Trang chủ Vấn đề hôm nay Thừa Thiên-Huế: những thống kê sơ bộ về thiệt hại do bão...

Thừa Thiên-Huế: những thống kê sơ bộ về thiệt hại do bão số 11

96
0

Tính đến 17 giờ chiều ngày 15/10 toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 1 người ở xã Quảng An, huyện Quảng Điền bị mất tích,  11 người  bị thương khi đang chằng chống nhà cửa, chặt cây. 17 nhà bị sập; 669 nhà bị tốc mái, trong đó: 568 nhà chính bị tốc mái. Hiện nay nước trên các triền sông đang ở mức cao, kết hợp với triều cường, đã gây ngập lụt cho một số vùng thấp trũng, với 1.686 nhà bị ngập lũ, trong đó thị xã Hương Trà: 450 nhà, huyện Phong Điền: 350 nhà, Quảng Điền: 756 nhà và Phú Vang 130 nhà. Có 4 phòng học bị tốc mái.

Các xã dọc theo triền sông Ô Lâu thuộc huyện Phong Điền, các xã dọc theo triền sông Bồ, thuộc huyện Quảng Điền và thị xã Hương Trà ngập từ 0,2 đến 0,4m. Các xã dọc theo triền sông Hương như: Phú Mậu, Phú Thanh, Phú Thượng thuộc huyện Phú Vang , các xã Thuỷ Vân, Thuỷ Thanh, Thuỷ Tân, Thuỷ Lương thuộc thị xã  Hương Thuỷ ngập từ 0,3 đến 0,4 m. Đặc biệt tỉnh có 190 ha cao su bị ảnh hưởng, 370 ha keo bị đổ gãy, tập trung chủ yếu tại huyện Nam Đông. Nhiều cây xanh trên địa bàn thành phố Huế và các địa phương bị đỗ, gãy.

Một cây lớn đổ đè sập một ngôi nhà tại xã Hương Vân, Hương Trà

Về giao thông QL 49B đoạn qua địa phận các xã Phong Hoà, Điền Hoà, Phong Bình, huyện  Phong Điền bị ngập từ 0,3-0,4m, đoạn qua xã Hải Dương ngập 05-0,6m, đoạn Hương Phong ngập 0,3m, đoạn qua cầu Diên Trường ngập 0,6m Một số điểm giao thông trên tuyến Quốc lộ 49A bị sạt lở nhưng vẫn thông tuyến bình thường. Tỉnh lộ 4 đoạn qua tràn Thủ Lễ – Quảng Điền ngập sâu 0,8m. Đường ven biển đầm Lập An bị ngập nhiều đoạn sâu từ 0,3-0,5m.  Một số tuyến đường tỉnh lộ 8A, 8B, 10A  cũng bị ngập 0,3-0,5 m; tỉnh lộ 11B Phong An đi Phong Sơn đoạn Kim Cang bị ngập trên 0,6m. Do ảnh hưởng của bão, làm cây đổ dọc đường chạy tàu nên tại ga Huế có 01 tàu Thống Nhất SE1 và 01 SE21 với 296 hành khách dừng lại. Đến 13h chiều 15/10 đã thông tuyến chạy tàu.

Toàn bộ phụ tải huyện Nam Đông, Phú Lộc, ALưới, Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Thủy, Hương Trà và khu vực phía Bắc thành phố Huế mất điện hoàn toàn. Toàn tỉnh có 22 trụ điện bị gãy, trong đó Phong Điền 2 trụ, Phú Lộc 16 trụ và Hương Trà 4 trụ; có 2.000 m dây điện bị đứt tại huyện Phú Lộc. Có 3 cột ăng ten của Bộ chỉ huy quân sự tại huyện A Lưới bị đổ gãy.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu gió bão số 11,  triều cường dâng cao trên 1,5m, sóng lớn tràn qua làm sạt lở vào 10m, rộng 4m, sâu 1,5m, đoạn qua thôn Thai Dương Hạ, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà.  Tại huyện miền núi Nam Đông một trong những địa phương gánh chịu hậu quả nặng do bão gây ra, người dân đang “gồng mình” khôi phục lại những diện tích rừng keo, cao su gãy đổ.

Đường về Hương Phong bị cô lập

Ông Nguyễn Văn Hóa, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện  Nam Đông cho biết, thống kê bước đầu tính đến trưa 15-10, toàn huyện có đến 160 ha cao su, trên 370,5 ha rừng keo, 10 ha sắn và 60 ha vườn bị gãy đổ có khả năng thiệt hại hoàn toàn. Có nhiều hộ trồng 2-3 ha cao su mới đưa vào khai thác, nợ vay trả chưa hết nay đã bị hư hại nặng. Ngay sau bão đi qua, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương tổ chức hướng dẫn người dân các biện pháp khắc phục hậu quả thiệt hại. Các lực lượng vũ trang trên địa bàn cũng đã ra quân dựng lại cây cao su, rừng đổ ngã cho bà con. Với những cây có thể khôi phục được thì hướng dẫn người dân dựng lại, còn bị hư hại hoàn toàn thì cưa làm gỗ, dọn dẹp để có thể trồng mới trong thời gian tới.

Ghi nhận đến trưa 15-10, trên địa bàn huyện có khoảng 62 nhà tốc mái nặng. Các lực lượng cũng đã ra quân khôi phục lại nhà tốc mái cho người dân sớm ổn định cuộc sống. Trước mắt, huyện chỉ đạo các cơ sở cung ứng tôn kịp thời cho người dân lợp lại nhà, tùy theo mức độ thiệt hại của từng nhà, huyện sẽ trích ngân sách phòng chống thiên tai hỗ trợ người dân. Điều lo ngại nhất đối với huyện lúc này là có trên 30 người dân đi rừng vẫn chưa về nhà. Huyện yêu cầu chính quyền các địa phương, cơ quan, ban ngành bằng mọi cách phải thông tin liên lạc với người dân để có biện pháp ứng cứu kịp thời. Ngành điện huyện cũng đang tập trung mọi nỗ lực khắc phục những sự cố, hư hỏng nhằm sớm phát điện trở lại phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn. Cây cối đổ ngã trên đường cũng được các lực lượng ra quân xử lý đảm bảo an toàn giao thông.

Trưa 15-10, Ông Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiệt hại ở huyện miền núi Nam Đông.

Sau khi kiểm tra, nắm tình hình thiệt hại, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, huyện khẩn trương triển khai khắc phục hậu quả sau bão. Những việc nào xét thấy quan trọng, cần thiết thì ưu tiên khắc phục trước nhằm sớm ổn định đời sống nhân dân, như điện, giao thông, nhà cửa. Các ban, ngành kiểm tra tình hình sạt lở bờ sông, những nơi nào bị sạt lở có nguy cơ đe dọa tính mạng và tài sản thì cần có biện pháp gia cố kịp thời. Chính quyền các địa phương chỉ đạo nhân dân tập trung rà soát, đánh giá cụ thể diện tích và mức độ thiệt hại cây cao su, rừng, sắn và hoa màu để có biện pháp khắc phục; nếu khó khăn về nhân lực, phương tiện khắc phục thì đề nghị tỉnh chỉ đạo tăng cường lực lượng vũ trang tỉnh hỗ trợ. Sở Nông nghiệp &PTNT tăng cường hỗ trợ nhân dân các biện pháp kỹ thuật khôi phục cao su.

M.N

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here