Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Thử tìm hiểu Văn học Phật giáo Huế: Kỳ I- Dẫn nhập

Thử tìm hiểu Văn học Phật giáo Huế: Kỳ I- Dẫn nhập

140
0

Lối cũ rêu phong mờ kỷ niệm
Ngõ  về sương khói nhạt thời gian.

(Lối cũ –  Bảo Cường)

Vâng, Huế là  miền đất của đền đài, lăng tẩm; là miền  đất của thơ ca, văn học:

“Vần thơ ai rớt bên đường
Mai sau góp nhặt chút hương cho đời”

(Tuyển tập văn học Huế, tr7)

Ngoại ô  Huế với những tên gọi thân quen như :Nguyệt Biều, Kim Long, An Cựu, Vĩ Dạ… mơ màng sông núi  đượm tình, là nôi của trí thức, nghệ sĩ.  Đời này qua , đời khác đến vừa trồng cây lại vừa đọc sách. Người dân Huế nuôi dưỡng nếp sống văn hóa truyền thống, chắt lọc tinh hoa của con người giữa thiên nhiên vừa hiền hòa, vừa dữ dội. Khi cần thì tỏa ra dồn lên đầu súng mũi gươm xông xáo trận tiền cho còn mãi Huế của mình:

“Ơi Huế của ta
Ta có Huế tự hào
Sẻ  chia đắng cay”.

Lịch sử đặt lên vai Huế nhiệm vụ đứng đầu sóng ngọn gió  trên con đường dân tộc đi về Nam và thống nhất đất nước, song họ không bao giờ quên vun đắp về đời sống tâm linh:

“Gió mát chuông ngân tươi cổ thụ
Pháp mầu còn lại tại chơn không
Rừng cây lưu luyến lòng quân tử
Kính trọng tâm can sáng cõi lòng
Phật vua nước Việt tuyết tinh ròng”.

(Chùa Huế, tr60, Thanh Tùng).

Huế không chỉ  thiêng liêng vì đây là mảnh đất thần kinh cổ  kính mà Huế còn rất đẹp, đẹp về nguồn gốc, đẹp địa hình sông núi và đẹp cả con người. Đặc biệt Huế có một nền văn hóa Phật giáo thuần túy, sâu sắc đã ăn sâu vào tâm khảm người dân Huế. Chính vì thế chùa chiền Huế  đã đi vào thơ ca muôn thuở. Hẳn chúng ta từng nghe những lời ca trử tình duyên dáng về Huế  đẹp và về ngôi chùa Huế mến thương:

“Tôi có người em sông Hương núi Ngự, của lũy tre thôn Vỹ hiền từ, của kinh thành cổ xưa thật xưa. Buổi trưa em che nón lá, cá sông Hương liếc nhìn ngẫn ngơ, lũ chim Khuyên ngất ngây từ xa…” (Huế xưa)

“Quê hương tôi miền Trung
Sớm hôm chuông chùa nhẹ rung
Tiếng muôn đời hồn tổ tiên kiêu hùng
Ôi uy nghiêm bóng chùa Từ Đàm
Nơi yêu thương phát nguồn đạo vàng
Qua bao giông tố chùa Từ Đàm tôi vẫn còn”

(Từ Đàm quê  hương tôi – Nguyên Thông)

Và rồi khi xa Huế thì thao thức nỗi nhớ khôn nguôi

“Huế ơi! Không biết bây giờ; tiếng ca nào vương bên mạn thuyền, có ai chờ ai qua Tràng Tiền…”

Nhưng có lẽ  nhớ hơn, nhớ day dứt vẫn là hình bóng ngôi chùa và tiếng chuông đêm!

“Huế ơi ta nhớ muôn đời, bóng trăng hồ sen trong hoàng thành, tiếng chuông từng đêm Thiên Mụ buồn…”.

Huế vốn  đã thiêng liêng, thơ mộng nay có thêm hình bóng ngôi chùa, tiếng chuông đại hồng chung văng vẳng, Huế  lại càng thiêng liêng và mơ mộng hơn. Chừng ấy  đủ biết Phật giáo Huế đã đi sâu vào tâm khảm người dân Huế như thế nào rồi. Không đợi khi nói về tôn giáo người Huế mới nhắc  đến Phật giáo  mà ngay trong tình cảm thì  Phật giáo vẫn là cái gì đó thiêng liêng bất khả xâm phạm. Có thể làm chổ dựa lâu dài, chứng minh cho tình cảm sắt son của họ mà  ngôi chùa chính là biểu tượng tượng trưng.

“Sao nỡ đành quên Huế, đành lòng quên sao anh. Đò Kim Long vẫn đưa, dốc Nam Giao vẫn chờ chùa Thiên Mụ vẫn đợi, lời thề ai tha thiết hẹn về”. (Huế và Em)

Hay

“Bao giờ cạn nước Đồng Nai
Nát chùa Thiên Mụ mới sai lời thề”

Tiếng chuông chùa thả hồi từng ngày chính là chiếc cầu nối chốn cửa Thiền với đời sống dân gian.

“Tiếng chuông Thiên Mụ dặn dò
Em đi cảnh vắng hẹn hò cùng ai”

Phật giáo Huế  quả thật đã tạo nên nguồn cảm  hứng vô biên cho các văn nghệ sĩ và là  nguồn cảm xúc vô tận cho vô số người dân Huế.

Bước vào kỷ  nguyên công nghiệp hóa và hiện đại hóa, chắc chắn rằng Huế vẫn giữ được sự hài hòa. Vì lúc nào, con người muôn thuở dù có  lắm đổi thay cũng muốn sự trở lại sâu lắng để tư duy về cuộc đời. Thơ văn của hơn 6 thế kỷ qua để lại dấu ấn không ít nhiều cái chung, cái riêng cho đất này mai sau.

Lịch sử văn học Huế tạm thời chia làm hai giai đoạn (Điều này  được căn cứ qua cuốn “Tuyển tập thơ văn Huế – Bình Trị Thiên” của giáo sư Trần Thanh Đạm và giáo sư Hoàng Nhân, tr9, NXB.Tp. Hồ Chí Minh).

Giai đoạn thứ  I: từ TK 15 đến TK 19.

Giai đoạn thứ  II: từ TK 20 đến nay.

Với lực lượng sáng tác gồm những người dân Huế và người không phải ở Huế sáng tác về Huế  cũng như về Phật giáo Huế.

Văn học Huế, như  chúng ta đã biết bao gồm hơn 6 thế kỷ (từ  TK 15 đến nay) là văn học dân gian và văn học viết từ thời châu Ô, châu Lý thuộc nước Đại Việt và thời các chúa Nguyễn đến nay.

Đón đọc kỳ II: văn học dân gian và văn học viết

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here