Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Thử tìm hiểu Văn học Phật giáo Huế: Kỳ II- Văn học...

Thử tìm hiểu Văn học Phật giáo Huế: Kỳ II- Văn học dân gian và văn học viết

108
0

I. Văn học bình dân
 
1) Truyền thuyết, cổ tích
 
“Cầu Trường Tiền soi bóng lung linh
Chuông Thiên Mụ vang sầu muôn kiếp”

(Về Cố  Đô, Văn Văn, tr5)

Nói đến Huế  là nói đến chiêc nôi lớn của ca dao, dân ca, hò  vè; chúng không chỉ mang đậm sắc thái của Huế  mà còn có âm hưởng của Phật giáo Huế.

“Đông Ba, Gia Hôi hai cầu
Ngó  vô Diệu Đế bốn lầu hai chuông
Đông Ba, Gia Hội hai lầu
Ngó  vô Diệu Đế trống lầu gác chuông”

Huế không chỉ  có như thế mà còn có câu đối:

“Vô trần bất đáo tam thiên giới
Hữu khách thâu lai bán nhật hàn”

Dịch:

“Không hạt bụi nào không đến ba ngàn thế giới
Có người khách trộm lánh đến chùa hưởng nữa ngày nhàn”.
(Trích số 110, Nhớ Huế)
 
2) Ca dao, hò, vè
 
Ca dao xứ Huế  đã vẽ lên phong cảnh thiên nhiên đầy thơ mộng nên thơ bao la xanh thẳm, bốn mùa ru đưa tuổi thơ vào cõi mộng, ấp ủ khát vọng tuổi trưởng thành và che chở như người bạn thủy chung trong những tháng năm gian nan. Bao thắng cảnh và địa danh nổi tiếng đi vào ca dao, gần gũi hôm sớm với tâm linh của người dân lao động.

“Vô chùa lạy Phật cầu chồng
Phật cười, Phật nói đàn ông hết rồi…”

(Nhớ Huế, nhiều tác giả, Nxb Trẻ, tr.160)

Chất trử tình hòa quyện giữa thiên nhiên và tình cảm con người trong những ngày tháng êm ả, gió mát trăng trong cũng như khí trời khắc nghiệt phong ba bão táp… Sống trong thiên nhiên hài hòa đổi thay, tính chất con người cũng được tôi luyện, những tưởng rằng tính cách ấy tương phản đối nghịch mà thực ra lại rất hài hòa, duyên dáng…

Rồi đến truyện kể dân gian giải thích các danh lam thắng cảnh, sông núi mộng mơ của Huế: Như núi Túy Vân, sự tích điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ và  chùa Diệu Đế.

Nói chung, Phật giáo trong văn học dân gian xứ Huế là một nguồn cảm hứng và sáng tạo thiên tài của những nét truyền thống của quê cha đất tổ. Đồng thời, nó là nguồn cảm hứng nuôi dưỡng tài năng sáng tạo của nhiều nhà văn, nhà thơ của dòng văn học viết.
 
II. Văn học viết

 
1) Các loại hình sáng tác và các loại hình Văn Học
 
Đến dòng văn học viết, có thể nói bắt đầu từ giữa thế kỷ 15 với áng văn nôm “Pháp giới cô hồn quốc ngữ văn” của vua Lê Thánh Tông. Tiếp theo là bài “Hành trình đến của biển Tử Dung” (Tư Hiền ngày nay).

Thế kỷ  17, Đào Duy Từ ca ngợi vẻ đẹp của biển Tử  Dung trong bài thơ “Tử Dung vãn”.

Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) với truyện thơ Nôm Sãi Vãi và tập thơ chữ Hán Đạm Am.

Thế kỷ  18, nhiều nhà thơ, nhà văn danh tiếng ở trong nước đã viết về Huế như Nguyễn Cư  Trinh (1716-1767), Nguyễn Du (1765-1820)…

Họ ca ngợi vẻ đẹp phong cảnh Huế, quan tâm đời sống đói khổ của dân xứ Huế vì ách quan lại cường hào. Nhưng không vì thế mà quên đi việc sáng tác các bài thơ, bài văn ca ngợi sự chân chất, giải thoát của Phật giáo, những khúc khải hoàn của Phật giáo trong đời sống thiên nhiên và đời sống tâm linh trong mỗi người dân Huế. Như Phan Bội Châu viết bài thơ với tiêu đề “Nhà Sư ăn rau” (tr.145 PBC tuyển tập, nxb Văn học, Thương Châu soạn).

TK 19, Cao Bá  Quát (1805-1855) làm nhiều bài thơ về Huế như  bài “Buổi sáng qua sông Hương” ngụ ý chí khí của mình.

Rồi đến các vua triều Nguyễn như vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự  Đức viết nhiều loại văn giáo huấn: “Thuật hoài, cảm tác…”.

Vua Tự Đức đã sáng tác rất nhiều bài thơ và đã xuất bản thành tập. (Vua Tự Đức đã làm 4000 bài thơ, 600 bài văn. Các tuyển tập của vua đã ra đời: Ngự chế thi tập, Cơ dư tự tinh thi tập, việt sử tổng vịnh tập…)

Những sáng tác của vua thể hiện tâm trạng bế tắc, mâu thuẩn của tác giả trước thời cuộc, cũng như mong muốn trở thành một ông vua giỏi, ra tay chấn chỉnh sơn hà.

Vào nữa TK 19, ở  Phú Xuân lại xuất gần như đồng thời Tam Khanh (Trọng Khanh, Thúc Khanh và Quý Khanh, ba nhà thơ  nữ người hoàng tộc, tr.19, tuyển tập văn thơ  Huế). Đây là ba nhà thơ nữ hoàng tộc thời bấy giờ.

Mặc dù cuộc sống của vua bận rộn với trăm công ngàn việc, chăm lo đời sống cho dân chúng, nhưng họ không bao giờ quên đi đời sống tinh thần, cho nên các vua quan không ngừng trùng tu, xây dựng các ngôi chùa ở những phong cảnh hữu tình, để rồi đời này đến đời khác ra đời các văn bia, bài thơ ca ngợi cảnh chùa và đời sống thanh bần, đạm bạc của sơn Tăng. Đồng thời ca ngợi nếp sống tu hành, giáo lý giải thoát của đạo Phật, và từ đây các loại hình văn học nữa ra đời ở Huế, đặc biệt trong Phật đó là chiếu, biểu và bia. Các văn bia này hầu hết có ở các chùa cổ của Huế. Nói về công lao của vua quan và lịch sử của một số danh tăng, lịch sử của một số ngôi chùa như chùa Thiên Mụ, chùa Diệu Đế, chùa Ba La Mật…

Bên cạnh dòng thơ  văn của các vua quan, văn nghệ sĩ thì những tác phẩm của các Thiền sư cũng ra đời dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng đặc sắc nhất vẫn là dòng thi kệ của truyền thừa như Tổ Liễu Quán (1667-1472) đã xuất dòng kệ 48 chữ:

Thiệt tế đại đạo
Tánh hải thanh trừng
Tâm nguyên quảng nhuận
Đức bổn thừ phong
Giới  định phước huệ
Thể  dụng viên dung
Vĩnh siêu trí quả
Mật khế thành công
Truyền trì diệu lý
Diễn xướng chánh tông
Hạnh giải tương ưng
Đạt ngộ chơn không.

Bài kệ này có nội dung bao hàm cái vi tế và diệu dụng nhất của thiền Tử Dung-Liễu Quán mà Tổ  muốn khai trị hoằng truyền ở xứ Đàng Trong. Về sau các đệ tử của Ngài vẫn có những vị dùng kệ để truyền tâm ấn như Ngài Tế Mẫn Tổ Huấn (Tổ Nhơn Hữ Bùi, tr.210).

Thiền sư Hương Hải (1628-1715) cũng đã để lại 38 bài thơ, 13 đoạn văn ngữ lục. nội dung chứa đựng thiền Lâm Tế của ngài (Lịch sử PG xứ Huế, tr.188). Đặc biệt có hai bài kệ mà Tổ đọc khi vua Dụ Tông đón Ngài về kinh, vua hỏi Ngài thế nào là ý của Phật, Ngài đáp:

“Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm”.

Ngoài ra còn có  rất nhiều vị cao tăng sáng tác rất nhiều bài thơ, bài kệ truyền pháp, bài văn… để lại cho đời nhiều nội dung phong phú nói về sở ngộ, về  đời sống đạm bạc tương chao của người thoát tục. Bên cạnh đó, cũng có những bài thơ, bài văn miêu tả phong cảnh thiên nhiên thuần hậu của xứ Huế, và có những vần kệ ca ngợi đức hạnh, trí tuệ của những vị thầy đắc pháp như bổn sư của Ngài Nhất Định là Ngài Phổ Tịnh phú pháp bài kệ:

Nhất  Định chiếu quang minh
Hư  không nguyệt mãn viên
Tổ  tổ truyền phú chúc
Đạo minh kế Tánh Thiên

Dịch:

Nhất Định rực rỡ thay
Hư không trăng tròn đầy
Tổ đạo truyền trao pháp
Đạo minh nối dõi đây

(Lịch sử PG Huế, tr.307)

Và gần  đây, thời cận hiện đại, xứ Huế sản sinh ra nhiều vị Tăng, vị Ni tài giỏi về nội lẫn ngoại điển. Những vị này đóng vai trò  rất lớn trong văn học PG Huế nói riêng và văn học PGVN nói chung, như giảng sư Mật Khế (1904-1035), Ngài Mật Thể (1912-1961), ngài Bích Phong (1901-1968), ngài Trí Thủ (1909-1984),…Ngoài những vị Tăng thì các vị Ni cũng có tài thơ văn không kém đã đóng góp cho thế hệ ngày nay những trang sách lịch lãm, giản đơn nhưng chứa chất hương vị đạo, vừa dí dỏm vừa thâm thúy như sư bà Thể Quán (1911-1982), Ni trưởng Thể Thanh (1923-1988), Ni trưởng Diệu Không (1905-1997), Ni sư Trí Hải (1938-2003)… Đồng thời có nhiều vị cư sĩ có công rất lơn trong việc góp phần xây dựng Phật giáo xứ Huế vững mạnh qua những trang sách như Bác sĩ Tâm Minh-Lê Đình Thám (1897-1969), Tôn Thất Tùng (1901-1974) (Bài phát nguyện, Lịch sử PG Huế, tr.666)…

Về văn bia thì có một lượng khá lớn, có thể gọi là nhất nhì trong nước. Tùy theo loại vă bia mà có những nội dung và vị trí lai lịch khác nhau. Văn bia nói về quá trình xây dựng chùa thì đặt ngay trong khuôn viên chùa. Văn bia tường thuật nói về hành trạng của Thiền sư thì đặt ở trước tháp mộ… Muốn nghiên cứu Phật giáo Huế, người ta không thể không đọc văn bia nhà chùa, nhưng văn bia này toàn bằng chữ Hán nên rất khó khăn cho việc nghiên cứu. Hiện nay chùa Diệu Đế còn lại một tấm văn bia khắc thơ văn của vua Thiệu Trị đặt trong bi đình xưa còn khá nguyên vẹn. Trong đó có bài “Trăng chở thuyền về”:

Dây mở quay chèo giả cảnh thiền
Trong thuyền còn vọng tiếng chuông xuyên
Đạo tâm vằng vặc soi vàng nguyệt
Pháp ngữ ngân nga quyện chiếu thiền
Hai chữ nhân duyên thong diệu giác
Ba nghìn thế giới khắp chiêu tuyên
Ngự  hà cập bến, câu hò dứt
Còn  được làn trăng động khắp thuyền.

(Tuyển tập văn bia chùa Huế, số 1,2; tr.19)

Rồi bài văn bia tưởng niệm công chúa thứ 13 ở chùa Đông Thuyền…

Nói chung, Huế  có rất nhiều bia ký được đặt tại các chùa như Thiên Mụ, Diệu Đế, Ba La Mật…

Tóm lại, qua văn bia chùa Huế chúng ta có thể thấy thấp thoáng bóng dáng lịch sử đương thời, không chỉ vì  tác giả là những người liên quan đến lịch sử  như chúa Nguyễn Phúc Chu, vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị,  hay Nguyễn Phúc Miên Trinh, Nguyễn Thượng Hiền mà chính nội dung văn bản cũng đề cập đến những nhân vật gắn bó với lịch sử.

Mặt khác, qua hành trạng của các Thiền sư, chúng ta thấy vị nào cũng có hàng chục đệ tử, hàng trăm tín đồ từ  vua quan cho đến thứ dân, và cũng từ đây cho ta biết văn hóa Phú Xuân in đậm nét văn hóa Phật giáo hơn cả Nho giáo. Nếu Nho giáo là đạo của giai cấp thống trị, thì Phật giáo là đạo của quần chúng nhân dân. Hơn nữa, bia đã, chuông đồng giúp ta có thể nghiên cứu nghệ thuật, mỹ  thuật Huế một cách toàn diện hơn (Văn bia chùa Huế, tr.67).
 
2) Nội dung sáng tác
 
Qua khảo sát những tác phẩm thuộc bộ phận văn học Phật giáo Thuận Hóa theo tiêu chí đã nêu, bước đầu chúng tôi nhận thấy bộ phận văn học này đã đề cập  đến các vẫn đề như sau:

– Dịch giải, chú thích Kinh, Luật, Luận

Ngài Minh Châu Hương Hải có đến 14 tác phẩm giải thích kinh luật như  giải kinh Pháp Hoa, kinh Di Đà, kinh Địa Tạng, luật Sa Di… Hòa thượng Mật Nguyện dịch kinh Giải Thâm Mật, luận Tân Duy Thức. Gần đây ngài Thiện Siêu, ngài Minh Châu cũng dịch rất nhiều sách về thể loại này.

– Thể hiện triết lý, tư tưởng nhân sinh vũ trụ Phật giáo

Đây là đề tài chủ yếu cho hoạt động truyền bá và nghiên cứu Phật giáo tại Huế. Chúng ta dễ dàng tìm thấy tư tưởng vô thường, vô ngã, từ bi hỷ xã của Phật giáo Huế bàng bạc trong những bài văn nghị luận của Tâm Ảnh Lục, của Mai Tâm Giám lục.

– Ca ngợi con người và thiên  nhiên Phật giáo Huế:

Chủ yếu của  đề tài này là thơ văn do tầng lớp trí thức thể hiện tình cảm của mình đối với cảnh đẹp chùa Huế. Bên cạnh đó, còn thể hiện thái độ tôn trọng, sùng mộ của mình trước đạo phong cao dày và đức hạnh thanh khiết của các vị chân tu. Bài Vọng Thiên Thai tự của Nguyễn Du ca ngợi cảnh đẹp chúa Thiền Tôn. Trong Diệu Không Thi tập lưu lại rất nhiều bài thơ tặng chư tôn Hòa thượng mà  tác giả kính tín.

– Tường thuật các sự kiện lịch sử Phật giáo Huế:

Chẳng hạn chương thứ nhất trong Hải ngoại kỷ sự mô tả  những Phật sự tại chùa Thiền Lâm; thời hiện đại thì sự kiện năm 1963 cũng được Hùng Khanh, Võ Đình Cường, Quốc Tuệ tường thuật lại.

– Thù tạc qua lại:

Nội dung này tập hợp những tư liệu của các thiền sư tro đổi với nhau hoặc với những thành phần xã hội khác nhau. Chẳng hạn, ngài Bích Phong hòa vận bài Thuật Hoài của  Ưng Bình Thúc Giạ Thị, bài Họa vần kính tặng Hòa thượng Châu Lâm của Giạ Sĩ Thiện Trí.
 
3) Các ấn phẩm Hội Đoàn Văn Học:
 
– Báo chí, sách vở, nguyệt san: Liên Hoa, Viên Âm, Liễu Quán, Hoằng Pháp (thế kỷ 20)

– Có các thi đàn: Mai Lâm thi đàn (TK 20) do Hòa thượng Thiện Trí  làm giám đàn thi xã Liên Trì (TK19).

Nhìn chung, diện mạo văn học Phật giáo Huế chỉ thực sự nổi bật từ thế kỷ 20 mà thôi. Sau khi hội An Nam Phật học ra đời, Phật giáo Huế được chấn hưng, nhờ đó mà văn học Phật giáo Huế có đà phát triển tốt. Bên cạnh đó, sự ra đời của Viên Âm và nguyệt san Liên Hoa đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào sáng tác văn học Phật giáo ở Huế. Đất nước thống nhất đã thổi luồng gió mới vào dòng văn học Phật giáo. Kể từ năm 1975 đến nay văn học Phật giáo Huế đã khẳng định rõ vai trò và vị trí của mình bằng rất nhiều tác phẩm đẩy đủ thể loại với nội dung vô cùng phong phú, trãi rộng trên nhiều lĩnh vực đời sống tôn giáo cũng như xã hội.

Nhìn lại dấu chân lịch sử đã để lại trong lòng người biết bao cảm xúc. Cảnh vật Huế như bức tranh thủy mặc, gợi nhớ những cảm hứng sâu đậm đối với quê hương.

Ba năm rồi đó Huế ta ơi
Trăm núi ngàn sông vẫn nhớ hoài
Hôm nay mây trắng giăng từng dãi
Chợt Huế bay về trong tim tôi.

(Huế, Huế ơi, tr.386, tuyển tập VH Huế)

Huế ẩn hiện như thật như ảo trong thời gian huyễn hóa, trong không gian lắng đọng. Với cảm thức dao động trần ai thì không bao giờ có những cảm hứng với hiện hữu xung quanh, dù nó rất thơ mộng.

Sông Hương chảy tràn qua bao thế hệ, núi soi mình suốt mấy ngàn năm, cứ thế con tạo xoay vần. Những mảnh đời nhỏ  bé vô hình như hạt sương vắt trên tàn lúa chưa rơi về nguồn cội mà đã tan thành hư  vô.

Huế  ngày xưa là Huế tuổi thơ
Hàng bè chiều tím ngã than dừa
Nắng nghiêng chiếc nón bài thơ mỏng
Nghiêng ngã hồn tôi xuống mộng mơ.

(Huế ơi, tr.387)

Có ai về  ngồi một mình bên dòng sông Hương hay ẩn mình dưới những am tranh, thảo cỏ nghe tiếng đời vi vút gọi hồn. Ngồi dưới ngôi cổ tự lúc hoàng hôn phủ xuống tiếng chuông ngân nga pha lẫn trong tiếng mõ câu kinh niệm Phật A Di Đà nhẹ nhàng đưa hồn viễn khách thiết lập thế giới tịnh độ nhân gian. Đâu đó, dưới ngọn nến lung linh, thấp thoáng hình ảnh Tổ  Đạt Ma quảy gót Tây quy trong Thiền phòng, thiền sinh đang hít thở hưởng niệm pháp lạc hòa cùng với cây cỏ. Tịnh-Thiền hòa lẫn, soi rõ cội tâm, xuyên suốt chiều sâu tâm thức:

Huế  đô đất Phật thâm sâu
Chùa thiêng Linh Mụ nghe câu kinh thiền
Hương Giang nước chảy muộn phiền
Chuông ngân Diệu Đế nỗi niềm nhẹ tan
Từ  Hiếu nắng trải hoa vàng
Từ  Đàm một thuở ngân vang sóng triều
Báo Quốc chùa cổ hoang liêu
Hạt vàng khuất núi sớm chiều nghe kinh
(Mái chùa xứ  Huế, tr.208, Bảo Cường)

Cái đẹp của Huế, cái đặc trưng của Huế và cái mầu nhiệm của Huế ẩn tàng trong con chữ, câu kinh chan hòa trong tiếng chuông chiều thu, thánh thót trong cái nắng mùa hạ, ẩn tàng trong cái lanh của mùa đông.

Đón đọc kỳ III: Đặc tính của văn học Phật giáo Huế

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here