Ông thích mùi ngai ngái, thơm thơm của nó…

Ông nhìn quanh khu vườn…Chao ôi! Mới đó mà đã mấy chục năm…Ông vẫn còn nhớ như in cảm giác choáng váng như gặp tình yêu sét đánh khi lần đầu tiên nhìn thấy toàn cảnh ngôi nhà. Căn nhà gạch có sự pha phách giữa kiến trúc cổ ba gian với kiến trúc theo kiểu Pháp, nằm giữa một khu vườn có trên năm trăm mét đất, toạ lạc tại một con đường rộng mà yên tỉnh, trước mặt một ngôi chùa. Ông không lưu ý nhiều đến ngôi nhà, chỉ bị hút hồn bởi khu vườn thoáng, rộng. Rặng tre ở cuối vườn, hai hàng cau cao vút, một số cây ăn quả…Đất trống còn khá nhiều. Khu vườn chưa được quy hoạch và thiếu bàn tay lao động chăm sóc.

Người nhà quê như ông, vất con trâu, cái cày để cầm cây bút đã là một điều may mắn. Nhưng tâm trạng con người nhiều khi cũng phức tạp lắm. Lên ở thành phố rồi vẫn đau đáu một niềm lưu luyến đất đai, cây cỏ. Bàn chân người nông dân rửa mấy thì bùn đất vẫn còn bám ở kẻ chân. Mua được căn nhà và mảnh vườn trong mơ là một điều kỳ diệu trong số những điều kỳ diệu mà ông gặp trong đời. Niềm khao khát bấy lâu bị kìm nén bùng lên mạnh mẽ. Đất đai được bàn tay lao động của ông đánh thức. Khu vườn đã có một diện mạo mới. Thực ra, ông chẳng tuân thủ một lý thuyết bài bản nào về cách bài trí, chỉ sắp xếp một cách ngẫu hứng theo sở thích của riêng mình. Trong khu vườn yên tỉnh ấy, ông có cảm giác  cây lá vây quanh, gần gũi, thân thiết với con người. Đó là cõi riêng, là chốn quê của  ông giữa lòng thành phố.

Nhịp độ đô thị hoá nhanh, nhất là thời gian sau này. Chỗ ông ở bỗng nhiên trở thành trung tâm du lịch. Nhà hàng, khách sạn, phố xá mọc lên với nhiều kiểu kiến trúc tân kỳ. Ngôi chùa nhỏ biến thành trường học. Không có tiếng chuông chùa sáng sáng, tối tối tiếc không chịu được. Mảnh vườn và ngôi nhà theo kiểu kiến trúc  những năm năm mươi, sáu mươi của thế kỷ trước, đối chọi với cảnh quan chung quanh, như dấu vết của một thời để lại, thách thức một cách kiêu hãnh xu thế phát triển của nền văn minh hiện đại. Nhiều du khách Tây đi qua, dừng lại chụp ảnh, quay phim, có lúc còn muốn xin vào trong để quan sát. Đây là khu đất vàng, giá tăng vùn vụt. Khu nhà ông vuông vức, rộng rãi, lại nằm ở vị trí đắc địa thế kia làm sao tránh khỏi những người có tiền dòm ngó, gạ gẫm. Bán ở đây, dời đi nơi khác, có thể xây nhà mới hơn, đẹp hơn,  ăn cả đời không hết mà còn thừa tiền cho con, cho cháu. Ông chẳng tính toán theo kiểu ấy. Nhà không chỉ để ở. Nó là nơi ẩn náu của tâm hồn và lưu giữ kỷ niệm. Có gì quý hơn có thể đổi được?

    *  *  *

Con cái đã thành đạt, rời tổ bay đi mỗi đứa một phương. Hai đứa ở tận bên kia. Ông bà sống với người con trai cả, vật chất bây giờ có thể gọi là đầy đủ nhưng gia đình ông  vẫn quen nếp cần kiệm. Ông thích mùi hăn hắc của lá khô bị đốt mỗi khi bà đun bếp. Rau, quả vườn nhà mùa nào thức ấy. Không phải đến bây giờ mới ý thức chuyện vệ sinh an toàn mà từ lâu đã thế. Đối với ông, duy có một điều có vẻ hoang phí là ngày Tết, dù với giá nào cũng phải mua cho được một cành mai ưng ý. Về phương diện này thì ông kỹ tính khác với bản chất vốn xuề xoà của mình. Đó là sở thích, cũng là niềm vui. Người nhà biết thế nên việc chọn cành mai trong ba ngày Tết không chỉ thuần tuý là mua một cành mai mà trở thành một cái gì đó rất thiêng liêng. Thằng cháu nội ông vừa ra trường và đi làm. Nó trích một số trong khoản tiền thưởng Tết biếu ông. “ Năm nay, ông nội phải mua một cành mai thật hoành tráng. Cháu có người bạn mách miệng. Cháu sẽ chở ông đi.” Ông nhìn nó, lòng ấm áp. Thế hệ thứ ba đã lớn lên ở thành phố và trưởng thành trong căn nhà này. Gia đình ông không còn là dân ngụ cư nữa.

    *  *  *

Hai ông cháu làm một chuyến du xuân. Đã lập xuân. Trời lạnh và khô ráo. Nắng vàng óng như mật.  Sức xuân trỗi dậy trên những nụ hoa chúm chím, những lộc non xanh biếc phơ phất trên cành. Ông đang  “đi giữa đường thơm” như một nhà Thơ Mới đầu thế kỷ hai mươi đã viết. Mà thơm thật. Mùi lúa non, mùi lá mục, mùi rơm, mùi hoa dại…Cả mùi phân bò, phân heo…Tất cả quyện lại thành mùi của đất, của quê hương này. Hoa vạn thọ vàng rực thấp thoáng trong vườn, một đám huệ dành lại cho bàn thờ trong ba ngày Tết. Phiên chợ quê đầu làng cuối năm khá nhộn nhịp. Trẻ con chào mời mua ông Táo mới. Những bộ đồ mã và hoa giấy Thanh Tiên đủ màu, chói chang, rực rỡ dậy lên không khí Tết khiến lòng ông rạo rực như đứa trẻ. Ngọn gió toàn cầu quét qua các thành phố lớn, xã hội Việt Nam có thêm những ngày lễ mới. Nhưng đối với ông, Tết vẫn là ngày thiêng liêng  nhất. Và chỉ ở nông thôn Tết mới thực sự có ý nghĩa vì đã bảo tồn được phần tinh tuý nhất của nó. Làng quê Việt chính là bếp tro ủ kín mồi lửa truyền thống tự bao đời.

Để đứa cháu ở chơi với người bạn, ông Thức tự mình tìm đến nhà người bán mai. Ngôi nhà nhỏ chẳng có gì đặc biệt ngoại trừ khu vườn có rất nhiều mai. Hai cây cổ thụ  nở sớm, xác hoa rụng vàng rực cả lối vào. Một vài cây chỉ còn lộc non, số khác hoa lác đác. Năm nay ấm trời, phần lớn hoa nở sớm. Những năm như thế, kiếm một cành mai đẹp, đúng thì thật khó. Chủ nhân đón ông từ cửa rồi mời vào nhà. Ông nhìn quanh…Hình như chủ của nó muốn lấy cái sạch sẽ, ngăn nắp bù lại cái cũ kỷ, tuềnh toàng của đồ đạc trong nhà. Nhưng bàn thờ thì có vẻ được chăm chút và thực sự nghiêm chỉnh. Bình ủ nước bằng tre cật, nâu bóng, thứ mà ngày nay không ai dùng vì đã có phích nước nóng thay thế. Một thứ nước chè vàng sánh, thoang thoảng mùi gừng được rót vào hai cái chén xanh lam màu men cổ. “Bát nước chè”. Dân dã thực! Bàn tay gầy của ông lão đẩy chén nước đến trước mặt khách. Nước chè xanh thì ông thường uống ở nhà. Nhưng hình như ở nơi này, chén chè gừng có hương vị khác.

– Các anh chị chắc đã lớn?

– Tôi có bốn cháu. Hai đứa con gái đã lấy chồng. Thằng út  làm công nhân trong Nam. Tôi ở với thằng lớn. Vừa rồi, nó bị bệnh, phải nằm viện. Vợ nó bán trái cây chỉ nhờ được ba bửa Tết. Nhưng bửa bán, bửa không vì phải chăm chồng…

– Thế thì rủi quá!

– Anh  Khanh có giới thiệu ông đến mua mai. Nghe đâu ông cũng thích mai lắm…

– Nhà tôi ở quê có nhiều mai như ở đây vậy. Còn nhà trên phố chỉ có vài cây mà đã ra hoa sớm. Năm nào tôi cũng mua một cành để cắm trước bàn thờ…Không gì bì được với mai… Tết mà không mai thì chẳng phải là Tết nữa…

– Vâng…đúng thế…mời ông ra ngoài này xem thử…

Cây mai nằm cạnh hiên nhà, sát cửa sổ. Ông kín đáo quan sát…Hình như cả khu vườn chỉ có cây mai này chưa nở. Đấy là một cây mai trung niên cao quá đầu người, thân to bằng bắp chân, không có vẻ đẹp sù sì, cằn cỗi như những cội lão mai nhưng chinh phục người xem bằng sự sung mãn, tràn trề sinh lực. Thân thẳng, ngọn vút cao, nhánh toả gần gốc, xoay vòng, tiền, hậu, tả, hữu cân đối trông bề thế lắm. Hoa dày, phân bố đều đặn, nụ hoa múp míp, chúm chím vàng. Chỉ vài ngày thôi sẽ nở bung. Cành mai rực rỡ phải biết. Chơi mai đã sành, ông biết thế.

Hai người trở lại nhà. Người chủ có lẽ cũng đo được độ hài lòng của khách nhưng hình như cũng không mấy hồ hởi trong việc mua bán, chẳng chào mời, tô vẻ thêm cho món hàng như thường thấy. Ông Thức cũng ngại ngùng, chưa dám mở lời. Cả hai đều chẳng phải là dân bán buôn chuyên nghiệp. Vả lại cành mai quá đẹp! Cái quý là nó nở đúng thì trong hoàn cảnh năm nay nhiều mai nở sớm. Cuối cùng ông già cũng  miễn cưỡng. “ Tôi biết ông là người thích mai, biết chơi mai…Tôi cũng chẳng phải là người buôn bán…Chẳng qua là……Ông cứ cho một giá thích hợp….Có điều tôi có một yêu cầu…”

– Ông cứ nói…

– Cây mai tự tay tôi trồng…Nó lại ở ngay sát chỗ ngủ của tôi…ngày nào cũng thấy…lâu rồi thành quen…Cũng tội nó, vì nở đúng thì nên phải bị bán đi…Nếu ông đào nguyên cả gốc, chuyển nó đi thì hay quá…Cứ xem như nó chuyển chỗ… Nghe đâu vườn ông cũng rộng…Khoản chi phí này tôi san sẻ với ông…Chứ nó như thế này mà cưa ngang thì tội nghiệp quá!

Những từ ông ta dùng “nó, tội nghiệp” cùng với giọng nài nĩ, van xin như nói về một con người. Ông thấy lạ và nhìn chăm chú vào ông già…Hình như có điều gì đó ông đã từng trãi qua…Trong phút chốc, ký ức bị lật tung lên…Một kỷ niệm buồn, đã từ lâu lắm lẫn vào đâu đó ở một góc khuất trong ông, như một tia chớp loé sáng, hiện rõ mồn một, sống động đến từng chi tiết…

    *  *  *

Năm ấy, làng ông vừa trải qua một cơn lũ. Gần Tết, bà nội lại ngã bệnh. Người nhà quê chạy ăn từng bửa, nào có của để dành. Tết nhất đến nơi lại càng tạo nhiều áp lực. Năm nào cũng thế, vào những ngày giáp Tết, những người lái mai vừa săn mai núi vừa lùng sục mai vườn để đem lên phố bán. Họ đi rồi, vườn tược tiêu điều lắm. Bức bách quá, bố ông đành bán một cây. Ngày họ đến cưa mai, bố chẳng dám nhìn, vào nhà trong lánh mặt. Tiếng cưa xoèn xoẹt cứa vào gốc mai sắc ngọt. Cả một gốc mai trung niên cường tráng thế kia bổng chốc bị phạt ngang. Từ chỗ cắt nhựa ứa ra tràn trề, long lanh dưới nắng, rồi quyện lại thâm đặc…Phải có ba người mới mang được cành mai ra khỏi cổng. Gốc đi trước, ngọn theo sau. Những nụ hoa chúm chím, lác đác một vài bông nở sớm, cánh vàng chấp chới trong nắng. Lộc non phe phẩy như vẫy chào lưu luyến…Người lái mai dúi vào tay ông toàn bộ số tiền rồi lao nhanh khỏi nhà như chạy trốn. Mấy chị em ông vẫn còn đứng đó nhìn theo, tần ngần, lòng buồn mênh mang chẳng hiểu vì sao. Bố ông nằm quay mặt vào tường suốt buổi, chốc chốc thở dài. Trưa ấy bỏ cơm, cả chiều cũng thế. Mọi người trong nhà nhẹ chân, nhón gót, chẳng dám lên tiếng. Số tiền bán mai nằm yên trên bàn. Sáng hôm sau, khi thức dậy, ông thấy bố ngồi rờ rẫm phần còn lại của cây mai vừa bị chặt, mắt rưng rưng, mặt buồn rười rượi…
Sau này, khi đã đứng tuổi, trãi đời, ông hiểu sâu sắc nỗi buồn của bố. Ông nhớ một vài câu trong bài thơ “Mại mai giả ca” (Bài ca người bán mai) mà ông đã đọc trên một tờ báo.

Mai dữ ngã vi bằng
Ân tình thậm tương ái
…Cam thảo mộc chi tình
Vong cơ hàn khổ ải…
…Nhất xuân dĩ đáo hỉ
Vô mể diệc vô mai…

Tết đến, xuân về không gạo đã là quá khổ, không mai nữa lại càng đau xót…Rứt ruột chặt cây mai tự tay mình trồng đâu có dễ… Chỉ có người trồng cây, chăm cây, yêu cây mới thấu được tình người đối với đất đai, cây cỏ. Tết năm ấy, nhà ông buồn như có đám…

    *  *  *

Người chủ rót thêm nước vào chén của ông Thức rồi kiên nhẫn chờ đợi. Ông Thức cũng đã có quyết định nhưng còn phải lựa lời. Rút toàn bộ số tiền dành để mua mai, đặt lên bàn, nhìn vào mắt người chủ nhà, ông chậm rãi “Cây mai của ông rất đẹp…Tôi thích lắm… Đây là toàn bộ số tiền tôi định để mua mai…Cũng không nhiều lắm…Chính vì nó đẹp quá nên cưa ngang thì uổng mà bứng bầu cũng khó…Vả lại cây tốt là vì đất và vì người. Về nhà tôi chắc gì được thế… Cứ xem như tôi đã mua và gửi lại nhờ ông chăm sóc…Vài bửa hoa nở tôi sẽ về chơi…Sang năm cũng thế…Âu cũng là cái duyên để tôi với ông có cơ hội đi lại với nhau…”

– Ông nói thế chứ…

– Xin ông để tôi nói hết. Giải quyết thế là vì cây mai và vì tôi. Nếu ông nhận lời thì tôi vui lắm. Đất đai, cây cỏ cũng có tình cảm…Có điều ta không biết đấy thôi…Tôi phải về. Tết nhất đến nơi, còn nhiều việc lắm. Hôm nào, tôi lại về chơi.

Ông Thức chỉ giải thích ngắn gọn cho đứa cháu rằng cây mai quá lớn, không thích hợp để cắm độc bình trong nhà. Thế thôi.

    *  *  *

Chiều ba mươi Tết. Vợ ông và cô con dâu chuẩn bị đồ cúng Giao thừa. Bọn trẻ và bố nó đi chợ hoa. Ông thoải mái ngồi ở hàng hiên nhìn người qua lại.Cảm giác về thời gian lúc này thật đặc biệt. Nó không được tính bằng vòng quay của chiếc kim đồng hồ. Đó là khoảnh khắc hiếm hoi con người dừng lại, ý thức sự tồn tại của mình trong dòng chảy miên viễn của thòi gian. Ngẫm lại đời mình, ông thấy chẳng có gì phải than phiền. Cảm giác như dòng sông thoả mãn với chuyến viễn hành, êm đềm, thảnh thơi thả mình vào biển. Ban sáng, người bán mai nhờ cậu láng giềng chở lên tận nhà chỉ để tặng ông một cành mai. “Lục lọi trong vườn mãi mới tìm được một  cành hoa chưa nở để biếu ông. Chỉ là một cành nhỏ, chẳng đáng gì nhưng là tình cảm…Chơi mai mà Tết đến không mai thì buồn lắm…”

Ông nhìn lên bàn thờ, đèn nến sáng trưng, khói hương ấm áp. Không có cành mai lớn bề thế như mọi năm. Thay vào đó là một nhánh độ mươi lăm hoa, đủ cắm trong chiếc độc bình nhỏ trên bàn thờ. Thế là đủ.. Lấp ló trong đầu ông là một cội mai sung sức, cường tráng, ngọn vút cao, bung nở mấy cái hoa đầu tiên dưới nắng xuân ấm áp… Lòng ông tràn ngập niềm vui. Mua hụt một cây mai đẹp nhưng có thêm được một ông bạn già. Thế cũng lời. Chẳng có gì phải tiếc.

       
 L.T.C.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here